Các bạn mới bắt đầu làm freelancer thường khá quan tâm đến con số. Cụ thể ở đây là thu nhập được bao nhiêu mỗi tháng khi trở thành fulltime freelancer. Nhưng mình nghĩ, có những con số quan trọng hơn bạn cần quan tâm. Ví dụ như là các con số mô tả tỉ lệ thu nhập từ các nguồn khác nhau của một freelancer chẳng hạn.
Nội dung chính:
Cũng ngày này cách đây 2 năm, mình quyết định trở thành freelance writer.
- Năm đầu tiên (2018), cũng có những thời điểm lên xuống, thu nhập một tháng vỏn vẹn $500, còn trung bình là khoảng $1500. Tháng cao điểm, mình có chừng 10 khách hàng một lúc.
- Năm thứ hai (2019), trung bình tăng lên được khoảng $2000/tháng. Tháng cao điểm, có khoảng 7 khách hàng.
- Sang năm nay, khi tiến thêm vài bước tiến mới trong sự nghiệp, thu nhập ổn định hơn và tăng lên thành khoảng $2500 - $3000/tháng, ít nhất là từ đầu năm cho tới nay - trong khi mình lại có thời gian làm việc ít đi và cũng ít khách hàng hơn so với thời điểm lúc bắt đầu.
Tại sao lại như vậy?
Bởi vì mỗi 6 tháng, mình thường ngồi tổng kết và tính toán xem tỉ lệ thu nhập từ các nguồn của mình đang được phân bổ như thế nào.
Năm 2019, mình tập trung vào dịch vụ Content Writing, khách hàng thì nhiều thật, nhưng mệt. Khách hàng nước ngoài thì đỡ, chứ khách hàng Việt thì chăm hơn cả con mọn. Mình chẳng có nhiều thời gian để làm những mảng khác, dù thu nhập mảng này có cao nhất thật nhưng mà mệt quá. Cho tới khi mình quyết định viết và thử dạy một vài khóa học, kết quả tích cực ngoài mong đợi, mình mới quyết định sẽ chuyển hướng. 6 tháng cuối năm 2019, mình vừa chờ sinh em bé thứ 2, vừa tập trung để chuẩn bị cho các bước đi và hoàn thiện cho việc xây dựng một nền tảng khóa học và hệ sinh thái online của cá nhân mình. Đồng thời, cũng tập trung phát triển nhiều hơn cho thương hiệu cá nhân.
Sang 2020, hiện tại dịch vụ Content Writing chỉ còn 3 khách hàng, thu nhập đến nhiều nhất từ khóa học - mà lại là thu nhập thụ động. Mình có nhiều thời gian hơn để viết sách, viết blog cá nhân, viết theo đặt hàng của các tạp chí - và những hạng mục này lại giúp credit của mình tăng lên. Khách hàng tự tìm tới nhiều hơn, mình hầu như chẳng phải tìm kiếm khách hàng bao giờ.
Sự chuyển đổi các dạng khách hàng, dạng công việc và tỉ lệ thu nhập sẽ rất cần thiết để giúp bạn tận dụng thời gian tốt hơn và kiếm được nhiều hơn.
Hãy xem 2 ảnh minh họa về dạng công việc và tỉ lệ thu nhập của mình thay đổi ra sao từ 2019 sang 2020.
Các bạn nên thường xuyên tính toán và xem xét lại các dạng khách hàng/dạng công việc để điều chỉnh cho phù hợp, chứ không phải chỉ là lao đầu vào làm việc, bất kể công việc hay thời gian.
Hành trình tìm khách hàng chuyển đổi các dạng khách hàng hay công việc này trải qua những bước hay có gì cần chú ý?
- Mạng xã hội thực sự có sức mạnh rất kỳ diệu. Nếu không có LinkedIn và đặc biệt là Facebook, mình sẽ không có được 2/3 thu nhập của mình hiện tại. Các mối quan hệ, khách hàng, cơ hội đều từ đây mà ra. Hãy nghiêm túc nghĩ về việc xây dựng một hình ảnh cá nhân chuyên nghiệp hơn của bạn trên mạng xã hội.
- Tiếp thị rất quan trọng. Dù bạn có thể đã có lượng khách ổn và đủ sống, nhưng đừng vội tự mãn và ngừng giới thiệu. 1/3 thu nhập của mấy tháng đầu năm 2020 của mình là đến từ các khách hàng và công việc mới.
- Hợp đồng liên tục giúp tạo ra thu nhập ổn định. Thực tế là việc gửi bài viết cho các tờ báo và tạp chí đôi khi tạo ra thu nhập ổn định hơn là đi viết content cho các doanh nghiệp. Sự nghiệp tất nhiên sẽ có lúc lên lúc xuống nên là hãy cố gắng có được công việc liên tục, để bù lại những lúc bạn khó khăn, hoặc mệt mỏi và cần nghỉ ngơi.
