Người đăng: lanchi   Ngày: 10/03/2020   Lượt xem: 1646

Mình hiểu rằng bất kỳ ai khi bắt đầu viết cũng gặp phải một rào cản, đó là nỗi sợ không được độc giả đón nhận. Mình cũng từng như vậy, nhưng trải qua nhiều năm với viết lách, mình muốn viết bài này để nói với những người mới bắt đầu rằng nỗi sợ ấy không có thật đâu. :)

Viết lách là một công việc cô đơn. Khi viết, chỉ có bạn đối diện với giấy bút, với bàn phím và những suy nghĩ chồng chéo trong đầu mình. Để rồi sau khi dốc hết mọi tâm tư, bạn ấn nút chia sẻ mà không biết liệu có ai sẽ đọc nó hay không, liệu có ai đón nhận bài viết, hiểu thấu câu chữ và tâm can của mình hay không.

Hãy cứ viết, bởi bạn không biết ai thực sự cần câu chữ của mình!

Trong thời đại ngày nay, chúng ta thường bị cuốn vào những phản hồi “mì ăn liền”, những cái like, bình luận, chia sẻ ngay lập tức của người đọc. Có khi bạn được tung hô, được ca ngợi, và cũng có khi bạn bị phớt lờ, thậm chí bị bác bỏ. Thế rồi bạn thèm khát sự công nhận đến từ những yếu tố ngoại tại ấy mà đôi khi quên mất giá trị bên trong sâu sắc của viết lách và của chính mình.

Viết lách là một điều kỳ diệu…

Câu chữ rốt cuộc cũng chỉ là câu chữ khô khan cho đến khi người viết ban cho chúng tâm hồn. Tâm hồn ấy mang theo cảm xúc, ký ức, triết lý,... của chính người viết, để rồi nó sẽ đi tìm những tâm hồn đồng điệu khác, chính là người đọc lý tưởng của mình. Một khi những tâm hồn này gặp nhau qua câu chữ, xuyên không gian và thời gian, ta gọi nó là phép màu.

Phép màu xuất hiện khi có người đọc thứ bạn tâm huyết viết ra đúng thời điểm mà họ cần nhất. Sự kỳ diệu này chính là lý do để bạn bắt đầu viết, đang viết và tiếp tục viết dẫu đã muốn từ bỏ.

Bạn hoàn toàn có thể tạo nên phép màu, bởi vì câu chữ của bạn mang trong mình nhiều sức mạnh hơn bạn tưởng.

Câu chữ của bạn cho độc giả kiến thức

Có lẽ có một lời khuyên bạn đã nghe quá nhiều lần nhưng chưa bao giờ thừa, đó là: hãy viết thứ bạn biết. Khi không ngừng trau dồi hàng ngàn kiến thức mới, ta nhận ra thế giới ngoài kia quá rộng lớn và còn quá nhiều thứ ta chưa biết, để rồi vô tình lãng quên những thứ mình đã biết, những thứ hết sức đời thường, những thứ ta thành thạo đến mức phát ngán.

Nhưng hãy nhớ rằng, điều hiển nhiên với bạn không có nghĩa nó cũng dễ hiểu với người khác. Nói cách khác, có những thứ bạn biết nhưng có thể người khác sẽ không biết. Vậy nên đừng đánh giá bài viết của mình có cung cấp kiến thức mới hay không dựa trên thang tiêu chuẩn của chính mình. Cứ viết đi, ắt sẽ có người đọc.

Hãy thử hình dung bạn của 5, 10 năm trước. Liệu bạn có biết ơn nếu có ai đó chia sẻ những chuyện như bạn đang qua trong hiện tại hay không? Vậy thì bây giờ cũng vậy, cũng sẽ có những độc giả kém hơn bạn 5, 10 tuổi và thèm khát nghe bạn chia sẻ kinh nghiệm.

Nếu bạn là một cây viết lão luyện, đôi khi bạn quên rằng cảm giác hoang mang của người viết mới bắt đầu. Sự thật là có hàng ngàn cây viết mới vào nghề ngoài kia khao khát những gợi ý và bí quyết của bạn.

Nếu bạn là một chuyên gia tiếp thị, ăn ngủ với những thứ như phân khúc thị trường, đôi khi bạn không biết rằng ngoài kia người ta cảm thấy rất xa lạ với khái niệm đó.

Kiến thức của bạn luôn có ích cho người khác. Vậy nên đừng bỏ lỡ cơ hội trao tặng giá trị bằng cách chia sẻ kiến thức của mình.

Câu chữ của bạn cho độc giả cảm giác được thuộc về

Cho dù ngoài kia có vô vàn cơ hội để kết nối, thì cô đơn vẫn là cảm giác khó tránh khỏi. Đôi khi bạn cảm thấy mình độc hành trong mọi cảm xúc, suy nghĩ và quyết định quan trọng của cuộc đời. Nhưng con người sinh ra vốn không phải để cô đơn, chúng ta là những sinh vật bầy đàn và sự tồn tại của ta thật ra phụ thuộc vào tập thể, không chỉ ở phương diện thể chất mà còn ở cả tinh thần và cảm xúc.

Đó có lẽ lý giải tại sao cho dù đôi khi khao khát độc lập, tự do là thế nhưng ta vẫn ước ao mình thuộc vào một cộng đồng nào đó. Ta muốn được chấp nhận, được lắng nghe, được thấu hiểu, được trân trọng, được thuộc về.

