Người đăng: phanlinh   Ngày: 15/04/2020   Lượt xem: 855

Viết một bài viết để người khác muốn đọc, muốn tham gia, muốn chia sẻ thì có phải chỉ cần hay là đủ? 5 lý do khiến người ta không đọc bài bạn viết sau đây chẳng liên quan gì tới chuyện “hay” hay “dở” của một bài viết.

Bài viết hay chưa đủ, mà quan trọng là có hiệu quả hay không. Chúng ta không chỉ nên tập trung vào việc viết thật hay, mà phải là tạo ra nội dung thực sự thu hút và giữ chân được người đọc đọc cho tới cuối. Để có được điều này, mình nghĩ không phải viết một bài là xong. Các bạn sẽ cần cả một quá trình, với chiến lược và mục tiêu rõ ràng, với sự kiên nhẫn và cam kết theo đuổi tới cùng, với sự phát triển kỹ năng và tư duy liên tục trong thời gian dài, ưu tiên trải nghiệm đọc hơn là trải nghiệm viết. Tóm lại là: ưu tiên cho độc giả. Viết những gì người ta cần, người ta muốn chứ không phải viết cái mình muốn hay mình cần.

Tại sao không ai đọc bài tôi viết?

Tại sao mình nhấn mạnh những điều trên? Bởi vì rất nhiều các cây viết và những học viên trong các lớp học viết và khóa huấn luyện viết của mình đã mắc phải sai lầm này. Các bạn bị cuốn theo và tập trung quá nhiều vào việc viết, vào nỗ lực chỉ để xuất bản hay là để bài viết được đăng mà quên mất tầm quan trọng của “động lực” và liệu rằng những gì chúng ta truyền tải có thực sự tạo ra thay đổi hay khiến độc giả cảm thấy thông minh, tích cực hơn hay không. Hoặc là khi lướt qua nhiều thông tin, chúng ta bắt gặp một chủ đề thú vị. Ngay lập tức, chúng ta nghĩ rằng chủ đề này hay quá và bắt tay vào viết (trong khi đó có thể là chủ đề bản thân chúng ta quan tâm và yêu thích) mà không cần biết độc giả họ có thực sự cần chúng hay không.

Mình đã mất hơn một năm để có được 20,000 followers trên trang cá nhân, và website đạt trung bình 20,000 lượt views một tháng. Tất nhiên, nó là một hành trình mà mình đã tương đối chăm chỉ. Nhưng tin mình đi, mặc dù mình luôn nhắc học viên hãy cố gắng viết chăm chỉ đều đặn mỗi ngày, thì một cây viết chỉ siêng năng viết thôi cũng chưa đủ.

Nếu bạn đang đấu tranh để có thể kết nối với độc giả tốt hơn hay là dường như có quá ít người quan tâm tới những bài viết mà bạn chia sẻ, thì hãy xem bạn có đang mắc những lỗi sau hay không nhé.

1. Bạn có đang viết về bản thân mình quá nhiều không?

Điều gì thúc đẩy việc chúng ta đọc? Có thể là để biết một thứ mới, thỏa mãn sự tò mò, tiếp thu kiến thức giá trị, trải nghiệm một cảm xúc hay đơn giản là để giải trí và tạm thời tách ra khỏi những gì mình đang làm. Nói chung, chúng ta đọc một cách có mục đích, hiếm ai đọc trong vô thức vì sẽ chẳng đọng lại được gì. Như vậy, đọc cần phải mang lại lợi ích. Và nếu người viết viết quá nhiều về mình, nói khiến cho người đọc nhẹ thì khó chịu, tệ hơn là sẽ ngừng theo dõi và tệ nhất là phản ứng tiêu cực.

Đừng để chính việc viết lách quay trở lại làm đau chúng ta. Cũng đừng khiến mối quan hệ với độc giả vì những gì ta viết mà bị tổn thương. Độc giả sớm muộn cũng sẽ bỏ đi nếu một ngày họ thấy những gì bạn viết chẳng khác gì mấy trang nhật ký. Muốn người ta chú ý thì bản thân mình làm việc cần phải chú tâm. Muốn người ta đọc thì bạn phải viết thứ đáng để họ dành thời gian đọc, chú ý và cảm nhận. Hãy viết nhiều hơn cho họ, về họ.

Muốn người ta chú ý thì bản thân mình làm việc cần phải chú tâm.

Đừng chỉ kể lể bạn đã trải qua những gì. Hãy đúc rút những trải nghiệm của bạn thành bài học và lời khuyên cụ thể để họ có thể áp dụng vào cuộc sống.

Hãy tự hỏi mình “Liệu ngoài tôi ra, có ai còn muốn đọc thứ này?”. Hãy viết một cách có chiến lược, mà chiến lược ở đây đó là hãy viết có mục đích. Mục đích giúp đỡ, mục đích truyền cảm hứng, mục đích giáo dục, mục đích tạo ra những năng lượng tích cực.

Đó là cách tạo ra một bài viết người ta muốn đọc và muốn chia sẻ.

