Người đăng: Thu Trang   Ngày: 23/11/2020   Lượt xem: 886

Tính đến nay, mình ra trường gần 10 năm và đã có bước chuyển mình sang lĩnh vực viết lách, làm freelance writer được khoảng 5 năm. Trong quá trình ấy, mình cộng tác qua rất nhiều tờ báo khác nhau và từng chưa biết đến cái tên nghe có vẻ rất pro là freelancer như bây giờ, nên thường giới thiệu mình là CTV báo chí.

Mình nhận ra trên con đường công việc, chúng ta sẽ luôn cần gặp được những người thầy dẫn ta đến với mục tiêu xa hơn trong tương lai, hoặc ít ra là chỉ cho ta biết con đường nào là đúng để đi. Nhưng chúng ta sẽ không thể ngờ được rằng bất kỳ ai mà mình được làm việc cùng, hay vô tình cộng tác thôi cũng có thể trở thành một người thầy. Họ sẽ không xuất hiện với hai chữ “người thầy” gắn ngay trên trán, nhưng chỉ cần mình tinh ý, có sẵn sự cầu thị là sẽ học hỏi được rất nhiều từ họ.

Mình chỉ đúc rút ra những điều này cho đến những ngày rời xa họ và dần thấy kỹ năng viết của mình đã phát triển vượt bậc sau khi làm việc với rất nhiều người. Từ sửa cái này cái kia sao cho khớp phong cách làm việc với nhau, đúng chuẩn format dạng bài này kia… mà mình dần sửa từng chút, từng chút một. Để rồi cuối cùng có mình của ngày hôm nay, có cá tính viết rõ ràng và hoàn toàn tự tin trong việc chia sẻ kỹ thuật viết với những người khác.

Vậy rốt cuộc mình đã học được những gì, bạn có thể đón đọc dưới đây. Mong những trải nghiệm này có thể truyền được chút cảm hứng nào đó trên con đường sự nghiệp của một writer và rút ngắn khoảng cách tới mục tiêu của bạn.

Học cách kể những câu chuyện

Mình có sở thích viết từ nhỏ, nhưng sau khi ra trường vẫn viết theo kiểu… tập làm văn thôi. May mắn, mình có cơ hội được làm việc với mục “Hôn nhân- Gia đình” của một tờ tạp chí. Mình cũng không bao giờ ngờ được là từ cơ duyên cộng tác đầu tiên đó lại gắn với ngách viết mình theo đuổi cho đến tận bây giờ, dù chuyển từ hết báo này đến báo khác. Và ở công việc này, chị chủ mục dạy mình cách kể những câu chuyện.

Ban đầu, mình viết vẫn còn rất “sến”, nếu không phải là sa đà vào miêu tả hết chi tiết này sang chi tiết khác thì là kể lể rất nhiều, hay diễn giải, tưởng tượng bay bổng... Nhưng chị ấy kiên nhẫn dạy mình kể thế nào, tập trung vào những nội dung sao cho ấn tượng nhất… Thậm chí là đưa sẵn đề tài, vạch rõ cách viết rồi giúp mình sửa lại. Và trong thời gian này, mình có một bài viết đáng nhớ: “Nàng quyến rũ bởi vì nàng độc lập” được view rất cao, viral khắp các fanpage, diễn đàn… dù khuyết danh.

Học được cách viết mục nào ra mục đấy

Mình vẫn rất năng suất trong lĩnh vực viết về “Tình yêu – Hôn nhân” khi kinh qua nhiều tờ báo khác nhau. Mình nhớ có thời điểm mình tham gia một team để xây dựng nên trang tin online, chị trưởng nhóm đã dành lời khuyên cho mình: “Linh bây giờ giống như hũ gạo của cả team”, vì các bài mình viết đều có lượt view cao nhất. Nhưng đây cũng là điểm mạnh và cũng là điểm yếu của mình, khi mình chỉ đóng khung trong một cách viết.

Đến khi sang một trang báo khác, mình làm một mục hoàn toàn mới, đó là về “Làm mẹ”. Nhưng mình vẫn viết và khai thác như theo kiểu của hôn nhân, trong những bài tâm sự cũng chỉ viết về chuyện mối quan hệ thay vì tập trung khai thác sâu vào các phương pháp, kỹ năng nuôi dạy con. Mình bị chê lên chê xuống, và cuối cùng mới nhận ra mục nào ra mục đó. Mỗi mục sẽ có định hướng nội dung khai thác khác nhau, dù chỉ là một nhân vật, một đề tài nào đó thôi… Và hãy đừng tự tin rằng một kỹ năng viết có thể áp dụng cho tất cả.

