Người đăng: phanlinh   Ngày: 02/12/2019   Lượt xem: 1195

Nghe quen không ạ? Rất nhiều bạn đã hỏi mình những câu hỏi như thế này. Bạn có biết rằng sau 1-2 năm đầu tiên của nghiệp freelancer, phần lớn các cây viết đều thất bại. Họ từ bỏ việc làm fulltime freelancer và quay trở lại văn phòng.

Bạn nên hiểu rằng làm fulltime freelancer cũng có nghĩa bạn là một nhà kinh doanh, bạn sẽ phải đối mặt với những thời kỳ đỉnh cao và cả thoái trào, phải tính toán để có những bước tiến đúng đắn. Và đó có lẽ là một trong các lý do khiến mình thích làm fulltime freelancer.

Em gửi bao nhiêu email hợp tác/xin việc mà không thấy phản hồi!

Vì vậy, nếu bạn mới chân ướt chân ráo làm freelancer, đừng vội nản chí hay thất vọng nếu bị từ chối hoặc một thời gian rồi không tìm được việc gì.

Trước hết, hãy nhìn lại bản thân và đánh giá xem mình đã làm ĐỦ chưa đã nhé!

1. Bạn chưa tìm và thử ĐỦ các cơ hội

Một trong các cách quan trọng để bạn có cơ hội có được những job đầu tiên là viết THƯỜNG XUYÊN hơn. Nhiều người phải viết và gửi khoảng 100-200 bài viết và lời mời chào thì họ mới có được các job viết thực sự tốt. Tất nhiên, cũng có những người vừa bắt đầu đã có việc ngay. Thật sự thì không có một con số cụ thể nào để nói rằng bạn phải gửi bao nhiêu lời mời cộng tác hay phải viết bao nhiêu bài rồi mới tìm được việc. Nhưng nếu gửi 10-20 lần mà chưa được, hãy gửi thêm những lời mời khác. Có một nguyên tắc tốt là hãy giới thiệu và gửi các lời mời hợp tác liên tục 10 lần trong 10 ngày (bằng cách post lên các group việc làm, website cá nhân, social media posts hay là gửi thư trực tiếp tới các thương hiệu/doanh nghiệp để đề nghị hợp tác...), bạn sẽ thấy các cơ hội tìm tới mình.

2. Bạn không ĐỦ sẵn sàng

Bản thân mình cũng có những bạn CTV để giúp mình phát triển một số blog. Luôn có rất nhiều người muốn và nhận mình là freelancer nhưng khi liên hệ và làm việc lại rất lâu la và không tập trung. Thường mình sẽ không thuê những bạn như vậy.

Bởi vậy, các thương hiệu và doanh nghiệp họ cũng cần một người viết đáng tin cậy và sẵn sàng. Không có nghĩa là bạn phải ở cạnh họ hay túc trực 24/24 nhưng hãy nhanh chóng phản hồi họ, ít nhất là email trong không quá 48 giờ.

3. Bạn không ĐỦ linh hoạt

Khi làm freelancer rồi, bạn sẽ phải cởi mở để mở rộng network và dịch vụ của mình. Đừng đóng khung mình chỉ viết về cái này hoặc viết định dạng này vì như vậy sẽ rất khó để tìm được khách hàng phù hợp. Hãy thử những việc mới khác, trong khả năng có thể. Điều này cũng mang lại cho bạn nhiều cơ hội hơn.

4. Bạn đàm phán không ĐỦ

Thực tế là chúng ta có thể dễ dàng tìm việc nhưng không phải việc nào cũng được trả thù lao xứng đáng.

Tuy nhiên bạn có thể cải thiện được điều này nếu kiên quyết trong khi đàm phán thù lao. "Ôi mức phí này quá cao so với ngân sách của bọn chị, chị chỉ trả được 1 nửa thôi em có đồng ý không?". Quên những gì họ nói đi và hãy trả lời chuyên nghiệp "Cảm ơn chị đã cho em biết, nhưng mức thù lao em nhận cho công việc này là (x). Nếu chị thực sự cần một người viết chuyên nghiệp và tử tế, hoặc nếu chị có thêm ngân sách thì liên hệ với em nhé".

Hãy làm chủ chứ đừng để ai làm chủ mình. Bạn hãy làm công việc xứng đáng với mình và biết vị trí của mình ở đâu. Lần duy nhất mình chấp nhận viết với một mức thấp hơn rất nhiều là khi mình biết nó sẽ mang lại cho mình lợi ích khác (như là mở rộng thêm mối quan hệ và tiềm năng để có thêm nhiều việc làm khác).

Tóm lại, nếu muốn theo nghiệp freelancer, cũng như nhiều công việc khác, bạn phải dành đủ thời gian và công sức cho nó.

Hãy tự liệt kê ra những nhiệm vụ cần làm:

  • Tập hợp các bài viết mẫu
  • Gửi thư mời hay giới thiệu dịch vụ ít nhất 2 ngày 1 lần liên tục trong 10 ngày
  • Theo dõi những freelancer khác xem họ đang làm gì
  • Tìm 4-5 group hay thương hiệu để gửi thư chào
  • Tự hoàn thiện portfolio của mình

Hi vọng những chia sẻ ở trên sẽ mang tới cho các bạn động lực để hành động. Mình luôn muốn giúp các bạn có thêm định hướng và thông tin để thành công và tìm được công việc phù hợp với mỗi người.

(Phan Linh)

(1 ratings)

Tags: phản hồi, hợp tác, email marketing, email