Người đăng: Thu Trang   Ngày: 21/01/2021   Lượt xem: 1118

Các tác giả nổi tiếng trên thế giới đều là những người không chỉ đọc nhiều loại sách mà còn có kỹ năng đọc xuất sắc. Trước khi trở thành người viết tốt, bạn nên là một người đọc thông thái và có mục đích. Đọc sách như thế nào thì hiệu quả? Những kỹ năng nào cần lưu ý khi đọc sách? Các bạn mới bước vào nghề viết có thể tham khảo các bước hướng dẫn chi tiết trong bài viết dưới đây để nâng cao kỹ năng viết lách của mình.

1. ĐỌC ĐA DẠNG CÁC THỂ LOẠI

Là một người viết, bạn cần xác định việc đọc sách không chỉ là một sở thích thông thường. Dù bạn là fan trung thành của tiểu thuyết ngôn tình và không hứng thú với các dòng sách khác thì từ bây giờ, bạn nên thay đổi suy nghĩ đó ngay. Bởi việc đọc đa dạng thể loại giúp người viết rèn kỹ năng tư duy ngôn từ và có kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Có nhiều thể loại sách cần thiết cho người viết lách như:

  • Dòng sách văn học (tiểu thuyết, tản văn, truyện ngắn, tùy bút, thơ…)
  • Dòng sách kỹ năng, truyền cảm hứng
  • Dòng sách chuyên ngành (lịch sử, khoa học, giáo dục, tâm lý, kinh tế…)

2. ĐỌC SÁCH VỀ LĨNH VỰC MÌNH VIẾT

Mỗi người viết sẽ có thế mạnh trong một số lĩnh vực ngách cụ thể. Do đó, bạn cũng cần tìm đọc các tựa sách liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mà mình theo đuổi. Bạn không nhất thiết phải đặt mục tiêu trở thành một chuyên gia mới có thể viết tốt. Những cây viết giỏi thường có khả năng nghiên cứu và tự học tốt, trong đó có cả việc tích lũy kiến thức từ sách và các tài liệu chuyên ngành.

Chẳng hạn như các bạn theo đuổi lĩnh vực giáo dục mầm non sẽ cần đọc sách tâm lý trẻ nhỏ, các phương pháp giáo dục sớm, sách hướng dẫn làm cha mẹ… Những ai viết về ẩm thực có thể tìm đọc sách liên quan đến khoa học dinh dưỡng và sức khỏe, tản văn, tùy bút viết về các món ăn nổi tiếng…

Khi dành thời gian tìm hiểu chuyên sâu về một chủ đề, bạn sẽ tìm thấy trích dẫn của các chuyên gia trong ngành. Hãy tìm đọc sách hoặc các nghiên cứu khoa học của họ. Ngoài sách giấy, nguồn ebook đa dạng trên ứng dụng đọc sách Kindle của Amazon cũng là một ý tưởng hay nếu bạn có khả năng đọc hiểu tài liệu tiếng nước ngoài. Đó sẽ là nguồn kiến thức rất đáng để bạn đầu tư công sức và thời gian tìm hiểu.

3. CHÚ TRỌNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG SÁCH

Đọc sách sẽ giúp bạn luyện được cách hành văn của người viết chuẩn và tránh những lỗi sai khi viết. Nhưng để làm được như vậy, bạn cần biết cách chọn sách đúng chất lượng. Trước thực tế mỗi năm có hàng loạt đầu sách mới được xuất bản trên thị trường, mình sẽ gợi ý một số cách chọn sách như sau:

  • Tham khảo ý kiến của chuyên gia trong ngành hoặc bạn bè, đồng nghiệp, người thân
  • Tham khảo các bình luận, đánh giá của độc giả về quyển sách trên các nhóm cộng đồng đọc sách hoặc ứng dụng mua sách trực tuyến
  • Nghiên cứu kỹ về tác giả sách: Họ là ai? Họ có uy tín và trình độ chuyên môn như thế nào?
  • Cân nhắc mức độ uy tín của nhà xuất bản sách
  • Xem số lần tái bản (nếu có) vì các quyển sách hay thường được tái bản nhiều lần
  • Đọc qua phần lời mở đầu của tác giả và lời nhận xét của các chuyên gia (thường nằm ở bìa sau của sách) xem họ nói những gì, có đáng tin cậy không
  • Đọc phần mục lục và vài đoạn bên trong để nắm khái quát nội dung và văn phong của tác giả xem có phù hợp với mục đích và mong muốn của bạn khi chọn quyển sách đó không

