Người đăng: phanlinh   Ngày: 15/06/2020   Lượt xem: 1609

Một freelancer được coi là thành công có nghĩa là liên tục có được khách hàng mới, liên tục tăng được thù lao và có danh tiếng trong lĩnh vực của mình. Tuy nhiên, rất nhiều freelancer đang cảm thấy họ không chắc chắn với công việc của mình.

Nếu bạn đang là freelancer và cảm thấy thật sự khó khăn trong công việc, tìm kiếm khách hàng, tăng mức thù lao… thì có lẽ đây là lúc bạn nên lùi lại một bước và đánh giá lại bản thân, dịch vụ và công việc của mình một cách trung thực.

Hãy xem bạn có đang mắc phải những sai lầm sau đây hay không.

1. Chấp nhận làm với mức giá thấp

Khách hàng tiềm năng đăng tuyển một công việc mà bạn hoàn toàn có thể đảm nhận tốt. Vấn đề là họ đưa ra một mức giá quá thấp, chỉ bằng 1/2 mức bạn định giá ban đầu. Ví dụ như bạn đồng ý viết các bài SEO chỉ với mức 50,000-70,000đ/bài – chỉ bằng 1/3 giá trung bình. Đừng bao giờ làm như vậy! Nó chỉ khiến bạn tốn thời gian không xứng đáng với công sức bạn bỏ ra.

Khách hàng có thể nhớ rằng bạn chịu làm việc với mức giá thấp. Và khi họ quay trở lại tìm bạn, họ cũng sẽ vẫn đề nghị mức giá thấp như vậy. Không may nữa là việc bạn chấp nhận mức giá thấp cũng tác động tiêu cực tới danh tiếng của bạn.

Mình không có ý khuyến khích rằng bạn phải đưa ra một mức giá thật cao. Hãy đưa ra mức giá phù hợp với chính bạn và dựa trên trung bình của thị trường. Trong cuốn sách Con đường trở thành freelance writer, mình đã chia sẻ rất chi tiết về cách mà bạn có thể tính giá sao cho hợp lý và một bảng giá tham khảo các công việc viết khác nhau trên thị trường – hãy tìm đọc vì nó sẽ rất có ích cho bạn.

2. Ngại thương lượng

Nhiều cây viết dễ dãi chấp nhận mọi mức giá và chẳng bao giờ buồn thương lượng với khách hàng. Công việc liệu có tính khẩn cấp không? Có yêu cầu bạn phải làm việc ngoài giờ, làm việc nhiều hơn bình thường không? Có yếu tốt nào để bạn có thể đàm phán và có được mức thù lao tốt hơn không? Hãy suy nghĩ về những điều này trước khi trả lời khách hàng.

Quan trọng hơn cả tiền, bạn nên thương lượng với khách để họ làm những việc như là:

  • Đưa ra một đánh giá tích cực khi công việc kết thúc
  • Giới thiệu tới những khách hàng tiềm năng khác
  • Cho phép bạn độc quyền hay là ưu tiên đấu thầu trong những công việc sắp tới nếu có
  • Có thêm các đặc quyền như có vé sự kiện, các đăng ký cao cấp, thành viên VIP…

3. Phản hồi quá chậm chạp hoặc không có đánh giá khi kết thúc công việc

Đôi khi không phải là do tài năng mà là “trâu chậm uống nước đục”. Ai giao tiếp nhanh, phản hồi nhanh chóng với khách hàng thì người đó giành được việc. Đừng chờ tới sáng hôm sau mới email. Trong thời gian đó có thể đã có rất nhiều người khác tiếp cận với khách hàng và họ được xếp lên hạng ưu tiên rồi có được công việc.

95% các freelancer mình làm việc cùng không có đánh giá tổng kết công việc sau khi hoàn thành dự án, hoặc chí ít là sau thời gian làm thử việc. Bằng việc đánh giá lại công việc/dự án, bạn có thể:

  • Cho khách hàng thấy sự chuyên nghiệp của bạn
  • Khuyến khích khách hàng chia sẻ đánh giá tích cực về bạn và giới thiệu cho người khác
  • Nhận phản hồi hữu ích từ khách hàng để bạn có thể cải thiện hơn trong tương lai

4. Quá phụ thuộc vào các hội nhóm trên mạng xã hội và không làm gì khác để có thêm khách hàng

Trong bài học của khóa “Giúp freelancer có được khách hàng” của mình, một trong những sai lầm được mình chia sẻ và có nhắc đi nhắc lại nhiều lần đó là các bạn freelancer thường nghĩ rằng chỉ có những hội nhóm, trang web tuyển dụng mới là nơi để kiếm việc và các bạn hoàn toàn phụ thuộc vào đó.

