Người đăng: FBTI   Ngày: 23/11/2019   Lượt xem: 1429

Nếu bạn đã có kiến thức nền tảng về marketing và muốn tìm một công việc để kiếm thêm thu nhập thì việc trở thành Freelance Marketers là lựa chọn hàng đầu. Bởi ngoài việc mang lại thu nhập, Marketing Freelance có thể giúp bạn đa dạng hóa khả năng sáng tạo và mở rộng mạng lưới quan hệ của mình.

6 mẹo để bắt đầu công việc Freelance Marketing

Tuy nhiên nếu bạn mới bắt đầu với công việc này, có thể bạn sẽ cảm thấy bối rối đôi chút và cần một vài lời khuyên. Dưới đây là 6 mẹo để bắt đầu làm marketing tự do được đưa ra bởi các chuyên gia mà bạn nên tham khảo.

Trước hết, bạn cần hiểu freelance marketing là gì?

Công việc của các nhà tiếp thị tự do là hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu. Có thể là:

✍️Thu hút sự chú ý

✍️Kéo khách hàng về website hoặc fanpage của công ty

✍️Thuyết phục mua hàng

Hầu hết các công ty đều cần sự hỗ trợ dù theo cách này hay cách khác, đặc biệt là những công ty mới mở. Bởi người sáng lập thường là những người bận rộn, không có quá nhiều thời gian dành cho tiếp thị sản phẩm và quản lý các phương tiện truyền thông.

Đây chính là những nơi mà bạn sẽ tìm đến.

1. Tìm vị trí thích hợp với bạn

Marketing là một lĩnh vực rộng lớn, bao gồm nhiều công việc nhỏ hơn. Vì thế, hãy lựa chọn công việc phù hợp nhất với khả năng và sở thích của bạn. Một số công việc phổ biến của marketing tự do đó là:

- Copywriting (viết quảng cáo): Viết nội dung quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ trên các trang bán hàng, trong các email marketing, landing pages, v.v.

- Quản lý phương tiện truyền thông xã hội (quản lý website, fanpage, v.v.): Bao gồm việc lên kế hoạch truyền thông, đăng tải nội dung, hình ảnh của công ty trên các phương tiện truyền thông xã hội.

- Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO): Là quá trình thúc đẩy các bài viết, web page, website của doanh nghiệp để chúng xuất hiện và xếp thứ hạng cao trong kết quả tìm kiếm của Google.

Đến đây nếu bạn vẫn còn phân vân về khả năng của mình và chưa tìm được công việc phù hợp thì có thể thử các cách sau:

- Đọc sách để tìm hiểu thêm về từng công việc

- Nghe cách người khác nói về bạn. Đôi khi người khác sẽ nhìn thấy được những khả năng tuyệt vời của bạn mà chính bạn không nhận ra. Ví dụ: Nếu bạn bè của bạn rất thích những câu chuyện bạn viết trên Facebook thì rất có thể bạn nên thử làm copywriter.

- Công việc bạn thường làm vào sáng thứ bảy, trước khi mọi người thức dậy là gì? Điều này có thể tiết lộ được đam mê của bạn và những gì bạn thực sự muốn dành thời gian cho.

Sau khi xác định được công việc phù hợp, bạn cần xác định được lĩnh vực muốn theo đuổi. Thời trang, du lịch hay F&B?

Cuối cùng, đừng ngại thử. Nếu bạn nghĩ rằng mình phù hợp với công việc nào đó, hãy cứ trải nghiệm chúng. Nếu không phù hợp, bạn hoàn toàn có thể thay đổi công việc của mình. Đó chính là một trong những điểm mạnh khác của làm việc tự do.

2. Tìm kiếm khách hàng

Tìm kiếm khách hàng luôn là công đoạn khó khăn và khiến bạn muốn “nổ tung” vì chúng. Nhưng may mắn thay, với thời sự phát triển mạnh mẽ của Internet và mạng xã hội hiện nay, không khó để bạn tìm ra một công việc lý tưởng cho mình.

Có rất nhiều website giúp kết nối bạn và nhà tuyển dụng. Có thể kể đến như: topcv, vietnamworks, v.v. Ngoài ra các group, fanpage trên Facebook cũng sẽ mang đến rất nhiều cơ hội việc làm cho bạn. Chỉ cần gõ từ khóa “Freelancer” hoặc “cộng tác viên tại nhà” trên Facebook, kết quả sẽ cho ra rất nhiều group, fanpage trong đó các nhà tuyển dụng thường xuyên đăng tải thông tin tuyển dụng của họ mà bạn có thể kết nối và ứng tuyển hoàn toàn miễn phí.

Ngoài ra, bạn cũng nên tham gia những diễn đàn, cộng động về lĩnh vực mà bạn quan tâm, nơi mà rất có thể nhà tuyển dụng của bạn thường lui tới. Sau đó có thể thường xuyên đăng bài viết, bình luận, bày tỏ quan điểm cá nhân của mình. Đó cũng là một cách để bạn chứng minh năng lực bản thân và gây ấn tượng với mọi người và những nhà tuyển dụng.

