Người đăng: FBTI   Ngày: 04/02/2020   Lượt xem: 12325

Marketing thường được định nghĩa là một quá trình gồm các kỹ thuật và chiến lược khác nhau nhằm mục đích cải thiện sản phẩm và tìm cách tốt nhất để bán chúng. Ngoài ra, marketing còn giúp định hình cách nhìn của khách hàng tiềm năng về dịch vụ, sản phẩm của bạn. Vì thế nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng và đầu tư đúng cách, các công ty rất có thể phải đối mặt rủi ro. Và dưới đây là 9 thách thức phổ biến.

9 vấn đề phổ biến trong Marketing mà các công ty thường gặp

1. Không biết cách trình bày thông tin sản phẩm, dịch vụ mà bạn muốn bán

Hiểu rõ về sản phẩm của mình là cần thiết, tuy nhiên là một chuyên gia về sản phẩm không đồng nghĩa với việc bạn sẽ là một chuyên gia bán hàng. Bạn có thể biết rõ về từng bước sản xuất sản phẩm, các nguyên liệu được sử dụng, v.v. nhưng bạn lại không biết nhu cầu của khách hàng, vì thế rất khó để thuyết phục được họ.

Thứ khách hàng cần biết là giá cả, chất lượng, uy tín và vấn đề mà sản phẩm của bạn có thể giải quyết. Hãy tập trung vào những yếu tố này và chứng tỏ cho khách hàng thấy sản phẩm của bạn là sản phẩm phù hợp nhất.

2. Không tìm được phân khúc thị trường cho thương hiệu

Rất nhiều doanh nghiệp vì không xác định được phân khúc thị trường mục tiêu mà lãng phí tiền quảng cáo, tiếp thị. Sản phẩm của bạn sẽ chỉ phục vụ cho một nhóm đối tượng khách hàng cụ thể, có những đặc điểm hành vi chung.

Ví dụ: Bạn không thể phát tờ rơi quảng cáo dụng cụ leo núi trong một viện dưỡng lão hay không thể vào một trường trung học để quảng cáo các mẫu xe hơi mới của mình.

Xác định nhóm khách hàng và thị trường mục tiêu là công việc quan trọng. Chúng giúp bạn đưa ra những ý tưởng tiếp thị hiệu quả và rõ ràng. Ngoài ra bạn cũng nên tìm hiểu về nhu cầu của khách hàng. Bởi khi bạn biết họ đang tìm kiếm điều gì, bạn có thể sử dụng nó làm “nguyên liệu” cho các chiến lược tiếp thị của mình.

3. Độ phổ biến của thương hiệu chưa cao

Quảng bá thương hiệu nên là một trong những ưu tiên hàng đầu của các công ty. Tuy nhiên cần chú ý đến những vấn đề liên quan đến phương tiện cũng như nguồn thông tin bạn sẽ cung cấp.

Quảng cáo có thể không tốn quá nhiều chi phí. Nhưng nếu bạn sử dụng phương tiện không phù hợp và hướng tới nhầm đối tượng sẽ dẫn tới lãng phí cả thời gian và tiền bạc. Bạn có thể cân nhắc sử dụng các phương tiện như:

- Các phương tiện truyền thông đại chúng

- Mạng xã hội

- Tờ rơi, banner, poster

- Xây dựng các kênh thông tin, truyền thông online của công ty

- Xây dựng blog chứa những nội dung có ích

Tùy vào sản phẩm bạn cung cấp cũng như nhóm khách hàng mà bạn muốn hướng tới để đưa ra lựa chọn. Nếu khoảng thời gian đầu bạn gặp khó khăn, hãy tham khảo ý kiến từ chuyên gia hoặc agency để được định hướng.

4. Giá sản phẩm chưa hợp lý

Giá cả luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của khách hàng khi họ tiếp cận bất cứ sản phẩm nào. Vì thế giá cả sản phẩm đóng vai trò trọng yếu trong sự thành công của doanh nghiệp.

Đầu tiên hãy xác định số tiền bạn phải bỏ ra để hoàn thành một sản phẩm, sau đó xem xét giá cả của đối thủ cạnh tranh. Từ đó cân bằng chúng. Bởi khi bạn đặt giá thấp để cạnh tranh thì dù bạn có bán được nhiều sản phẩm đi chăng nữa bạn vẫn bị “lỗ”.

Một khi đã có được mức giá lý tưởng, bước tiếp theo là khiến cho khách hàng cảm thấy sản phẩm xứng đáng với số tiền họ bỏ ra.

Ví dụ: Một ly cà phê của bạn có thể có giá tương đương với các cửa hàng cafe khác, tuy nhiên chất lượng dịch vụ, không gian quán sẽ tạo nên sự khác biệt.

