Người đăng: Thu Trang   Ngày: 29/09/2021   Lượt xem: 3095

Chào các bạn, mình là Trang, 25 tuổi, hiện đang là Freelance Writer, Travel Blogger, Content Creator ở một góc nhỏ Hà thành – 9X được báo chí nhắc đến với cụm từ “cô gái 27 tuổi làm 10 công việc cùng lúc”.

Dòng đời xô đẩy, tuổi tác thì càng ngày càng lên, tên tuổi thì cũng được một số ít người biết đến. 8 năm rời thành phố Cảng đầy nắng và gió để đến với Thủ đô bông lệ cũng gió và nắng không kém, có rất nhiều thứ đã thay đổi trong đời mình, nổi bật nhất chắc là cân nặng và thu nhập.

Chuyện cân nặng là một bản nhạc buồn, giờ ai remix thì nó cũng chẳng thể lên luôn vì quá nà buồn rồi í, nên mình xin phép “Chỉ là em giấu đi” – Bích Phương.

**Còn về hành trình làm Freelance Writer của mình, xin được mạnh dạn chia sẻ lại với các bạn trẻ một số công việc mình đã làm: **

1. Cộng tác viên báo chí

Tính ra mình bắt đầu viết báo từ lớp Ba, theo đến lớp Tám thì dừng lại, rồi sau đó lên Đại học thì kiên trì theo đuổi công việc cộng tác viên báo chí đến tận bây giờ.

Công việc của mình là viết các bài báo về đời sống của giới trẻ, những bạn trẻ nổi tiếng trên mạng xã hội, gặp gỡ và phỏng vấn những người khởi nghiệp thành công, đưa tin về một số chương trình truyền hình, thậm chí là “xào” lại một số tin nóng hổi vừa xuất hiện trên các diễn đàn, nhóm cộng đồng,…

Ngoài mảng này thì mấy năm qua mình còn bội thực “cẩu lương” vì gắn bó với công việc tìm kiếm và viết chuyện về những cặp đôi yêu nhau, phỏng vấn và chia sẻ chuyện tình cảm của họ lên báo chí để người đọc tin tưởng hơn vào tình yêu (dù thật ra là mình chưa yêu đương bao giờ mà cũng chẳng tin đàn ông cho lắm).

Đó là những mảng báo chí mình lựa chọn, còn bạn có thể theo đuổi rất nhiều mảng khác như: đưa tin về các sự kiện, thời sự hằng ngày, làm ở mục thể thao, xã hội, kinh tế, khoa học, văn hóa - nghệ thuật, giới showbiz,…

Một bài viết thường có giá dao động từ 60.000 đồng đến 250.000 đồng, với số lượng chữ từ 400 chữ đến 1.500 chữ. Mình kiên trì và làm đều đặn công việc cộng tác viên báo chí này kể từ năm nhất Đại học, khi tự đi tìm kiếm các cơ hội ở nhiều trang tin điện tử.

Tức là mình viết rất nhiều, cộng tác với nhiều tòa soạn, trang tin điện tử cùng một lúc.Vì mình học chuyên ngành Báo mạng điện tử nên đây cũng coi như một cách thực tập sớm.

2. Biên kịch

Biên kịch là người nghĩ ra ý tưởng rồi viết thành kịch bản, xây dựng nhân vật, tình huống, viết lời thoại,… Đây là khâu đầu tiên trong một ekip sản xuất phim điện ảnh, chương trình truyền hình, sân khấu hoặc các video quảng cáo bạn thường thấy trên Youtube. Phải có biên kịch bắt tay vào làm ý tưởng thì mới ra được sản phẩm phục vụ người xem.

Mình đến với công việc này rất tình cờ, đó là nhờ tham gia đội Kịch của trường Đại học. Trước đó, như đã kể với các bạn, mình cũng từng tự viết kịch bản để tham gia các cuộc thi cấp trường, cấp thành phố và cũng đạt nhiều giải cao, thậm chí, kịch bản còn được in thành sách, nhưng chưa bao giờ mình được đào tạo để trở thành một biên kịch.