Riêng các loại sách được dịch từ tiếng nước ngoài, không phải dịch giả nào cũng có khả năng truyền tải nguyên vẹn ý tưởng của tác giả. Trên thị trường có khá nhiều đầu sách được dịch với câu từ thiếu mạch lạc, thậm chí sai nghĩa. Trước khi mua sách, bạn nên cố gắng tìm đọc bản gốc qua các tính năng đọc thử của Google Books hoặc trên ứng dụng Kindle của Amazon và so sánh với bản dịch để đánh giá chất lượng nội dung.

4. LÊN KẾ HOẠCH ĐỌC SÁCH

Nếu bạn là người bận rộn, việc tập trung đọc sách sẽ khó thực hiện khi không có kế hoạch rõ ràng. Tùy vào nhu cầu và thời gian, bạn hãy đặt ra mục tiêu cụ thể và có khả năng đo lường bằng cách chia nhỏ quá trình đọc của mình. Ví dụ: Mình đặt mục tiêu mỗi tháng đọc 2 quyển sách. Theo đó, mỗi ngày mình sẽ đọc 30 trang sách lúc 10 giờ sáng. Cuối tuần có nhiều thời gian hơn thì mục tiêu là 40 – 50 trang hoặc tính theo số chương sách. Bạn cũng cần xếp thời gian nghỉ giải lao tầm 5 – 10 phút giữa các phiên đọc sách để thư giãn.

Trong thời đại công nghệ, chúng ta thường xuyên tiếp cận với nhiều phương tiện truyền thông và giải trí như báo điện tử, Facebook, Instagram, Zalo, YouTube, Netflix… Vì vậy, khi viết lách cũng như đọc sách, bạn cần tập trung cao độ và tránh các tác nhân gây gián đoạn kế hoạch của bạn. Hãy tìm cho mình một không gian yên tĩnh để chắc chắn rằng không ai làm phiền khi bạn đang đọc sách. Bạn cũng nên để điện thoại ở chế độ im lặng hoặc để nó xa tầm mắt. Tin nhắn, cuộc gọi và thông báo từ các trang mạng xã hội là nguyên nhân hàng đầu khiến bạn mất tập trung và khó đạt hiệu quả khi đọc sách.

5. TÍCH CỰC GHI CHÚ

Để việc đọc sách hỗ trợ tốt nhất cho nghề viết, bạn nên tích cực ghi chú những điều thú vị từ sách. Đó là những từ vựng mới, được tác giả sử dụng một cách khéo léo trong tác phẩm. Đó cũng có thể là những ý tưởng độc đáo, thể hiện chiều sâu tư duy của tác giả. Khi trở thành người đọc có mục đích, bạn cần chuẩn bị những vật dụng “bất ly thân” sau đây:

  • Sổ tay: Chọn một quyển sổ ưng ý, có hình thức đẹp thì càng tốt để tạo cảm hứng khi viết. Một số thương hiệu sổ tay “cực chất” dành cho dân mê viết lách: Crabit Notebuck, Threedots...
  • Bút: Bao gồm các loại bút mực, bút chì, bút dạ để sử dụng bất cứ lúc nào cần ghi chép
  • Giấy ghi chú: Các loại giấy note khổ vuông và cả dạng sticker đánh dấu trang

Trong khi đọc, bạn có thể gạch chân, tô màu hoặc ghi chú trực tiếp vào các trang sách. Sau đó, bạn tổng hợp các phần ghi chú và viết vào sổ tay hoặc lưu trữ trong máy tính để tạo thành “kho” tư liệu riêng. Hôm nào quên mang sổ thì bạn hãy “chữa cháy” bằng cách ghi chú vào điện thoại nhé. Những thông tin đó có thể sẽ giúp bạn khơi nguồn ý tưởng sáng tạo cho các bài viết sau này. Vì vậy, bạn cần thường xuyên tra cứu các tư liệu và tìm cách vận dụng chúng vào bài viết của mình. Đó là cách giúp bạn ghi nhớ dễ dàng và cải thiện kỹ năng viết lách.