Sai lầm ạ!

Có thể bạn sẽ có được khách hàng từ đó. Nhưng thành thực mà nói, khách hàng “chất” thật sự không xuất hiện ở những chỗ như thế. Đừng phụ thuộc vào những hội nhóm đó. Việc hiệu quả hơn để kiếm được khách hàng đó là cải thiện hồ sơ cá nhân và có các cách tiếp cận trực tiếp, hiệu quả hơn. Bạn có thể nhanh chóng tìm được khách hàng chất lượng kể cả khi bạn chưa từng có kinh nghiệm freelancing sau khi tham gia và áp dụng các cách tiếp cận trong khóa “Giúp freelancer có được khách hàng” của mình.

5. Không chịu dành thời gian học thêm, phát triển kỹ năng và networking

Nhiều bạn freelancer không kiếm được việc vì không thỏa mãn được kỹ năng nào đó mà khách hàng cần. Chẳng hạn như bạn cần có nền tảng kiến thức về content marketing, digital marketing, SEO… khi viết các loại nội dung cho các nền tảng trực tuyến. Hoặc bạn cần có tư duy thẩm mỹ, cần biết thiết kế cơ bản khi làm việc với các dạng content trên mạng xã hội chẳng hạn. Hoặc là về kỹ năng viết, bạn cần cải thiện ra sao, muốn trở thành cây viết và có thu nhập từ viết lách thì bạn cần gì…

Hãy tìm học các khóa học. Hãy tham dự các hội thảo. Đọc các blog chất lượng. Theo dõi người đi trước có kinh nghiệm. Đọc sách. Đăng ký các khóa coaching 1:1. Dành thời gian mỗi tuần để học và thực hành công cụ mới…

Bên cạnh đó, đừng quên hay coi thường tầm quan trọng của networking. Kết nối không phải là thứ giúp bạn có khách hàng ngay lập tức. Những gì bạn chia sẻ trong cộng đồng có thể mất vài tháng để có được một email mời hợp tác hay một cú điện thoại. Nhưng networking là không thể thiếu nếu bạn muốn phát triển sự nghiệp freelancing như một “business” nghiêm túc của mình.

6. Không quản lý dự án và thời gian tốt

Nếu không tự giác, có trách nhiệm và quản lý thời gian tốt, thực sự bạn đừng nghĩ tới làm freelancer. Hãy sử dụng công cụ quản lý thời gian và đặc biệt hãy tự rèn luyện cho mình một ý thức, một ý chí tốt khi làm việc tự do.

Ngoài ra, hãy nghỉ ngơi hợp lý chứ đừng làm việc tới kiệt sức. Bạn cần đi xa chứ không phải là chỉ đi thật nhanh bất chấp sức khỏe, sự cân bằng trong cuộc sống.

Cuối cùng thì, khi bạn làm freelancer, bạn cũng là một doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể được khách hàng khen ngợi, nhưng cũng không thể tránh khỏi những sơ suất và khiến khách hàng không cảm thấy hài lòng. Họ sẽ phản hồi, thậm chí đánh giá công khai bạn một cách tiêu cực. Đừng mất công đi giải thích, hay là chỉ trích, trách móc thậm chí nói xấu họ. Hãy tiếp nhận mọi thứ. Công việc của bạn là nhận về các phản hồi và học hỏi thêm từ đó, xem mình có thể cải thiện thêm ở đâu và như thế nào. Nếu bạn quá chú tâm vào những điều tiêu cực và dành năng lượng vào những điều tiêu cực đó, con đường freelance sẽ càng trở nên khó khăn.

Nếu bạn đang mắc phải một trong những sai lầm trên, cũng đừng quá lo lắng vì bạn hoàn toàn có thể cải thiện và điều chỉnh để mọi thứ đi đúng hướng.

(Theo Linhphan.co)

(1 ratings)

Tags: writer, freelancer writer