Người đăng: lanchi   Ngày: 20/05/2020   Lượt xem: 991

Bạn có hình dung một thanh tra bưu điện toàn thời gian có thể viết 47 tiểu thuyết trong vòng 35 năm và trở thành một trong những tiểu thuyết gia thành công nhất của thời Victoria? Đó là câu chuyện của Anthony Trollope. Ông thừa nhận rằng chính chiến thuật Viết hẹn giờ đã giúp ông xuất bản sách với tốc độ đáng kinh ngạc như vậy.

Viết lách là một cuộc chạy đua với thời gian.

Thói quen viết lách hằng ngày của Trollope

Trước tiên, Trollope phải tìm nhiều khoảng thời gian trống để viết lách. Bởi với đòi hỏi cao trong công việc của một thanh tra bưu điện, ông nhận ra rằng mình chỉ có thể dành ít thời gian để viết trước khi đi làm.

Trên Trollope Society - cộng đồng được thành lập từ năm 1987 với mong muốn lưu giữ và khuyến khích thế hệ tương lai thưởng thức các tác phẩm để đời của Anthony Trollope có nói, “Trollope viết trong 3 tiếng mỗi sáng từ 5 giờ đến 8 giờ, rồi sau đó đi làm. Ông phải trả cho người giúp việc 5 pound mỗi năm để thức ông dậy kèm theo một cốc cà-phê.”

Trong quyển tự truyện của mình, Trollope kể rằng người giúp việc “chưa một lần trễ giờ pha cà-phê, tôi cảm thấy rằng mình nợ ông ấy hơn bất kỳ ai vì sự thành công mà tôi đang có. Bằng cách bắt tay vào làm việc vào giờ đó, tôi có thể hoàn thành tác phẩm văn học của mình trước khi thay đồ để ăn sáng.”

Rất nhiều nhà văn cam kết thức dậy vào sáng sớm và lao vào viết ngay trước khi làm bất cứ việc gì trong ngày. Có thể điều này không có hiệu quả với mọi người, nhưng thói quen của Trollope rất xứng đáng để bất cứ người viết nào học hỏi.

Chiến thuật Viết hẹn giờ (Timed Writing)

Trollope không muốn lãng phí bất cứ một khắc nào của 3 giờ quý giá buổi sáng ấy. Ông ấy muốn bảo đảm rằng mình sẽ viết liên tục để không phải dành thời gian cho việc “gặm bút, nhìn chằm chằm vào tường cho đến khi có thể tìm thấy câu chữ cho những ý tưởng mình muốn diễn đạt.”

  • Giải pháp của ông ấy là gì?
  • Một chiếc đồng hồ bỏ túi.

Đầu tiên, ông ấy sẽ đọc đi đọc lại bản thảo trong nửa tiếng. Sau đó bắt đầu hẹn giờ. Ông giải thích:

Nó là “phong tục” của tôi, đến nay vẫn vậy, mặc dù gần đây tôi hơi khoan dung với chính mình khi yêu cầu bản thân viết 250 từ trong vòng 15 phút. Tôi phát hiện ra 250 từ thường được hoàn thành sớm hơn trước khi đồng hồ kêu.

Sau cùng, chính những phiên viết được hẹn giờ chính là chìa khóa mở ra thành tựu viết lách viên mãn của ông.

Ông viết rằng, "Cách phân chia thời gian này cho phép tôi sản xuất hơn 10 trang của một tập tiểu thuyết thông thường mỗi ngày. Và nếu cứ duy trì như thế trong vòng 10 tháng, thì kết quả có được sẽ là 3 quyển tiểu thuyết gồm 3 tập mỗi năm."

Tại sao chiến thuật Viết hẹn giờ của Trollope hiệu quả?

Chiến thuật viết lách này cực kỳ hiệu quả bởi Trollope cam kết dẹp hết mọi yếu tố gây xao nhãng trong suốt khoảng thời gian viết. Ông ép bản thân mình chỉ tập trung vào tiếng tích tắc của đồng hồ. Trong thời gian này với ông không tồn tại khái niệm “đa nhiệm” - làm nhiều việc cùng lúc.

Trong cuộc sống tất bật hiện nay, đa nhiệm là một “kỹ năng” được đánh giá cao, và cũng là một thói quen khó phá vỡ. Tuy nhiên đa nhiệm không phải lúc nào cũng tốt. Trong lúc viết, chúng ta có thói quen ngưng vài phút để kiểm tra tin nhắn hay thông báo từ Facebook, Instagram, và vài phút ấy biến thành 1 tiếng đồng hồ. Não bộ của chúng ta không thể tập trung vào nhiều nhiệm vụ khác nhau trong cùng một khoảng thời gian được. Nó phải rất vật lộn để chuyển trọng tâm bất cứ khi nào chúng ta bắt đầu làm một việc mới. Và nếu chúng ta làm cùng lúc nhiều việc khi đang viết, điều đó có nghĩa rằng não bộ của ta phải liên tục chuyển trọng tâm qua lại giữa Facebook, rồi bài báo, rồi email, rồi tin nhắn, rồi một dự án viết khác...

