Người đăng: phanlinh   Ngày: 29/08/2020   Lượt xem: 8873

Trong hơn 2 năm làm freelance writer toàn thời gian, điều mình nhận được nhiều nhất có lẽ là… các câu hỏi. Nói chung làm cây viết tự do là luôn thường trực rất nhiều câu hỏi, thắc mắc, bối rối xoay quanh chuyện bắt đầu ra sao, viết cái gì, thù lao thế nào và rất nhiều thứ nữa.

Trong bài viết này, mình sẽ chọn ra 30 câu hỏi mình được hỏi nhiều nhất liên quan tới viết lách tự do để trả lời một cách ngắn gọn cho các bạn. Bắt đầu thôi!

30 câu hỏi phổ biến và trả lời từ các các viết tự do mới bắt đầu vào nghề

Nội dung chính:

Bắt đầu với viết lách tự do

1. Tôi quan tâm tới viết lách tự do. Tôi có thể bắt đầu như thế nào?

Bạn có thể bắt đầu ở mọi nơi. Đừng chỉ có ngồi đọc và hỏi, hãy tìm ai đó để hướng dẫn mình. Hãy tìm ai đó có thể thuê bạn viết hoặc cho phép bạn xuất bản bài viết của bạn. Có thể là một trang thông tin, tờ báo bạn hay đọc, một tổ chức tình nguyện bạn muốn hỗ trợ hay thương hiệu nào đó bạn thường mua sắm.

Bạn phải viết thật sự để có được kinh nghiệm viết cho khách hàng. Không phải là lên blog hay facebook cá nhân để viết ra những thứ lãng đãng “Hôm nay tôi buồn quá, vì…” mà phải viết có mục đích, viết để đáp ứng được những yêu cầu về mặt kỹ thuật, hình thức của người khác.

Hãy xem bạn có dám thử thách không, và bạn có nỗ lực chấp nhận những điểm yếu của bản thân để tiếp tục chấp nhận sửa sai và cải thiện không. Quan trọng là nó có làm bạn thấy vui, thoải mái dù bạn có sai lầm hay không. Nếu không, công việc này có thể không dành cho bạn.

Một số người chỉ muốn viết ra và nghĩ rằng chỉ cần mình viết được là có thể bắt đầu công việc này. Bạn càng nhanh chóng tìm ra liệu mình có đủ nỗ lực và mong muốn để tiếp tục công việc đó hay không càng tốt.

2. Nghề viết tự do có mang lại thu nhập ổn định được và sống tốt hay không?

Câu này thật ra rất khó trả lời. Nếu bạn nỗ lực và nhanh nhạy đủ, bạn hoàn toàn sống tốt với nó. Nhưng biết bao nhiêu là đủ khi mà mỗi người lại có xấu phát điểm, nền tảng và sự tự nhận thức khác nhau? Với cá nhân mình, năm 2019, thu nhập trước thuế của mình đạt 800 triệu (vâng, 8 số 0). Còn năm nay, tính tới tháng 8/2020, thu nhập sau thuế của mình đã đạt 700 triệu rồi.

3. Dịch bệnh và thất nghiệp đang là vấn đề nhiều người phải đối mặt, liệu nó có ảnh hưởng tới viết lách tự do không?

Tất nhiên là có. Nhưng với cá nhân mình và mình cũng nhìn thấy ở nhiều cây viết tự do khác là: tất cả đều bận rộn hơn. Khá nhiều lĩnh vực chẳng hạn như gặp khó khăn nhưng cũng rất nhiều lĩnh vực khác lên ngôi. Remote work trở thành xu hướng không thể tránh và viết lách tự do vốn là công việc “remote” từ xưa tới nay, chỉ cần bạn có máy tính. Ngồi một chỗ và có thể tìm kiếm được khách hàng ở khắp thế giới chính là tính chất độc đáo của viết lách tự do. Mình ở Nauy và 70-80% khách hàng của mình đến từ Việt Nam, còn lại là ở châu Âu và Bắc Mỹ.

4. Tôi cần gì để bắt đầu với vai trò cây viết tự do? Những nguyên tắc nào cần nhớ, những công cụ nào cần nắm được hay những kỹ năng nào cần cải thiện?