- Không ngừng networking. Mình vẫn tiếp tục phát triển các mối quan hệ, và những contact mới cũng mang tới những dự án mới thú vị.
- Coi trong blog của bạn, hãy đầu tư cho nó. Nhiều khách hàng muốn mình viết blog cho họ vì họ thấy thích blog của mình. Đơn giản vậy thôi. Việc nhiều người đọc và chia sẻ blog đã mang tới cho mình nhiều khách hàng tiềm năng. Họ ghé thăm và ngỏ lời hợp tác.
- Nhưng đừng viết blog thuê quá nhiều. Dù hiện tại rate của một bài viết cho blog của mình thấp nhất là khoảng 800,000đ/1000 chữ nhưng thú thật mình thấy viết sách, dạy học và viết báo thú vị và mang lại nhiều lợi ích hơn.
- Không phải càng nhiều khách hàng càng tốt. Mình đã giảm bớt số khách hàng xuống nhưng thu nhập vẫn ổn và thậm chí còn nhìn hơn. Chúng ta nên nhắm tới khách hàng chất lượng, thay vì số lượng.
- Xem lại rate hiện tại của bạn, có nên tăng giá không, bao lâu rồi bạn chưa tăng giá và nên tăng theo lộ trình thế nào. Bạn có thể search lại bài viết về làm thế nào để tăng giá của mình ở trong group này.
Lời khuyên khác của mình
Có lẽ, các bạn đang giống mình ở thời điểm năm 2018-2019. Các bạn viết bài cho website, landing page, social posts là chủ yếu. Nhiều bạn cũng nghĩ rằng làm freelancer chắc đơn giản là viết những dạng bài như vậy.
Học viên của mình, khi chuyển hướng 9to5 sang freelancer hầu hết cũng bắt đầu viết cho những job dạng bài website, bài chuẩn SEO hay bài cho các nền tảng xã hội. Mình cho rằng, công việc đó tất nhiên cũng tạo ra thu nhập tốt, nhưng sẽ không bền nếu các bạn chỉ dừng lại ở đó.
Các bạn nên:
- Chọn 1-2 lĩnh vực niche rồi tập trung viết về nó.
- Năm 2018 mình chỉ viết về content marketing và rất nhiều khách hàng đã tìm tới mình nhờ những bài viết của mình.
- Năm 2019 mình viết về parenting (vì mình bắt đầu hoàn thành khóa học về tâm lý học trẻ em và parent coach), rất nhiều cơ hội có liên quan tới chủ đề này cũng tới.
- Năm nay, mình viết thêm về writing, và mình có hơn 500 học viên chỉ trong 2 tháng.
- Có một website cá nhân để viết về những chủ đề trong lĩnh vực niche mình đã chọn, đồng thời để khách hàng biết tới các dịch vụ và kinh nghiệm của bạn qua đó.
- Cộng tác với tạp chí, báo điện tử nhiều hơn để đăng các bài viết của mình (dù thù lao từ đây không cao nhưng đổi lại nó mang tới cho bạn credit rất tốt khi bạn muốn show off và giành khách hàng hoặc deal với khách hàng).
Mỗi dạng công việc thì lại đòi hỏi những yêu cầu khác nhau và sự thật là sẽ luôn có cách để chúng ta để tiếp cận được khách hàng.
Thực ra, ở thời điểm hiện tại và có lẽ là trong tương lai, mình sẽ không mong kiếm được thật nhiều từ viết lách tự do nói chung nữa. Bởi vì mình muốn tập trung nhiều hơn vào viết sách (năm nay mình sẽ xuất bản 3 cuốn), giảng dạy, coaching và tạo ra những nội dung hữu ích (trên blog, trên các tạp chí và facebook cá nhân của mình). Một việc quan trọng nữa, là mình muốn dành thời gian để hỗ trợ các freelance writer trẻ trong group này.
Tuy nhiên, nếu cần thiết, có lẽ mình sẽ vẫn sống tốt chỉ bằng việc viết lách tự do cho nhiều khách hàng và các dạng nội dung khác nhau.
*Một lưu ý nhỏ: Mức thu nhập hàng tháng mình nhắc tới ở trên không phải là net income, mình có các bạn trợ lý và phải chi trả cho một số công cụ, nền tảng khác nhau để phục vụ công việc (những khoản này, thường chiếm 15-20% tổng thu nhập của mình một tháng, ví dụ thu nhập tháng được 90,000,000đ thì mình sẽ cần thanh toán tối thiểu khoảng 20,000,000đ cho nhân sự, thuế má, công cụ...)
(Nguồn: FB Linh Phan)