6. RÈN KỸ NĂNG PHẢN BIỆN

Khi theo đuổi nghề viết, bạn phải đặc biệt chú ý đến kỹ năng phản biện khi đọc sách. Bạn còn nhớ những bài làm văn phân tích tác phẩm văn học của thời học sinh chứ? Ngày đó nếu đạt điểm cao môn này thì giờ đây, mọi thứ sẽ dễ dàng trong tầm tay bạn. Nhưng nếu không thì chúng ta vẫn có thể luyện tập dần kể từ bây giờ.

William Faulkner – tiểu thuyết gia người Mỹ từng đoạt giải Noel và giải Pulitzer danh giá, đã nói rằng: “Hãy đọc và tiếp tục đọc tất cả mọi thứ để xem các tác giả đã viết chúng như thế nào. Bạn sẽ thẩm thấu và nhận định được điều gì đáng học hỏi, điều gì cần quên đi”. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải đọc sâu chứ không dừng ở việc đọc lướt. Đọc sâu để phân tích và đánh giá tác phẩm qua các câu hỏi phản biện:

  • Các thủ pháp viết và kỹ thuật xây dựng câu chuyện mà tác giả áp dụng là gì?
  • Các từ vựng được sử dụng trong ngữ cảnh như thế nào?
  • Vì sao tác giả dùng cấu trúc câu này mà không dùng cấu trúc khác?
  • Dụng ý của tác giả qua tác phẩm đó là gì?
  • Điều gì khiến bạn tâm đắc? Điều gì khiến bạn chưa thật hài lòng? Vì sao?

7. ĐỪNG CHỈ ĐỌC DUY NHẤT 1 LẦN

Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học người Đức Hermann Ebbinghaus, con người sẽ quên 50% lượng thông tin vừa thu nạp sau một giờ đồng hồ. Sau một tuần, chúng ta chỉ còn nhớ được khoảng 20%. Sẽ là một điều đáng tiếc khi những kiến thức hữu ích mà bạn có được từ sách sẽ nhanh chóng rời khỏi bộ nhớ của bạn trong tích tắc. Bạn vừa mất thời gian và sức lực mà không nhận được lợi ích gì.

Để đưa các thông tin vào trí nhớ dài hạn, bạn cần đọc một quyển sách ít nhất hai lần. Lần đầu tiên là lúc bạn có thể chỉ là người dạo chơi trong khu rừng. Từ lần thứ hai trở đi, bạn trở thành nhà thám hiểm thực thụ khi đi sâu tìm hiểu và khám phá mọi ngõ ngách trong khu rừng ấy. Càng đọc nhiều lần, bạn sẽ càng nhận ra điểm thú vị ở quyển sách. Ngoài ra, viết nhật ký đọc sách cũng là một gợi ý để bạn hệ thống lại những hiểu biết của mình sau khi đọc. Nếu bạn yêu thích nghệ thuật, bạn cũng có thể tăng thêm hứng thú cho mình khi tự trang trí nhật ký bằng các hình vẽ hoặc chữ nghệ thuật. Đó cũng là một cách hiệu quả giúp bạn ghi nhớ lâu hơn đấy.

Cuối cùng, mình sẽ bật mí một bí quyết để bạn có thể tự tin trở thành người viết tốt hơn bằng việc đọc sách. Đó chính là luyện tập, luyện tập và luyện tập thường xuyên các bước mà mình đã gợi ý phía trên. Đọc sách là một thói quen tốt của người viết lách. Bạn hãy biến những kỹ năng, kinh nghiệm của các tác giả nổi tiếng thành “tài sản” riêng của mình bằng cách vận dụng chúng vào thực tiễn công việc. Mình sẽ rất vui nếu những điều này góp phần vào thành công cho hành trình trở thành người viết chuyên nghiệp của bạn.

(Theo Fb Phương Trang)

(1 ratings)

Tags: writer, đọc sách