Thật ra mỗi khách hàng sẽ có những yêu cầu khác nhau và mỗi chúng ta sẽ cần phải tự xây dựng, hoàn thiện một bộ kỹ năng cho riêng mình. Chẳng hạn bạn từng là một nghệ sĩ cắm hoa và trở thành freelance writer thì bộ kỹ năng của bạn sẽ khác với mình (một người có background về marketing communications, học chuyên sâu về Child Development và trở thành freelance writer). Vậy nên mình cho rằng mỗi người cần tự xác định được điểm mạnh, yếu, thách thức và cơ hội của riêng mình.

Tất nhiên, bạn sẽ cần phải biết viết đúng kỹ thuật cơ bản, phải có máy tính để làm việc… nhưng về cơ bản thì nếu bạn viết tốt, sẽ có người thuê bạn. Khi bạn có thêm nhiều kinh nghiệm và khách hàng phản hồi tích cực về bạn, bạn sẽ tiếp tục tìm được những công việc được trả lương cao hơn.

5. Tôi không có bằng cấp hay học chuyên sâu về viết thì có đủ tiêu chuẩn để làm công việc này không?

Mình cũng đâu có học viết báo hay học trường đào tạo viết văn đâu. Mình đã viết báo từ khi còn học cấp 2 vì đơn giản nó là một sở thích. Không ai quan tâm bạn đã học viết ở đâu, khi bạn là một freelancer. Họ chỉ muốn xem bạn đã từng viết gì, viết cho ai và quyết định thuê bạn hay không.

Hãy tham gia một lớp học để cải thiện kỹ năng viết cơ bản, một kiểu viết cụ thể hoặc là cách tiếp thị các dịch vụ viết của mình (khóa coaching 1:1 của mình cung cấp những bài học mà bạn cần này). Nhưng hãy học và biến nó thành kiến thức cho riêng bạn, chứ không phải để gây ấn tượng với khách hàng.

6. Tôi có thể tìm được cơ hội viết lách có thu nhập ở đâu?

Có 2 nguồn chính bạn có thể tìm được là từ các doanh nghiệp (từ siêu nhỏ tới rất lớn) trong bán hàng (nội dung hỗ trợ tiếp thị) và cung cấp thông tin (nội dung website, blog, ấn phẩm…) và viết các bài viết cho báo, tạp chí.

Ngoài ra, bạn nên tự viết blog và tạo cộng đồng độc giả cho riêng mình để có thu nhập từ quảng cáo, tiếp thị liên kết hoặc mở rộng cơ hội tiếp cận với khách hàng.

7. Tôi có phải học thêm về SEO không?

SEO là nghệ thuật chọn và sử dụng các cụm từ khóa liên quan tới các chủ đề mà bạn viết để hiển thị tốt hơn trong các kết quả tìm kiếm trên Google và các công cụ tìm kiếm khác.

SEO trong vài năm trở lại đây càng ngày càng trở nên phức tạp vì Google liên tục thay đổi thuật toán và nâng cao những tiêu chí để đánh giá kết quả tìm kiếm. Vì vậy, học và biết về SEO, cập nhật về nó là điều cần thiết.

Bạn có thể tìm đọc các tài liệu hoàn toàn miễn phí từ Content Marketing Institute hoặc lên Google và gõ “learn SEO in [year]” – rất nhiều hướng dẫn chi tiết trên đó.

8. Thù lao chấp nhận được cho các công việc viết lách tự do là bao nhiêu?

Không có “thù lao chấp nhận được” trong viết lách tự do. Kể cả có những hướng dẫn định giá được đưa ra cũng vẫn chỉ mang tính tham khảo.

Vẫn có người báo giá chỉ có 20,000đ một bài viết 200 từ nhưng cũng có người nhận vài triệu cho chỉ 200 từ. Chẳng hạn mình làm ghostwriting cho blog của một CEO thì mức giá bài 700 từ là 1,000,000đ, nhưng có người chấp nhận mức 100,000đ.

Việc bạn được trả bao nhiêu trước hết phụ thuộc vào chính khả năng, thành tích, kinh nghiệm của bạn. Tiếp theo đó là các yếu tố khác như quy mô, danh tiếng, ngân sách, lĩnh vực, độ phức tạp, độ khó và lợi nhuận của doanh nghiệp thuê bạn viết.

