Người đăng: Thu Trang   Ngày: 14/01/2021   Lượt xem: 1013

Mình mới đọc được bài của một bạn về không thể mài kỹ thuật viết thành cơm. Vì “gãi đúng chỗ ngứa”, nên mình muốn viết thêm một bài để bổ sung cho quan điểm này. Mình quan sát từ xung quanh, và đúc rút được rằng, những bài viết hay, khiến người đọc cảm thấy thỏa mãn đều là từ những người có kiến thức và trải nghiệm chắc chắn trong lĩnh vực mà họ viết. Nó hoàn toàn không phải là vấn đề của kỹ thuật viết. Kỹ thuật viết gần như là một thứ gì đó được nghiên cứu, đúc rút ra sau khi bài viết đã thành công.

Và một khi đã bắt đầu bằng kỹ thuật viết trước thì bạn sẽ vẫn tạo nên một bài viết đúng kỹ thuật thôi, nhưng không thể xuất sắc hay có đủ độ chạm được.

Lời khuyên của mình ở đây: Hãy tạo ra một bài viết trước hết bằng nội dung, sau đó ứng dụng các kỹ thuật viết ở khâu biên tập. Nhưng việc làm này cần phải có sự khéo léo và cần được rèn luyện lâu dài thì mới biết là mình cần gì, nên giữ lại gì.

Các bạn còn nhớ ví dụ về một nhà văn, khi cô giáo giao bài tập cho con của ông ấy về phân tích tác phẩm của bố (mà cô giáo không biết ông bố chính là tác giả). Bố giúp con phân tích, nộp cho cô giáo và sau đó bị phê "lạc đề" chứ? Trong nhiều trường hợp, nói một người tạo nên bài viết xuất sắc hãy phân tích và tổng quát lại kinh nghiệm để tạo nên tác phẩm để đời của mình, họ cũng không biết đâu.

Với riêng mình, gần đây mình mới bắt đầu chia sẻ trên trang cá nhân. Và những bài viết của mình được nhiều người hưởng ứng, nói rằng đồng cảm và họ tìm thấy chính bản thân họ trong đó. Họ khen mình viết hay. Và nhiều người nghĩ rằng, mình phải viết hay như thế từ những ngày đầu tiên khi bước vào nghề cơ. Không ạ! Viết hay chỉ là một phần rất nhỏ đằng sau những bài viết của mình.

Thực tế gần đây, những trải nghiệm sống mới đủ để mình viết được như thế. Còn nhìn lại những bài viết cũ, ngay cả tốt nhất của mình thì những quan điểm và suy nghĩ trong đó nhiều phần rất nông cạn, hời hợt, thậm chí là quá khác so với hệ giá trị hiện tại của mình. Con người mình lớn lên và nhờ vậy khả năng viết của mình cũng lớn lên. Mình viết bằng chính cuộc sống và những quan sát của mình, chứ hoàn toàn không bằng bất kỳ một kỹ thuật viết nào cả.

Và nếu hỏi mình, cách để tạo ra những bài viết ấy, mình cũng sẽ trả lời... lạc đề mất. Bởi mỗi bài viết, mình lại bắt đầu và viết ra theo một cách khác nhau. Có khi mình có một câu chuyện trước, rồi mình suy nghĩ về nó, rút ra một bài học gì đó và chia sẻ cho mọi người. Có khi mình rất buồn, mình nghĩ có ai khác buồn như mình không, mình thu thập lại những nỗi buồn và thành một bài viết. Hoặc có khi, mình có một suy nghĩ nào đó, mình giữ nó bên trong và quan sát kiểm nghiệm so với những trường hợp xung quanh, rồi tổng kết lên thành bài viết...

Nên nếu các bạn hỏi như thế nào để tạo ra một bài viết hay mà không phải là lệ thuộc vào kỹ thuật viết, thì câu trả lời là chính cuộc sống của các bạn. Bạn trải nghiệm đủ chưa? Bạn có suy nghĩ gì trước sự việc đó? Bạn quan sát được gì từ xung quanh? Nếu trải nghiệm hay, suy nghĩ và quan sát thú vị, thì chỉ cần thể hiện ra được nó bằng bài viết - đó là khi bạn đã tạo ra một bài viết hay.

