Người đăng: phanlinh   Ngày: 14/11/2020   Lượt xem: 972

Từ những ngày đầu tham gia khóa học Coaching 1:1, mình phải điều chỉnh cảm xúc rất nhiều. Mình là 1 minh chứng cho việc “vui làm buồn bỏ”, và thường xuyên có suy nghĩ tiêu cực hoài nghi về khả năng của bản thân trong bất kì công việc nào. Khi nhận ra nhược điểm của bản thân, quan trọng là bạn sẽ từ bỏ hay muốn cố gắng để thay đổi tình hình. Và đây là cách của mình:

Đừng cố gồng gánh khi tâm trạng đang hỗn loạn

Theo mình thì điều này đúng, và đặc biệt đúng với những cây viết hướng nội (là mình đây). Điều này mình đúc rút ra trong quá trình luyện viết, đồng thời quan sát suy nghĩ và cảm xúc sâu sắc hơn. Mình hiểu là tình cảnh ấy thực sự khó khăn, khi bạn muốn tập trung viết, nhưng rất nhiều thứ đang diễn ra trong đầu đầy hỗn loạn. Ý tưởng này lại phản bác ý tưởng khác, giống như 1 cái máy sản xuất ý tưởng đang sắp vượt quá công suất, nóng ran như phát sốt đến nơi.

Để khắc phục điều này, mình đã chia 2 hướng nội dung như sau để quản lý và cho mình cảm giác dễ thở hơn: Nội dung về cảm xúc và nội dung về công việc. Trong quá trình làm việc mình đan xen chúng với nhau, sau khi viết nội dung cho công việc thì ngay sau đó, mình sẽ dành 1 chút thời gian viết những gì mình muốn cho nỗi lòng được thở phào nhẹ nhõm hơn. Mình thích viết tản văn, viết những thứ lãng đãng nên nó trở thành thứ xoa dịu cái đầu khi căng thẳng của mình. Đôi lúc mình nằm tĩnh tâm trong 5 phút, có thể mở nhạc hoặc không, cảm giác khi mở mắt tỉnh dậy rất khác biệt các bạn ạ, thử xem. Đó là cách của mình, bạn có toàn quyền lựa chọn cách khác để cảm thấy thoải mái hơn một cách nhanh chóng mà không phải quá lao tâm khổ tứ trong tắc tị hay hỗn loạn mà, phải không?

Bạn chỉ thích viết thôi hay muốn sống bằng nghề viết?

Bất kì nghề nào cũng thế, thời gian đầu sẽ luôn luôn không thuận lợi như bạn đã tưởng tượng. Đâu đó, mặc cảm lớn nhất sẽ lộ diện, và đột nhiên bạn nghĩ "Liệu mình có hợp với nghề này không khi có quá nhiều thứ còn thiết xót như vậy?", "Hay là mình chỉ cần viết thôi chứ chẳng cần kiếm tiền từ nó nhỷ?". Đó bạn thấy không, khi trở thành cái nghề rồi, điều tối quan trọng là phải đồng hóa được bản thân và công việc. Bạn không thể ngồi đó rồi viết nhăng viết quậy cho khách hàng, bạn cần 1 sự tỉnh táo trong công việc và kĩ năng viết. Còn nếu như viết nhật ký, hay viết để chữa lành lại là một câu chuyện rất khác, nó là chuyện của cảm xúc cá nhân.

Việc xác định rạch ròi nguyện vọng của bản thân là để gạt bỏ sương mù trên con đường bạn đi. Đừng nhầm lẫn giữa việc viết cho mình và viết cho nhà người ta. Viết cho mình là để mài giũa, để chữa lành, để vui. Viết cho người ta là bạn lấy kinh nghiệm, chất xám, thời gian của mình để hoàn thiện những nhiệm vụ nhất định. Tất nhiên, nếu bạn trung hòa được cả 2 thì tuyệt vời, ý mình là ngay cả khi viết cho người cũng khiến bạn vui và tự hào vì đang được làm công việc mình mong ước - 1 Freelance Writer. Nếu nghĩ được tới đó thì chúc mừng, bạn đã sắp thành chính quả rồi! Dù trong công việc hay đời sống, hãy cố gắng giảm thiểu tối đa điều khiến bạn không vui, và tăng điều khiến bạn hạnh phúc trong đời là tốt nhất.

Không quan trọng khởi đầu của bạn như thế nào, mà là cú xoay chuyển ngoạn mục sau này

Nói thật là mình không phải người thích chia sẻ, mình cực trầm tính và luôn bận rộn với suy nghĩ riêng. MÌnh cũng chưa viết được bài viết nào nhiều thông tin giá trị, mình cân nhắc rất lâu khi phải viết về 1 chủ đề nào đó. Nên tự thân mình đôi lúc cũng đã thấy “Ôii học đến tuần thứ 3, 4 rồi mà mình chưa làm được gì cả?”, rất hoảng loạn và thực sự khác với những gì mình nghĩ mình sẽ làm được khi mới bắt đầu.

