Người đăng: Thu Trang   Ngày: 22/07/2021   Lượt xem: 2314

Một tháng trước, tôi nhận được tin nhắn của một headhunter trên LinkedIn. Anh đang tìm UX writer có 1-2 năm kinh nghiệm, tiếng Anh tốt, làm việc ở Hà Nội. Anh offer một package lương mà tôi nghe qua có phần bất ngờ, vì nó khá cao so với mặt bằng chung ở Hà Nội (tôi không tiện nói con số chính xác nhưng nó cao hơn 1500$/tháng). Vì vẫn muốn gắn bó với công việc hiện tại, nên tôi từ chối. Anh có nhờ tôi trong personal network có quen ai phù hợp thì giới thiệu giúp. Tôi nghĩ nát óc không ra được cái tên nào. Và đó là lúc tôi nhận ra, nghề UX writer đang có cung quá thấp so với cầu. Một đại dương mênh mông với rất nhiều cá nhưng chưa có mấy ai tới để đánh bắt. Bạn có muốn bước chân vào hành trình ấy? Từ writer thành UX writer?

1. UX LÀ GÌ? KHÁC GÌ VỚI UI? SAO NGƯỜI TA CỨ ĐĂNG TUYỂN UI/UX VẬY?

Trước khi biết UX writer làm gì, bạn cần phân biệt được hai khái niệm này.

UX là viết tắt của User experience (trải nghiệm người dùng). Tất cả những gì bạn cảm thấy khi sử dụng một dịch vụ, sản phẩm đều là UX. Ví dụ bạn đi xem phim. Thì tất cả những yếu tố như nhân viên bán vé xem phim, chất lượng bỏng nước, nhà vệ sinh, chất lượng phòng chiếu hay cặp đôi ngồi cạnh cứ nhất định không chịu xem phim mà lếu lều cả buổi đều quyết định tới trải nghiệm xem phim khi đó của bạn.

UI là viết tắt của User interface (giao diện người dùng). Tất cả những màn hình, nút bấm, nội dung hiển thị trên màn hình đó (có thể là app, web, wap) đều được coi là UI.

Sự khác nhau căn bản của UX và UI là:

- UI là cái bạn NHÌN thấy khi dùng sản phẩm/dịch vụ.

- UX là cái bạn CẢM thấy khi dùng sản phẩm/dịch vụ (bao gồm cả phần NHÌN ở trên).

Một sản phẩm (ví dụ một app) có UI đẹp, thẩm mỹ tốt, màu sắc hấp dẫn chưa chắc đã có UX tốt. Ví dụ để bạn dễ hình dung: Ngô Diệc Phàm aka Pháo Vương 2 phút hơn đang viral khắp nơi. Giao diện (UI) của Phàm quả nhiên rất phi phàm, đẹp trai, dáng chuẩn, giàu có, dẻo mỏ. Combo không chê vào đâu được. Rõ ràng phần NHÌN rất ổn. Nhưng mấy hôm nay ầm ĩ khắp chốn những bê bối tình cảm (+ tình dục) liên quan tới Phàm mà toàn là những trải nghiệm không thể tệ hơn: Lăng nhăng, xấu tính, dùng tiền để che phốt, thóa mạ đánh đập nhân viên, đã thế lại còn YSL. Rõ ràng trải nghiệm của những người xung quanh có với Phàm là rất rất tệ. Đó là ví dụ để bạn dễ hình dung một sản phẩm NHÌN đẹp nhưng TRẢI NGHIỆM xấu sẽ như thế nào.

Rõ ràng hai cái này là khác nhau, nhưng các công ty bây giờ tuyển nhân viên (thiết kế) cứ đòi phải UI/UX song kiếm hợp bích cơ. Khổ thế.

Bạn cần biết, UI designer chỉ đơn thuần là vẽ giao diện. Bạn không cần có kinh nghiệm gì về UX cũng có thể vẽ được, miễn là bạn có kỹ năng thiết kế, biết dùng Design system và có con mắt mỹ thuật tốt. Nhưng UX designer là công việc khoai hơn rất nhiều. Để làm một UX designer đúng nghĩa, bạn cần phải xác định được hành trình người dùng (user journey), hiểu được những khó khăn của người dùng (user painpoints), biết được đối tượng người dùng chính của mình là gì… để thiết kế flow cho phù hợp. Xin nhắc lại là một flow (gồm một chuỗi những màn hình, thao tác) chứ không phải chỉ 1-2 giao diện. Công việc của UX designer là follow UX design process (gồm 5 bước: Empathize - Define - Ideate - Prototype - Test) và thường sẽ chỉ dừng ở vẽ wireframe (nôm na như khung xương của sản phẩm vậy), sau đó UI designer sẽ biến wireframe đó thành thiết kế hoàn chỉnh.