Hãy tưởng tượng thêm rằng nếu bạn thấy cuộc sống của mình chán nản, không có gì thú vị mà bạn muốn biến nó thành một cuộc sống khối người ao ước trong bài viết - thì đó là điều không thể. Hoặc dù có thể trong vài bài viết đầu nữa đi, thì bạn cũng sẽ cảm thấy đuối sức. Bạn sẽ tìm cách chất vấn và phán xét chính bản thân mình. Hoặc một loạt những hệ lụy khác kéo đến. Nên không làm được đâu, bạn ạ!

Mình trước đây là người thích lê la các group tâm sự của các chị em. Và trong những group đó, mình thấy rằng những bài viết khiến chị em hưởng ứng và thỏa mãn nhất, không phải là từ những cây viết chuyên nghiệp. Mà là từ người trong cuộc. Những tâm sự về nỗi đau khi chồng ngoại tình, về công cuộc thay đổi ngoại tình, về sự dằn vặt đối với con cái… Họ viết ra từ trái tim, từ chính cuộc đời của họ, nên dù câu cú không chỉn chu, cả bài không có lấy một dấu cách xuống dòng, lỗi chính tả liên miên… đi nữa, đó vẫn là những bài viết hay.

Bạn thử quan sát xung quanh mình xem. Những người viết về điện ảnh, những người viết về nghề viết, về lĩnh vực ẩm thực, về tình yêu – hôn nhân, về giáo dục… Sao họ luôn có những bài viết hay thế? Vì chính đó là những thứ vốn đã thuộc về họ rồi. Họ chỉ việc nói ra từ chính suy nghĩ và trải nghiệm của mình, khiến độc giả được mở mang tầm mắt thôi. Họ đi trước và những cái kiến thức của họ mới chính là thứ quyết định khả năng viết, chứ hoàn toàn không phải là kỹ thuật viết. Bạn hiểu chứ?

Nhưng những kiến thức và trải nghiệm hoàn toàn có thể thu nhặt được. Bạn dấn thân vào lĩnh vực gì, dành đủ thời gian và công sức để bơi, để tìm hiểu về nó, bạn sẽ trở thành chuyên gia. Khi đó, bài viết của bạn nó sẽ có cái chất khác lắm. Còn trong trường hợp chưa thấy mình tự tin với những gì mình viết ra, thì bạn cũng khó thuyết phục người đọc cần phải tin bạn. Ngược lại, khi chưa trở thành chuyên gia để chia sẻ những cái gì ở tầm vĩ mô, nâng lên thành quan điểm, bạn có thể chạm tới người đọc bằng trải nghiệm và tất cả những gì đang xảy ra ở hiện tại của mình. Chỉ cần bạn thành thật thôi, chẳng ai phán xét bạn cả!

Mình viết bài này ra, cũng muốn thanh minh cho bản thân mình trong cách dạy viết có hơi khác người và… lười biếng của mình. Mình dạy về kỹ thuật viết cơ bản, nhưng không khái quát lên thành những công thức rập khuôn nào cả. Mình tạo động lực để mọi người thể hiện cảm xúc, kể câu chuyện quan sát được xung quanh cuộc sống, mong muốn họ viết một cách tự nhiên từ chính cuộc sống của họ. Còn mình chỉ là người dẫn dắt, chỉnh sửa những vấn đề liên quan đến chính tả, bố cục và cách đặt vấn đề, đưa câu chuyện vào… Rồi gần như tất cả những gì mình làm là giúp họ biên tập lại bài viết của chính họ.

Còn việc họ có tạo ra những bài viết, những nội dung xuất sắc hay không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào trải nghiệm, quan điểm và sự tích lũy của mỗi người. Thời gian sẽ giúp họ trả lời câu hỏi này.

(Theo FB Lá Xanh)

(1 ratings)

Tags: kỹ thuật viết, writer