“Tôi muốn viết blog, nhưng không biết viết về cái gì.”; “Tôi nên chọn viết theo sở thích hay viết để kiếm tiền?”; “Tôi hứng thú với quá nhiều lĩnh vực nhưng không chuyên sâu cái gì để viết cả.” Những câu nói này có vẻ rất quen thuộc đúng không? Tin buồn là bạn chỉ có thể biết được điều này khi chính bạn thực sự bắt đầu và thử. Nhưng tin vui là bài viết sau đây sẽ cho bạn một số gợi ý để đi tự đi tìm câu trả lời đó cho mình.
Nội dung bài viết:
1. Đào sâu vào giếng ý tưởng
Bạn đang nghĩ mình chẳng có ý tưởng nào cả? Không thể nào! Bên trong mỗi chúng ta đều chứa một kho chuyện, nơi ta gom nhặt từng trải nghiệm nhỏ nhặt của cuộc sống, từ ấu thơ đến trưởng thành, nơi định hình con người chính ta hiện tại. Vậy nên ta không bao giờ thiếu thứ để chia sẻ, để cho đi đâu. Dưới đây là một số lựa chọn bạn có thể cân nhắc:
Lĩnh vực chuyên môn, học thuật: Bạn có đang học tập, nghiên cứu hay làm việc ở một lĩnh vực cụ thể nào không? Chẳng hạn như khoa học, lịch sử, văn học,... Có điều gì mà bạn biết nhiều hơn, chuyên sâu hơn hầu hết mọi người? Mình muốn đọc về nó!
Sở thích đời thường: Bạn có thích nấu ăn? Chạy bộ? Tái chế đồ vật? Thêu thùa? Bất cứ thứ gì. Nếu bạn thực sự hứng thú với điều gì đó, không có lý do gì mà không chia sẻ niềm hứng khởi đó qua trang viết cả. Dù bạn có nghĩ nó có kỳ quái đến cỡ nào, khán giả vẫn sẽ luôn đón nhận, miễn là họ cảm nhận được niềm đam mê trong bạn.
Những câu hỏi mọi người hay đặt ra: Hãy theo dõi những gì người khác hay hỏi trên Facebook, Quora, hay bất kỳ câu hỏi nào bạn nhận được trong đời sống hằng ngày mà bạn cảm thấy mình có khả năng hoặc mong muốn đi tìm câu trả lời. Quá trình đi tìm câu trả lời đó sẽ cho bạn nguồn cảm hứng cũng như tư liệu dồi dào để tạo nên những bài viết hay đấy.
Những thứ khiến bạn tò mò: Gần đây, bạn có khám phá ra điều gì lý thú trên Google hay Wikipedia không? Nó có khiến bạn cảm thấy hào hứng và có động lực tìm hiểu thêm? Nếu bạn thấy nó thú vị, mình cá rằng người khác cũng thấy nó hấp dẫn không kém.
2. Đi tìm "thị trường ngách" của bạn
Nếu lĩnh vực càng rộng, bạn rất dễ viết mông lung và khó tìm ra khách hàng tiềm năng. Thay vào đó, hãy chọn một lĩnh vực tuy hẹp nhưng bạn có nhiều hiểu biết, nhiều đam mê tìm hiểu nhất và khai thác nhiều khía cạnh khác nhau của nó. Đừng sợ lượng khán giả của mình ít hơn người khác. Số lượng không bằng chất lượng. Không có gì tuyệt vời hơn tìm được một cộng đồng cùng chung sở thích và cùng đóng góp cho nhau, đúng không?
Nhưng bạn không thể biết được mình thực sự thích gì nếu thiếu trải nghiệm, bao gồm trải nghiệm cuộc sống lẫn trải nghiệm viết. Vậy nên hai việc quan trọng nhất bây giờ là ra ngoài trải nghiệm thế giới và bắt tay vào viết.
3. Vượt qua nỗi sợ trùng lặp
Hẳn trong quá trình tìm kiếm ý tưởng, chắc hẳn bạn đã trải qua cảm giác sung sướng tột cùng khi tìm ra thứ mình muốn viết, sau đó lại thất vọng tột độ vì biết đã có ai đó viết về nó rồi đúng không? Tuy vậy, đừng vội gạch những ý tưởng đó ra khỏi danh sách. Cho dù có 10 người, 100 người viết chung một chủ đề, nó cũng không đồng nghĩa rằng bạn không còn khía cạnh nào để khai thác.
Vậy nên thay vì dập tắt ý tưởng, hãy đọc những bài viết cùng chủ đề, sau đó tìm kiếm khía cạnh nào vẫn chưa được đề cập, hoặc tìm một kiểu tiếp cận vấn đề khác. Chẳng hạn nếu như bài viết của người khác khô khan và nhiều dẫn chứng khoa học, thì bài viết của bạn có thể chứa đầy trải nghiệm cá nhân. Chẳng hạn như bạn nói về một vấn đề rất nghiêm trọng bằng một thái độ nhẹ nhàng, bình thản, nhưng sâu sắc, hay giải nghĩa những vấn đề phức tạp theo cách dễ hiểu hơn. Lấy hiện tượng coronavirus làm ví dụ nhé, nếu giữa rừng thông tin hỗn loạn, thật giả, trắng đen lẫn lộn như hiện nay, bạn sẽ chọn viết về khía cạnh nào, hay chọn khai thác theo cách nào?
Đừng lo, thế giới này bao la lắm, nó luôn dành chỗ cho tiếng nói của mọi người.
4. Nói lên sự thật của mình
Dù bạn có đang viết cho chính mình, hay cho người khác, bí quyết thành thật nhất vẫn là viết từ trái tim. Cho dù đó là một bài viết khám phá khoa học hay chia sẻ cảm xúc sau cuộc tình tan vỡ, nó sẽ có giá trị khi bạn đặt bản thân mình vào đó. (Lưu ý: Điều này đôi khi không phù hợp với doanh nghiệp, nhưng ta vẫn nên phấn đấu làm nếu được).
Nói vậy không có nghĩa bạn phải mang tất cả sự thật của mình phơi bày ra thế giới, nhưng nếu bạn có thể tháo được một chút lớp vỏ bọc để yếu đuối một chút, thành thật một chút theo cách tiếp cận riêng thì sẽ rất tuyệt, miễn là bạn không cảm thấy bị ép buộc hay không thoải mái. Mục đích của việc này là để xem thử một chủ đề kết nối với bạn đến mức nào. Tại sao bạn lại chọn nó? Tại sao nó quan trọng? Nói cách khác, đừng bao giờ ép buộc mình viết những thứ mà mình chưa bao giờ muốn viết, bất kể người ta nói rằng nó sẽ giúp bạn kiếm được nhiều tiền hay sẽ “viral”. Đã là một người viết, hãy xem bài viết của mình như con người. Khi bạn không đặt trọn trái tim và sự chân thành vào đó, nó sẽ thể hiện ra thôi. Vậy nên điều bạn cần làm trước khi viết đó là đào sâu vào nội tâm, ôm ấp và nuôi dưỡng tiếng nói nội tâm của mình trước nhé.
Mình nghe nói hôm nay đã có người đi làm rồi, và với freelance writer thì hầu như không có ngày nghỉ. Mình mong vài chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thêm chút động lực để làm việc sau Tết nhé.
(Lan Chi)
Tags: lĩnh vực, viết lách, writer