Người đăng: Thu Trang   Ngày: 27/05/2020   Lượt xem: 1037

Nhiều bạn từng hỏi mình: “Làm thế nào để viết tốt?” mình trả lời ngay tắp lự: Viết nhiều và đọc nhiều. Khi cảm thấy mình không thể viết thì mình đọc. Hãy quan sát một dòng chảy, dù suối róc rách hay thác ào ạt, nước làm đầy lòng nó. Nếu không mưa, nguồn cạn, cả suối cả thác đều khô queo. Mưa về, dòng chảy được tiếp tục rồi cuối cùng được bung xõa ra biển khơi. Mưa chính là “input”, nước được ra tới cửa biển hòa vào đại dương chính là cái “đã đời” của “output”. Với mình, chuyện viết là một “output” đã đời như vậy đó, và đọc đích thị là mưa, là “input”.

1. Đọc theo một chủ đề

Ngày nhỏ không có lựa chọn nhiều, mình hay đọc báo ké người lớn. Rồi nhận ra mình thích những thứ chuyên về một chủ đề hơn, kiểu Văn học tuổi trẻ, bộ sách tội phạm An ninh thế giới, tạp chí kiến thức Thế giới mới… vì được tập trung và có cái gì đó tự xâu chuỗi, sắp xếp bên trong mình. Sau này, mình thường đọc nhiều sách theo một chủ đề mà mình đang quan tâm. Có khi nhà chất đống toàn sách về việc viết, có khi là tâm linh, có khi là các bài journal khoa học, nghiên cứu, rồi vật lý thiên văn, rồi nấu ăn, rồi triết học… Mình mau quên nên khi đọc tập trung sẽ dễ xâu chuỗi, ghi chép, hệ thống kiến thức, và phát hiện ra có những điều cốt lõi được lặp lại, từ đó đi sâu hơn. Có chuyện kỳ lạ về trực giác là mình tìm sách phù hợp rất dễ, chắc cần thiết đến nỗi năng lượng phát ra rực rỡ nên đi tới nhà sách thấy cuốn nào dù bìa xấu, phủi bụi, ít người mua nhưng bỗng “phát sáng” là tóm về luôn, không chần chừ, may mắn thay thường là đúng sách đúng lúc hihi :D

2. Đọc đa dạng thể loại

Mình cũng thích đọc đan xen thể loại, tiểu thuyết, tiểu luận, truyện ngắn, truyện thiếu nhi, thậm chí là từ điển và kỷ lục Guiness. Thi thoảng đổi món với truyện tranh, tạp chí chuyên ngành, tuyên ngôn độc lập, cả sách tranh nữa. Mình không bị sợ đọc một cái gì mới vì luôn cảm thấy thú vị với nhiều đề tài được trải ra, rồi để ý coi mình hướng sự chú ý của mình đến vấn đề gì, cảm nhận được đầu óc linh hoạt hơn cũng như học thêm về đa dạng từ ngữ và cấu trúc trong việc viết. Bạn hãy thử đọc một quyển sách mà bạn chưa từng nghĩ mình sẽ đọc xem, bạn sẽ học được nhiều hơn bạn tưởng đó!

Và thơ. Ôi từ bé mình đã rất rất thích đọc thơ. Hồi cấp ba thì mê ca dao tới nỗi tập làm văn lúc nào cũng có ca dao biên vô làm diễn giải cho bài, còn đi nghe ngâm thơ ở Nhà văn hóa thành phố. Lớn lên biết ngạc nhiên với Spoken Poetry qua bạn Sarah Kay, mê thơ tình Phạm Thị Ngọc Liên, thơ cô Xuân Quỳnh, bác Du Tử Lê... Rồi thời toàn đọc thơ Bùi Giáng, chuyển sang Haiku, thơ Thiền, thơ Đường… Mình ít có bạn cùng thích đọc thơ nên tự tạo 1 chỗ toàn thơ để chơi, cũng được gần chục năm. Thơ như một lát cắt từ bầu trời, luôn khiến mình ngỡ ngàng. Trong thơ có cách nhìn ngắn gọn nhưng sâu sắc, đa dạng và kỳ lạ, tinh tế và thu hút, từ ngữ chọn lọc đẹp vô cùng. Đọc thơ giống như mở ra một chiều không gian khác trong tâm trí mình vậy. Hãy đọc thơ!

3. Đọc để học

Thực ra thì có rất nhiều bài nói về lợi ích của việc đọc để học rồi. Với mình, việc đọc cung cấp thêm thông tin, kiến thức, cơ hội thử sống trong thế giới khác, từ đó mở rộng biên độ, góc nhìn của mình. Chưa kể, việc đọc đem lại vốn từ vựng một cách âm thầm mà mình không biết.