Học được cách “chém gió”

Cũng ở trang tin điện tử này, mình đã biết cách “chém gió” từ một clip duy nhất, không có chữ nào trở thành một bài viết dài khoảng 800 chữ hoặc hơn, nếu mình muốn. Đó là mình sẽ khai thác cái nội dung hút view nhất của clip, sau đó rông dài về những thứ xung quanh. Đương nhiên là vừa kể vừa kết hợp kiến thức thực tế của mình. Thêm vào đó, bạn hoàn toàn có thể search trên mạng để thêm thắt các ý nghĩa khác của mỗi chi tiết.

Cuối cùng, bạn sẽ có được một bài viết rất… dài dù chủ mục chỉ quẳng cho bạn một cái clip và nói “Em làm cho chị cái này”. Kỹ năng này hoàn toàn không phải là thường đâu nhé, nếu để ý kỹ bạn có thể thấy việc cần thiết thế nào khi làm các dạng bài. Nhưng phải dùng trong các trường hợp phù hợp, bởi đôi khi chính sự rông dài quá đà ở một nơi cần sự súc tích lại có thể phản bội bạn.

Học cách dùng từ đơn giản mà hiệu quả

Cộng tác nhiều trang báo, mình mới nhận ra là mỗi trang sẽ có những phong cách khác nhau, phần lớn ảnh hưởng nhiều của người đứng đầu. Và bạn không thể bê nguyên cách viết của báo này sang báo khác được. Có những trang sẽ thích bạn viết dài, viết nhanh, nhưng có những trang lại đòi hỏi chất lượng và sự đầu tư chất xám vào từng con chữ. Đó là lý do mình từng nói về việc trước khi gửi bài cho bất kỳ tờ báo nào, bạn phải nghiên cứu thật kỹ các bài của mục mình định gửi, rồi mới bắt tay vào viết sao cho phù hợp.

Mình bắt đầu bỏ được thói quen viết những câu sáo rỗng, cố dùng những từ đao to búa lớn, những tính từ ít người biết đến (để chứng minh ta đây viết rất chuyên nghiệp)… sau khi làm việc với một người chị khác. Ngay từ những bài cộng tác đầu tiên, chị đưa ra nhận xét dành cho mình: “Viết còn non tay quá!”, và ngay lập tức cắt gọt bài của mình từ 1.500 chữ xuống còn… 700 chữ. Mình đã bị shock, vì trước nay mình chỉ toàn được khen về cách viết thôi. Và bài được sửa lại hoàn toàn không phải là bài của mình nữa, mình… không quen nó.

Mình cay đắng, ngậm ngùi im lặng, gửi bài tiếp và rồi lại tiếp tục bị cắt gọt như thế. Hồi đầu tức tối, phẫn nộ đủ cả, nhưng dần dần nói chuyện nhiều với chị ấy thì mới hiểu được mình đã có thêm một người thầy mới. Chị ấy đã giúp mình biết biên tập bài cho gọn gàng hơn, bớt lê thê kể lể, bớt đi những thứ thừa thãi cố bôi ra để lấy độ dài. Chị ấy cũng dạy cho mình rằng nếu có chung một thông điệp thì bài ngắn súc tích, cô đọng sẽ giá trị hơn nhiều so với một bài dài lan man.

Học được thái độ tôn trọng deadline

Nói ra thì có phần hơi xấu hổ, nhưng mình đã từng bị cho thôi việc sau chỉ chưa đầy 2 tháng thử việc tại một tòa soạn báo online. Lý do là mình chậm, mình không thích ứng được với công việc và kéo view của cả mục đi xuống. Dù ban đầu trước khi vào và đang làm CTV, mình được đánh giá rất cao. Nhưng sau đó thì thực trạng và kết quả lại chứng minh điều ngược lại. Mình quay trở về làm CTV thôi, và rời ghế của một BTV.

