Người đăng: Thu Trang   Ngày: 11/01/2021   Lượt xem: 6209

Làm sao để bài viết của bạn trở nên khác biệt giữa hàng trăm bài có cùng chủ đề trên mạng? Ngoài việc khai thác góc nhìn độc đáo thì phong cách viết cũng góp phần không nhỏ. Một giọng văn mạnh mẽ giúp bạn nổi bật trong đại dương nội dung buồn tẻ. Một giọng văn độc đáo giúp độc giả luôn nhận ra bạn dù bài viết có (lỡ) bị mang đi sao chép. Một giọng văn thể hiện chính mình khiến bạn cảm thấy hài lòng về bài viết và muốn đem khoe với người khác.

Nhưng để tìm thấy giọng văn đặc trưng của mình thì không phải là điều dễ dàng. Bạn không thể hát. Bạn không thể diễn hài. Bạn không thể khoa tay múa chân để tạo điểm nhấn. Bạn cũng không thể giao tiếp bằng mắt. Khi viết, bạn chỉ có ngôn từ để trò chuyện với độc giả.

Tuy khó là thế nhưng không phải là không có phương pháp. Dưới đây là gợi ý 4 bước giúp bạn xác định và rèn luyện giọng văn riêng của mình.

1. LIỆT KÊ NHỮNG NGƯỜI VIẾT MÀ BẠN THẤY THÍCH GIỌNG VĂN CỦA HỌ

Chúng ta luôn bị thu hút bởi những điều chúng ta muốn có hoặc khao khát trở thành. Trong viết lách cũng vậy. Luôn có những người viết mà khi đọc văn của họ, bạn không kiềm được suy nghĩ: “Bài hay quá! Ước gì mình cũng viết được như vậy”.

Vì thế, điều đầu tiên bạn cần làm là liệt kê từ ba đến năm người viết có giọng văn hấp dẫn bạn. Sau đó miêu tả giọng văn của họ trong ba tính từ. Ví dụ, tôi thích content của fanpage Fang Pub bởi sự hài hước, gần gũi và duyên dáng. Tôi yêu văn của nhà báo Trần Minh (còn được biết với cái tên Facebook là Binh Bong Bot) bởi một bầu trời kiến thức sâu rộng trong mỗi bài, được viết bằng giọng văn sắc sảo, hóm hỉnh và thông minh. Tôi mê mẩn những chủ đề độc đáo trong blog Chiếp Esoterica. đi vào lòng tôi bởi sự tự nhiên, sâu sắc và phóng khoáng của tác giả.

Sau khi liệt kê những cây viết có giọng văn bạn yêu thích thì bước tiếp theo là chọn ra khoảng ba bài viết hay nhất của họ. Sau đó phân tích cách họ triển khai một bài viết như:

  • Cách họ đặt tiêu đề có gì đặc biệt?
  • Họ mở đầu bài viết như thế nào? Vì sao cách mở đầu ấy thu hút mình muốn đọc tiếp theo?
  • Họ thể hiện quan điểm bằng cách sắp xếp các ý chính như thế nào?
  • Họ sử dụng những dẫn chứng, tài liệu, số liệu nào để thuyết phục người đọc?
  • Họ dùng ngôn từ thế nào? Cách đặt câu, sắp xếp câu, cách lập luận, cách tạo âm điệu chung cho bài viết như thế nào?
  • Thái độ của họ về chủ đề được nêu ra như thế nào? Đồng tình, châm biếm, phản đối hay ca ngợi?
  • Họ kết bài như thế nào?

Bạn phân tích càng chi tiết thì bạn càng dễ sao chép một cách thông minh văn phong của họ. Bạn không đọc nhầm đâu, ý của tôi đúng là sao chép. Lý do thì mời bạn đọc tiếp bước thứ hai.

2. VIẾT LẠI BÀI BẰNG CÁCH BẮT CHƯỚC GIỌNG VĂN CỦA NHỮNG NGƯỜI VIẾT TRÊN

Trong cuốn Steal Like an Artist của Austin Kleon, tác giả bày tỏ quan điểm rằng lý do phải sao chép thần tượng và phong cách của họ là vì như thế, bạn sẽ ít nhiều nắm bắt được tư duy của họ. Đó là thứ bạn mong muốn: tiếp thu cách họ nhìn nhận thế giới. Nếu bạn chỉ bắt chước “vỏ ngoài” của tác phẩm mà không hiểu bản chất thì sản phẩm của bạn chỉ là rác không hơn không kém. Vì thế, đừng chỉ chăm chăm ăn cắp phong cách mà phải “chôm” cả tư duy ẩn sau phong cách ấy. Rồi dần dần, bạn sẽ tìm được phong cách riêng của mình.

Qua việc phân tích ở bước trên, bạn đã phần nào nắm được cách tư duy chủ đề, cách triển khai ý cho đến văn phong họ dùng. Hãy bắt chước tất cả và áp dụng nó để viết lại một bài mới. Mỗi người viết là một bài.

Sau khi viết xong, bạn hãy đọc lại tất cả và chọn ra bài mà mình cảm thấy tự nhiên nhất, thoải mái nhất khi viết. Rồi từ đó, bạn sẽ tìm được vài mảnh ghép đầu tiên trong bức tranh miêu tả giọng văn của mình.

