Người đăng: Thu Trang   Ngày: 11/01/2021   Lượt xem: 554

Lang thang trên group cũng kha khá lâu, có một câu hỏi mà mình thường xuyên gặp nhất trong phần… bình luận đó là “Em muốn viết nhưng em không biết bắt đầu từ đâu”. Chị Linh và các anh, chị khác cũng đã trả lời câu này rất nhiều lần rồi, tuy nhiên, với góc nhìn của một người viết đơn giản chỉ để viết, mình vẫn muốn chia sẻ cùng các bạn đôi điều về cuộc viết của mình. Bản thân bài viết này cũng là một lần nhìn lại của chính mình về những tháng năm mình đã viết và chỉ viết thôi. Vì thú thực với mọi người là, mình chưa bao giờ thực sự nghĩ đến lý do mình bắt đầu viết, cho đến lúc mình nhận ra mình đang viết thì mình thực sự đã viết từ trước đó rất lâu rồi.

Điểm bắt đầu viết mà mình còn có thể nhớ rõ ràng nhất là năm 12 tuổi. Lúc đó, mình có xem một bộ phim và mình thích nó cực. Mình thích nó đến nỗi khi nó kết thúc mình cứ tiếc mãi và chỉ ước gì nó sẽ kéo dài thêm vài chục tập nữa, thậm chí kéo dài đến lúc nào mình chán nó thì thôi. Nhưng điều đó là không thể, tất nhiên. Cái khó ló cái khôn, mình viết truyện, viết những câu chuyện dựa trên nguyên mẫu là những nhân vật mình thích, cái mà ngày nay đã có một cái tên rất mỹ miều là fan fiction – một kiểu dùng các nhân vật có thật hoặc nguyên mẫu trong các tác phẩm văn học, phim ảnh, games, v.v. để sáng tác những câu chuyện riêng, có thể đặt những nhân vật đó trong cùng bối cảnh của tác phẩm gốc hoặc sáng tạo ra hoàn toàn một bối cảnh mới. Từ những câu chuyện đầu tiên, mình bắt đầu nghĩ ra những cốt truyện mới và sáng tác ra những câu chuyện mới. Năm lớp 11 mình có tài khoản Wattpad đầu tiên và đó là lần đầu tiên mình thực sự xuất bản một cái gì đó của mình ra trước công chúng. Wattpad mang đến cho mình những người bạn mới mà cho đến giờ đã trở thành những người bạn thực sự của mình, đồng thời khiến mình nhận ra hai điều: Một, mình thực sự yêu việc viết lách và nó là một phần của sự sống của chính mình; và Hai, mình không thể viết văn được bởi vì mình sẽ không bao giờ làm bất cứ một cái gì dưới tiêu chuẩn và có những điều mà chúng ta phải chấp nhận là khả năng của mình không nằm ở đó.

Khoảng thời gian khủng hoảng năm 20 tuổi cho đến nay là khoảng thời gian mình dừng hẳn việc sáng tác truyện để chuyển sang những kiểu viết khác. Mình bắt đầu blog về sách của mình cũng vào thời điểm này, đơn giản vì mình thích đọc và viết về những cuốn sách mình đọc. Trên blog này mình cần mẫn viết về những cuốn sách mình đã đọc, hết cuốn này đến cuốn khác, cứ trang cuối cùng của một cuốn sách gấp lại là một bài viết ra đời. Dĩ nhiên, có những cuốn mình không viết.

Năm 2019, mình bị reading slump, cho đến giờ là 2 năm hơn rồi mình vẫn chưa khỏi. Nó đồng thời kéo theo tình trạng mình không đọc được gì và cũng không viết gì nhiều trên blog cho đến giờ. Năm 2019, mình tổng cộng xuất bản 5 bài viết trên blog, chỉ bằng khoảng 13% của năm 2018 (38 bài). Còn trong năm 2020 mình viết cả thảy…2 bài, và một trong số đó là viết về cuốn sách mình được “trả công” để viết. Tuy nhiên, 2020 lại là khoảng thời gian mình chuyển sang viết về điện ảnh gần như hoàn toàn. Song song với đó là việc duy trì một blog cá nhân để viết về các chủ đề nỗi đau, chữa lành, phản biện xã hội, và quyền con người – cái này vừa là một phần đam mê của mình, cũng là một phần liên quan đến những công việc mình đã từng làm và theo đuổi suốt thời sinh viên và sau khi ra trường. Từ việc duy trì hai blog này song song, mình cũng đồng thời mở rộng sang các khía cạnh khác của nghệ thuật.

Việc viết nhiều chủ đề và duy trì những blog song song có thể đi ngược lại với việc chọn cho mình một (vài) chủ đề để viết mà các anh, chị có kinh nghiệm thường đề cập đến. Tuy nhiên, mình thấy là không có vấn đề gì nếu viết nhiều chủ đề, miễn là chúng ta chọn được cái gì để đại diện cho mình. Sau hết thì, việc viết nhiều chủ đề như thế đã giúp mình nhận ra nhiều điều và nhận ra rất nhiều điều về bản thân mình và về viết lách, đó là:

- Chúng ta không thực sự cần có lý do để bắt đầu. Việc viết là một việc hết sức tự nhiên, nếu bạn cảm thấy cái thôi thúc trong mình đủ lớn, vậy thì cứ đặt bút và viết thôi.

- Viết là một quá trình tự đối thoại với chính mình. Suy cho cùng, viết lách là một trong những cách để biểu hiện chính bản thân mình. Trong quá trình viết xuống những suy nghĩ, suy tư, trăn trở của chính mình, chúng ta cũng đồng thời hiểu mình hơn. Điều đó dẫn ta đến một trong những bước quan trọng nhất của quá trình tự tri – tự đối thoại, thấu hiểu bản thân.

- Khoan cần hỏi mình nên viết cái gì mà hãy nghe tim mình mách bảo điều gì. Trong hơn 13 năm viết lách của bản thân, đến giờ mình mới thực sự tự hỏi Mình nên viết về cái gì hay viết như thế nào, đó là bởi hiện tại mình đang thực sự có ý định nghiêm túc về việc viết chuyên nghiệp. Còn toàn bộ thời gian trước đó, mình viết tất cả những gì mình muốn, viết cho chính mình và để biểu hiện chính mình, viết để giao tiếp với thế giới. Và mình cho rằng mọi cây viết nên có một sự bắt đầu như thế, một sự bắt đầu ngây thơ và trong trắng. Muốn viết tốt ư, mình tin rằng chúng ta phải cứ viết đi đã. Nếu bạn không thể viết một cách thoải mái và tự do nhất, bạn sẽ không thể nào hiểu được mình và phong cách của mình để mà biết được mình thực sự thích viết cái gì, viết như thế nào, viết cho ai.

- Không bao giờ nên kiêu ngạo cho rằng mình có thể viết mà không đọc bao giờ. Mình để ý thấy rất nhiều bạn nói rằng họ lười đọc nhưng vẫn muốn viết tốt. Mình thực sự rất muốn nói với các bạn rằng trong hơn hai mươi năm sống, mình chưa từng gặp bất cứ một người nào viết được mà không thực sự đọc, huống hồ là viết tốt. Do đó, nếu thực sự muốn viết, thì việc chăm chút cho phần đầu vào là đọc là yếu tố cực kỳ quan trọng.

Hy vọng chia sẻ trên đây sẽ giúp mọi người điều gì đó trong quá trình viết của mình, và mình cũng rất mong được đọc về quá trình viết của các bạn.

(Theo Fb Anh Hải Vũ)

(1 ratings)

Tags: writer