Người đăng: phanlinh   Ngày: 23/08/2019   Lượt xem: 1714
Bạn có thể đã biết hoặc không, luôn có một quá trình của việc viết - thứ mà nhiều cây viết chuyên nghiệp tuân thủ một cách tương đối tự nhiên. Viết theo quy trình giúp ích chúng ta rất nhiều, đặc biệt là với những ai làm nghề viết chuyên nghiệp. Đây là cách mà quy trình đó vận hành, mình sẽ đưa ra thêm các lời khuyên cho từng phần để các bạn không cảm thấy bị bế tắc.
Bạn có hiểu biết về quy trình viết lách

1. Viết trước khi viết

Bạn đã bao giờ ngồi thừ ra và nhìn vào giấy hay màn hình mà không biết viết gì? bạn có thể đã bỏ qua một giai đoạn quan trọng đầu tiên của quá trình viết: viết trước khi viết. Đây là lúc bạn làm mọi thứ trước khi bắt đầu một bản nháp. Tối thiểu, viết trước có nghĩa là nảy ra một ý tưởng nào đó.
  • Ý tưởng và cảm hứng: ở khắp mọi nơi. Nhưng nếu vẫn tắc tị, bạn hãy thử: tìm kiếm trên google, viết về thứ gì đó liên quan trong cuộc sống hàng ngày, giở lại sổ ghi chép ý tưởng, tưởng tượng ra một nhân vật và viết về nhân vật đó. Một khi đã có ý tưởng thì bạn phải phát triển mở rộng nó.
  • Xây dựng ý tưởng: giống như đắp thịt vào bộ xương. Bạn có thể:
    • Viết tự do: viết mọi thứ bạn nghĩ trong đầu về chủ đề bạn phải viết. Đừng vừa viết vừa sửa.
    • Động não: ghi lại những ý tưởng nảy sinh thêm - chủ đề phụ hoặc hướng dẫn thực hiện, sau đó chọn lọc những gì phù hợp để cho vào bản nháp.
  • Quy hoạch & cấu trúc: một số phần bài viết sẽ phải có kế hoạch viết cụ thể chi tiết hơn các phần khác. Hãy:
    • Quyết định các ý tưởng và tư liệu mà bạn sẽ sử dụng.
    • Sắp xếp nó lại theo một cấu trúc, trình tự hợp lý

2. Viết

Nhìn lại kế hoạch và bắt đầu với bản nháp đầu tiên (bản thô). Ở giai đoạn này, đừng nghĩ tới số lượng từ, ngữ pháp chính tả hay dấu câu. Cũng đừng lo lắng quá nếu bạn lạc đề, cứ viết đã.
Các tác giả chuyên nghiệp phải trải qua nhiều bản thảo mới có được sự hài lòng với bài viết của họ. Đây là một phần bình thường của quá trình viết - không ai viết tốt ngay ở lần đầu tiên.
Với bản thảo đầu tiên này, bạn hãy:
  • Đặt ra 30 phút tập trung: thật khó duy trì mạch viết nếu bạn chỉ tranh thủ vài phút đồng hồ
  • Tắt mọi ứng dụng gây mất tập trung
Viết đòi hỏi sự tập trung và năng lượng. Nếu là mới vào nghề, bạn không nên tập viết hàng giờ mà không dừng lại. Hãy xác định giới hạn thời gian để thực sự tập trung cho việc viết.

3. Chỉnh sửa bài viết

Dù là cây viết nổi tiếng tới đâu thì ai cũng cần xem lại bài viết của mình. Việc chỉnh sửa có thể là xóa một phần bài, nhiều phần, thậm chí viết lại toàn bộ đoạn và thêm những thông tin mà người đọc có thể sẽ cần. Giai đoạn này thường có các bước: Thêm, Sắp xếp lại. Xóa, Thay thế.
  • Thêm: những gì người đọc cần biết. Nếu độ dài chưa đủ, ta có thể mở rộng thêm phần nào?
  • Sắp xếp lại: bài đọc sẽ trơn tru hơn nếu bạn sắp xếp lại cấu trúc hoặc đoạn văn của mình, cân đối tỉ lệ.
  • Loại bỏ: có những ý tưởng bạn không thực hiện được, hoặc bị vượt quá số từ và cần cắt bớt, hoặc ví dụ bạn đưa vào không phù hợp với tổng thể bài viết… hãy loại bỏ.
  • Thay thế: chi tiết nào sẽ giúp bài sống động hơn, có cần thay thế các ví dụ và trích dẫn mạnh mẽ hơn?…

4. Biên tập

Chỉnh sửa khác biên tập và biên tập cần làm sau khi chỉnh sửa. Biên tập liên quan tới cái nhìn cận cảnh tới từng câu và từ riêng lẻ, phải thực hiện khi bạn đã có sự chỉnh sửa ở quy mô lớn hơn, tổng thể.
Khi biên tập, hãy đọc kỹ từng câu và đảm bảo câu, cụm từ đó thực sự cần và hiệu quả. Một số lưu ý trong quá trình biên tập là:
  • Bạn có bị lặp từ trong câu, đoạn không? Sử dụng từ đồng nghĩa nào để thay thế?
  • Câu có khó hiểu không? Có cần viết lại cho rõ ràng hơn?
  • Những từ nào có thể bỏ bớt để câu ngắn gọn rõ ràng hơn?
  • Câu đúng ngữ pháp chưa?
  • Có sai chính tả ở đâu không? Dấu chấm, phẩy và các dấu khác được đặt đúng chưa?
Tốt hơn là nên in bài viết ra giấy (nếu bài dài) và chỉnh sửa trên đó.

5. Xuất bản

Bước cuối cùng là xuất bản, tùy thuộc vào loại văn bản, kênh và mục đích của bạn. Đó có thể là bài báo, truyện ngắn hoặc bài viết cho blog chẳng hạn. Có thể có những bài không được xuất bản. Chẳng sao cả, không có gì là lãng phí bởi vì những gì bạn đã viết ra sẽ đều đóng góp cho sự phát triển của bạn trên hành trình trở thành writer chuyên nghiệp.
Tóm lại, 5 giai đoạn của quá trình viết là một công thức tốt và tương đối dễ dàng. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay lời khuyên nào về quy trình viết, hoặc chia sẻ kinh nghiệm, hãy comment nhé.
(Nguồn Linh Phan)
(1 ratings)

Tags: writer, viết lách, quy trình