Vì thế, khi bạn viết về trải nghiệm quá khứ, về những vấn đề cá nhân, về nỗi sợ và cách chính bạn thoát khỏi nghịch cảnh, độc giả sẽ có cảm giác đồng cảm và được thấu hiểu. Họ sẽ cảm thấy họ không một mình, không kỳ dị, không bị bỏ rơi.

Bạn hãy thử nghĩ về những người dám viết ra trải nghiệm đau thương của chính mình, như bị bạo hành, bị xâm hại,... Họ hẳn phải dũng cảm đến nhường nào. Có lẽ khoảnh khắc viết ra họ cũng không tưởng tượng nổi ngoài kia có bao người được xoa dịu, được ủi an, được chữa lành bởi những câu chữ của họ ra sao.

Câu chữ của bạn giúp độc giả giải trí

Thỉnh thoảng thế giới này thật xám xịt, đúng không? Khi mà kiếm sống là việc không hề dễ dàng, khi mà mỗi sáng mở mắt ra phải đối mặt hàng trăm tin tức tiêu cực, khi phải chật vật để tự yêu lấy chính mình sau bao lời chê bai của người khác. Trong khi để kiếm một thứ gì đó để lo lắng, để thất vọng, để đau khổ thì lại quá dễ dàng. Bởi thật ra lúc đó cái tôi “nghiện đau khổ” của mỗi người đang trỗi dậy để tìm kiếm sự công nhận.

Chính vì vậy mà ngoài ý thức mang lại hạnh phúc tự thân của mỗi người, thế giới đúng là cần hơn nhiều ánh sáng, nhiều niềm vui, nhiều tiếng cười, nhiều sự tích cực. Viết lách hoàn toàn có thể làm được điều đó. Nó có thể đưa bạn đến một thế giới mới, có thể cho bạn thấy bản chất cuộc đời vẫn kỳ diệu lắm. Đây chính là lúc ta nên cảm ơn những nhà văn hài kịch, người đã đưa ta từ một thế giới mù mịt đến một nơi tràn ngập tiếng cười. Và dù không phải là nhà văn hài kịch, bạn vẫn có thể lan tỏa ánh sáng từ những niềm vui nho nhỏ trong đời mình qua câu chữ.

Câu chữ của bạn cho độc giả được làm “người bình thường”

Ai cũng thích đọc, thích nghe những mẩu chuyện thành công. Cũng thật hay khi thấy ngoài kia có người kiếm được thật nhiều tiền, giảm được nhiều cân và có một tình yêu hoàn mỹ. Chúng ta tiếp xúc với những câu chuyện ấy và tin rằng mình cũng có thể làm như vậy. Chúng ta được nhắc nhở rằng mình phải tin tưởng vào ước mơ lớn lao của chính mình.

Không ai có thể phủ nhận rằng đó là những câu chuyện truyền cảm hứng tuyệt vời. Nhưng ở một phương diện khác, cũng thật tuyệt nếu viết lách khiến ta tin rằng mình được phép làm người-bình-thường. Người bình thường đôi khi mắc phải những lỗi ngu ngốc không đáng có, đưa ra những quyết định sai lầm, kết hôn sai người, làm việc quá lâu trong một công ty không trọng dụng mình, hay tự chỉ trích bản thân quá nhiều. Nhưng chính những thất bại, khó khăn của người bình thường mới khiến họ trở nên phi thường.

Vậy nên, nếu bạn từng nghĩ rằng mình chỉ là một người bình thường, không có chuyện gì đặc sắc để kể, hãy suy nghĩ về những bài học đáng giá bạn đã học được khi là người bình thường ấy. Chắc chắn có nhiều người bình thường ngoài kia cũng cần những bài học đó.

Câu chữ của bạn có sức mạnh chữa lành

Đôi khi trong đời sẽ có lúc bạn cảm thấy mọi cánh cửa đóng sầm trước mắt mình, rằng tương lai là một đường hầm tối đen không lối thoát. Và rồi, bạn bỗng thấy một tia sáng le lói khi có ai đó gọi tên được cảm xúc của bạn, có ai đó phản chiếu con người họ qua bạn, có ai đó khiến bạn nhìn vấn đề của mình ở một bức tranh rộng lớn hơn. “Ai đó” hoàn toàn có thể là câu chữ, là trang sách, là một nhân vật ẩn mình đằng sau những câu chuyện.

Ngược lại, có bao giờ bạn chỉ viết bâng quơ đôi dòng cảm xúc lên mạng xã hội, và có ai đó nói rằng những câu chữ này đến với họ thật đúng lúc, và họ cảm thấy được ủi an chưa? Vì những con chữ thật lòng luôn có sức mạnh chữa lành.

Có thể lúc này bạn đang viết, và vẫn không biết rằng liệu có ai đọc câu chữ của mình không. Thì hãy nhớ rằng ngoài kia luôn có người thật sự cần nó. Đôi khi nó cho họ giản đơn là một nụ cười, một bí quyết, một lời động viên nhưng thậm chí nó có thể kéo họ ra khỏi một chuỗi ngày đen tối hay cứu sống cuộc đời họ. Bạn luôn có đủ sức mạnh để viết ra, để trao đi, để giúp đỡ, với tất thảy phép màu mà viết lách ban cho bạn.

Vậy nên, đừng mất niềm tin, hãy tiếp tục viết dù có thế nào. Mình và rất nhiều người khác cần câu chữ của bạn, phép màu của bạn.

(Fb Lan Chi)

(5 ratings)

Tags: thực sự, writer, câu chữ