Người đăng: Hobby   Ngày: 28/02/2020   Lượt xem: 1237

“Phần lớn những gì tôi biết về viết truyện là do học được từ chạy bộ mỗi ngày. Tôi có thể thúc ép mình đến đâu? Nghỉ ngơi chừng nào là thích hợp - và chừng nào thì quá nhiều? Tôi có thể đưa một cái gì tới đâu mà vẫn giữ được nó đúng độ và nhất quán? Khi nào thì nó trở nên thiển cận và cứng nhắc? Tôi phải ý thức đến thế giới bên ngoài đến mức nào và tôi phải tập trung vào thế giới nội tâm mình chừng nào? Tôi phải tự tin ở những khả năng của mình đến chừng mực nào, và khi nào thì tôi nên tự bắt đầu hoài nghi chính mình?” (Tôi nói gì khi nói về chạy bộ - Haruki Murakami - Bản dịch của Thiên Nga - NXB Nhã Nam).

Chào mọi người, mình vừa đọc xong (lần thứ 2) quyển “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”* của tiểu thuyết gia lừng danh người Nhật Haruki Murakami - người được biết đến với những tác phẩm bán chạy nhất thế giới trong thập kỷ qua như “Rừng Na-uy”, “Biên niên ký chim vặn dây cót”, “Kafka bên bờ biển”,... Dành cho một số bạn chưa biết, Murakami không chỉ xuất chúng ở lĩnh vực viết văn, ông còn là một người chạy bộ cừ khôi. Quyển sách này chính là những chiêm nghiệm của ông về ý nghĩa của chạy bộ với tư cách một người viết văn. Nói cách khác, như lời đề tựa của sách* “Những nghiền ngẫm của Murakami về sự tương đồng giữa chạy - hành vi thể chất - và viết văn - hành vi tinh thần - thực sự quý báu với những người đọc quan tâm đến văn chương và bản chất của văn chương, đặc biệt là người viết trẻ.”* Ở lần đọc thứ 2 này, mình nghĩ rằng sẽ rất bổ ích nếu mình tổng hợp những chiêm nghiệm này lại để chia sẻ với mọi người.

1. Chạy bộ hay viết văn là một hành trình cô độc. Đừng bao giờ so sánh bản thân với người khác.

Murakami thừa nhận mình là người tìm kiếm sự cô độc. Sự cô độc trong chạy bộ lẫn viết văn cho ông nhìn thấy những động lực nội tại để hoàn thiện bản thân mỗi ngày, tuy vậy cũng khiến ông nhận lại không ít hiểu lầm và chỉ trích từ những người không thấu hiểu. Đối với ông, mỗi người đều có một giá trị riêng, đó mới là điều đáng giá của cuộc sống này. Trên con đường theo đuổi điều riêng biệt, họ sẽ gặp phải những hiểu lầm khiến họ tổn thương, nhưng đó lại là một phần tất yếu của cuộc sống.

“Vậy nên cái thực tế tôi là tôi chứ không phải ai khác là một trong những vốn quý lớn nhất của tôi. Tổn thương về mặt cảm xúc là cái giá của một người phải trả để được độc lập.”

“Hầu hết những người chạy bộ không phải chạy vì họ muốn sống lâu hơn, mà vì họ muốn sống trọn vẹn. Ngay cả khi ta chỉ định sống cho qua ngày đoạn tháng thì vẫn tốt hơn nhiều nếu sống những năm tháng ấy với mục đích rõ ràng và sống động trọn vẹn thay vì bối rối hoang mang. Cố gắng tối đa trong những giới hạn cá nhân của mình: đó là bản chất của chạy bộ, và là một ẩn dụ cho cuộc sống - cho tôi, và cả cho viết lách.”

Trong cuộc đời của Murakami, ông không bao giờ nuôi dưỡng ý niệm về sự so sánh, bởi tất cả những gì bạn đem ra so sánh đều có lý do ngoại tại, nó có thể dễ dàng biến mất, chỉ có động cơ nội tại mới giữ cho bạn đi đường dài.

