Người đăng: lanchi   Ngày: 30/01/2020   Lượt xem: 1146

Khởi đầu năm mới, mọi người đã đặt ra mục tiêu gì dành riêng cho viết lách chưa? Còn riêng mình, mục tiêu sẽ là quan sát nhiều và sâu hơn. Lý do tại sao thì mình sẽ giải thích trong bài viết này. Hôm trước mình có chia sẻ về kỹ thuật “Tả, đừng kể” trong viết lách, giúp cho bài viết của bạn sinh động và cuốn hút hơn. Nhưng trước khi thực hành được kỹ năng đó, bạn phải luyện tập một kỹ năng khác rất thường xuyên và có ý thức, đó là quan sát.

1. Quan sát tức là đang Sống

Sự sống chung quanh ta và của cả chính ta là một dòng nước không ngừng chảy trôi. Mỗi khoảnh khắc đã trôi qua là vĩnh viễn ra đi. Và trong mỗi khoảnh khắc đó có ngàn vạn điều tiếp diễn trong ta lẫn ngoài ta. Vậy liệu ta sẽ chọn nhắm mắt xuôi dòng hay quan sát dòng nước ấy? Tất nhiên, để sống trọn vẹn, mình sẽ chọn quan sát sự sống. Và mình yêu viết bởi nó chính là một hình thức quan sát và tái hiện sự sống. Nó không chỉ cho ta được sống một lần, mà rất nhiều lần, không chỉ sống cuộc đời của một người, mà rất nhiều người. Hôm trước khi chia sẻ về kỹ thuật “Tả, đừng kể”, có bạn nói rằng thích văn phong cô Nguyễn Ngọc Tư vì cô ấy vận dụng kỹ thuật này rất tốt. Mình đồng ý, văn Nguyễn Ngọc Tư rất đời, và cái đời ấy mình tin rằng đến từ sự quan sát hết sức tinh tế và kỹ lưỡng chứ không phải tự nhiên mà có. Và không riêng gì văn của cô Tư, tất cả những bài viết hay bộ phim hay đều khiến ta giật mình ở những chi tiết vô cùng nhỏ và đời, vì viết lách nói chung và văn học nói riêng sẽ không bao giờ chạm đến lòng người nếu nó xa rời đời sống thực.

Lại kể về câu chuyện lớp Creative Writing của mình, hồi đó mỗi ngày đi học tụi mình đều phải trả bài cho cô. Bài tập đơn giản thôi, đó là trả lời câu hỏi: “Quan sát đặc biệt nhất của em trong tuần qua là gì?” Thế là vì cái áp lực phải trả bài mà mình bắt đầu có thói quen quan sát. Và chỉ sau một tuần luyện tập, mình nhận ra những điều kỳ diệu nhất lại xảy ra ở những thứ đời thường nhất mà đôi khi chúng ta phớt lờ. Để mình kể cho mọi người một ví dụ. Hồi đó mình sống ở Bắc Âu, bầu trời mùa đông lúc nào cũng trắng xóa một màu, đôi khi còn tuyết rơi ngập trời. Phòng ngủ của mình nằm ở tầng cao nhất của ký túc xá, toàn bộ chăn ga gối đệm đều màu trắng và hướng ra cửa sổ, thậm chí tường cũng trắng nốt. Thế là hôm mình thức giấc, mở mắt thấy chung quanh bao phủ bởi một màu trắng, còn mình thì đang nằm trên cao, cảm giác dưới lưng vừa êm ái vừa se lạnh. Thế là trong phút mơ màng, mình tưởng như đang nằm trên mây mọi người ạ. Và thế là từ nay có thêm một kiểu so sánh hay ho rồi. Câu trả lời để trả bài này của mình khiến cô giáo vô cùng thích thú và hài lòng. Bởi nó chứng tỏ mình đã có ý thức quan sát kể từ lúc mở mắt. Nhiều khi mình nghĩ quan sát cũng như thiền tập, đều là sống trong khoảnh khắc hiện tại, và đều cho ta cảm giác hiện diện trong đời sống thật.

2. Không chỉ Quan sát, hãy Quan sát sâu

Lại là một câu chuyện đi học khác:D. Trong một lớp Kể chuyện sáng tạo mình học ở Việt Nam, khi học đến môn vẽ kể chuyện, thầy có cho mình thực hành một bài tập như thế này. Thầy đặt trước mặt tụi mình một bình hoa vô cùng bình thường, và tụi mình phải vẽ nó 5 lần, trong đó lần một vẽ bằng chì, lần hai vẽ bằng chì màu, lần ba vẽ bằng màu nước, lần bốn vẽ bằng tay trái, và lần năm là nhắm mắt lại để vẽ. Thật ra mục đích của bài tập này không phải để tụi mình tập vẽ hoa, hay tập thực hành với nhiều dụng cụ mỹ thuật hay kỹ thuật vẽ hơn, mà mục đích cuối cùng là để quan sát sâu hơn. Thầy mình chia sẻ đây chính là quy trình của sáng tạo. Khi bạn quan sát một thứ đủ nhiều và đủ sâu đến mức nhắm mắt lại mà vẫn tái hiện cái hồn của nó thì đó đích thực là sáng tạo.