3. Hãy “linh hoạt” mức lương của bạn (Ít nhất là ban đầu)

Khi mới bắt đầu làm tiếp thị tự do, bạn sẽ cảm thấy bối rối khi phải tự đánh giá năng lực của bản thân để đưa ra một mức lương phù hợp. Lời khuyên là đừng quá nguyên tắc, hãy nhận lại những thứ xứng đáng với công sức mà bạn bỏ ra.

Ban đầu, thậm chí bạn có thể làm một số công việc miễn phí, bởi chúng có thể mang lại cho bạn nhiều hơn thế. Ví dụ như: xây dựng portfolio ấn tượng, mở rộng mạng lưới quan hệ, v.v.

Sau khi bạn đã sẵn sàng để được “trả tiền” vì những gì mình bỏ ra thì dưới đây là một số mô hình định giá “lương” cho bạn:

- Theo giờ

- Theo dự án

- Theo tháng

- Tiền hoa hồng và tiền thưởng

Với những người mới bắt đầu, có lẽ bạn nên thỏa thuận lương theo tháng. Ngoài ra, bạn cũng nên tham khảo thêm mức giá trung bình hiện tại cho vị trí công việc của bạn trên thị trường. Chúng sẽ giúp bạn đưa ra những con số hợp lý nhất để thỏa thuận với nhà tuyển dụng.

4. Hoàn thành công việc đúng deadline

Một trong những yêu cầu quan trọng mà các doanh nghiệp luôn mong muốn ở những freelancer đó là hoàn thành công việc đúng deadline. Bạn có thể tự do làm việc theo quỹ thời gian của mình, tuy nhiên cần hoàn thành chúng đúng thời hạn được giao.

Hoàn thành công việc một cách xuất sắc, đúng deadline sẽ tạo được uy tín của riêng bạn, thể hiện bạn là người làm việc chuyên nghiệp. Đây sẽ là ưu điểm so với các ứng viên khác nếu bạn muốn tiếp tục hợp tác với khách hàng trong những dự án sau.

5. Nhận thư giới thiệu

Thư giới thiệu từ những khách hàng mà bạn đã cộng tác sẽ là điểm cộng rất lớn của bất cứ freelancer nào, bởi:

- Khách hàng giới thiệu công nhận khả năng làm việc của bạn đồng nghĩa với việc “giá trị” của bạn đã được tăng lên. Vì thế bạn có thể yêu cầu một mức lương cao hơn

- Bạn có thể nhận được những khách hàng “xịn” hơn. Khi bạn ra giá cao hơn mà vẫn được chấp nhận, đồng nghĩa với việc bạn sẽ thu hút được những khách hàng có ngân sách cao và sẵn sàng đầu tư để thu được kết quả tốt.

Vì thế hãy đề nghị được giới thiệu nếu bạn làm việc tốt và tạo được thiện cảm với khách hàng, họ sẽ sẵn sàng giúp bạn thôi.

6. Đối xử với bản thân bạn như một doanh nghiệp thực thụ

Khi bạn làm việc tự do, điều đó có nghĩa là bạn đang làm việc cho chính mình. Đây là lý do tại sao bạn nên đối xử với bản thân như một doanh nghiệp thực thụ.

Khi bạn coi mình là một doanh nghiệp đồng nghĩa với việc bạn cần xem xét công việc của mình một cách lâu dài, bền vững. Vì thế, hãy xây dựng thương hiệu cá nhân, tạo ra những “sản phẩm” độc đáo để người khác nhớ đến bạn. Hãy là một blogger tuyệt vời và làm việc có uy tín.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ không nói quá nhiều về bản thân mình với khách hàng, thay vào đó hãy nghĩ cách làm cho khách hàng ấn tượng và nhớ về bạn đầu tiên mỗi khi họ có nhu cầu.

Ngoài ra, bạn cũng cần cân bằng giữa cuộc sống thường ngày và công việc. Bởi khi “văn phòng” là “phòng ngủ”, chúng sẽ khiến bạn xao lãng đôi chút. Sự rạch ròi này giúp bạn giữ sự tập trung, tỉnh táo và làm việc hiệu quả hơn. Bạn có thể đặt mục tiêu cho mình là làm việc bao nhiêu giờ mỗi ngày, lên thời gian biểu cho mỗi ngày ra sao, v.v. Đặt ra những kế hoạch cụ thể và tuân theo chúng.

Trong kế hoạch của mình, đừng quên thêm vào những khoảng thời gian nghỉ ngơi mỗi tháng hay sau mỗi dự án bởi chúng thực sự quan trọng với cả sức khỏe tinh thần và công việc của bạn.

(Frombrandtoicon)

(1 ratings)

Tags: marketing, bắt đầu, công việc, freelancer, freelance marketing