Người đăng: lanchi   Ngày: 29/04/2020   Lượt xem: 1158

Hôm trước, mình dành khá nhiều thời gian để đọc toàn bộ bài viết của các bạn/anh/chị tham gia THỬ THÁCH 7 NGÀY VIẾT SÁNG TẠO. Có những bài viết làm mình thán phục, ngỡ ngàng, và xúc động đến mức tự thốt lên trong lòng “Can đảm quá!” Không phải vì họ tự xưng mình là anh hùng trong câu chuyện, mà bởi vì câu chữ của họ quá đỗi chân thật và chân thành khiến họ trở thành anh hùng trong lòng mình. Phải, không phải ai cũng đủ can đảm để đối diện với chính mình, để nhìn sâu vào những nỗi đau, nỗi sợ, nỗi bất an,..., để cởi bỏ những lớp áo giáp và phơi trái tim mình trần trụi lên trang viết. Kể cả mình. Bên trong chúng ta tồn tại quá nhiều nỗi sợ, và hôm nay mình muốn tâm sự một chút về nỗi sợ trong viết lách.

Từ trước đến nay nỗi sợ lớn nhất về viết lách của mình đó là “bị” người khác đọc câu chữ của mình. Hồi còn là học sinh, mỗi lần nhận được bài kiểm tra tập làm văn từ tay cô giáo, mình sẽ nhanh chóng giấu nhẹm nó đi, cho dù bài viết đạt điểm rất cao. Thậm chí có nhiều lần mình xin phép và năn nỉ cô đừng đọc bài viết của mình lên. Hồi còn là sinh viên Báo chí, mình sợ nhất là làm bài tập nhóm, vì lúc đó bạn bè sẽ đọc được bài viết của mình. Đến khi đi làm, mình chưa bao giờ chia sẻ một sản phẩm nào rộng rãi cho người khác. Mình cảm thấy mạng xã hội là một nơi đáng sợ, mình thích một cuộc sống trầm lặng và không có nhu cầu kết nối ảo. Thật kỳ lạ khi một người có lắm nỗi sợ về viết lách như thế lại mong muốn theo đuổi con đường viết lách. Và thật bất ngờ khi một đứa chưa từng có nhu cầu chia sẻ một câu chữ nào lại lên đây chia sẻ mỗi tuần, đều đặn, với cả ngàn người…

Đến đây, có lẽ bạn sẽ hỏi liệu mình đã vượt qua nỗi sợ đó như thế nào.

Thật ra mình chưa bao giờ vượt qua nỗi sợ đó, mình chỉ đang cố gắng “làm bạn” với nó.

Và mình phải công nhận rằng đó là một hành trình không mấy dễ dàng.

Trước tiên, mình phải nhận diện nỗi sợ, chấp nhận nỗi sợ. Nỗi sợ thường được ngụy trang bởi sự tự cao, bởi nỗi mặc cảm, bởi những cơn nóng giận,... Vậy nên, điều quan trọng là mình phải biết mình đang sợ. Phải, mình đang sợ mình viết không hay chứ không phải mình lười chia sẻ. Phải, mình sợ phải bắt tay vào viết một thứ mình chưa đủ giỏi chứ không phải mình thích trì hoãn. Phải, mình sợ bạn bè phán xét mình chứ không phải mình không tin tưởng họ. Chỉ khi biết rằng bên trong mình đang có hạt giống sợ hãi, mình mới có thể ngừng tưới tẩm cho nó bằng những lời nói tiêu cực, bằng sự trì hoãn, bằng cách làm tổn thương người khác...

Thứ hai, mình phải hiểu rằng nỗi sợ không phải là mình. Mình tách rời với nỗi sợ để quan sát nó. Mình sợ mình viết không hay không có nghĩa là mình không có khả năng viết hay. Mình sợ người khác chê bai câu chữ của mình không có nghĩa mình không thể viết ra những câu chữ có giá trị. Nỗi sợ không phải là mình, nó có thể là một người bạn ghé thăm mình thường xuyên như bao người bạn “yêu thương”, “biết ơn”, “giận dữ”, “thất vọng”,... khác.

