Người đăng: Hobby   Ngày: 04/10/2019   Lượt xem: 1397

8 ví dụ tuyệt vời để giúp bạn tạo ra nội dung hấp dẫn: Nội dung hấp dẫn - mọi người đều nói về nó, nhưng thật khó để định nghĩa một cách chính xác nội dung hấp dẫn là thế nào. Tuy nhiên, ít nhiều chúng ta cũng biết rằng đi kèm với nội dung hấp dẫn, không thể thiếu - video, infographics, memes, sách điện tử, podcast v.v.

8 ví dụ tuyệt vời để giúp bạn tạo ra nội dung hấp dẫn

Bên cạnh đó, từ “hấp dẫn” còn bao hàm những yếu tố như: được chia sẻ, lan tỏa, truyền cảm hứng, tăng tương tác, tăng sự chuyển đổi và thúc đẩy hành động v.v.

Hãy cùng xem 8 ví dụ quan trọng của tôi dành cho các bạn.

1. Nội dung mang đến sự hoài cổ

Hầu hết chúng ta thích sự gợi nhớ và sống cùng với những kỷ niệm đẹp - kết luận của một nghiên cứu về tâm lý học con người. Việc tận dụng tâm lý này sẽ có lợi cho bạn. Hãy tìm các cố vấn có liên quan đến lĩnh vực của bạn và tạo ra nội dung mang đến sự hoài cổ.

Giả sử một thương hiệu điện thoại thông minh có thể gợi nhắc lại hình ảnh của những chiếc điện thoại thô sơ từ thời Alexander Graham Bell, sau đó đến chiếc điện thoại được coi là "di động" đầu tiện nặng 4.5 kg, rồi đến những chiếc điện thoại có nắp gập và sau đó là những chiếc thoại thông minh ngày nay. Hay một thương hiệu thời trang cũng có thể mô tả thiết kế của mình được lấy cảm hứng từ một trang phục nào đó thời xa xưa, áo dài Việt Nam là hình ảnh điển hình.

Sự gợi nhắc lại quá khứ tạo cảm giác thích thú, một sự trân trọng và thậm chí là xúc động đối với tất cả mọi người.

2. Nội dung mang tính cá nhân hóa

Con người luôn yêu chính bản thân họ. Vì vậy, hãy tạo nội dung được tùy chỉnh cho khách hàng của bạn. Sử dụng tên của họ, khuôn mặt của họ - bất cứ điều gì về họ.

Mùa hè năm 2011, một chiến dịch lớn đã ra đời với cái tên: “Share a Coke” – “Cùng chia sẻ Coca”. Vượt ngoài sự mong đợi của Coca-Cola, khi chiến dịch bắt đầu khởi động, nó đã tạo nên một cơn “chấn động” mạnh, làm sôi sục cả đất nước Australia vào thời điểm đó. Những chai Coca vào trong những chiếc tủ lạnh đặt ở khắp Úc, cho phép khách hàng tự tìm ra những chai có in tên của mình, chụp hình và gửi cho Coca-Cola để có cơ hội xuất hiện trên TVC của nhãn hàng này. Các TVC với hình ảnh các tình nguyện viên “share a coke” với bạn bè mình được lên sóng vào sự kiện thể thao cuối tuần lớn nhất nước Úc – AFL (Australian Football League), và NRL (National Rugby League) (phủ sóng đến với 30% dân số Úc).

Đồng ý rằng chiến dịch của Coca-Cola rất lớn, nhưng đằng sau sự thành công không chỉ nằm ở quy mô, sự đầu tư mà còn là những giá trị cốt lõi (được nghiên cứu bài bản về tâm lý học con người) mà thương hiệu đem lại.

3. Nội dung tăng tương tác

Bạn không phải chọn một chủ đề cấm kỵ hoặc gây chia rẽ về chính trị và bạn không phải lựa chọn ĐÚNG hay SAI- chỉ cần “gieo hạt giống” và đứng bên lề để mọi người tự mình tham gia. Trang web du lịch First Choice đã hỏi người dùng Pinterest và Twitter quốc gia nào đẹp nhất thế giới. Jay McKeever thuộc tập đoàn Seconds & Surplus đã đưa ra chiến dịch Maketing, trong đó, bất kỳ khách hàng nào sau khi Like trang Facebook đều được giảm giá 10% cho mỗi đơn hàng. Cùng với đó, anh cũng khởi động chiến dịch đưa survey, quiz hay đăng ảnh trên trang để tăng lượng tương tác.

4. Nội dung mang tính “nhận lỗi”

Tận dụng khía cạnh về tâm lý con người rằng mỗi người chúng ta đều không hoàn hảo, các thương hiệu cũng vậy.