Nhưng 2 năm sau, khi mình vẫn đang là CTV của mục, chị trưởng ban đã từng cho mình nghỉ việc nhận xét: “Chị thấy em của bây giờ khác hẳn ngày xưa đấy. Ngày xưa chị cho em nghỉ không phải vì em không có khả năng, mà vì thái độ lồi lõm”. Bởi trong quá trình tiếp tục cộng tác sau đó, mình nỗ lực và kiên trì trở thành người sản xuất bài nhiều ngang ngửa với một BTV. Mục đích ban đầu là cố lấy nhuận bút để không bị ảnh hưởng khi thất nghiệp, nhưng sau đó sự chăm chỉ giúp mình nhận ra những bài học giá trị.

Đó là khi làm BTV của một trang báo điện tử, bạn cần phải đáp ứng được tốc độ sản xuất như máy, đòi hỏi sự nhanh nhạy, biết phát hiện những đề tài mới lạ, tôn trọng deadline… Bạn cần ghi nhớ rằng sự chậm trễ của bạn có thể ảnh hưởng đến cả bộ máy. Còn nếu bạn muốn đủng đỉnh làm như chơi, làm tùy hứng hoặc không có ý thức chung tay phát triển mục, bạn chỉ có thể làm CTV của những trang tin không cần KPI, hoặc là… ở nhà ngủ thôi.

Học cách viết đa dạng các loại bài

Một trang báo điện tử sẽ có rất nhiều dạng bài: từ nóng mạng, tự… tâm sự, tổng hợp, nghiên cứu chuyên sâu, dịch, phỏng vấn, e-magazine… Và bạn biết muốn có thu nhập ổn định từ công việc CTV là gì không? Là bạn cần phải biết cách làm tất cả các dạng bài đó. Nếu không, “đất” dành cho bài của bạn sẽ rất ít, bạn sẽ thi thoảng mới được lên bài và chẳng có chỗ đứng nào quan trọng trong rất nhiều CTV cả. Để khác biệt, bạn cần chứng minh khả năng khác biệt của mình.

Ban đầu, mình không nhận ra điều này và hoàn toàn mù mờ cho đến khi nghiên cứu rất kỹ mục mình cộng tác, rón rén xin được thử dạng này dạng kia và cuối cùng là tự tin nhận hết tất cả các dạng. Mình biết rằng các kỹ thuật đều có thể học được, chỉ cần bạn có khả năng viết từ đầu, cộng thêm tư duy logic và sự nhanh nhạy. Vì vậy, đừng nên bó hẹp mình trong bất kỳ dạng bài nào cả. Muốn sống được bằng nghề này, bạn phải trở thành một “siêu cộng tác viên”, khiến chủ mục cần bài là nhớ đến bạn đầu tiên.

Cuối cùng, bạn biết điều quan trọng nhất là gì không? Là hãy bỏ cái tôi xuống và luôn sẵn sàng nhìn những người đi trước, dành cơ hội cho mình bằng một thái độ tôn trọng, không phán xét. Bởi họ đã lên được vị trí đó, được biên tập bài của những người khác thì luôn có sẵn rất nhiều kinh nghiệm mà bạn có thể học được. Đừng nghĩ họ cắt gọt bài của mình, không đăng bài của mình là vì… không ưa mình.

Đơn giản họ luôn muốn tốt nhất cho mục, họ biết cái gì là phù hợp nhất với độc giả, bởi vậy nên nếu bạn không được chọn hay không đáp ứng được thì chỉ vì bạn chưa đủ tốt thôi. Chẳng ai muốn từ chối một người cộng sự tốt có thể giúp họ giải quyết được áp lực bài vở dồn dập mỗi ngày, hay biên tập bài chỉn chu để họ đỡ mệt, chỉ cần nhận bài là ngay lập tức có thể đăng được luôn mà không cần chỉnh sửa…

Nhưng đừng nghĩ bạn chỉ đang giúp người khác, bởi khi bạn thay đổi để đáp ứng được một công việc thì đó cũng là lúc bạn đã nhận được một bài học rất lớn. Những bài học tích lũy dần qua tháng năm sẽ dẫn bạn đi tới một nơi xa đến không ngờ. Khi này, bạn sẽ thấy bất kỳ ai đã từng sửa cho bạn một dấu chấm, một dấu phẩy thôi cũng đều rất đáng được cảm ơn, và thậm chí nếu dành thời gian để cắt gọt, sắp xếp lại bài của bạn nữa thì càng phải dành sự biết ơn.

(Theo Fb Lá Xanh)

(1 ratings)

Tags: ctv, báo chí