Nói chung, những gì bạn từng làm càng khớp chính xác với những gì khách yêu cầu thì bạn càng được trả cao hơn. Những ngành khó viết hoặc đang là xu hướng (công nghệ sinh học, tâm lý học…) cũng được trả cao hơn so với những ngành mà mọi cây viết đều có thể viết (thú cưng, sức khỏe…).

9. Tôi có nên viết miễn phí không?

Khi mới bắt đầu thì thực hiện vài bài viết mẫu hoặc miễn phí thường là cách nhanh nhất để bạn xây dựng portfolio và lời chứng thực của khách hàng. Bạn có thể viết miễn phí nhưng nên thực hiện một cách có chủ đích, mục tiêu.

Tốt nhất là nhắm tới những khách hàng có tiềm năng thuê bạn viết. Đảm bảo khách hàng sẽ giữ kín chuyện bạn viết cho họ miễn phí và sẵn sàng giới thiệu bạn nếu họ hài lòng.

Đăng bài dạng guess blogging (viết cho tạp chí, trang tin hoặc blog nổi tiếng) cũng là một cách để tạo được uy tín và có thứ để “show” cho khách hàng. Những nhà văn có kinh nghiệm cũng làm cách này khi họ muốn chuyển sang những lĩnh vực viết mới.

Tuy nhiên, đừng làm quá nhiều việc miễn phí.

10. Làm thế nào để bắt đầu khi tôi chưa từng có kinh nghiệm?

Ở câu số 9 mình đã gợi ý vài cách để bạn có thể xây dựng portfolio nhanh chóng. Ngoài ra, còn 1 cách tiếp cận khác là chủ động tiếp cận và chào dịch vụ.

Cụ thể là bạn viết hồ sơ giới thiệu và gửi cho khách hàng. Bạn cũng nên chỉnh sửa thông tin cá nhân nổi bật hơn trên LinkedIn hoặc facebook để người ta thấy rằng bạn là một cây viết.

11. Tôi muốn viết để kiếm tiền nhưng lại không phải chuyên gia về bất kỳ chủ đề gì. Vậy tôi có cơ hội không?

Trong viết lách tự do, bạn có thể không cần là chuyên gia trong một chủ đề. Bạn là chuyên gia viết lách thôi. Nếu bạn có nhiều kinh nghiệm trong một chủ đề thì đó là điểm cộng. Nhưng rất nhiều công việc và yêu cầu tuyển dụng không buộc bạn phải là chuyên gia trong lĩnh vực đó.

Tuy nhiên, về lâu dài, tốt hơn vẫn là bạn nên đi sâu tập trung viết về 1-2 chủ đề nhất định. Bởi vì khi viết được sâu về một chủ đề có nghĩa là bạn sẽ được trả giá cao hơn. Mà muốn viết sâu thì bạn phải viết nhiều, viết đủ lâu và có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, mày mò kỹ hơn về nó.

12. Tôi không thấy tự tin để bắt đầu, tôi nên làm gì?

Nếu bạn không viết, mà chỉ ngồi kêu ca, thì càng ngày bạn sẽ càng thiếu tự tin hơn. Không viết đều, không viết nhiều thì mỗi ngày thức dậy bạn không thấy sự kỳ diệu cũng như cảm thấy tự tin hơn và bản thân.

Chỉ khi chúng ta hành động thì chúng ta mới thấy tự tin hơn và có khả năng kiểm soát. Hãy cố gắng viết gì đó mỗi ngày.

Không có một công thức chung cho viết lách tự do, bạn sẽ phải vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm cho riêng mình và nếu sai lầm, lười biếng, bạn sẽ thua cuộc.

Viết lách tự do giống như cách chúng ta làm thí nghiệm khoa học. Làm đi làm lại, thử nhiều lần viết cho khách hàng – bạn càng sớm nhận ra cái gì phù hợp với mình, cái gì không – và càng dễ đạt được công việc cũng như mục tiêu mà bạn đề ra.