Làm biên kịch là đam mê của mình, ấy vậy mà đam mê này lại “đẻ” ra tiền. Nghề viết lách tự do nói chung hay nghề biên kịch nói riêng đều là “làm dâu trăm họ”, trăm khách hàng thì một ngàn ý kiến, quan điểm, thái độ, tư duy khác nhau, khó lòng mà chiều chuộng được hết.

Mình không đánh khách hàng bao giờ (chỉ chửi “nhẹ” thôi), nhưng mình luôn cố gắng bảo vệ ý tưởng, kịch bản của mình cho đến khi họ chỉ ra được những lỗi chưa ổn. Dù cũng khá căng não vì liên tục phải sáng tạo điều mới mẻ, nhưng thu nhập nghề này mang lại cũng đáng mong đợi.

Thời sinh viên, chúng mình làm miễn phí, tụ họp với nhau hai, ba buổi là đã ra một kịch bản sân khấu khiến hơn một ngàn khán giả cười nghiêng ngả đổ rạp, trở thành “đặc sản trường Báo”, “món ăn tinh thần” nhiều người mong ngóng trong các sự kiện.

Thời nay, mình vẫn đam mê, nhưng không làm miễn phí. Mỗi kịch bản mình viết có thể nhận được từ 2.500.000 đồng đến 10.000.000 đồng, tùy theo mức độ, thời lượng, thể loại. Thời gian để hoàn thành một kịch bản có khi chỉ một, hai tiếng, có khi lại mất đến vài ngày, vài tuần, tùy mức độ “kéo cưa lừa xẻ” thay cái này, đổi cái kia giữa mình và khách hàng.

3. Sáng tạo nội dung (Content Creator)

Mình được trả tiền để viết những điều “xàm xí” lên mạng xã hội. Đó là sự thật! Khách hàng dạo quanh Facebook của mình, đọc thông tin và cách viết lách của mình, họ ấn tượng với văn phong độc đáo, hài hước, có đôi phần tục tĩu này và họ quyết định nhảy vào “tin nhắn đang chờ” để tạo công ăn việc làm cho mình.

Và thế là mình bắt đầu công việc sáng tạo nội dung bằng những content hài hước như thế đấy. Mình sẽ được trả từ 700.000 đồng cho đến 5.000.000 đồng để kể một câu chuyện “xàm xí” nào đó, miễn là đoạn kết hoặc trong suốt bài viết có lồng ghép sản phẩm, thương hiệu của họ.

Người ta sẽ mua đứt các bài viết này rồi đăng lên các nhóm cộng đồng có đông người xem, hoặc chạy quảng cáo trên fanpage công ty họ. Từ đấy trở đi, mỗi khi Hương Xinh nhà mình hỏi: “Sao mày cứ viết mấy thứ xằng xiên lên Facebook thế hả con?”, mình mới dám mạnh dạn mở tài khoản ngân hàng ra cho mẹ xem, rằng những thứ mình viết vô thưởng vô phạt ấy cũng có thể hóa thành cơm, thành thịt, thành trà sen vàng Highland 50% đá, 100% đường,…

Nghề Content Creator (Sáng tạo nội dung) có rất nhiều hình thức: viết chữ (content), hình ảnh (design), video, audio… Chẳng có một giới hạn hay khuôn khổ nào cho việc sáng tạo, miễn sao khi có ai đó nhìn thấy, họ sẽ trầm trồ thích thú (hoặc họ chửi sml tạo ý kiến trái chiều) và tương tác với sản phẩm sáng tạo của bạn, vậy là thành công.

(Còn tiếp vì ở đây mình mới kể được có 3 nghề…)

-Bài viết được trích dẫn từ nội dung cuốn sách “Tài lẻ đẻ ra tiền” của Trang. Cảm ơn tác giả đã cho phép mình sử dụng thông tin.-

(Theo Fb Nguyễn Thùy Trang)

(13 ratings)

Tags: hành trình, Freelance Writer, tay mơ, muôn nghề