Người đăng: Thu Trang   Ngày: 18/01/2021   Lượt xem: 2089

Có thể bạn từng nghe rất nhiều lời khuyên về quản lý tài chính. Ví dụ như thành lập quỹ cho các trường hợp khẩn cấp trong 3 đến 6 tháng, kiểm soát nợ nần, tiết kiệm khoảng 10% - 15% thu nhập mỗi tháng…

Nhưng nếu bạn là một người làm việc tự do (freelancer) với thu nhập lên xuống thất thường thì hầu hết lời khuyên trên đều không hiệu quả. Thứ nhất vì dòng tiền của bạn không ổn định nên không phải lúc nào bạn cũng có thể trích ra khoảng 10% thu nhập mỗi tháng để tiết kiệm. Thứ hai, quỹ dự phòng của freelancer cần phải nhiều hơn so với những người làm full-time do mức độ rủi ro cao hơn.

Vậy làm thế nào để một freelancer xây dựng kế hoạch quản lý tài chính hiệu quả? Hướng dẫn 7 bước đến từ lời khuyên của các chuyên gia dưới đây sẽ giúp bạn điều đó.

Bước 1: Tính toán mức chi tiêu tối thiểu hàng tháng

Những người làm việc toàn thời gian luôn có mức lương ổn định mỗi tháng, còn với người làm việc tự do thì không như vậy. Nguồn thu nhập hằng tháng sẽ phụ thuộc vào số dự án bạn nhận được, mức độ hoàn thành tốt công việc hay khả năng thanh toán đúng hạn của khách hàng. Vì vậy, Sean Fox, đồng sáng lập công ty Freedom Debt Relief, gợi ý điều đầu tiên mà các freelancer nên làm là tính toán mức chi tiêu tối thiểu hằng tháng. Khi đó, bạn sẽ biết số tiền tối thiểu mình cần kiếm được trong một tháng. Như vậy, bạn dễ dàng lập ngân sách cho các chi tiêu cần thiết và tính toán cách dùng dễ dàng hơn.

Bước 2: Lập ngân sách bằng cách liệt kê các chi phí định kỳ theo thứ tự ưu tiên

Khi đã biết mức chi tiêu tối thiểu hằng tháng, bạn hãy thiết lập ngân sách. Đầu tiên, bạn xem lại những gì đã chi tiêu trong 6 tháng gần nhất. Sau đó, liệt kê các chi phí cần thiết và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Ví dụ chi phí cho các nhu cầu thiết yếu như nhà ở, hóa đơn điện nước, sau đó đến tiền ăn uống, đi lại… Khi bạn nhận được tiền thanh toán từ khách hàng, hãy bắt đầu phân bổ tiền chi trả cho các mục quan trọng nhất trong ngân sách. Như vậy, nếu vào những tháng tiền vào đầy túi, bạn sẽ trả được tất cả khoản chi tiêu cần thiết và còn dư tiền cho các nhu cầu giải trí, tiết kiệm hoặc đầu tư. Nếu lỡ rơi vào thời điểm “hẩm hiu”, bạn vẫn đảm bảo thanh toán đủ các chi phí cho nhu cầu thiết yếu và tranh thủ nghiêm túc thực hiện lối sống “tối giản”.

Bước 3: Thiết lập quỹ dự phòng từ 9 tháng đến 1 năm

Một trong những lời khuyên tài chính mà bạn thường nghe là lập một quỹ dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp như tai nạn, bệnh tật… Và mức quỹ phải đủ trang trải từ 3 đến đến 6 tháng chi phí sinh hoạt của bạn. Nhưng nếu là một freelancer, bạn cần nhiều hơn thế vì các trường hợp khẩn cấp sẽ “đa dạng” hơn. Chẳng hạn đến thời điểm thanh toán thì chị kế toán bỗng nhiên nghỉ đẻ, bài viết bị trì hoãn không đăng, khách hàng nhận báo giá rồi bỗng nhiên bốc hơi như chưa từng có gì xảy ra… Vì vậy, các freelancer nên tăng mức quỹ dự phòng lên từ 9 tháng đến 1 năm để chuẩn bị tốt nhất cho những tình huống không lường trước được.