Những hiểu lầm về viết lách tự do

13. Viết thơ, truyện, tản văn, tiểu thuyết… có coi là viết lách tự do và tôi có thể sống bằng nó không?

Chắc là hơi khó để sống chỉ bằng viết thơ, truyện, tản văn hoặc tiểu thuyết. Mình là người đã xuất bản tới 5 cuốn sách, nhưng thật sự thì mình viết sách để tạo uy tín, tên tuổi và đánh dấu sự chuyên nghiệp trong nghề viết chứ không mưu cầu sẽ sống tốt với việc bán sách. Nếu muốn giàu với việc bán sách, chúng ta phải trở thành Nguyễn Nhật Ánh. Nếu không, chắc là sẽ chết đói nếu chỉ viết thơ, truyện ngắn hay tản văn lãng đãng.

Hãy tận dụng khả năng viết của bạn và tìm một số công việc viết lách phù hợp như gửi bài cho tạp chí, báo hoặc là viết blog cho một số khách hàng.

14. Nếu tôi chỉ viết blog và kiếm tiền từ blog, thì tôi có phải là freelance writer không?

Nếu bạn là cây viết chuyên nghiệp, bạn sẽ nên vừa viết cho chính mình vừa viết cho khách hàng. Nếu bạn là cây viết tự do, không nhất thiết bạn phải viết blog.

Tuy vậy, viết blog là điều hoàn toàn nên làm với một cây viết tự do. Bởi vì viết blog giúp bạn có thêm thu nhập, cộng đồng và cơ hội (qua quảng cáo, tiếp thị liên kết hoặc bán nội dung của chính bạn). Khách hàng đọc blog của bạn có thể biết bạn là ai, bạn viết về cái gì, viết có tốt không và liệu có phù hợp với họ hay không. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ viết blog thì bạn là blogger chứ bạn không phải là freelance writer mà nó cũng không phải là việc bắt buộc với freelancer.

Đặc biệt là nếu bạn chỉ “thử viết blog cho biết” thì bạn chắc không kiếm được xu nào đâu. Vì viết blog là đòi hỏi thời gian, nỗ lực, kiên nhẫn, kiến thức về tiếp thị và xây dựng cộng đồng rất tốt. Nếu viết blog tốt, bạn sẽ có rất nhiều tương tác, người theo dõi, lượt chia sẻ và có thể tận dụng được nhiều từ những thứ này.

Mặc dù mình có hướng dẫn và luôn khuyến khích học viên có website cá nhân riêng để thuận tiện cho việc phát triển thương hiệu cá nhân là một người viết chuyên nghiệp và mang tới nhiều cơ hội hơn khi làm freelance writer nhưng thực sự thì freelance writing chỉ đơn thuần là viết cho người khác và được trả tiền.

15. Tôi có được chọn viết về những gì tôi thích không?

Hoàn toàn có thể và nên như vậy. Nhưng hãy xác định và hiểu rằng, những gì bạn muốn viết về không chắc sẽ mang đến nguồn thu nhập lớn nhất cho bạn khi làm freelance writing nhé.

Ngoài ra, mình cá những cây viết mà lên tự quảng cáo “tôi viết được về mọi chủ đề khách hàng muốn” thì thường là những cây viết được trả rất thấp. Để có thu nhập ổn định, đều đặn, mức thù lao cao thì chúng ta cần viết về 2-3 chủ đề cụ thể mà khách hàng cần.

Chẳng hạn mình từng viết cho lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật. Đây chẳng phải là chủ đề mình mặn mà gì, nhưng lại được trả thù lao cao. Ở giai đoạn mới bắt đầu, mình chọn viết về nó để cải thiện thu nhập của mình.

Lựa chọn chủ đề viết của riêng mình

16. Tôi được khuyên là cần tìm một lĩnh vực ngách. Nó có thực sự cần thiết không? Làm sao tôi biết nó tiềm năng hay phù hợp để viết lách tự do?

Tất nhiên là nó thực sự cần thiết vì nó giúp bạn dễ tiếp thị dịch vụ và nâng cao mức giá của mình hơn. Thêm nữa, nó cũng khiến bạn trở nên chuyên nghiệp hơn và được đánh giá chuyên môn cao hơn.