“Hội họa Đông phương, vì quan trọng phần hồn, nên vẽ hoa không cần giống hoa, quan trọng là nói lên cái hồn của hoa mà một loại trực giác hoặc một tầng ý thức khác của mình nhận ra. Một cái hồn chỉ có thể được nhìn thấy bởi một cái hồn khác. Về sau, người học vẽ, vì vẽ hoa không cần giống hoa nên bỏ không nhìn hoa nữa, mà nhìn các bức vẽ hoa của các bậc thầy mà vẽ theo, thật giống hoặc làm khác đi một chút. Sau nhiều đời, rất nhiều người, tuy kỹ thuật có thể là vô cùng cao rồi, vẽ hoa không giống hoa, hồn hoa cũng không giống hồn hoa (là thứ chỉ một người cảm được trong một khoảnh khắc duy nhất). Thứ họ vẽ không phải là cái hoa như họ nhìn thấy, mà là một loại ký hiệu, tức là thoả thuận giữa người vẽ và người ngắm tranh rằng hoa vẽ như thế này là đẹp, người vẽ bấm đúng nút thì người nhìn có đúng phản ứng à hoa đẹp, theo quan niệm được lập trình từ trước".

(Đoàn Minh Phượng)

Viết cũng thế, nếu bạn quan sát đủ sâu và chạm đến được phần hồn của sự sống, hẳn câu chữ của bạn cũng sẽ khiến tâm hồn người đọc rung cảm.

LÀM SAO ĐỂ QUAN SÁT?

1. Sống chậm lại và bắt đầu từ những điều nhỏ bé

Quan sát tưởng chừng rất dễ nhưng đến khi thực hành lại khá gian nan. Muốn quan sát, bạn phải sống chậm lại, hay sống chánh niệm (như trong ngôn ngữ Phật giáo). Nói ngược lại, muốn sống chậm, bạn hãy học quan sát. Chỉ khi sống chậm, bạn mới có thể thấy những thứ ngày thường sống vội không thể thấy, dù chỉ là chiếc ghế, cái cây, hay đôi tay mẹ,... tất cả đều có thông điệp dành cho bạn. Đầu tiên có thể bạn thấy điều này thấy thật nhàm chán và ngu ngốc, nhưng các bậc minh triết hay những nghệ sĩ thực thụ đều thực hiện lối sống sống trong hiện tại và quan sát sự sống cả thôi.

2. Phải lưu lại ý tưởng

Hầu hết những người viết tốt đều có thói quen cầm theo sổ tay, hay có mục ghi chú riêng trong điện thoại. Chúng ta cũng hoàn toàn có thể học tập điều này. Bất kỳ khi nào có thứ gì lôi kéo sự chú ý của bạn, như một cuộc hội thoại, một hình ảnh, âm thanh, hãy nhanh chóng ghi lại trước khi nó trôi tuột mất. Bộ sưu tập những quan sát đời thường này chắc hẳn sẽ là kho tàng tư liệu quý báu cho tác phẩm của bạn.

3. Quan sát nhưng không phán xét

Nếu lúc nhìn thấy một sự vật, sự việc, con người và bạn lập tức phán xét nó qua góc nhìn cá nhân, hẳn bạn không thể tạo không gian cho nhiều góc nhìn khác được phát triển. Dĩ nhiên mỗi người sẽ có một quan điểm khác nhau dựa trên trải nghiệm cá nhân, và mỗi người có dụng ý khi đưa một chi tiết nào đó vào bài viết. Nhưng lúc ghi chép quan sát, hãy cố gắng khách quan nhất có thể, bởi sau này có thể người đọc hoặc chính bạn sẽ nhận ra một góc nhìn khác từ cùng một quan sát đó. Chẳng hạn như thay vì ghi rằng “Chiếc váy bà ta mặc thật xấu xí làm sao”, hãy chỉ ghi lại “Người đàn bà ấy mặc một chiếc áo len xanh và váy bó đỏ".

Đến đây, mình xin phép tặng mọi người một bài viết cũng nằm trong sách Ngữ văn cấp 2 mà mình vô cùng yêu thích, thể hiện một sự quan sát rất tinh tế của tác giả:

“Cơn gió mùa hạ lướt qua vùng sen trên hồ, nhuần thấm cái hương thơm của lá, như báo trước mùa về của một thức quà thanh nhã và tinh khiết. Các bạn có ngửi thấy, khi đi qua những cánh đồng xanh, mà hạt thóc nếp đầu tiên làm trĩu thân lúa còn tươi, cái mùi thơm mát của bông lúa non không? Trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ. Dưới ánh nắng, giọt sữa dần dần đông lại, bông lúa càng ngày càng cong xuống, nặng vì cái chất quý trong sạch của Trời.

Cốm không phải là thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ: trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc. Thêm vào cái mùi hơi ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm một, còn giữ lại cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ. Chúng ta có thể nói rằng trời sinh lá sen để bao bọc cốm, cũng như trời sinh cốm nằm ủ trong lá sen. Khi các cô gái Vòng đỗ gánh, giờ từng lớp lá sen, chúng ta thấy hiện ra từng lá cốm, sạch sẽ và tinh khiết, không có mảy may chút bụi nào”.

(Một thứ quà của lúa non: Cốm - Thạch Lam)

Kỳ diệu thật, tả cốm mà lại làm toát lên cả văn hóa ẩm thực của người Việt hay hồn quê đất Việt. Để làm được điều này, hẳn tác giả phải yêu quê hương, yêu con người Việt, yêu ẩm thực Việt, yêu cốm biết bao nhiêu để rồi quan sát tất thảy những thứ đó đủ sâu và nhiều đến nhường nào mới viết ra những dòng văn “thanh nhã và tinh khiết” đến như vậy.

Chia sẻ đã dài, mình mong có thể tạo đôi chút động lực để mọi người bắt đầu quan sát từ giây phút này, và từ những điều nhỏ nhất. Chúc mọi người một năm mới có nhiều quan sát thú vị nhé!

(Tác giả: Lan Chi)

(2 ratings)

Tags: sức mạnh, viết lách, quan sát