Người đăng: Thu Trang   Ngày: 27/10/2020   Lượt xem: 3760

Một kỹ thuật nâng cao dành cho các bạn chuyên viết lách

“Show, don’t tell”, nó là gì vậy?

Thoạt nghe qua có vẻ khó hiểu, và chắc hẳn nhiều bạn chưa biết tới kỹ thuật này. Lúc trước Ngân cũng không biết, nhưng nhờ đi học khóa Kỹ nghệ viết bên Ngày ngày viết chữ mới được giải ngố.

“Show, don’t tell” (Tạm dịch: Tả mà không kể) là tên gọi một kỹ thuật, được các cây bút nước ngoài phát hiện ra và đưa vào ứng dụng. Kỹ thuật này nổi tiếng với câu nói của nhà soạn kịch người Nga, Anton Chekhop:

“Don't tell me the moon is shining; show me the glint of light on broken glass.”

(Tạm dịch: Đừng nói với tôi là mặt trăng đang chiếu sáng; hãy chỉ cho tôi ánh sáng lấp lánh trên mảnh thủy tinh vỡ).

Như câu nói trên, có thể hiểu kỹ thuật này chính là giúp cho độc giả trải nghiệm câu chuyện thông qua hành động, từ ngữ, ý nghĩ, cảm giác và cảm xúc ... hơn là qua sự cắt nghĩa (giảng nghĩa), tổng hợp và miêu tả của tác giả. Mục đích không dìm chết độc giả với một mớ tính từ nặng nề, mà là để giúp độc giả (tự) trải nghiệm những chi tiết đáng kể (độc đáo) trong tác phẩm.

Nói về ví dụ cho kỹ thuật này, các bạn có thể tìm đọc bất kì tác phẩm văn học nước ngoài nào (đặc biệt là nội dung kể chuyện từ phía động vật, đồ vật, cây cối) để đào sâu nghiên cứu rõ hơn. Mình thì thường đọc truyện của nhà văn Jack London vì ông kể chuyện nhưng miêu tả rất nhiều, khiến người đọc tưởng như mình đang hòa nhập trong dòng chảy của nhân vật (thường là động vật). Một số tác phẩm của ông: Tiếng gọi nơi hoang dã, Nanh trắng,…

Ở đây, mình sẽ bàn nhiều hơn về các ví dụ trong văn học Việt Nam, nhằm cổ vũ tinh thần tìm tòi khám phá văn hóa nước nhà hơn nữa. Chắc hẳn các bạn ai cũng biết qua hai câu ca dao sau:

“Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.”

Kỹ thuật “Show, don’t tell” đã được áp dụng ở đây. (Dù rằng tên gọi là bắt nguồn từ phương Tây, nhưng rõ ràng, ở bất cứ nền văn hóa nào, cũng như thể loại nào, kỹ thuật này cũng được áp dụng một cách nhuần nhuyễn và linh hoạt). Đọc qua hai câu ca dao trên, thông tin đầu tiên chúng ta nhận được là việc hai vợ chồng tấm tắc khen bữa ăn đạm bạc chỉ có râu tôm với ruột bầu. Nhưng nội dung đâu chỉ có vậy? Phía sau đó là chỉ cái nghèo của đôi vợ chồng, nhưng họ vẫn yêu thương nhau, hòa thuận.

Nguyên tắc của kỹ thuật Tả mà không kể chính là làm cho người đọc chỉ tiếp thu một nửa thông tin, nửa còn lại phải tự tưởng tượng và ngẫm nghĩ mới hiểu ra. Người viết chỉ phác họa nửa nét, nửa còn lại là do người đọc. Bằng điều này, người đọc được đóng góp một phần vào nội dung, vào câu chuyện, sẽ nảy sinh cảm giác thích thú. Vốn dĩ, những gì chưa biết, cần phải tưởng tượng thì sẽ kích thích hơn những gì rõ mồn một đúng không nào?

Để hiểu rõ hơn về kỹ thuật này, chúng ta cùng ngẫm hai câu Kiều:

“Trong như tiếng hạc bay qua

Đục như nước suối mới sa nửa vời”.

