Người đăng: Thu Trang   Ngày: 09/12/2020   Lượt xem: 993

Trước khi đọc bài viết dưới đây thì các cây bút hãy thử nghĩ và cho mình một câu trả lời xem như thế nào là một bài viết có hình thức đẹp?

Mình học chuyên ngành Biên tập xuất bản sách. Có lẽ vì "bệnh nghề nghiệp" nên mình bỗng dưng trở thành một người khá "dị ứng" với những lỗi sai chính tả, lỗi trình bày và vô vàn những lỗi dùng từ cơ bản nhất. Mình bắt đầu con đường viết lách cách đây khoảng 6 năm và ngay từ những bước đầu tiên, mình luôn có một nguyên tắc cho bản thân là: "Luôn phải hoàn thiện từ những cái nhỏ nhất".

Các cụ từ xưa đã có câu: "nhìn mặt mà bắt hình dong". Và trong công việc viết lách cũng vậy, hình thức có đẹp thì nội dung mới có thể hay được. Mình từng đứng ở vai trò lọc bài cho một số cuộc thi viết, mọi người thường bảo mình có quá khắt khe không khi thẳng tay loại những bài "chỉ" có 3 lỗi chính tả? Không! Đối với mình 3 lỗi là quá nhiều.

Vậy nên hôm nay mình viết chủ đề này để có thể cùng nhau trau chuốt hơn trong câu chữ của mình nhé! Vì trước khi có một tác phẩm bằng chữ hay thì sự nỗ lực của các bạn luôn là tác phẩm đẹp nhất rồi.

HÌNH THỨC "ĐẸP" CỦA MỘT BÀI VIẾT

Cá nhân mình (và mình cũng tin những cây viết cứng khác) đặt ra các tiêu chí cho một hình thức bài viết được gọi là ĐẸP như sau:

1. Dấu câu đầy đủ và đặt đúng nơi

  • Cuối câu, cuối đoạn luôn phải có dấu chấm.
  • Ngắt ý, chia vế câu, sau trạng ngữ luôn phải có dấu phẩy. Ngoài ra dấu phẩy còn được dùng để tách thành phần giải thích trong câu.

Ví dụ: Quán cafe quen thuộc, nơi mà chúng tôi đã từng thẹn thùng trao nhau lời yêu đầu tiên, nay đã chẳng còn nữa.

  • Sau câu hỏi luôn phải xuất hiện dấu hỏi chấm.
  • Dấu ba chấm thường dùng để diễn tả thay cho "vân vân" (tức là còn nhiều nữa); hoặc dùng cho sự ngập ngừng trong cảm xúc, lời nói của nhân vật.

Ví dụ: Em òa lên nức nở. Hai cánh tay tôi huơ huơ như thể thừa thãi. Tôi chẳng đủ can đảm để ôm em vào lòng, chỉ có thể lí nhí một điều vô nghĩa trong cổ họng: "Anh xin lỗi ..."

  • Dấu hai chấm dùng trước một phép liệt kê, hoặc dùng trước khi dẫn một câu thoại.

2. Trình bày dấu câu như thế nào?

Các dấu câu đặt liền kề với chữ đứng trước nó. Sau dấu câu là khoảng cách nhỏ (dấu cách) rồi mới đến chữ tiếp theo.

Ví dụ: Tôi im lặng, không đáp lời anh. Phía bên kia, tiếng nhạc của bài hát anh vừa gửi vang lên nhẹ nhàng mà buồn tênh. Nỗi buồn nặng trĩu như chính sâu thẳm lòng tôi khi ấy.

3. Trình bày các đoạn văn như thế nào?

Đối với những bài post trên facebook, mình thường sau mỗi đoạn sẽ cách ra một dòng. Khi post bài, facebook sẽ tự động thu lại những vẫn sẽ có một khoảng nho nhỏ để người đọc phân biệt các đoạn với nhau mà không có cảm giác bị dính đoạn và rối mắt.

4. Có thể dùng chữ số trong bài văn hay không?

KHÔNG! Nhất định là không thể dùng số trong bài văn. Trừ một số trường hợp như: ngày/tháng/năm, số lẻ quá dài (ví dụ: 1.234.987 đồng). Còn lại thì các bạn nên dùng chữ hết.