2. Bạn đang viết tiêu đề thế nào? Nó có đủ hấp dẫn, rõ ràng, kích thích và độc đáo không?

Muốn thuyết phục độc giả cho bạn một cơ hội đọc, nhất là khi bạn là người mới viết, thì một điểm quan trọng bạn cần tập trung đó là: tiêu đề.

Tiêu đề là thứ đầu tiên người ta nhìn thấy và thứ 2 là hình ảnh minh họa. Thường thì mất một giây để lướt qua, và người ta sẽ quyết định có đọc tiếp nó hay không.

Bài viết thuyết phục đã đành. Nhưng nếu tiêu đề không đủ sức giữ chân, thì bài viết có thuyết phục tới mấy cũng chưa chắc đã được đọc.

Bạn nghĩ sao nếu người đọc đọc tiêu đề của bạn vào nghĩ :

  • “Lại là chủ đề này. Chắc chẳng có gì thú vị.”
  • “Oh, chủ đề này có vẻ hấp dẫn.”

Làm thế nào để tạo ra sự khác biệt giữa 2 phản ứng trên? Trong khóa học Kỹ thuật viết, mình từng dành riêng một phần để nói về các kỹ thuật đặt tiêu đề. Một trong số những kỹ thuật đó có thể tới cách đặt tiêu đề để:

  • Kích thích sự tò mò
  • Tạo ra sự tranh cãi
  • Hay là tạo ra một hoặc nhiều cảm xúc (tức giận, khó chịu, đồng cảm, nhiệt tình, sợ hãi, hy vọng, tình yêu, hứng thú, phẫn nộ, lạc quan, bất ngờ…)
  • Hứa một hoặc nhiều kết quả, lợi ích cụ thể
  • Nói trực tiếp với người đọc, thường là sử dụng từ “bạn”
  • Đừng để suy nghĩ chỉ cần nội dung tốt và thuyết phục, tiêu đề không quan trọng lấn lướt bạn.

3. Bạn thiếu kiên nhẫn hoặc là kỳ vọng thiếu thực tế

Hầu như mọi cây viết thành công dù là ở bất cứ nền tảng nào, đều cần nhiều tháng để viết và xuất bản nội dung một cách thường xuyên trước khi họ có được một độc giả lớn và bắt đầu có thu nhập, cơ hội nhiều hơn đáng kể thông qua viết lách.

Mình mất gần 2 năm, và khoảng 1 năm đầu thật ra cũng chẳng mấy suôn sẻ gì. Chỉ cho tới khi xuất bản cuốn sách thứ 3 được 1 tháng, thì người biên tập sách từng làm việc với mình hỏi “Tại sao em không viết và chia sẻ nhiều hơn đi? Em viết rất tốt, mọi người cần đọc nhiều hơn và em có thể nhờ đó bán được nhiều sách hơn”. Câu nói cũng như một lời thức tỉnh, trước đó mình vẫn viết nhưng không có kế hoạch hay mục tiêu cụ thể nào cả. Và sau 2 tháng, cuốn sách về làm cha mẹ đó của mình được tái bản (có nghĩa là nó đã bán được hết 3000 cuốn), mình có 5000 followers đầu tiên trên trang cá nhân.

Các nền tảng trực tuyến hiện tại có tính cạnh tranh hơn bất kỳ loại hình nào khác. Nhất là khi giờ đây bất kỳ ai có thể truy cập internet thì đều có cơ hội kiếm được tiền nhờ việc viết. Trong bối cảnh dịch bệnh và nhiều người mất việc rồi buộc họ phải tìm việc theo cách mới, thì sự cạnh tranh lại càng gay gắt hơn.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là thời gian. Ai cũng cần một thời gian đủ dài để thiết lập các kĩ năng thói quen và nhận diện của mình là một cây viết có uy tín, được công nhận hay xứng đáng được chú ý. Sự công nhận đó có thể nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Bằng cách là: luôn cố gắng viết ra những bài viết chất lượng một cách thường xuyên (với mình là 3 bài/tuần), chủ động tiếp thị bản thân mình như một cây viết chuyên nghiệp và tham gia hỗ trợ những cây viết khác (mình có một cộng đồng riêng để làm việc này). Tuy nhiên, cũng có những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát, như là: thuật toán của các nền tảng trực tuyến (nội dung của bạn có được ưu tiên xem không, bài viết hôm đó có được hiển thị để bạn tiếp cận với người đọc không). Nếu thế, làm sao để chắc rằng nội dung của bạn luôn được hiển thị tốt nhất?

Hãy kỳ vọng đúng đi, vì đơn giản là bạn không thể xây dựng được một cộng đồng hay độc giả đông đảo chỉ trong thời gian ngắn hạn (vài tuần) hoặc thậm chí là lâu hơn (vài tháng). Nếu nó nhanh như thế, chắc nhiều người sẽ trở nên nổi tiếng và được theo dõi hơn thực tế. Nó có thể mất vài năm, tùy vào nỗ lực và sự kiên định của bạn. Đừng kỳ vọng quá nhiều vào một sự tăng trưởng nhảy vọt. Bởi vì, hầu hết những cây viết thành công, đều đi lên một cách chậm rãi và ổn định.