Trong chiến dịch marketing năm 2017, Adidas đã gửi đi một email quảng bá đến người tham gia Boston Marathon với tiêu đề: “Chúc mừng bạn đã sống sót sau Boston Marathon!”. Thông điệp này ngay lập tức bị người đọc phản ứng vì gợi nhớ đến sự kiện cuộc thi chạy Boston Marathon từng bị đánh bom năm 2013. Maria Culp - nữ phát ngôn của Adidas ngay lập tức nhận ra vấn đề, chỉ sau một vài khách hàng nhận email đầu tiên phát hiện. Cô đã nhanh chóng đăng đàn xin lỗi công chúng: "Chúng tôi vô cùng xin lỗi. Chúng tôi không hề có suy nghĩ gì khi gửi đi một email có tiêu đề thiếu tinh tế vào Thứ ba vừa qua. Chúng tôi xin lỗi sâu sắc về sai lầm này".

Phản hồi của cô được đánh giá là chân thành, có thiện chí, thẳng thắn và đặc biệt quan trọng, là đưa ra ngay lập tức. Lời xin lỗi này đã góp phần ngăn chặn một cuộc khủng hoảng PR cho Adidas.

5. Nội dung tạo ra cảm xúc

Chẳng có gì sai khi nói những người tạo ra nội dung là những người mang đến cảm xúc.

Video clip nổi tiếng “Real Beauty Sketches” – video được lan truyền nhiều nhất mọi thời đại và được chia sẻ nhiều thứ ba trong lịch sử với 114 triệu lượt view, 3.74 triệu lượt chia sẻ chỉ sau một tháng ra mắt bởi nó chạm đến trái tim của hàng trăm triệu phụ nữ trên khắp thế giới.

6. Nội dung “bơi ngược dòng”

Là khi bạn nói ngược lại với những gì người khác đang nói. Điều này sẽ khiến bài viết thu hút và nhận được nhiều lượt chia sẻ.

Vào cuối năm 2016, có hàng loạt tranh cãi liên quan với việc nên trở về với gia đình vào dịp Tết, hay nên đi để trải nghiệm nhiều hơn về cuộc sống ngoài kia. Đây luôn là tranh cãi không hồi kết mỗi dịp Tết về, khi mà văn hóa phương Đông đề cao tình cảm và sự gắn kết gia đình, còn người trẻ muốn được là chính mình.

Cụ thể, cộng đồng mạng tích cực tham gia tranh luận sôi nổi khi các KOL ủng hộ 2 quan điểm được xem là trái ngược như sau:

#teamđi: Phở, Giang Hoàng, Thùy Minh với quan điểm tình cảm gia đình nên được xây dựng trong suốt năm, chứ không chỉ mấy ngày Tết. Việc tìm kiếm trải nghiệm để tăng thêm vốn sống, biết yêu thương và trân trọng những gì mình đang có là hoàn toàn đáng ủng hộ, và "Về là ở trái tim, bước chân không có lỗi"!

#teamtrởvề: JV, Nguyễn Ngọc Thạch & Phan Ý Yên với những lý luận sắc bén khi cho rằng, việc đi không sai nhưng cần đi cho đáng, đúng thời điểm và Tết là lúc chúng ta cần dành thời gian cho bố mẹ, gia đình!

Chính trong lúc tranh cãi cao trào, Biti's cùng với Soobin Hoàng Sơn đã tung ra video clip với thông điệp "Đi để trở về", một thông điệp sâu sắc và truyền tải một định nghĩa rất khác về "đi". “Điều kì diệu là con người ta đi xa hơn để trưởng thành hơn, không quên mang theo bên cạnh hành trang nỗi nhớ gia đình.” - với thông điệp cuối clip đã khiến không ít người nhận ra hình ảnh bản thân mình trong đó, trân trọng hơn về các giá trị của tình thân, của gia đình.

7. Nội dung miễn phí

Tạo nội dung miễn phí không có nghĩa là nó có thể hời hợt và yếu tố “miễn phí được đặt lên hàng đầu, mà bạn cần hiểu rõ rằng điều quan trọng nhất là những giá trị mà nội dung của bạn đem lại.

Hãy để khách hàng thấy rằng ngay cả những sản phẩm miễn phí cũng đều rất chất lượng và họ sẽ ngay lập tức có cảm tình với thương hiệu của bạn.

8. Nội dung thể hiện sự lắng nghe

Một trong những nguồn nội dung bị bỏ qua nhất là khách hàng của bạn. Họ đặt câu hỏi về thương hiệu của bạn ở mọi nơi - thông qua nhóm dịch vụ khách hàng của bạn, tìm kiếm trang web nội bộ, phương tiện truyền thông xã hội, v.v.

Hãy tạo ra những nội dung dạng Q&A để cho thấy sự quan tâm của bạn dành cho tất cả khách hàng. Nội dung có thể không lan truyền, nhưng khách hàng của bạn sẽ đánh giá cao nó.

(Nguồn HW2P)

(2 ratings)

Tags: nội dung