Ví dụ:

Chiếc bánh có giá hai mươi tám nghìn.

Chúng tôi đã yêu nhau được hai năm.

CHÍNH TẢ LÀ LỖI SAI KHÔNG THỂ BỎ QUA

Đối với các cuộc thi, mình thường thẳng tay loại các bài viết có chứa teencode, viết tắt, sai chính tả từ 3 lỗi trở lên. Còn đối với các bài viết bình thường, mình thường sẽ không đọc bài khi gặp những lỗi tương tự thế trong một bài viết.

Đa số, mình thấy các bạn thường gặp những lỗi chính tả sau đây:

1. Lên - nên

Lên được dùng khi chỉ một hành động, một sự thay đổi, phát triển.

Ví dụ: Lớn lên, cao lên, đi lên phía trước, ...

Nên được dùng khi chỉ kết quả, suy luận.

Ví dụ: Cho nên, vậy nên, ...

Trời mưa nên đường trơn.

2. Giành - dành

Giành được dùng để chỉ sự tranh giành, giành giật.

Dành được dùng để chỉ sự gom góp, tiết kiệm như: để dành, dành dụm.

3. Rời - dời

Rời được dùng khi chỉ một sự di chuyển mà chính chủ thể thực hiện.

Ví dụ: Anh ấy đã rời khỏi ngôi nhà đó.

Dời được dùng để chỉ sự di chuyển mà người khác/ vật khác áp đặt lên chủ thể bị di chuyển.

Ví dụ: Chiếc giường đã được anh ấy dời khỏi căn phòng đó.

4. Truyện - chuyện

Truyện được dùng trong một hành động hướng tới một vật thể xác định, hoặc một danh từ là vật thể xác định.

Ví dụ: Truyện tranh; Đọc truyện. (ở đây là đọc một cuốn truyện - một vật thể xác định).

Chuyện được dùng trong các trường hợp còn lại.

Ví dụ: Nói chuyện, trò chuyện, câu chuyện, ...

5. Một số lỗi chính tả khác thường gặp

Trạm dừng, không nỡ, lỡ làng, chỉ trích, ...

  • Hạn chế dùng từ địa phương và phân biệt rõ ràng giữa dấu ngã và dấu hỏi.

TIÊU ĐỀ BÀI VIẾT

Mình phải thú thực rằng mình là đứa không giỏi trong việc đặt tên bài viết và từng bị mắng rất nhiều lần. Tuy nhiên, mình vẫn coi việc đặt nhan đề cho bài viết là vô cùng quan trọng. Bởi nó thâu tóm được nội dung, tư tưởng của toàn bài viết. Một nhan đề bài viết hay sẽ hấp dẫn, kích thích sự tò mò của độc giả.

Mình không phủ định việc đặt nhan đề cho bài viết là không hề dễ dàng. Nhưng hãy cố gắng học hỏi và hoàn thiện điều đó nhé! Giống như mình, dù đã chắp bút được 6 năm rồi nhưng mình vẫn đang phải học điều đó qua tất cả mọi người.

TỔNG KẾT

Trên đây là một chút kiến thức mình đúc rút ra từ bản thân và mọi người xung quanh. Hãy lưu tâm tới việc đặt dấu câu, nhất định không được viết liền tù tì chữ và dấu câu để giúp độc giả cảm thấy dễ chịu khi đọc tác phẩm của mình nhé. Đồng thời, hãy trau chuốt nhiều hơn về chính tả để không độc giả nào phải thấy khó chịu khi gặp các lỗi chính tả cơ bản nhất trong bài viết cả tất cả mọi người.

Nếu còn thắc mắc gì, hãy comment bên dưới mình sẽ giải đáp hết cho mọi người.

Hãy nhớ rằng, những điều nhỏ bé luôn tạo ra kết quả lớn.

(Fb Nguyễn Hương Quỳnh - Viết hay không bằng hay viết)

(2 ratings)

Tags: bài viết hay, hình thức, bài viết