Người đăng: Thu Trang   Ngày: 26/11/2020   Lượt xem: 1566

Nếu có một điều gì đó mình tự tin nhất trong sự nghiệp viết lách của mình, thì chính là ý tưởng. Mỗi ngày, ý tưởng về việc viết cái gì đều kéo đến ào ào, thậm chí vào những lúc mình không ngờ nhất. Có thể là đang ngồi viết 1 bài, đang nói chuyện với bạn, đang đọc một quyển sách hay thậm chí là đang đi đón con, đi chợ, ngồi ăn cơm, đang xem phim…

Vấn đề lớn nhất của mình là sự kiên trì để hoàn thành cho bằng hết những ý tưởng đó thôi. Và mình vẫn đang thực hành điều này, khi bắt tay vào kế hoạch luyện viết vào sáng sớm trong 21 ngày liên tiếp để tạo thành thói quen. Mình vẫn đang cố gắng và hồi hộp chờ đợi sự thay đổi của mình sau kế hoạch này. Đến khi kết thúc, mình sẽ chia sẻ với các bạn sau nhé!

Làm sao để ý tưởng tuôn ra như… suối?

Còn bây giờ, hãy quay trở lại với vấn đề về ý tưởng. Mình biết, có nhiều người đang gặp phải cảm giác tắc tị và mỗi ngày ngồi vào bàn đều không biết phải viết gì. Đó hoàn toàn là điều dễ hiểu và hoàn toàn có thể khắc phục được. Hãy thử áp dụng những tips thay đổi dưới đây của mình, hi vọng sẽ giúp bạn được sống trong cảm giác hừng hực vì ý tưởng tuôn trào ra như… suối.

Sống trong viết

Nếu bạn đủ yêu thích việc viết, bạn sẽ luôn để việc viết ở trong tâm trí và mình gọi điều này là sống trong viết. Tức là trước mỗi một câu chuyện, một sự việc, bạn sẽ đều muốn và có thể viết về nó.

Ví dụ: Bạn đi sửa xe gặp 1 anh thợ rất có tâm. Bạn có thể viết 1 bài về thái độ khác biệt của anh ấy, 1 bài về bài học giữ chân khách hàng, 1 bài về những feedback của khách hàng đến với anh ấy… Bạn có thể tổng hợp vào tất cả thành 1 bài, nhưng bạn cũng hoàn toàn có thể viết riêng từng vấn đề và viết thật sâu.

Tương tự câu chuyện ấy, bạn hoàn toàn có thể viết về chuyện tắc đường, những khóa học mới, chuyện mối quan hệ của bạn, chuyện chạy bộ, tập luyện… Như mình đã nói, khi bạn luôn nghĩ đến chuyện là bạn sẽ viết, thì bất kỳ điều gì cũng có thể thành ý tưởng để bạn viết được.

Trong trường hợp bạn đã lựa chọn 1 lĩnh vực trước để tập trung viết bài, ví dụ như lĩnh vực phát triển bản thân, du lịch, làm blog, tài chính-ngân hàng… thì bạn lại càng dễ dàng thỏa sức sáng tạo trong đó. Đương nhiên là chỉ khi bạn xác định sẽ viết. Bởi khi mình lựa chọn sống trong nghề viết, thì mọi thứ đến trong đầu đều có thể trở thành ý tưởng để viết được.

Nói chuyện và trao đổi nhiều

Bạn chắc đã biết sau khi ý tưởng tuôn trào thì làm gì rồi chứ? Là hiện thực hóa nó. Việc hiện thực hóa một ý tưởng viết chắc là dễ dàng nhất trên đời đấy, cứ ngồi và gõ ra tất cả những gì mình nảy ra trong đầu thôi, như đang viết nhật ký vậy. Tất nhiên là nếu bạn không đòi hỏi sự hoàn hảo từ ý tưởng đó, bắt buộc nó phải “ra ngô ra khoai” thì rất dễ dàng.

Còn trong trường hợp khi bạn luôn nghĩ đến việc viết rồi mà ý tưởng vẫn chưa đến thì hãy tìm đến bạn bè, những người đồng nghiệp hoặc người có chung mối quan tâm… trong ngách viết của bạn để nói chuyện. Trong quá trình nói chuyện, bạn sẽ nảy ra rất nhiều ý tưởng để viết.

Ví dụ, mình viết về mối quan hệ và khi đi café với đám bạn, bọn nó kể về chuyện này chuyện kia giữa 2 vợ chồng… Vậy là mình tóm ngay lấy các “keyword” trong đầu, hứa hẹn về sẽ viết bài về các vấn đề này. Và khi mình càng viết, càng chia sẻ về lĩnh vực này, lại càng nhiều người inbox và muốn kể câu chuyện của họ. Đương nhiên, các câu chuyện đều là những chất liệu và ý tưởng để mình đưa vào các bài viết.