“Tôi chắc chắn là có những người chạy đua bình thường nhưng mong muốn đánh bại một đối thủ nhất định, vậy nên có động cơ để luyện tập cật lực hơn. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu đối thủ của họ, bất luận vì lý do gì, rút khỏi cuộc đua tranh?... Hầu hết người chạy bình thường được kích bẩy bởi một mục tiêu cá nhân hơn bất cứ gì khác: ấy là một mức thời gian mà y muốn vượt qua… Dù y không phá được kỷ lục thời gian mình mong muốn, song miễn sao y có được cảm giác mãn nguyện là đã làm hết sức mình - và, có lẽ, đã có một khám phá có ý nghĩa nào đó về bản thân trong quá trình ấy - thì tự điều ấy đã làm một hoàn thành, một cảm xúc tích cực y có thể mang theo qua cuộc đua kế tiếp… Cũng có thể nói điều tương tự về nghề nghiệp của tôi… Điều quan trọng là anh việc viết lách của anh có đạt đến những chuẩn mực anh đã tự đặt ra cho mình hay không… Cơ bản thì một nhà văn có một động cơ âm thầm, nội tại, và không tìm kiếm sự công nhận ở cái nhìn thấy được bên ngoài.”

Hay nói một cách khác, ông luôn xem mình là đối thủ của chính mình.

“Chạy ngày này qua ngày khác, tích góp các cuộc đua, từng chút một tôi nâng cao chuẩn, và bằng cách vượt qua từng mức độ mà tôi nâng mình lên. Ít nhất thì đó là lý do tôi dốc hết sức mình ngày này qua ngày khác: để nâng cao tầm mức của riêng mình. Tôi không phải là người chạy giỏi. Vấn đề là tôi có hoàn thiện hơn ngày hôm qua hay không. Trong chạy cự ly dài thì đối thủ duy nhất ta phải đánh bại là chính ta, chính cái cung cách cũ của ta.”

2. Ba phẩm chất tạo nên một nhà văn/người chạy bộ thành công: tài năng, tập trung và bền bỉ

Phẩm chất đầu tiên là tài năng. Đối với Murakami, chỉ có rất ít người may mắn được trời phú cho tài năng và lúc đó họ nên biết cách tận dụng.

“Những nhà văn có tài năng thiên bẩm có thể viết tiểu thuyết dễ dàng bất luận họ làm gì - hay không làm gì. Như nước từ một suối nguồn thiên nhiên, câu cú cứ lai láng, và với chút ít hoặc không có nỗ lực nào, những nhà văn này vẫn hoàn thành được một tác phẩm.”

Thế nhưng, ông lại tự nhận mình không phải là một người chạy bộ giỏi, cũng không phải là một tiểu thuyết gia giỏi, ông sinh ra không có tài năng thiên bẩm đó.

“Tôi không phát hiện được con suối nào gần kề cả. Tôi phải dùng đục mà đập đá và đào một cái hố sâu rồi mới định vị được nguồn sáng tạo…. Nhưng nhờ duy trì kiểu sống này qua nhiều năm, tôi đã trở nên rất có năng lực, cả về kỹ thuật lẫn thể chất, trong việc đào một cái hố trong đá cứng và định vị một mạch nước mới… Nếu những người dựa trên suối nguồn tài năng thiên nhiên bỗng thấy lá mình đã cạn kiệt cái nguồn duy nhất của mình rồi, họ sẽ gặp rắc rối.”

Vấn đề của tài năng là ta không thể nào kiểm soát được lượng và chất của nó. Ta không tự ý thức được lúc nào ta có thể viết hay, hay đến mức nào và sản xuất được bao nhiêu bài hay như thế. Thế nhưng, đối với hai phẩm chất còn lại là tập trung và bên bỉ thì ta có thể hoàn toàn thay thế cho tài năng.

Ông thường tập trung vào công việc trong ba hay bốn giờ đồng hồ vào buổi sáng, chỉ viết và viết thôi, không quan tâm đến thứ gì khác.

“Ta phải tiếp tục truyền đối tượng tập trung của ta vào thân ta, và bảo đảm là thân ta tiêu hóa được hoàn toàn thông tin cần thiết để ta viết từng ngày và tập trung vào công việc trước mặt. và dần dà ta sẽ nới rộng được các giới hạn có thể".

Thế nhưng, cũng như rèn luyện cơ bắp, nếu bạn tập luyện nhiều ngày, cơ bắp sẽ hiểu khối lượng công việc nó cần làm và cố gắng trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng nếu bạn bỏ cuộc thì nó sẽ tự hiểu là không cần cố gắng nữa. Vậy nên nguyên tắc của ông trong chạy bộ là không bao giờ nghỉ quá hai ngày.

“Tôi chỉ có một ít lý do để tiếp tục chạy, và vô số lý do để bỏ. Tất cả những gì tôi có thể làm là giữ cho một ít lý do đó được đánh bóng đẹp đẽ.”