Bước 4: Đừng bao giờ mắc nợ

Nếu có thể, bạn nên tránh xa các khoản nợ, đặc biệt dưới dạng nợ thẻ tín dụng với lãi suất cao.

Bước 5: Xem khoản tiết kiệm như một chi phí cần thiết phải trả

Tiết kiệm từ 10% đến 15% thu nhập hằng tháng không phải là quá khó đối với đa số freelancer. Bởi nếu bạn không thể sống bằng 90% thu nhập thì bạn cũng không thể sống bằng 100% thu nhập của mình. Một chuyên gia tài chính khuyên các freelancer nên xem khoản tiết kiệm như bất kỳ khoản thanh toán cần thiết khác trong tháng. Như vậy, nó sẽ trở thành một phần trong mức chi tiêu tối thiểu hằng tháng. Việc này đảm bảo dòng tiền tiết kiệm không bị ngắt quãng dù cho bạn rơi vào tháng ngày “ế khách”.

Bước 6: Xác định các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn

Bạn tiết kiệm để làm gì? Đầu tư, mua nhà, cưới vợ, đi du lịch hay tiết kiệm cho con sau này được học trường quốc tế? Bạn nên xác định những mục tiêu từ ngắn hạn đến dài hạn trước khi lập khoản tiết kiệm và quản lý song song với nó. Nhưng làm thế nào để bạn quyết định mục tiêu nào cần được ưu tiên tiết kiệm và cần phân bổ bao nhiêu cho mỗi mục tiêu? Theo các chuyên gia tài chính, đó sẽ là quyết định cá nhân của mỗi người. Hãy nghĩ về tương lai 5 năm, 10 năm sau. Viết những dự định, mục tiêu ra và xây dựng kế hoạch, ngân sách phù hợp với những gì bạn muốn. Lưu ý là bạn hoàn toàn có thể chỉnh sửa trong quá trình thực hiện, miễn sao phù hợp với nhu cầu của bạn khi đó.

Bước 7: Ưu tiên khoản tiết kiệm mọi lúc mọi nơi

Bạn nhận được một dự án ghostwriting lớn và đem về khoản tiền rủng rỉnh đủ để bạn sống trong 3 tháng? Bạn vui mừng hết nấc và quyết định tối nay ăn mừng ở một nhà hàng sang trọng trên Bitexco. Nhưng chậm đã nào. Bạn hãy trích ra một khoản cho tiết kiệm hoặc đầu tư rồi ăn mừng sau. Và một khi bạn đã tự thưởng cho bản thân bằng một bữa xa xỉ thì hãy cân nhắc xem bạn sẽ làm gì với phần tiền còn lại. Vì khoản tiền này có thể chỉ đến một lần trong năm (nếu bạn giỏi và may mắn thì sẽ nhiều hơn), nên tốt nhất bạn hãy phân bổ vào quỹ dự phòng. Sau đó đến các quỹ khác như đầu tư hoặc quỹ cho các mục tiêu tài chính như mua nhà, du lịch. Bạn chú ý đừng tiêu quá nhiều vào việc tự thưởng cho bản thân, để rồi chỉ còn lại chút ít cho các quỹ khác. Và bạn cũng cần tránh rơi vào cái bẫy của lối suy nghĩ chẳng cần lo vì vẫn còn nhiều dự án ngon lành khác đang chờ bạn. Bạn sẽ không biết được tương lai khách có đột ngột hủy dự án hay gặp phải biến cố nào. Khi đó, khoản tiền rủng rỉnh này sẽ là phao cứu sinh cho bạn. Khả năng quản lý tài chính là một trong những yếu tố cần thiết để trở thành một freelancer. Hy vọng 7 bước trên đây sẽ hướng dẫn bạn kiểm soát tốt nguồn thu nhập hằng tháng, mở ra nhiều cơ hội mới và giúp bạn vững bước trên con đường làm việc tự do.

(Theo Contently)

(1 ratings)

Tags: writer, freelancer, hướng dẫn, quản lý, tài chính