Có 2 cách tiếp cận: 1 là tiếp cận theo ngành (ví dụ bạn chuyên viết về sức khỏe, đời sống, fintech…) và 2 là theo loại bài viết (freelance blogger, sách trắng, case study, facebook copywriting hay web copy chẳng hạn…)

Mình cho rằng tiếp cận theo ngành thì sẽ có nhiều cơ hội và kiếm được thu nhập tốt hơn. Như mình vẫn thường khuyên, bạn nên chọn 2-3 lĩnh vực chủ đạo và cố gắng viết mọi thể loại khách hàng cần.

Nếu bạn là người mới bắt đầu và chỉ chọn viết web copy, bạn đã tự hạn chế các cơ hội của mình.

Với một cây viết lâu năm, chẳng hạn như mình ở thời điểm này, mình chỉ chọn viết một số thể loại nhất định (mình thường chỉ chọn ghostwriting, ebook, social content, blog) vì mình có quá nhiều công việc và muốn tập trung viết những gì mình thích.

17. Vậy chủ đề nào là tốt nhất?

Thường thì các chủ đề lúc nào cũng cần đó là sức khỏe, tài chính, công nghệ. Ở VN thì có thể thêm thời trang, giải trí.

Tuy nhiên điều quan trọng không phải tìm ra chủ đề nào tốt nhất, mà là chủ đề nào tốt nhất cho bạn. Nó phải là thứ bạn quan tâm, có hiểu biết chút ít. Nó cũng nên là chủ đề có ngân sách lớn, sử dụng nhiều nội dung tiếp thị cần thuê người viết.

Đừng chọn đại. Cũng đừng thấy người ta chọn và mình cũng chọn theo mà không có đánh giá gì.

18. Nếu không tìm được chủ đề để viết thì sao?

Mình không nghĩ việc này khó tới như vậy. Quan trọng là bạn có muốn làm nó hay không thôi. Bạn có thể tìm hiểu thêm bài viết về các chủ đề tiềm năng ở đây.

Xác định được chủ đề/lĩnh vực viết sẽ giúp bạn kiếm việc dễ hơn, nhanh hơn và được trả nhiều hơn. Bạn có thể thử một vài chủ đề trước khi quyết định lựa chọn. Kinh nghiệm sẽ giúp bạn nhận ra chủ đề nào là tốt nhất với mình, thông qua việc bạn tìm được việc và có thu nhập tốt.

Chỉ ngồi và nghĩ thì khó để xác định. Hãy đứng lên và thực sự viết cho khách hàng. Không cần nghĩ nhiều quá khi bạn mới bắt đầu.

19. Tôi thích viết đa dạng các chủ đề, viết mãi về một thứ nhàm chán lắm!

Okey bạn cứ thử đi. Liều mà thử. Cá nhân mình thì thấy hiếm có cây viết tự do nào có thu nhập cao mà viết về tất cả mọi thứ. Vì như thế thật khó để họ thể hiện kiến thức chuyên môn và cải thiện dần mức thù lao khi mà hồ sơ kinh nghiệm của họ là một mớ hỗn độn. Nó cũng giống như bạn 25 tuổi vào có kinh nghiệm làm ở 10 công ty khác nhau nhưng bạn vẫn không được nhận vào vị trí mơ ước trong khi ứng viên còn lại chỉ có kinh nghiệm ở 2 công ty. Đơn giản là bởi vì mỗi công ty bạn chỉ làm có 3-6 tháng và chẳng ai tin bạn học được gì thực sự sâu sắc ở một công ty với quãng thời gian ngắn ngủi đó.

Tự giới thiệu mình là cây viết chung chung chỉ khiến bạn mất thêm thời gian trên hành trình xây dựng sự nghiệp viết lách tự do. Bạn cứ phải liên tục học bài mới trong khi bài cũ còn chưa kịp thực hành cho nhuần nhuyễn.

Tư duy đúng về viết lách tự do

20. Bí quyết thành công của nghề này là gì?

Nếu mà thực sự có bí quyết thì chắc mình đã giàu lắm. Giống như mọi hoạt động kinh doanh khác, muốn thành công thì bạn phải tin rằng mình làm được, có kỷ luật để làm việc đó và có sự nhanh nhạy để bán được sản phẩm dịch vụ của mình.