Ở đây, thay vì tả tiếng đàn của Kiều khi thì trong khi thì đục, Nguyễn Du đã rất tài tình bằng việc giúp người đọc tưởng tượng, cảm nhận được một cách rõ ràng bằng cách ví von với những hình ảnh khác. Kỹ thuật “Tả mà không kể” đã giúp độc giả như thể văng vẳng bên tai tiếng đàn nỉ non của nàng Kiều, chứ không hẳn là đọc từng con chữ nữa.

Lại thêm một ví dụ. Hãy đọc và cảm nhân đoạn dưới đây.

“Ngay từ ở đằng xa, mùi phở cũng đã có một sức huyền bí quyến rũ ta như mây khói chùa Hương đẩy bước chân ta, thúc bách ta phải trèo lên đỉnh núi để vào chùa trong rồi lại ra chùa ngoài. Ta tiến lại gần một cửa hàng bán phở, thật là cả một bài trí nên thơ. Qua lần cửa kính ta đã thấy gì? Một bó hành hoa xanh như lá mạ, dăm quả ớt đỏ buộc vào một cái dây, vài miếng thịt bò tươi và mềm, chín có, tái có, sụn có, mỡ gầu có, vè cũng có... Người bán hàng đứng thái bánh, thái thịt luôn tay, thỉnh thoảng lại mở nắp một cái thùng sắt ra để lấy nước dùng chan vào bát. Một làn khói tỏa ra khắp gian hàng, bao phủ những người ngồi ăn ở chung quanh trong một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh Tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ ở trong rừng mùa thu.

Trông mà thèm quá! Nhất là về mùa rét, có gió bấc thổi hiu hiu, mà thấy người ta ăn phở như thế, thì chính mình đứng ở ngoài cũng thấy ấm áp ngon lành. Có ai lại đừng vào ăn cho được...”

Cá nhân tôi rất thích đọc các tác phẩm của Vũ Bằng, đặc biệt là Miếng ngon Hà Nội, Món lạ miền Nam, Thương nhớ mười hai. Nếu bạn là một tín đồ của đồ ăn thì đọc qua đoạn mô tả trên, không thể không nhỏ nước dãi đúng không? Đó chính là sự thành công của “Show, don’t tell”. Bằng việc mô tả từng chi tiết một cách sinh động, như thể chúng ta đang đứng trước một hàng bán phở khói nghi ngút ở Hà Nội.

Ví dụ về văn chương cũng chán rồi, thế thì “Show, don’t tell” có dùng được trong lĩnh vực khác không? Dĩ nhiên là có. Đọc qua câu chuyện này nhé.

Cuộc thi mỹ thuật quốc tế lấy đề tài là nạn đói, các danh họa nổi tiếng của các quốc gia tham dự. Việt Nam được giải đăc biệt: Hoạ sỹ Việt Nam chỉ vẽ hậu môn giăng đầy mạng nhện.

- Đói quá có gì ăn vào mà đi cầu, lâu ngày thì hậu môn phải giăng đầy mạng nhện thôi!

Rõ ràng không cần vẽ vời chi tiếc rắc rối (Tell): cơ thể ốm o, mặt mày hóc hát, thân thể gầy mòn, xương lộ, bụng teo,... họa sĩ chỉ cần vẽ "hậu môn giăng đầy mạng nhện" (Show) là người thưởng lãm tự suy nghĩ, tự đoán ra "nạn đói khủng khiếp" tác giả muốn diễn đạt và còn rất lấy làm thích thú vì mình đã dự phần vào tác phẩm rồi.

Ngoài ra, để hiểu rõ hơn, bạn có thể xem phim Up trong khoảng 10 phút đầu. Không một lời thoại, lời dẫn chuyện, chỉ bằng những chi tiết rất tinh tế, mà chúng ta đã hiểu rõ ý đồ của biên kịch rồi.

Đi loanh quanh thì rốt cục “Show, don’t tell” có tác dụng gì với Content Writing và Copywriting?

Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển, mỗi một bài viết của bạn luôn được minh họa bởi rất nhiều hình ảnh và video clip, nên nội dung hiển nhiên sẽ trực quan hơn. Nhưng giả sử, nếu chỉ dùng mỗi ngôn từ, làm cách nào khiến độc giả mường tượng ra tất cả sự vật, sự việc như một bức tranh sống động và bị cuốn hút vào từng con chữ bạn viết ra? Đó chính là tác dụng của kỹ thuật “Show, don’t tell”.