Đây chính là vẻ đẹp của sự bền bỉ. Chưa kể, trong quá trình theo đuổi sự tập trung và bền bỉ, bạn sẽ bất ngờ tìm thấy một “suối nguồn”, một tài năng nào đó đang chảy nữa.

“Thỉnh thoảng tôi chạy nhanh khi thích, nhưng nếu tăng tốc thì tôi lại giảm thời gian chạy, vấn đề là để niềm hồ hởi tôi cảm thấy vào cuối mỗi lần chạy kéo dài qua ngày hôm sau. Đây cũng chính là kiểu chiến thuật tôi cho là cần thiết khi viết một cuốn tiểu thuyết. Tôi dừng lại mỗi ngày đúng vào lúc tôi cảm thấy mình còn có thể viết nữa. Cứ làm vậy, thì công việc ngày hôm sau sẽ diễn ra trôi chảy đến lạ lùng. Tôi cho là Ernest Hemingway cũng đã làm gần giống như thế. Để đi tiếp, ta phải duy trì nhịp điệu. Đây là điều quan trọng đối với những công trình lâu dài. Một khi đã dẫn tốc độ rồi thì mọi thứ còn lại sẽ theo sau. Vấn đề là làm sao cho bánh đà quay ở một tốc độ đã định - và để đến được thời điểm đó ta cũng phải tập trung và nỗ lực hết sức mình.”

Có một lần, ông bị chuột rút giữa đường chạy. Với một người luôn tâm niệm mình sẽ không bao giờ cuốc bộ dù tình cảnh có khó khăn đến đâu như ông, ngày hôm đó ông phải khập khiễng bước đi nhìn bao người lướt qua là một sự tổn thương lòng tự trọng vô cùng. Ông chia sẻ: “Có ba lý do tôi thất bại: Tập luyện không đủ. Tập luyện không đủ. Tập luyện không đủ. Thái độ kiêu mạn, bức tường phân cách giữa tự tin đúng đắn và kiêu hãnh vô căn cứ là khá mong manh.” Viết văn cũng vậy, nếu không có đủ sự tập luyện và kiên trì, chúng ta sẽ dễ dàng lùi bước.

3. Viết văn hay chạy bộ là một sự đau khổ tự nguyện

Chạy marathon là một hành trình gian khổ. Bạn sẽ có ý định bỏ cuộc bất cứ lúc nào cơ thể rã rời như hết nhiên liệu. Vậy nên người chạy bộ cần có một câu thần chú *“Đau đớn là không thể tránh khỏi. Đau khổ là tự nguyện.” *Cái đau về thể xác là có thật, nhưng ta có chịu đựng nổi nữa không lại còn phụ thuộc vào sức mạnh của tinh thần của chính người chạy.
Viết văn cũng vậy, sẽ có lúc bạn thấy mình cạn kiệt ý tưởng, bạn phải thức đêm thức hôm viết bài nhưng không được đón nhận, hay đơn giản là bạn loay hoay mãi cũng không thể viết được cái kết tử tế vì đã hết sức lực. Đó là một hành trình đau khổ tự nguyện và xứng đáng.

“Viết tiểu thuyết, với tôi, cơ bản là một kiểu lao động chân tay. Viết tự nó là lao động trí óc, nhưng hoàn tất cả một cuốn sách thì gần với lao động chân tay hơn…. Cả quá trình - ngồi tại bàn, tập trung đầu và, như một tia laser, mường tượng ra cái gì đó từ một đường chân trời trống rỗng, sáng tạo ra một câu chuyện, chọn lọc từ ngữ thích hợp, từng chữ một, giữ cho toàn bộ mạch truyện đi đúng hướng - nó đòi hỏi sức lực, qua một thời gian dài, nhiều hơn là hầu hết mọi người vẫn tưởng.”

Các bạn thân mến, mình tin rằng với tư cách là người viết, những chia sẻ này đối với chúng ta đều vô cùng quý báu và cần nhiều thời gian để chiêm nghiệm cũng như thực hành. Dù nó có là một hành trình gian khổ thì hãy luôn tin rằng bạn sẽ vẫn về đích, vẫn có thể tăng cự ly sau mỗi lần chạy, vẫn có thể tự hào vì mình đã cố gắng hết sức nếu ta có đủ ý chí, tập trung, và bền bỉ (cả tài năng nữa - nếu may mắn).

---Hobby

(1 ratings)

Tags: chạy bộ, viết lách, Haruki Murakami, chiêm nghiệm