Người đăng: phanlinh   Ngày: 24/09/2019   Lượt xem: 1652
Bạn có từng đặt câu hỏi là Tagline là gì? Tagline dùng thế nào...? Nay mình có hẹn một vài bạn chia sẻ thêm về tagline, cách đặt tagline, một số nghiên cứu xoay quanh tagline mà chưa có lúc nào viết được. Hôm nay rảnh hơn mình xin viết về vấn đề này một cách rõ ràng hơn.

Tagline là gì?

Theo định nghĩa của Alina Wheeler thì tagline là "một câu/dòng với cụm từ ngắn gọn nhấn mạnh bản chất, tính cách, định vị thương hiệu cho một công ty/sản phẩm/chiến dịch và giúp người ta phân biệt được với những đối thủ cạnh tranh".
Đôi khi người ta sử dụng tagline như slogan và ngược lại nhưng thực ra ý nghĩa thì khác nhau. Slogan xuyên suốt và không thay đổi trong qúa trình từ khi thương hiệu hình thành (mang tính chiến lược).
Còn tagline thì:
  • Tagline có thể đại diện cho một thương hiệu.
  • Tagline cũng có thể đại diện cho một sản phẩm hoặc chiến dịch quảng cáo cụ thể, trong một thời gian nhất định.
Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều nhầm lẫn giữa tagline và slogan. Nhiều người cho rằng tagline là slogan, nhiều người cho rằng slogan chính là tagline. Sự nhầm lẫn này đôi khi gây ra khó khăn trong nhận thức của công chúng. Mình không bàn sâu hay muốn thảo luận về khái niệm tagline/slogan nhiều.
Đôi điều cần bàn và hiểu về Tagline?
Ai cũng nghĩ slogan của Apple là "Think Different", nhưng thực ra nó là tagline cho một chiến dịch. Sau khi nó ra đời và trở nên quá phổ biến khi người ta nhắc tới Apple, nó nghiễm nhiên được coi là slogan.
Nếu để ý, bạn cũng sẽ thấy rằng hiện tại Apple sử dụng rất nhiều tagline khác nhau cho các dòng sản phẩm khác nhau của họ:
  • Macbook Pro: "A touch of genius"
  • Airpods: "Wireless. Effortless. Magical."
  • iPad: "Like a Computer. Unlike any computer"

Vậy để tagline trở nên hiệu quả và tuyệt vời thì cần cái gì?

Nói chung có rất nhiều lý thuyết đã được đưa ra về chuyện tagline như nào là hay ho. Ví dụ như nó cần bắt tai, cần ngắn gọn, vần điệu, gắn bó với thương hiệu...
Năm 2014, một số nhà nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Texas và Đại học Georgia đã phát hiện ra một số hiểu biết thú vị liên quan tới chuyện vì sao người ta yêu thích 1 cái tagline.
Cụ thể, họ thấy các thương hiệu thì thường tập trung vào các yếu tố này khi sáng tạo tagline:
  • Dễ nhớ
  • Được yêu thích
  • Liên quan tới thương hiệu
Và để thực sự tìm ra các nhân tố ảnh hưởng, họ xác định 14 đặc điểm liên quan tới trí tuệ con người, sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả của tagline như là việc gieo vần, độ dài, sự nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện truyền thông... Họ cho người tham gia nghiên cứu chỉ ra lý do vì sao họ thích 150 taglines được đề xuất, sau đó chọn ra những lý do phổ biến nhất để xác định điểm chung.
Và họ tìm ra một điều thú vị là những tagline được yêu thích nhất lại không phải là tagline được nhớ đến nhiều nhất.
Một số tagline được yêu thích nhất:
  • M&M’s: Melts in your mouth, not in your hand.
  • U.S. Marine Corps: The few, the proud, the marines.
  • Las Vegas: What happens in Vegas, stays in Vegas.
  • Disneyland: The happiest place on the earth.
  • Cover Girl: Easy breezy beautiful Cover Girl.
  • Subway: Eat fresh.
  • Red Bull: Red Bull gives you wings.
  • Taco Bell: Think outside the bun.
  • California Milk Processor Board: Got milk?
  • AutoZone: Get in the Zone.
Một số tagline được nhớ đến nhiều nhất:
  • Nike: Just do it!
  • McDonald’s: I’m lovin’ it.
  • Burger King: Have it your way.
  • M&M’s: Melts in your mouth, not in your hand.
  • California Milk Processor Board: Got milk?
  • Subway: Eat fresh.
  • Campbell’s Soup: Mmmm-mmm good!
  • Allstate: You’re in good hands with Allstate.
  • Taco Bell: Think outside the bun.
  • BMW: The ultimate driving machine.
Mọi người có thể nhớ 1 tagline vì nó xuất hiện qúa nhiều trong đời sống của họ, nhưng không có nghĩa là họ sẽ thích nó. Đại khái là hay nhưng chưa chắc đã nhớ và nhớ nhưng chưa chắc đã thích.
Kết luận, họ tìm ra 3 điều thực sự có ảnh hưởng tơi 1 tagline hay và hiệu quả đó là:
1. Sự rõ ràng của thông điệp
2. Sáng tạo trong cách dùng từ
3. Có nhắc tới lợi ích cụ thể trong đó
Điều này có nghĩa là gì. Bạn chẳng cần phải lớn mạnh như Nike hay Apple mới có tagline hay. Thương hiệu lớn hay nhỏ không quan trọng. Nếu bạn có truyền thông rõ ràng, sáng tạo và mang lại lợi ích - bạn hoàn toàn có thể kết nối với những ai bạn đang cố gắng tiếp cận.
P/s: Mình chia sẻ thêm một ví dụ thực tế. Gần đây mình có nhận tư vấn về Marketing & Truyền thông cho một sản phẩm là Thực phẩm chức năng dành cho chị em phụ nữ. Vì tham gia khi mọi thứ liên quan tới sản phẩm đã xong (coi như sự đã rồi) nên không can thiệp được nhiều nữa, nhưng vẫn có hạng mục liên quan tới viết lại tagline cho sản phẩm. Tagline cũ của nó là "Viên uống thảo dược 3 trong 1".
Nếu dùng hệ quy chiếu 3 yếu tố tạo ra tagline hay ở trên, thì mình cho rằng tagline này hoàn toàn thất bại: không có thông điệp rõ ràng, không có lợi ích cụ thể, và sáng tạo trong cách dùng từ cũng không. Sau một thời gian nghiên cứu và trao đổi, mình đề xuất tagline mới cho nó là "Khỏe Đẹp từ Gốc", cải thiện được 2 trong số 3 yếu tố nói trên, trừ yếu tố "sáng tạo" thì vẫn còn thực sự mờ nhạt nhưng ít nhất nó là lựa chọn tốt nhất trong số các tagline có thể chọn (và so với các tagline của đối thủ cạnh tranh cũng đã ngắn gọn, dễ nhớ, khác biệt hơn). Nói chung là chúng ta sẽ cần một quá trình tìm tòi, nghiên cứu và rất nhiều sự tập trung, nghiêm túc trong quá trình sáng tạo tagline.
Phần sau mình sẽ chia sẻ về những nhân tố quan trọng trong quá trình chúng ta tư duy, sáng tạo ra một tagline.
(Theo Linh Phan)
(1 ratings)

Tags: cần hiểu, tagline