Không có bộ máy hay công thức sản xuất nội dung nào kỳ diệu ở đây hết và cũng không có giải pháp nào phù hợp cho tất cả.

Trong cuốn sách “Con đường trở thành freelance writer”, mình đã chia sẻ bí quyết của riêng mình. Đó là ngoài niềm tin, kỷ luật, sự nhạy bén thì cần có thêm sự trung thực, khiêm tốn và tử tế.

Nếu bạn nghĩ mình có thể đi đường tắt, chắc chỉ có 1 cách là thuê coach/mentor hướng dẫn cầm tay chỉ việc cho bạn. Hoặc là tham gia cộng đồng. Bạn sẽ tiết kiệm được thời gian và tránh những sai lầm không đáng có trong thời gian đầu.

21. Tôi không có động lực và thời gian tập viết, có cách nào cải thiện không?

Không. Chắc chắn là không. Và cũng chẳng ai hay thứ gì có thể giúp bạn. Nếu bạn không có động lực nội tại, động lực bên ngoài chỉ giúp bạn kéo dài thêm được một chút ít thời gian. Các cây viết chuyên nghiệp họ sẽ viết hàng ngày, dù họ có thích hay không, có cảm hứng hay không. Muốn thì sẽ luôn làm được, chẳng hạn như dành thời gian tập viết chẳng hạn.

22. Tôi sợ mình sẽ bị từ chối.

Bạn nghĩ nhiều quá rồi, vì chắc chắn bạn sẽ bị từ chối thôi. Dẫu mình đã viết gần 20 năm thì mình vẫn bị từ chối như thường.

Thay vì sợ sệt tốt nhất nên chuẩn bị cho sự từ chối. Hãy chấp nhận nó như một phần rất bình thường trên con đường xây dựng sự nghiệp này. Câu “không” rồi sẽ đưa bạn tới gần hơi với “có”. Bạn ném 10 quả bóng có thể không trúng bia, nhưng ném 50 quả thì thể nào chẳng trúng 1-2 lần. Kiên trì thì thành công sẽ tới.

23. Nếu không ai công nhận tôi là một cây viết thì sao?

Điều đó chỉ xảy ra khi bạn không nghiêm túc và tự tôn trọng chính mình. Khi bạn thể hiện bản thân mình chuyên nghiệp, tự tin và có những nguyên tắc riêng trong công việc – những gì bạn nhận được về cũng như vậy.

Chẳng lẽ không có ai công nhận bạn là một cây viết trên thế giới này? Không thể nào!

24. Làm sao để biết tôi đã sẵn sàng để trở thành một cây viết tự do toàn thời gian?

Bạn mất việc, nghỉ việc và bạn phải tự bơi để cứu mình. Nhiều cây viết đã bắt đầu như thế đó. Mình cũng vậy, chuyển nhà tới thành phố mới, dự định sinh em bé thứ 2 là tất cả những gì khiến mình quyết định không tìm việc nữa mà trở thành cây viết toàn thời gian.

Nếu bạn đang vừa làm một công việc fulltime lại vừa nhận thêm công việc tự do, sẽ đến một thời điểm mà bạn không thể duy trì song song cả 2 việc được nữa. Hiệu suất làm việc giảm và sếp bạn muốn bạn tập trung cho công việc nhiều hơn. Tuy nhiên bạn thấy rằng mình vẫn sống tốt khi hoàn thành các công việc tự do, và bạn nghỉ việc.

Mọi người đều phải bước qua vùng an toàn của mình trước khi có những bước nhảy vọt. Nhiều người đặt mục tiêu tiết kiệm được 3-6 tháng thu nhập trước khi nhảy hẳn sang làm freelancer. Một số thì chờ khi thu nhập từ công việc freelance cao bằng hoặc hơn công việc fulltime của họ.

25. Tôi không có kết nối hay mối quan hệ nào thì tìm việc kiểu gì?

Thì bạn phải xây dựng mối quan hệ và mở rộng mạng lưới của mình, càng rộng càng nhanh càng tốt. Mình thấy Facebook và LinkedIn là 2 chỗ khá tiềm năng. Bạn có thể gửi kết bạn tới những người mà bạn nghĩ là tiềm năng, phù hợp. Bạn có thể tham gia các cộng đồng, hội nhóm mà bạn nghĩ là có thể có khách hàng của mình. Bạn làm miễn phí cho bạn bè, người thân quen rồi nhờ họ tiếp tục giới thiệu, đánh giá cao cho bạn nếu họ hài lòng.

