Người đăng: writerslife   Ngày: 28/11/2019   Lượt xem: 1419

Làm chiến lược nội dung là nhàm chán? Chẳng sao cả! Một chiến lược nội dung bao giờ cũng tràn ngập những câu hỏi như:

  • Ý tưởng lớn là gì?

  • Giọng điệu của chúng ta như thế nào?

  • Tại sao trang web của chúng ta tồn tại?

  • Chúng ta đang muốn nhắm đến đối tượng nào?

  • Ưu tiên của chúng ta là gì?

  • Chúng ta đo lường thành công như thế nào?

Và mỗi một câu hỏi như thế lại chứa hàng tá câu hỏi khác. Cái nào cũng cần câu trả lời, ở nhiều cấp độ cụ thể khác nhau, rồi gom lại thành một thứ mà ta gọi là chiến thuật nội dung!

Với kinh nghiệm của mình, tôi nghĩ rằng câu trả đúng dành cho những chiến lược nội dung “bùng cháy” của chúng tôi thường rất nhàm chán. Tuyệt quá! Vậy là nhàm chán cũng không sao cả. Nhàm chán đánh bại rối rắm. Rõ ràng đánh bại khó hiểu. Mạch lạc đánh bại lầm tưởng. Cứ như thế, những người thông minh thường ngần ngại trước những chiến thuật nội dung của chính họ bởi họ sợ phải viết xuống những thứ quá đơn giản, quá rõ ràng, quá nhàm chán. Ôi!

Làm chiến lược nội dung là nhàm chán, chả sao cả!?

Chiến thuật không phải là nơi để thể hiện sự thông minh. Nó cần sự rõ ràng. Phải, thậm chí là sự nhàm chán. Điểm khác biệt lớn giữa hôm qua và hôm nay đó là giờ đây bạn đang viết những câu trả lời này xuống. Rồi bạn sẽ có thêm thời gian để trau chuốt nó, để làm nó thêm phần cuốn hút, để tìm cách đưa chiến thuật của bạn đến gần hơn với công chúng. Nhưng để làm được điều đó, bạn vẫn phải ghi lại những câu trả lời xuống trước đã.

Với ý nghĩ này, tôi muốn đưa ra 3 bí quyết để giúp sự nhàm chán dẫn dắt bạn đến với những chiến lược hiệu quả hơn:

1. Viết xuống những thứ mà mọi người đều biết

Nếu mà ai cũng biết thì quá dễ rồi, đúng không?

Thế nhưng nếu chẳng ai ghi lại, thì cũng chẳng có ai thực sự biết những điều đó. Ai cũng “tưởng là…”. Và họ cứ “tưởng là…” như thế theo nhiều cách khác nhau. Vì thế, hãy ghi nó lại.

Chiến lược nội dung là một công cụ giúp bạn củng cố những quyết định của mình. Đây sẽ là nơi lưu lại rất nhiều thứ “hiển nhiên” như chiến lược chức năng, mục tiêu, nhu cầu và ưu tiên của khách hàng - và làm thế nào để chiến thuật nội dung của bạn có thể đáp ứng được tất cả những điều này.

Trên thực tế, tôi thường phải lật những cuộc trò chuyện với khách hàng lại từ đầu như: Tổ chức của bạn thật sự đang làm gì? Bạn kiếm ra tiền từ đâu? Hoặc như tôi đã nói ở trên:

Bạn đang làm gì?

Tại sao bạn lại làm thế?

Ai là đối tượng mục tiêu của bạn?

2. Cung cấp định nghĩa

Thử tra nghĩa từ “nhàm chán” trong từ điển, và rồi bạn sẽ thấy câu trả lời bằng hình ảnh hóa ra cũng là một chiếc từ điển. Phải, từ điển nhàm chán, nhưng lại bao gồm đầy đủ những định nghĩa rõ ràng, và đây là thứ trọng yếu để bạn và khách hàng hiểu ý nhau, từ đó mới làm nên chiến lược tốt. Thế nên điều nhàm chán thứ hai bạn sẽ làm đó là đưa ra càng nhiều định nghĩa càng tốt. Điều này lại càng quan trọng khi chúng ta bàn về giọng điệu hay đối tượng mục tiêu. Chẳng hạn như, nếu không có những định nghĩa rõ ràng, thứ mà người ta gọi là “giọng điệu trò chuyện” sẽ được hiểu theo nhiều cách khác nhau tùy theo người viết.

Nếu không có định nghĩa rõ ràng, một đối tượng được gọi là “khách hàng tiềm năng” sẽ được tiếp cận theo năm bảy kiểu khác nhau trong nhiều chiến dịch.

Đừng sợ “múa rìu qua mắt thợ”. Những người thông minh thật ra tra từ điển rất nhiều. Đừng ngại định nghĩa!

3. Vẽ ra những “lỗ hổng”

Điều nhàm chán thứ ba bạn cần làm với chiến lược nội dung đó là viết xuống những gì bạn không biết, hay còn gọi là các “lỗ hổng”. Tôi thường nói khách hàng vẽ ra những “lỗ hổng”, tức là điều chưa biết, hoặc đã biết nhưng chưa tìm ra câu trả lời. Ghi lại những điều này cũng quan trọng như viết xuống những thứ bạn đã biết. Chỉ cần liệt kê ra được câu hỏi, ngay cả khi bạn chưa có câu trả lời thì cũng là tiến bộ rồi.

Không chắc nên xây dựng một khung thông điệp thế nào cho một sản phẩm? Hãy đưa chữ “Khung thông điệp” ngay lên đầu của chiến lược nội dung và đánh dấu nó là “đang phát triển”. Chưa rõ số liệu nào là quan trọng? Kẻ xuống một cái bảng với 3 số liệu mà bạn sẽ chú tâm nhất và nhấn mạnh là bạn vẫn chưa xác định được. Đây chính là tiến bộ! Và là một cách rất tuyệt để kêu gọi thêm nhiều sự hỗ trợ hơn. Bạn có thể đưa ra “lỗ hổng” này với những người cấp cao hơn và nói cho họ biết nội dung sẽ hiệu quả như thế nào nếu bạn có câu trả lời rõ ràng cho tất cả những câu hỏi đó.

Hãy để dành sự sáng tạo cho phần nội dung

Trong hầu hết những tổ chức tôi từng làm việc cùng, vấn đề của họ không phải là không có một chiến lược nội dung độc đáo hay thu hút. Vấn đề là dù họ có bao nhiêu chiến lược đi chăng nữa thì họ cũng không ghi lại. Và bởi nó không được ghi lại, thì sẽ trôi lạc đi, sẽ bị lãng quên, hay nhớ mang máng, rồi lại bị mang đi thảo luận hết lần này đến lần khác, và rồi liên tục bị gạt sang một bên để giải quyết một vấn đề kinh doanh nào đó nóng hổi hơn.

Viết lại chiến thuật là thời gian để suy nghĩ như một người làm luật. Hãy phân chia rõ ràng điều gì là hiển nhiên và điều gì không-hiển-nhiên-lắm, sau đó tập trung tạo nên một hệ thống mà các bên có cơ hội hiểu biết như nhau. Để trở thành cá nhân nhàm chán trong một nơi toàn là nhà văn, nhà thiết kế và muôn kiểu người sáng tạo khác đòi hỏi một chút dũng cảm. Vậy nên, cứ tiến lên đi, những người bạn đang làm chiến thuật nội dung của tôi, hãy dũng cảm để trở nên nhàm chán đi!

(Writerslife)

(2 ratings)

Tags: nội dung, content, nhàm chán