Bình tâm nghĩ lại, mình nhận ra rằng mỗi chúng ta là 1 phiên bản hoàn toàn khác nhau với câu chuyện khác nhau. Có thể sau khóa học, bạn sẽ tìm được việc ngay, hoặc đã tìm luôn cho mình được định hướng rồi. Hoặc có thể, điều giá trị nhất đến với bạn khi kết thúc khóa học là không sợ viết nữa. Không sợ việc chuyên tâm vào 1 thứ gì đó, và đi đến cùng với nó, như việt viết 1 bài dạng long-form chẳng hạn. Khi đã trải qua nhiều khóa học viết, mình nghĩ 1 khóa học giúp bạn nhìn rõ bản thân và vượt qua nỗi sợ, vượt qua chính bản thân mình đã là 1 khóa học thành công rồi. Vì bạn sẽ còn phải học tiếp ngay sau khi kết thúc 1 tháng luyện tập nữa. Con đường luyện tập và trau dồi vẫn sẽ tiếp tục, những cơ hội vẫn còn đó để bạn thử sức, quan trọng là khóa học là sự trang bị để bạn không ngừng nỗ lực sau đó.

Mình muốn nói là đừng đặt kỳ vọng cao hơn bản thân mình mà hóa thành áp lực dày đặc, như vậy sẽ rất khó khăn để bạn cởi mở trong việc viết. Tin mình đi, vì đa sầu đa cảm là tất cả con người mình, những suy nghĩ quá tiêu cực đến nỗi mình không dám nói ra ở đây, mà thi thoảng chỉ chia sẻ với chị Linh Phan. Và thực sự mình cần 1 người hướng dẫn giúp mình Calm down lại, có chị Linh cùng đồng hành, mình thực sự rất biết ơn.

Nói với bạn 1 bí mật nhé, ngay khi mình chẳng biết viết gì cả, thì mình để ý tới cảm xúc của mình. Quan sát nó, mình thấy nó thật sự hỗn độn, mình rất lo âu, mình tự hỏi “Liệu các cây viết mới vào nghề có gặp khó khăn như mình không?”, “Các bạn ấy có chật vật không?”. Và mình quyết định chia sẻ trải nghiệm riêng của mình. Một người đang nỗ lực vượt qua mặc cảm và không buông trang viết.

Viết là 1 quá trình trưởng thành, và bạn cần nhiều thời gian hơn khi mới bắt đầu. Đừng sợ rằng nó sẽ không hoàn hảo, vì bạn còn phải giữ niềm tin vào bản thân cho rất lâu sau này nữa để vững bước trong sự nghiệp viết. Giống như tựa cuốn sách “Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu” của tác giả Kim Ran Do, mình đã luôn ghi nhớ tựa đề ấy để thấy rằng nếu bạn thấy quá khó khăn, chật vật quá rồi, đau rất đau thì mọi thứ mới chỉ là bắt đầu thôi. Quá trình trưởng thành ấy bạn sẽ liên tục chao đảo, chỉ có người chịu đi tiếp và đi đến cuối chính là dấu mốc xác nhận cho sự trưởng thành của ngòi bút. Sau 1 lần đau, ngòi bút sẽ thêm sắc bén hơn. Hãy nhớ điều này:

“Một lần thất bại là một lần đau đớn. Khủng hoảng càng sâu sắc thì sự đảo ngược càng ngoạn mục.” (Kim Ran Do)

Nếu như khó khăn của bạn giống như mình, đó là quá nhiều cảm xúc cá nhân mà không bao giờ xả ra cho hết khiến bạn trì trệ, hay bỏ dở việc viết, thì hãy làm gì đó khiến bạn thoải mái hơn. Nếu viết để xả được, đừng đè nén, hãy viết cho mình trước, viết 1 lèo rất nhanh và bạn sẽ thấy hoàn toàn thoải mái hơn. Nếu bạn cần 1 giấc ngủ sâu sau những suy nghĩ nặng nề, hãy cứ ngủ. Quan trọng là “Ease your mind, slow down” và lại tiếp tục nhớ:

“Một lần thất bại là một lần đau đớn. Khủng hoảng càng sâu sắc thì sự đảo ngược càng ngoạn mục.” (Kim Ran Do)

Lời thú nhận những sai lầm cũng đáng giá như sự tự công nhận nỗ lực của bản thân vậy. Chúc bạn can đảm đối diện với những chông gai, chúc bạn bình an và yên vui khi cầm bút.

“Một lần thất bại là một lần đau đớn. Khủng hoảng càng sâu sắc thì sự đảo ngược càng ngoạn mục.” (Kim Ran Do)

Theo Fb Lê Vũ

(1 ratings)