Đọc sách

Bạn có thường xuyên đọc sách không? Nếu có thì chắc chẳng bao giờ bị bí ý tưởng đâu nhỉ, còn nếu chỉ thưa thớt 1 vài quyển thì cũng đủ rồi. Vì quyển sách mà bạn đọc, bạn yêu thích chắc chắn sẽ có rất nhiều thứ khiến bạn muốn dừng lại và viết về nó. Trong quá trình đọc sách, bạn sẽ nảy ra một câu chuyện, một suy ngẫm, luận điểm… Vậy thì rõ ràng đó là hàng loạt ý tưởng để bạn viết rồi phải không nào?

Hay bạn nói với mình bạn đọc sách chỉ là đọc thôi, không có suy ngẫm, ý tưởng gì cả? Vậy thì hãy học cách rèn luyện khả năng này đi. Vì nó sẽ khiến bạn không những nắm chắc những kiến thức hơn mà còn cải thiện rất lớn trong nghề viết. Nếu bạn đã có một trang sách đặc biệt yêu thích của riêng mình, thì hãy ngay lập tức nghĩ đến việc viết về chủ đề tương tự.

Ví dụ, từ 1 câu quote của Thiền sư Thích Minh Niệm về sự nhàm chán thôi, mình ngay lập tức có 1 bài viết về vấn đề này. Bạn có thể ghé qua trang cá nhân của mình để đọc nhé!

Viết và viết

Chắc bạn không ít lần tự hỏi vì sao những cây viết chuyên nghiệp có hàng loạt bài viết mới mỗi ngày, ý tưởng trong họ tuôn trào như không bao giờ cạn vậy? Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời sau khi viết và viết liên tục, sản xuất nội dung không ngừng nghỉ.

Còn nếu bây giờ bạn chưa đạt đến level ấy, mình có thể giải thích cơ bản như thế này: Khi kỹ năng viết trở thành đỉnh cao, bạn sẽ không bao giờ hết chữ. Và thậm chí khi viết, bạn sẽ thấy từng câu nói của mình, từng luận điểm mình đưa ra đều có thể trở thành một bài viết khác. Thêm vào đó, trong quá trình research trước lúc viết bài, bạn cũng sẽ tìm ra hàng loạt những thứ liên quan đến chủ đề mình đang viết. Và bạn hoàn toàn có thể biến chúng thành của mình, bằng cách làm mới chủ đề ấy theo cách phân tích, nhận định hoặc trải nghiệm của mình. Ý tưởng vì vậy sẽ không bao giờ cạn cả.

Học, đọc và nghiên cứu

Khi đã trở thành chuyên gia trong một ngách viết, chuyện bí ý tưởng sẽ không còn nữa. Còn muốn trở thành chuyên gia, đương nhiên chỉ có con đường không ngừng học, đọc và nghiên cứu. Bạn không nhất thiết phải có bằng cấp để trở thành chuyên gia trong ngách viết nào đó. Thay vì thế, nếu bạn nghiên cứu, dành thời gian vẫy vùng đủ lâu trong ngách này, bạn sẽ trở thành chuyên gia theo thời gian.

Ví dụ cụ thể nhất là mình đây. Mình không hề có bằng cấp nào trong lĩnh vực hôn nhân hay tâm lý, nhưng khi mình viết về các mối quan hệ, độc giả thường phải gật gù tâm đắc vì rất “chạm” và khiến họ cảm thấy được mọi tâm tư của họ được viết lên. Bí quyết không gì ngoài việc mình đã viết đủ lâu và đã đọc đủ nhiều để có thể thoải mái chia sẻ về những vấn đề này. Và sau khi viết càng nhiều, thì bạn chẳng sợ mình không có gì để viết.

Đưa ra thử thách cho chính mình

Bạn hoàn toàn có thể luyện tập để sản xuất ra những nội dung mới từ các bài viết trước đây của mình. Và những ý tưởng có thể sẽ kéo đến khiến bạn… ngộp thở.

Ví dụ, hãy viết lại một bài viết cũ của bạn dưới các dạng khác nhau. Cùng 1 chủ đề ấy nhưng thay vì là một bài phân tích 1000 chữ thì hãy viết theo dạng bài toplist, những sai lầm thường gặp, long-form, quảng cáo, inforgraphic… Hay thử thách bằng việc đưa bài viết ấy ra để nghiên cứu, tách riêng từng luận điểm để viết thành các bài hoàn chỉnh khác nhau. Như thế, từ 1 bài bạn sẽ có rất nhiều bài.

Khi kiên trì luyện tập và thực hành viết, bạn sẽ thấy cảm giác tắc tị đã hoàn toàn biến mất. Bạn thậm chí sẽ kinh ngạc về sự tiến bộ của mình. Vì vậy, nếu bạn chưa thực hành, chưa đặt việc viết trở thành mối ưu tiên số 1 của bạn, thì đừng nói đến chuyện bí ý tưởng. Và nếu chỉ coi viết là cuộc dạo chơi, thì thôi, ý tưởng đến lúc nào thì đến, quan tâm làm gì nhiều. Hãy làm trước khi hỏi và chỉ hỏi khi đã thực sự làm.

(Theo Fb Lá Xanh)

(3 ratings)

Tags: ý tưởng, writer