Người đăng: Thu Trang   Ngày: 20/05/2020   Lượt xem: 815

Chuyện là tôi mới nghỉ làm sales và đang tìm hiểu nghề content. Đến nay cũng được một tuần mà mới học được chút chút các bạn à.

Dù kiến thức không nhiều, nhưng tôi thấy hữu ích nên muốn chia sẻ lại. Hãy cùng khám phá những "BÍ MẬT" mà bất cứ người làm content nào cũng phải nắm rõ nhé!

Một tuần trước, tôi bắt đầu tìm hiểu trên Google.

  • Làm content là gì?
  • Học content bắt đầu từ đâu?
  • Content Marketing là gì?
  • Nghề Content có những công việc nào?
  • Bla bla...

Có rất nhiều kết quả trả về, tuy nhiên trong bài này tôi sẽ chỉ đề cập đến 4 khái niệm cơ bản dưới đây.

1. Content

2. Contentwriter

3. Content creator

4. Copywriter

Thoạt đầu, những khái niệm này có vẻ đơn giản nhưng không phải vậy.

Rất nhiều người vẫn đang nhầm lẫn và không thể phân biệt được chúng.

Lưu ý: Tôi không phải một chuyên gia, tôi chỉ chia sẻ lại những điều mình biết. Bạn có thể coi đây là một tài liệu để tham khảo nhé!

1. Content - Không chỉ đơn giản là "nội dung"

Content được hiểu chính xác là nội dung.

Điều đó thì ai cũng biết.

Tuy nhiên, nội dung là gì thì không phải ai cũng định nghĩa đúng, đặc biệt là những bạn đã viết content nhiều.

Chúng ta thường chỉ hiểu nội dung là "nội dung", tức nghĩa chỉ bao gồm những thứ viết được, chẳng hạn như một status, một đoạn văn, một blog.

Nhưng thực tế nội dung có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều.

Không chỉ là chữ, nội dung có thể là hình ảnh, âm thanh, màu sắc...

Thậm chí, nội dung còn có thể là một cái cốc, một mùi hương hay một cái lườm nguýt của thằng say rượu.

Đọc đến đây chắc có bạn sẽ hỏi:

"Ủa, một cái lườm của thằng say rượu thì có nội dung gì...!?"

Nghe thì buồn cười thật, nhưng mà có đấy.

Nếu một thằng say rượu lườm nguýt bạn trên đường, thì anh ta đã truyền đi một thông điệp là sự đe dọa.

Còn bạn, bạn sẽ nhận được thông tin là sự nguy hiểm.

Thêm mội ví dụ khác liên quan hơn.

Nếu bước chân vào Thế giới di động, bạn sẽ thấy có những anh chị đẹp trai xinh gái ăn mặc lịch sự đứng sẵn để mở cửa và cúi chào bạn.

Trong trường hợp này, chính những anh chị đẹp trai xinh gái đó cũng là một loại thông tin.

Thông tin mà bạn nhận được là sự chuyên nghiệp và sự tận tâm phục vụ khách hàng.

Như vậy, chúng ta phải hiểu về content theo ý nghĩa rộng lớn hơn, thay vì chỉ hiểu chúng là một bài viết hay một đoạn văn.

Tiểu kết:

Content là bất cứ thứ gì được sử dụng với mục đích truyền tải thông tin đến một hay nhiều đối tượng với một mục tiêu cụ thể.

2. Content Writer - Nội dung trong từng con chữ

Content là nội dung, còn writer là nhà văn hay người viết chữ.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu Contentwriter là người viết nội dung.

Và cụ thể hơn nữa thì Contentwriter là người viết nội dung dưới dạng chữ viết.

Ví dụ: Một status, một đoạn văn, một blog...

Tiểu kết:

Contentwriter là người viết nội dung dưới dạng chữ viết phục vụ cho một mục tiêu marketing nào đó.

3. Content Creator - Sự sáng tạo không giới hạn

Content creator hay người sáng tạo nội dung, tạo ra nội dung bằng bất cứ thứ gì mà họ có thể nghĩ ra.

Nội dung đó có thể là chữ viết, hình ảnh, audio, video, bla bla...

Nói chung, người làm Content creator không có sự giới hạn về cách thức tạo ra và truyền tải nội dung của họ.

Tiểu kết:

Content creator là người tạo ra nội dung hữu ích phục vụ một nhóm đối tượng cụ thể trong tất cả lĩnh vực đời sống.

Content creator thường không liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, bán hàng.

Ví dụ: Youtuber, Streamer, Tiktoker.

4. Copywriter - Phải chăng là Copy/paste

Đây là khái niệm bị hiểu nhầm nhiều nhất.

Ban đầu tôi tưởng Copywriter là người sao chép nội dung ở các trang khác, đem về "xào nấu" lại thành của mình nhưng không phải.

Từ Copy ở đây không có nghĩa là copy / paste, mà có nghĩa là phần văn bản trên các mẫu quảng cáo.

Như vậy Copywriter phải được hiểu là người viết "phần văn bản bản trên tờ quảng cáo" hay chính xác hơn là người viết quảng cáo.

Ngoài ra, một Copywriter còn làm các công việc khác như: Viết slogan, khẩu hiệu, đặt tên sản phẩm, kịch bản...

Tiểu kết:

Copywriter là người viết quảng cáo với mục đích thuyết phục khách hàng thực hiện một hành động cụ thể.

Ví dụ: Mua hàng, liên hệ, cung cấp thông tin...

5. Contentwriter &copywriter - Đâu mới là sự khác biệt

Theo như các phần trên, Contentwriter và Copywriter chủ yếu khác nhau ở mục đích.

Contentwriter tạo ra những nội dung miêu tả đúng bản chất sự vật, dễ đọc, dễ hiểu và hữu ích với người dùng.

Copywriter tạo ra những nội dung miêu tả theo cách người đọc thích, nhiều cảm xúc, mang tính thuyết phục cao.

Ví dụ: Cùng nói về một chiếc máy ảnh, Contentwriter và Copywriter sẽ có hai cách nói khác nhau.

Contentwriter:

Máy ảnh là một dụng cụ giúp thu lại hình ảnh mà mắt người nhìn thấy, thành một ảnh tĩnh được lưu lại dưới dạng số và có thể in ra giấy.

Copywriter:

Máy ảnh giúp bạn lưu giữ lại những khoảng khắc đẹp nhất trong cuộc sống. Cuộc đời này không phải ai cũng được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp, nhưng có Canon G7X trong tay bạn có thể ngắm nhìn cảnh đẹp cả cuộc đời.

Canon G7X bắt chọn khoảng khắc - Giữ chọn cảm xúc.

P/S: Phần của Copywriter tôi nghĩ mãi mới ra, viết dở mong các bạn thông cảm.

Kết luận

Tóm lại, toàn bộ bài viết này tôi muốn chia sẻ với bạn 4 khái niệm cơ bản được tóm tắt thông qua các keyword dưới đây.

  • Content: Bất cứ thứ gì, truyền tải thông tin, đối tượng, mục tiêu cụ thể.
  • Contentwriter: Nội dung dạng chữ, đúng bản chất, dễ đọc, dễ hiểu, phục vụ marketing.
  • Content creator: Nội dung hữu ích, nhóm đối tượng cụ thể, mọi lĩnh vực đời sống, không bán hàng.
  • Copywriter: Nội dung quảng cáo, giàu cảm xúc, thuyết phục cao, người đọc thích, bán hàng.

Hy vọng chúng sẽ hữu ích với bạn.

(Fb Nguyễn Hồng Sơn)

(2 ratings)

Tags: writer, nghề viết