Theo sau đó, mình mời nỗi sợ vào “nhà”, là nơi tâm mình trú ngụ, nơi sâu thẳm nhất và cũng đáng sợ nhất- để trò chuyện với “bạn”. Càng trò chuyện với nỗi sợ, mình càng vỡ ra nhiều điều. Tại sao mình lại sợ chia sẻ bài viết của mình đến thế? Vì mình sợ người khác phán xét. Tại sao mình lại sợ bị người khác phán xét đến thế? Có thể là vì mình cảm thấy bản thân chưa đủ tốt. Tại sao mình lại cảm thấy bản thân chưa đủ tốt? Có lẽ vì mình đã được “tiêm” vào đầu suy nghĩ đó từ bé. Hoặc là vì bản ngã của mình lấn át và nói rằng mình phải luôn là một người giỏi giang nào đó, không được thua kém ai đó,... mới có quyền chia sẻ. Chấp nhận, nhìn sâu, trò chuyện, chấp nhận,... chính nó đã là một trải nghiệm vượt thoát khỏi nỗi sợ mới có thể làm được.

Nói như vậy không có nghĩa là mình không còn sợ nữa. Mình vẫn sợ lắm. Thậm chí mình biết trong group này có nhiều bạn bè của mình và mỗi ngày mình đều đấu tranh với việc chia sẻ những câu chữ này với họ. Nhưng mình vẫn làm bạn với nỗi sợ mỗi ngày, mình chấp nhận nó, mình không chối bỏ hay miệt thì nó, thì dần dần nó ghé thăm mình ít hơn, ít hơn, ít hơn nữa... Đặc biệt là sau khi viết xong bài này mình thấy bớt sợ đi rất nhiều. Chẳng những thế, khi khu vườn bên trong mình bớt đi nỗi sợ, mình mới thấy những hạt giống khác đang vươn mình trỗi dậy. Đó có thể là hạt giống biết ơn. Biết ơn các thành viên của group mỗi ngày vẫn đọc bài viết của mình, vẫn động viên mình, và cho mình biết bài viết của mình có giá trị. Biết ơn vì một người chị (là chị Linh đó :D) vẫn luôn đốc thúc, cổ vũ mình phải viết, phải dũng cảm, phải chia sẻ. Biết ơn vì nhờ viết cho nhiều người đọc mà mình biết mình còn nhiều thiếu sót cần được cải thiện. Đó cũng có thể là hạt giống của tình yêu. Bậc thầy tâm linh OSHO từng nói rằng “When there is love, fear simply does not exist.” (Tạm dịch: Ở đâu có tình yêu, ở đó nỗi sợ đơn giản là không tồn tại.”) Thật vậy, khi mình quá sợ viết, mình không thể nào mà yêu viết nữa. Ngược lại, nếu mình đủ yêu viết, thì nỗi sợ cũng tự nhiên biến mất.

Điều cuối cùng, mình chỉ muốn nói rằng, nỗi sợ là một phần tất yếu bên trong mỗi người, và nằm sâu dưới lớp tiềm thức của ta. Mỗi ngày chúng ta vẫn sợ già, sợ xấu, sợ bệnh, sợ chết, ngay cả yêu cũng vẫn sợ. Không sao cả. Ta không cần phải chối bỏ, phớt lờ hay oán trách nó, thay vào đó hãy nhận diện, chấp nhận và trò chuyện với nó, đến một lúc nào đó bạn sẽ được giải thoát khỏi nó. Đó là lúc bạn được tự do, và câu chữ của bạn cũng thế...

P/S: Mọi người cùng vào tâm sự về nỗi sợ viết lách với mình nhé. <3 Chúng ta sẽ cùng nhau “làm bạn” với nó, mời nó đến rồi mời nó đi, hehe.

(Lan Chi)

(6 ratings)

Tags: writer, viết lách