Kết nối online cũng tạo ra nhiều giá trị thực nếu bạn thực sự nghiêm túc với nó.

Marketing

26. Liệu tôi có tìm được việc trên mạng xã hội không?

Hiện tại hàng tháng thu nhập của mình từ các khách hàng mình có được qua mạng xã hội là khoảng $1000. Câu trả lời của mình là hoàn toàn có thể, và còn rất tiềm năng nữa.

27. Nền tảng mạng xã hội nào là tiềm năng nhất để tìm khách hàng?

Có lẽ là tùy vào lĩnh vực bạn muốn nhắm tới. Những nội dung thiên về phong cách sống như ẩm thực, du lịch, thời trang hay self-help có lẽ sẽ tìm được trên Instagram.

Muốn tìm các công việc đúng kiểu “business” thực sự thì nên tìm tới LinkedIn. Mình từng có được công việc freelance với website thương mại điện tử lớn nhất của châu Âu cũng qua LinkedIn này.

Còn ở Việt Nam thì có lẽ phổ biến nhất, đa dạng lĩnh vực nhất, nhiều cơ hội nhất là ở trên Facebook.

28. Đâu là cách nhanh nhất, tốt nhất, rẻ nhất để tiếp thị các dịch vụ viết của tôi?

Nếu bạn đang thấy câu hỏi này sao có phần “hồn nhiên” đến thế thì mình phải cho bạn biết đây là câu mình được hỏi từ 90% học viên.

Câu trả lời là không có câu trả lời nào chính xác cả. Cách tiếp thị tốt nhất là cách bạn sẵn sàng làm nó thường xuyên nhất, phù hợp với khách hàng tiềm năng nhất. Mỗi cây viết sẽ giỏi kiểu này hơn kiểu khác.

Vẫn là bạn phải tự thử và rút ra cách tốt nhất cho mình thôi. Còn nếu muốn biết cụ thể hơn, hãy đăng ký học coaching 1:1 với mình.

29. Tôi làm trong ngành giáo dục, tư vấn hướng nghiệp và giờ muốn viết về chủ đề này. Tôi có thể tìm kiếm khách hàng bằng cách nào?

Bạn có thể hỏi những đồng nghiệp cũ đã chuyển đi các đơn vị khác, xem họ có nhu cầu hoặc biết ai có nhu cầu hay không. Họ có thể giới thiệu.

Tiếp theo, bạn có thể tìm kiếm các đơn vị có liên quan tới lĩnh vực này, tự liệt kê ra một danh sách và chuẩn bị các lá thư chào thầu dịch vụ của mình.

30. Tôi không có nhiều kinh nghiệm thì có thể tiếp thị bản thân và dịch vụ thế nào?

Nếu bạn vẫn đang tìm kiếm kinh nghiệm để xây dựng portfolio, bạn có 2 lựa chọn: tự giới thiệu để được làm miễn phí (sau đó dùng đánh giá của khách để làm đẹp portfolio) hoặc thuyết phục khách hàng trả tiền với những gì bạn có.

Có lẽ bạn nên thử cả 2 xem cái nào thành công. Lựa chọn số 1 sẽ giúp bạn xây dựng portfolio.

Có nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc cá nhân (bác sĩ, nha sĩ, giáo viên…) không đủ khả năng chi trả cho một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm và họ chính là những mục tiêu tuyệt vời của bạn.

Tóm lại thì ban đầu bạn sẽ phải nhận những công việc thời vụ, với mức thu nhập trung bình nhưng bù lại bạn có lời chứng thực, có được sự giới thiệu và kinh nghiệm. Con đường sẽ bắt đầu mở ra từ đó.

Mình sẽ tiếp tục cập nhật câu hỏi và câu trả lời trong thời gian tới.

(Nguồn: Fb Linh Phan)

(8 ratings)

Tags: viết tự do, writer, phổ biến, trả lời, nghề viết, câu hỏi