Hãy để người đọc sống và trải nghiệm trong nội dung của bạn!

Bản chất của kỹ thuật này chính là việc hạn chế kể lể lại, mà hãy thể hiện nhiều hơn, tả nhiều hơn qua những chi tiết đắt giá. Chính vì thế, theo cá nhân Ngân quan sát, thì kỹ thuật này sẽ ứng dụng tốt với các dạng nội dung như slogan, tagline, bài quảng cáo, bài review sản phẩm/dịch vụ. Đối với ngành hàng thì sẽ phù hợp với những ngành hàng liên quan nhiều tới cảm xúc, các giác quan như: F&B, thời trang, nước hoa, dầu gội, sữa tắm… (còn nữa không thì mình đang quan sát từ từ).

Nghe hay quá, thế thì tôi phải làm gì để luyện kỹ thuật này?

Nếu đã là kỹ thuật thì sẽ có cách luyện tập. Dưới đây là một số cách bạn có thể áp dụng.

• Sử dụng danh từ và động từ (kết hợp các thủ pháp nghệ thuật) để miêu tả thay vì chỉ dùng tính từ. Ví dụ: miếng bánh này giòn -> miếng bánh này giòn tan như thể vừa mới ra lò; tóc thơm -> tóc thơm thoang thoảng hương lài, cứ quấn quýt lấy cánh mũi của tôi không rời.

Đọc tham khảo: Truyện Kiều, các tác phẩm văn học Việt Nam (thiên về miêu tả)

• Chỉ chọn những chi tiết đắt giá, thể hiện đủ nội dung và làm nổi bật nó lên. Như trong câu chuyện tiếu lâm ở trên, một cái “hậu môn giăng mạng nhện” là đủ để nói lên cái đói rồi. Ví dụ thêm: nếu tả một thức uống ngon, đừng khen mọi thứ như: vị ngon, hương thơm, cách bày trí đẹp,… mà hãy chọn một hoặc hai chi tiết đặc trưng, và làm bật nó lên.

Đọc tham khảo: Tuổi Trẻ Cười, các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng

• Chọn góc nhìn từ phía người trong cuộc, đại từ xưng hô ngôi thứ nhất. Ví dụ: miếng bánh này ngon -> tôi cầm trên tay miếng bánh mà cứ nuốt nước bọt ừng ực.

Đọc tham khảo: các tác phẩm, bài viết xưng hô ngôi thứ nhất

• Sử dụng từ tượng hình, tượng thanh. Thường những từ thuộc hai dạng này mang tính gợi hình, gợi cảm xúc rất tốt, vì liên quan đến các giác quan (thị giác, thính giác). Ví dụ: cô ấy cao -> cô ấy cao dong dỏng

Đọc tham khảo: từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê, google thêm

Tóm lại thì, kỹ thuật gì cũng vậy, cần có quá trình nghiên cứu, luyện tập nhiều ngày thì mình mới biết cách dùng sao cho đúng, dùng nhuần nhuyễn và linh hoạt. Những cách trên là cách Ngân đúc rút ra và tự luyện tập mà thôi. Nếu bạn có biết thêm cách nào nữa có thể đề xuất bên dưới bài viết nhé.

“Show, don’t tell” là một kỹ thuật khá phổ biến, từ văn chương đến hội họa, phim ảnh và còn ứng dụng được trong cả nội dung thương mại. Hãy thử ứng dụng nó và bạn sẽ khiến người đọc có những trải nghiệm mới mẻ, thú vị trên từng con chữ. Và dĩ nhiên, họ sẽ yêu nội dung mà bạn tạo ra.

Công cụ đã có, dùng thế nào là tùy thuộc vào khả năng và sự luyện tập của bạn.

“Don't tell me the moon is shining; show me the glint of light on broken glass.”

Hi vọng những gì Ngân chia sẻ hữu ích với bạn. Hẹn bài viết sau nhé. <3

Notes: Bạn có thể google thêm (bằng tiếng Anh) để hiểu rõ hơn nữa về cách dùng kỹ thuật này nha. Những gì mình nói ở trên là đúc rút của mình khi ứng dụng vào tiếng Việt là như thế nào mà thôi.

(Theo Fb Dương Thị Thanh Ngân)

(8 ratings)

Tags: Copywriting, Content Writing