Nếu bạn google, sẽ thấy ở nước ngoài phân chia rất rõ hai vị trí này. Có lẽ đã đến lúc các bạn HR cũng nên nhận ra sự khác biệt này. Bởi lương của một UX designer sẽ cao hơn lương của UI designer rất nhiều. Còn nếu tìm một người cân được cả hai vị trí này thì, mình nói thật, lương sẽ phải rất rất cao, chứ không phải “Tuyển UI/UX designer lương 15M-20M/tháng” đang nhan nhản khắp nơi đâu. Không có bạn thiết kế nào nắm vững được kiến thức về UX, user-centered design (thiết kế hướng tới người dùng), có kinh nghiệm tốt về UI design mà lại chấp nhận mức lương đó cả. Gấp 3 lần lên thì may ra.

2. TỪ UX TỚI UX WRITING

Khi đã hiểu được (phần nào) về UI và UX, bạn sẽ đến với một thế giới content hoàn toàn mới, cực kỳ thú vị và hấp dẫn, đó là UX writing. Có ba yếu tố quan trọng của UX đó là Research (nghiên cứu người dùng), design (thiết kế) và content strategy (lên chiến lược nội dung). UX writing nằm trong Content strategy nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với hai yếu tố còn lại.

Khi xây dựng/thiết kế bất cứ sản phẩm nào, bạn cần phải nghiên cứu thật kỹ về người dùng (họ là ai, mong muốn của họ là gì, vấn đề họ đang gặp phải, sản phẩm của bạn sẽ giải quyết vấn đề đó như thế nào…), đó là công việc của một UX researcher (một nghề cũng rất hot hiện nay). Khi đã có insight đầy đủ, bạn sẽ cùng các team “bão não” và xây dựng nên các giải pháp phù hợp (có wireframe) minh họa. Đây là lúc cả ba team gồm Nghiên cứu người dùng, thiết kế và nội dung phải ngồi cùng nhau (và cùng PO - product owner + techlead) để bàn bạc. Nếu như thiết kế có nhiệm vụ vẽ wireframe, thì UX writer sẽ có nhiệm vụ viết nội dung tương tác xuất hiện trên những giao diện và xuyên suốt cả hành trình của người dùng. Có thể nói đây là ba vị trí không thể thiếu trong quá trình xây dựng bất cứ sản phẩm nào trên không gian số.

Ux Writer: Người

Đầu năm 2019 khi vào Sendo, tôi search đỏ mắt trên google nhưng ở Việt Nam hoàn toàn không có bất cứ một công ty nào có vị trí UX writer. Nhưng nay thì khác rồi. Với sự phát triển của công nghệ cộng sự bùng phát của dịch Covid-19, khiến ai nấy đều phải ở nhà nhiều hơn, sử dụng app trên điện thoại hay các trang web để mua hàng/giao dịch nhiều hơn thì nhu cầu tuyển dụng cho nghề UX writer cũng ngày một tăng cao.

Các công ty, tập đoàn công nghệ lớn ở Việt Nam như Vin Group, Sendo, MoMo, Zalo, Zalo Pay, Gojek… nếu bạn search nhẹ đều sẽ thấy đã và đang tuyển vị trí UX writer ở Việt Nam. Tôi mừng vô cùng vì cuối cùng nghề tôi chọn cũng đã được công nhận. Hồi đó đi làm đúng kiểu một đứa ngoại đạo lơ ngơ bước vào thế giới công nghệ. Mang tâm lý được ăn cả, ngã trả job nên máu me lắm. Nhưng suốt một năm đầu tôi xin nghỉ việc không biết bao nhiêu lần. Nói thế để các bạn biết làm UX writer không hề đơn giản, nhưng một khi đã làm được, thì cả một bầu trời cơ hội đang mở ra trước mắt bạn (thậm chí là cơ hội được làm việc remote ở Việt Nam cho các công ty công nghệ nước ngoài) với mức lương vô cùng hấp dẫn, career path rõ ràng.

Đọc đến đây bạn đã hứng thú với nghề này chưa? Nếu rồi thì bình luận để tôi vượt lười viết tiếp về nghề này nhé.

Cre: Khúc Cẩm Huyền

(6 ratings)

Tags: writer, ux, Ux Writer, nội dung, tương tác