Hãy luôn mang tới cho thế giới những ý tưởng và thông điệp tích cực, tử tế hay đọc đáo – cuối cùng nó cũng sẽ tạo ra tác động ý nghĩa mà thôi.

4. Bạn không chú ý tới việc tiếp thị

Ai cũng phải học cách tiếp thị bản thân và ý tưởng của mình nếu muốn trở thành một cây viết thành công trên internet. Đừng nghĩ làm người viết thì chỉ cần viết. Viết mà không biết cách mang bài viết tới gần người đọc hơn thì cũng chẳng ai đoái hoài gì tới thứ mà bạn viết.

Tất nhiên, ở góc độ tiếp thị mà nói, không phải cây viết nào cũng hiểu biết về marketing, cũng có vài triệu độc giả theo dõi, tạo cả chục nội dung mới mỗi ngày, biết email marketing là gì, có thể tham gia talk show, quay livestream làm youtuber, tổ chức webinar hay là hỗ trợ một cộng đồng nào đó.

Nhưng cũng không có nghĩa là các cây viết sẽ luôn đạt được số lượng độc giả đáng kể khi mà họ chỉ viết và viết mà chẳng làm gì. Mình có thể chỉ ra cho bạn vài người không làm gì ngoài việt viết và đưa nó lên mạng nhưng vẫn có hàng chục ngàn người theo dõi. Họ có thể không làm bất kỳ hoạt động quảng bá nào. Nhưng con đường của họ, chắc sẽ dài hơn những người biết tận dụng tiếp thị. Và mình tin số lượng những người như thế cũng không nhiều. Ít nhất có thể họ vẫn có cộng đồng riêng tư của họ hoặc là có sự hỗ trợ từ những cây viết khác. Kể cả khi bạn chẳng nhìn thấy họ làm gì, hãy yên tâm rằng họ vẫn đang kết nối và tìm cách xây dựng ảnh hưởng của họ.

Lời khuyên của mình để bạn có thể tiếp cận dần dần với độc giả đó là:

- Tham gia vào cộng đồng dành cho những cây viết khác. Dành 30-60 phút hoặc có thể nhiều hơn để đọc và nhận xét về những gì các cây viết khác viết. Nói chung là nên tương tác và hình thành mối quan hệ với các đồng nghiệp của mình.

- Viết thứ gì đó có ý nghĩa trên trang cá nhân của bạn mỗi ngày, vào một giờ cố định (VD như 9h sáng).

- Chia sẻ những bài viết mới của bạn không chỉ ở 1 kênh mà là nhiều kênh nhưng đừng spam mọi người.

5. Bạn không chịu chấp nhận là bạn cần cải thiện kỹ năng viết, hoặc không phù hợp với viết lách

Điều này thật khó nghe nhưng quả thực mình đã từng gặp những người như vậy: không thể viết và cũng không cải thiện được khả năng viết. Hoặc là nếu có viết, thì viết bằng năng lượng rất tiêu cực.

Nếu cảm thấy hạnh phúc hơn, năng suất hơn và thành công hơn với điều gì đó không phải viết, hãy làm nó. Nếu đã vật lộn, thử nghiệm nhưng những gì mình viết vẫn không được đón nhận, hãy tự xem lại bản thân mình.

Thực tế nhé, không phải ai cũng hội tụ đủ những điều kiện cần thiết để trở nên thành công với sự nghiệp viết lách. Không có công thức nào cả, trừ phi bạn phải thật sự nỗ lực 200-300% so với bình thường. Tự nhận thức là điều cần thiết để đạt được không chỉ thành công mà còn là hạnh phúc trong cuộc sống. Thay vì cố ép bản thân mình vào cái khuôn không vừa vặn, hãy chọn chiếc khuôn vừa vặn hơn và làm gấp 3 lần những gì bạn có thể làm tốt. Hãy trung thực với bản thân về khả năng và những thành công thất bại trong quá khứ. Hãy chấp nhận rằng, bạn không cần phải giỏi mọi thứ.

Một số người viết gặp khó khăn trong kỹ thuật viết và khả năng tiếp thị. Một số thì khó khăn vì bản thân suy nghĩ của họ bị rời rạc, không có logic hay có thể xử lý một cách có hệ thống – điều mà việc viết lách luôn đòi hỏi. Nó không liên quan gì tới trí thông minh hay thể hiện là bạn “giỏi” hơn khi bạn viết tốt. Đơn giản là bạn có đủ dũng cảm và nhận thức về bản thân để hiểu rằng viết có thực sự là điều bạn muốn làm và làm được hay không. Nếu câu trả lời của bạn là “không”, chẳng sao cả.

Nhiều người mơ ước trở thành cây viết thành công, với đông đảo độc giả nhưng rất ít cá nhân thực sự biến giấc mơ đó thành hiện thực.

---Linh Phan---

(5 ratings)

Tags: bài viết