Vì ngôn ngữ là công cụ của tư duy, mình học được cách viết logic của tiếng Anh. Vì ngôn ngữ phản ánh xã hội, mình học cuộc sống qua những từ vựng rất duy biệt, ví như một từ không có trong tiếng Việt mà mình nhớ mãi là “nostophobia” nghĩa là "nỗi sợ phải quay trở về nhà hoặc sợ ở nhà", hoặc từ “tương tức” trong tiếng Việt thì không có trong tiếng Anh, bởi văn hóa cá nhân và ảnh hưởng ít của đạo Phật, đến khi thầy Thích Nhất Hạnh sáng tạo ra từ “interbeing”.

Mình biết ơn ba má cho mình đi học, để mình biết đọc biết viết. Và may mắn hơn khi một người có thể đọc nhiều thứ tiếng, bởi ngôn ngữ chứa đựng văn hóa, đọc sách của một ngôn ngữ khác giống như được sống trong một thế giới mới vậy (và viết bằng ngôn ngữ khác như là một góc khác của con người mình luôn!) Dù sách hay sách dở cũng có thứ để mình học, là làm cho hay thêm, hoặc để tránh lỗi đó ra.

4. Đọc để biết mình không cô độc

Có 2 cột mốc nở hoa trong đời-đọc của mình, là khi biết có tồn tại các thứ sách khác ngoài sách giáo khoa và truyện tranh, được cất giữ rất nhiều ở một nơi gọi là “thư viện”; và khi biết có một thứ trên đời gọi là autobibliotherapy (chữa lành bằng việc đọc sách, thực hành chung với writing therapy) - khái niệm về việc giúp mình “tiêu hóa” tốt hơn những sự kiện và nỗi đau trong đời mình bằng việc đọc. Như Rainer Makel nói: “Những trang văn ấy khiến ông luôn luôn cảm thấy tri ân, cảm thấy mình tốt đẹp hơn lên, nhìn đời giản dị hơn, sống hạnh phúc hơn và cao lớn hơn.” Mình đã nhờ có sách như một người bạn trong quá trình chữa lành, vì khi đọc được cuộc đời người khác trên trang giấy (cái cuộc đời mà họ đã tốn mấy chục năm để sống và mình chỉ mất 1 ngày để đọc), mình sáng rỡ ra rằng mình không cô độc và không phải là người khổ nhất trên đời như mình nghĩ.

5. Đọc để biết mình là duy nhất

Mình đọc chữ của ai mà mình thích mình “Wow”, mình đã coi người đó như thầy của mình. Mình biết ơn chữ của người từng chảy qua để mình được hiểu rõ hơn về chính mình. Mình nhận ra mình thích đọc ai đó ít khi vì văn phong mà qua cách người đó nhìn cuộc sống, giá trị, con người... và dám viết ra thực như chính họ. Có khi mình sẽ bị họ ảnh hưởng trong một thời gian do ngưỡng mộ nhưng không sao, hãy cứ tiếp tục đọc và tiếp tục viết, mình sẽ dần hiểu được giọng văn của mình, cách nhìn của mình, hướng đi của mình… Khi hiểu bản thân thì văn của mình cũng tự tin, rõ ràng, sáng sủa hơn. Mình đọc để hiểu bao la của thế giới đồng thời để hiểu sự độc nhất trong trải nghiệm của mỗi người. Tỉ như vô số tác giả đã nói về tình yêu, nhưng mình nói về tình yêu theo cách của mình, qua trải nghiệm của mình, đó là độc nhất. Điều này thôi thúc mình viết.

Thay lời kết

Chắc chắn có những ngày mình không viết, chỉ đọc. Mở một quyển sách như bước lên cỗ máy thời gian, trong giây lát mình được đặt chân tới vùng đất xa lạ hay ở trong thời kỳ xa xôi nào đó mà người viết có khi đã vắng bóng từ lâu. Mình đọc một cách nhẩn nha, một cách hưởng thụ, chỉ thả mình vào chữ, vào cách nhìn thế giới của người khác. Đọc chỉ là đọc, không phải để lấy ý, như vậy là xúc phạm tác giả; không phải để sao chép, như vậy là xúc phạm chính mình (Luôn nhớ rằng: Hãy đọc nhiều, và viết thật về những gì mình trải). Mình đọc chỉ để đọc trước tiên, rung động ngỡ ngàng trong một điểm chạm: Đó là mình! Sao họ lại biết tiếng lòng của mình? Mình xúc động, mình cảm thấy được thấu suốt. Mình đột nhiên nhận ra phải chăng chúng ta thật giống nhau dù không cùng một nhãn mác nào dù là hoàn cảnh, thời đại, ngôn ngữ, quê hương… Mình đột nhiên nhận ra những dòng chữ có thể ủi an, tắm mát khô cằn lạc lối và trên hết, cho mình một cảm giác hiện diện rất con người.

Trong mênh mông giao cảm đó, mình ngồi xuống và bắt đầu viết...

(Fb Viết để tự do)

(1 ratings)

Tags: freewriting, người viết