Người đăng: Hobby   Ngày: 18/09/2019   Lượt xem: 3823

Người viết nên outline hay không outline? Trả lời câu hỏi mà một số mentee đã hỏi mình

Người viết nói chung hoặc các bạn làm sáng tạo nội dung nói riêng thường được chia làm 2 loại: 1 loại bắt tay vào viết là viết thẳng luôn và chỉ có viết (không outline), 1 loại thì sẽ luôn gạch ra đầu dòng và sau đó mới bắt đầu viết (có outline). Loại 1 có vẻ khá đông
Vậy thì có sai không nếu chúng ta không phác thảo hay có dàn ý trước khi viết? Phương pháp nào hiệu quả hơn?
Một số người thường thích viết outline trước khi bắt đầu viết (có mình), nhất là với các bài viết dạng articles đăng trên các kênh chính thống. Hoặc giả như bài mình đang viết đây, cũng được gạch đầu dòng các ý chính ra trước khi bắt tay vào viết. Đôi khi mình cũng viết luôn để bắt kịp mạch cảm xúc, nhưng sau đó cũng là để ghép hoặc chỉnh sửa cho phù hợp với một chiếc outline. Tóm lại mình là dạng pha trộn 2 loại để tạo ra cách của riêng mình.
Người viết nên outline hay không outline?
Nhưng mình biết có một số bạn thì rất ghét outline. Và các bạn có đặt câu hỏi: cái nào thì tốt hơn?
Thật ra không có câu trả lời đúng cho tất cả mọi người, đúng chỉ là tương đối thôi. Mỗi người có câu trả lời đúng cho riêng mình.
Còn câu trả lời tương đối của mình đó là:
  • Viết nghiêm túc thì nên có outline, chỉn chu cẩn trọng hơn giúp bạn chuyên nghiệp hơn.
  • Một số người có thói quen viết outline trước, một số thì không. Nhưng bạn cần hiểu outline là gì, tại sao người ta sử dụng outline.

Outline là gì?

Outline là dàn ý cho một bài viết, một cuốn sách, một câu chuyện, một bài blog, một lá thư bán hàng, một nội dung quảng cáo trên mạng xã hội... trước khi bạn bắt tay vào viết nội dung.
Outline tập hợp những ý tưởng có trong đầu bạn, bạn viết nó ra và sắp xếp theo một cách hợp lý để văn bản thực tế hơn, dễ đọc hơn, có flow hơn, logic hơn, bớt lan man. Để trả lời thêm câu hỏi outline là gì? Bạn cũng có thể tìm đọc thêm định nghĩa về Outline trên Wikipedia.
Mình ví dụ về một Outline điển hình như sau.
Topic: Tác hại của việc lạm dụng truyền hình ở trẻ.
Outline:
  • Làm trẻ thức khuya, không làm bài về nhà
  • Tiềm ẩn các nguy cơ về thị lực
  • Các chương trình nhạy cảm tác động xấu tới thanh thiếu niên
  • Dành quá nhiều thời gian cho nó thay vì các hoạt động hữu ích khác
Với mình thì việc có outline giúp quá trình viết trở nên dễ dàng hơn. Tại sao? Vì chúng ta đã có một lộ trình, một con đường để quyết định đi theo, hoặc là không.

Lợi ích của outline?

1. Không bị lan man. Đây là lợi ích lớn nhất. Viết theo hứng thực ra không phải là tệ, nhưng nó vui trong 1 thời gian thôi. Ít ai tránh được cái bẫy của sự lan man lạc đề hoặc là... không biết viết gì nữa. Người viết chuyên nghiệp thì cần biết mình phải viết gì, và outline giúp chúng ta việc đó.

2. Giúp bạn quyết định xem bài viết sau đây có ổn không. Nếu bạn không biết câu chuyện của mình sẽ bắt đầu kết thúc ra sao thì bạn không thể thực sự biết nó có tốt không. Thật đau khổ khi ngồi viết xong vài ngàn từ và biên tập rồi thấy mình có quá nhiều lỗ hổng hay không sử dụng được. Trong khi đó nếu có outline, bạn cũng nhìn ra những sai sót và có thể sửa dễ dàng hơn.

3. Có một lựa chọn tốt hơn nếu đã có outline. Đây là sự thật, mình từng trải qua nhiều trong quá trình viết. Đó là khi mình đang viết và đột nhiên có cảm hứng, ý tưởng cho rằng outline đang kém hấp dẫn, hợp lý hơn - mình có thể hoàn toàn tự do đi lệch khỏi outline, miễn là kết quả nó tốt hơn. Outline chỉ là outline, không buộc bạn phải viết theo outline một cách cứng nhắc. Bằng cách này bạn có thể so sánh 2 phiên bản và quyết định cách viết/nội dung nào tốt hơn. Bạn sẽ không làm được điều này nếu không có outline.

4. Viết có flow hơn, theo mạch và xuyên suốt. Bạn biết mình cần phải làm gì, sau đó sẽ làm gì hoặc mình đã làm nó thế nào. Bạn cảm nhận được flow của bài viết và công việc hoàn thành nhanh hơn.

Tuy nhiên, outline cũng có những vấn đề?!

1. Nó có thể làm hỏng sự tò mò và niềm vui. Một số tác giả hoặc người viết cảm thấy họ muốn viết ra, đơn giản vì đó là cảm hứng và niềm vui của họ. Việc ngồi nghĩ outline làm tắc mạch viết hoặc dập tắt sự hào hứng.
2. Outline có thể không tốt như bạn nghĩ. Nếu bạn thay đổi toàn bộ nội dung và cấu trúc bài viết, thì việc tạo ra outline ban đầu là vô ích. Một số người cảm thấy khó khăn khi tạo ra outline, vì nó làm ảnh hưởng tới phong cách viết, bị viết một cách cứng nhắc và gò theo khuôn.
3. Họ muốn bài viết của mình phải sáng tạo, càng sáng tạo càng tốt. Phác thảo dài dòng không thực sự hiệu quả với một số người. Cũng rất khó để có thể tìm được một kịch bản outline phù hợp với tất cả mọi người. Tất nhiên là không thể.
Tóm lại, kết luận có cần outline hay không? Câu trả lời là: CHƯA CÓ CÂU TRẢ LỜI. Vì không có câu trả lời đúng cho tất cả mọi người :D
Trong viết lách chúng ta có nhiều phương pháp và quy trình khác nhau, tất nhiên là các cách viết outline khác nhau. Bạn đã nắm được ưu nhược điểm của Outline sau bài viết này, việc lựa chọn là ở bạn.
Mình cũng nhấn mạnh thêm là đừng quá cứng nhắc hay lý thuyết. Nó thực sự không quá quan trọng hay là vấn đề lớn. Bởi vì ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT LÀ BẠN PHẢI THÍCH VIẾT. THÍCH VIẾT & YÊU CÔNG VIỆC VIẾT CỦA MÌNH.
(Nguồn HW2P)
(9 ratings)

Tags: không outline, người viết, outline