5. Bộ phận sale và marketing chưa phối hợp nhịp nhàng

Vào mỗi thời điểm trong năm, công ty lại có những chiến lược đẩy mạnh bán những loại sản phẩm khác nhau. Vì thế các chiến lược tiếp thị cũng cần tập trung vào những loại sản phẩm này. Bạn không nên chi quá nhiều tiền quảng cáo khi công ty bạn chưa có những sản phẩm tốt nhất để đem đến cho khách hàng.

Bộ phận marketing cần được thông tin rõ ràng về những gì mà công ty đang bán và bán lúc nào. Đúng sản phẩm, đúng thời điểm sẽ mang về doanh thu tuyệt vời.

6. Không có kế hoạch marketing cụ thể

Các công ty dù lớn hay nhỏ đều có kế hoạch cụ thể cho những công việc như: Kỳ bonding của công ty, thời gian nộp thuế, v.v. Tuy nhiên lại có rất ít công ty nhỏ chú ý đến việc có một kế hoạch marketing dài hạn và cụ thể.

Họ cần biết đâu là dịch vụ, sản phẩm quan trọng cần đẩy mạnh quảng bá trong những khoảng thời gian khác nhau. Để tạo ra một kế hoạch tiếp thị hiệu quả, hãy để ý đến đặc điểm của sản phẩm và nhu cầu của khách hàng trong từng khoảng thời gian. Nói đơn giản, lập kế hoạch có nghĩa là thực hiện mọi thứ vào đúng thời điểm.

Ví dụ: Vào đầu mùa hè, mọi người thường có xu hướng muốn giảm cân. Vì thế, đây là khoảng thời gian thích hợp để các phòng tập thể dục quảng cáo các sản phẩm của mình.

7. Hình ảnh thương hiệu và danh tiếng không nổi bật

Mỗi doanh nghiệp đều có một hình ảnh nhất định trong mắt công chúng, dù nó là tích cực hay tiêu cực. Một công ty sẽ không thể tồn tại nếu nó không xây dựng được hình ảnh của mình trên thị trường.

Phong cách quảng cáo, cách bài trí, chăm sóc khách hàng, v.v. đều làm nên danh tiếng và hình ảnh của công ty. Danh tiếng sẽ là yếu tố tạo nên sự khác biệt khi khách hàng đang cân nhắc lựa chọn sản phẩm của những thương hiệu khác nhau. Một sản phẩm đến từ nhãn hàng uy tín, nhiều người tin dùng sẽ luôn có ưu thế hơn những sản phẩm mới ra mắt.

Hãy cố gắng tạo ra bản sắc độc đáo cho thương hiệu của mình và đặc biệt chú trọng đến sự chuyên nghiệp.

8. Chưa có sự nhận diện tốt trên Internet

Ngày nay, tất cả mọi người đều sử dụng smartphone có kết nối Internet và bất cứ lúc nào họ cũng có thể tìm kiếm các mặt hàng, sản phẩm cần thiết trên đây. Vì thế, nếu không có hình ảnh ấn tượng trên Internet, bạn có thể bị mất đi một lượng doanh số đang kể.

Có sự nhận diện tốt là khi bạn có một trang web cập nhật sản phẩm và nội dung thường xuyên, một fanpage được đầu tư, một blog có nhiều thông tin hữu ích, và là cách bạn chăm sóc những khách hàng online của mình. Hãy chú ý trả lời email, trả lời bình luận và tin nhắn của khách hàng bởi điều này sẽ mang thương hiệu của bạn đến gần hơn với mọi người.

9. Nghĩ rằng marketing là không cần thiết

Cho rằng chỉ cần bạn có sản phẩm tốt thì khách hàng sẽ tự tìm đến bạn là một suy nghĩ sai lầm mà rất nhiều doanh nghiệp đang mắc phải. Nó khiến bạn mất đi nhiều cơ hội quý báu và nguồn doanh thu không hề nhỏ. Như đã nói ở trên, tiếp thị là cả một quá nhiều hành động nhằm bán ra các sản phẩm một cách tốt nhất. Do đó doanh nghiệp không thể nào tồn tại khi không tiếp thị sản phẩm của mình.

Ngoài ra, tiếp thị tốt không có nghĩa là cần bạn thực hiện quá nhiều chiến lược hoành tráng và tốn kém, đơn giản là khi bạn áp dụng chúng một cách phù hợp, đúng kênh và đúng thời điểm.

(Frombrandtoicon)

(61 ratings)

Tags: marketing, phổ biến, vấn đề, thường gặp, công ty