3. TIẾP TỤC LUYỆN VIẾT, VỪA BẮT CHƯỚC VỪA ĐIỀU CHỈNH ĐỂ TẠO PHONG CÁCH RIÊNG

Việc tìm ra giọng văn riêng đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên trì của việc đọc liên tục và viết không ngừng nghỉ. Sau khi đã thuần thục việc bắt chước kiểu văn phong bạn thấy thoải mái khi viết, bạn hãy thêm vào một vài điều chỉnh để tạo cá tính riêng.

Như với tôi, tôi sẽ tự tạo nhịp điệu riêng trong bài viết. Nhịp điệu là cách bạn sắp xếp và biến đổi các câu dài, vừa, ngắn trong một đoạn. Câu ngắn tạo cảm giác nhanh, hối hả, mạnh mẽ. Câu dài thể hiện sự chi tiết và sâu sắc (điều kiện là viết đúng). Câu vừa như một bước chuyển giữa câu ngắn và câu dài để tăng thêm nhịp điệu cho bài.

Bạn hãy đa dạng hóa ba kiểu câu trên và xếp theo thứ tự bạn thích. Ví dụ một đoạn văn gồm 4 câu thì: ngắn – ngắn – dài – vừa hoặc vừa – vừa – dài – ngắn. Nhiều nhà văn đã khéo léo sử dụng nhịp điệu để hấp dẫn người đọc một câu chuyện không mấy ly kỳ. Bạn có thể tham khảo cuốn sách Của để dành để thấy cách biến hóa các câu ngắn, dài đầy tài tình của tác giả Nguyễn Thị Thu Huệ.

Nếu bạn đọc một bài viết mà cảm thấy nhạt nhẽo thì khả năng cao là do bài chỉ sử dụng một kiểu câu. Thông thường là câu dài. Từ đầu đến cuối chỉ toàn là những câu dài, tạo nên giọng đều đều và đơn điệu. Những bài ấy không có nhịp điệu, đương nhiên cũng không tạo ra giọng văn gì đặc trưng.

Khi tạo được nhịp điệu đặc thù, bạn cũng dễ khám phá ra văn phong riêng của mình. Mặt khác, nhịp điệu cũng giúp văn diễn đạt tự nhiên như nói. Có nhiều người thường khuyên nên viết như cách bạn nói. Nhưng nếu viết quá gần với lời nói thông thường thì bạn sẽ dễ mắc lỗi diễn đạt dài dòng, sai ngữ pháp, thừa hoặc lặp từ.

Nên lời khuyên đúng phải là “văn viết thật ra là một dạng nói năng nhưng cần cẩn thận và trau chuốt hơn. Bạn cần viết tốt hơn so với nói: hay hơn, thâm thúy hơn nhưng vẫn tự nhiên và dễ chịu” (theo nhà báo Ngọc Trân). Và nhịp điệu là yếu tố bạn có thể mượn từ văn nói nếu muốn viết văn tự nhiên như hơi thở.

4. HỎI NGƯỜI ĐỌC XEM GIỌNG VĂN CỦA BẠN NHƯ THẾ NÀO?

Sau một thời gian bền bỉ luyện viết mà không cần phải bắt chước, bạn hãy hỏi người đọc xem họ cảm thấy giọng văn của bạn như thế nào. Nhiều khi bạn nghĩ mình đang viết theo văn phong này nhưng độc giả lại không cảm thấy như vậy. Hiểu được cảm nhận của người khác sau khi đọc bài viết của bạn sẽ giúp bạn xác định rõ hơn giọng văn bạn đang thể hiện.

Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý giọng văn là thứ có thể thay đổi được. Phật đã dạy bất cứ việc gì trên đời đều không phải bất biến. Mọi vật đều đang biến đổi từng giây từng phút chứ không giữ mãi trạng thái ban đầu. Tình yêu cũng vậy mà giọng văn cũng thế.

Khi đã định hình giọng văn riêng, đến một lúc nào đó, bạn sẽ thấy nó có sự thay đổi. Chẳng hạn từ giọng điệu phóng khoáng, mạnh mẽ chuyển sang nhẹ nhàng, từ tốn hơn. Điều này phản ánh sự phát triển về mặt nhận thức của bạn. Nên đừng ngần ngại đón nhận sự thay đổi này.

Giọng văn là cách người đọc nhận ra bạn trong hàng trăm bài viết trên mạng. Một trong những điều khiến tôi xúc động nhất sau ba năm miệt mài đẽo chữ là một câu nói của bạn tôi. Bạn ấy kể tình cờ đọc bài viết nọ, đến giữa chừng thì thấy giọng văn quen quen liền kéo xuống xem tên tác giả. Đúng như bạn ấy nghĩ, đó là bài do tôi viết. Tôi học khóa coaching về viết lách và giáo viên cũng nhận xét là đã xây dựng được cá tính riêng cho mình.

Thật ra tôi thấy mình còn phải cố gắng nhiều. Tôi không có khiếu viết lách. Những bài tôi viết trong thời gian đầu hết sức vụng về, non nớt và nhàn nhạt (bây giờ đã khá hơn). Điểm mạnh duy nhất của tôi là sự chăm chỉ và kiên trì. Giọng văn của người viết sẽ không hình thành và phát triển chỉ trong một sớm một chiều. Nó là kết quả của sự kiên trì rèn luyện từ nhiều năm kinh nghiệm, sau khi đã đọc rất nhiều và viết không ngơi tay. Vì vậy đừng bỏ cuộc mà hãy thử áp dụng các cách trên và rồi bạn sẽ tìm được giọng văn của riêng mình.

(Theo Fb Ngân - Writerlife)

(38 ratings)

Tags: rèn luyện, giọng văn, xác định, writer