Một bài báo trên Wall Street Journal có viết: “Trung bình phải mất hơn 25 phút để tiếp tục một nhiệm vụ sau khi nó bị gián đoạn.” Tệ hơn, chúng ta “tốn thêm 15 phút để lấy lại sự tập trung cao độ hay dòng chảy trước khi sự gián đoạn xảy ra.” Tổng cộng là 40 phút, đó là chưa kể đến có bao nhiêu lần gián đoạn.

Tất nhiên, ở thời của Trollope, ông chẳng phải bận tâm về mạng xã hội, điện thoại di động, nhưng chắc hẳn cũng có những cám dỗ khác khiến ông dễ bị mất tập trung. Thế nhưng nhờ đặt chiếc đồng hồ ngay trước mặt, ông thách thức bản thân không được phá vỡ dòng chảy đang tuôn trào của tác phẩm.

Cách thực hành Viết hẹn giờ - Kỹ thuật Pomodoro

Không phải tất cả chúng ta đều có 3 giờ mỗi ngày để dốc sức vào việc viết, và không phải ai cũng có thể dành thời gian mỗi sáng sớm để viết.

Tuy nhiên, viết hẹn giờ là một kỹ thuật đơn giản, dễ làm mà bất kỳ người viết nào cũng áp dụng được. Nếu Trollope có chiếc đồng hồ bỏ túi, thì thời nay chúng ta cũng có chiếc đồng hồ “cà chua” - biểu tượng của phương pháp Pomodoro.

Một sinh viên của một trường đại học ở Ý tên là Francesco Cirillo đã sáng chế ra kỹ thuật này vào những năm 1980 nhờ vào nỗ lực tìm kiếm một thứ gì đó giúp anh ta tập trung học tập. Cirillo khám phá ra một chiếc đồng hồ hẹn giờ 25 phút ở nhà bếp có hình quả cà chua, và thế là phương pháp Pomodoro ra đời (Pomodoro trong tiếng Ý có nghĩa là cà chua).

Cách phương pháp này hoạt động:

  1. Chọn một nhiệm vụ bạn muốn hoàn thành.
  2. Đặt đồng hồ hẹn giờ 25 phút.
  3. Thực hiện nhiệm vụ ấy cho đến khi đồng hồ reo lên.
  4. Nghỉ giải lao (3-5 phút).
  5. Cứ hết 4 lượt “pomodoro” thì giải long một hồi lâu (15–30 phút) cho đến bạn hoàn thành nhiệm vụ.

Tại sao phương pháp này hiệu quả?

25 phút là một khoảng thời gian lý tưởng để viết. Nó không quá ngắn, cũng không quá dài. Sau đó bạn sẽ có vài phút để kiểm tra Facebook, email hay ăn gì đó.

Những khoản nghỉ ấy cho phép não bộ của bạn một chút thời gian để tái tạo năng lượng nhưng vẫn duy trì dòng chảy.

Thường thì 4 phiên làm việc (khoảng 2 tiếng kể cả giải lao) có thể là lượng thời gian hoàn hảo để bạn hoàn thành một nhiệm vụ phức tạp. 2 tiếng ấy cho phép bạn tập trung sâu, và với kỹ thuật Pomodoro thì 2 tiếng chỉ trôi qua như chớp mắt. Bạn sẽ nhận ra dần dần, với cùng một nhiệm vụ, thời gian hoàn thành của bạn nhanh hơn đáng kể và vẫn tiếp tục được cải thiện qua thời gian.

Hiện nay trên máy tính hay điện thoại đều có rất nhiều ứng dụng về kỹ thuật Pomodoro này, bạn có thể thử.

Tóm lại

Trollope hiểu rằng ông chỉ có một lượng thời gian giới hạn để toàn tâm toàn ý cho viết lách. Những giờ phút đó rất quý giá với ông, nên ông cần sử dụng chúng một cách khôn ngoan.

Cho dù bạn sử dụng phương pháp Pomodoro hay phương pháp của Trollope, thì viết hẹn giờ vẫn là một trong những cách tuyệt nhất để đánh bại sự trì hoãn, để nói lời tạm biệt với đa nhiệm, và để đạt được mục tiêu số từ được đặt ra mỗi ngày. Nó giúp bạn tối ưu hóa thời gian, thiết lập một thói quen viết lách đều đặn, từ đó tạo nên thành tích viết nổi bật.

(Lan Chi - Writerslife)

(2 ratings)

Tags: viết hẹn giờ, Anthony Trollope, writer