Người đăng: phanlinh   Ngày: 16/04/2020   Lượt xem: 680

Mình không nhớ nổi đã bị từ chối các bài viết bao nhiêu lần. Đa phần các tác phẩm cách đây khoảng 5-7 năm bị chối đăng là bởi vì nó có tính cá nhân sâu sắc, chủ quan hoặc là không phù hợp với kênh đăng tải.

Cách đây 10 năm mình cũng có viết blog. Nhưng cũng như nhiều bạn trẻ khác, mình mắc một sai lầm ngay từ những ngày đầu tiên: nghĩ blog là tạp chí cá nhân. Trên đó mình ghi chép đủ thứ về sở thích, cuộc sống cá nhân. Cũng không đến nỗi tệ nhưng vấn đề là chẳng ai thèm đọc, bởi vì chúng đâu có liên quan tới họ.

3 loại bài viết ai cũng muốn đọc

Nếu định viết blog, bạn cần phải kể chuyện. Bạn có thể thể hiện tính cách của mình, nhưng là tính cách con người trong việc viết, tư duy về một hoặc vài chủ đề nào đó. Chẳng ai quan tâm nếu bạn chỉ viết về bản thân mình.

Đừng biến blog thành tạp chí cá nhân, ôm đồm đủ loại chủ đề khác nhau. Hãy viết những gì bạn muốn viết nhưng nên hiểu rằng một số cách viết và chủ đề sẽ không hấp dẫn người khác như bạn tưởng.

Dù bạn có chân thành, độc đáo đến mấy, thì cũng cần phải viết về 1 trong 3 loại bài viết này mới có thể thành công được.

1. Bài giải trí

Bài viết giải trí không phải chỉ là bài viết về phim ảnh, nghệ sĩ, giới giải trí. Một bài viết có tính giải trí vẫn là một câu chuyện của bạn, nhưng nó có thể khiến người ta khóc/cười, khiến người ta được giải tỏa. Cuộc sống vốn trần trụi và đau đớn. Hãy viết ra thứ gì đó như một lối thoát cho người đọc. Họ sẽ tìm tới và theo dõi bạn.

2. Bài giáo dục

“Làm thế nào” là một dạng bài viết rất dễ nổi tiếng, vì một lý do thôi. Mọi người thích học những thứ mới. Nếu những gì bạn viết ra giúp họ cải thiện được một vướng mắc trong cuộc sống, học thêm kỹ năng, kiến thức mới, họ sẽ đánh giá cao những gì bạn làm.

Cũng đừng cố gắng phải tỏ ra mình là một chuyên gia (bạn có thể lựa chọn nhiều tính cách viết khác nhau để theo đuổi, nếu muốn có thể tìm hiểu khóa học này để bắt đầu) . Cứ chia sẻ những gì bạn viết về một chủ đề nào đó mà mọi người muốn biết. Bạn có là độc giả của một ai đó và học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ họ? Đó chính là cách họ viết những nội dung có tính giáo dục đấy.

Dù bạn chẳng có khóa học hay bài học nào, nhưng bạn hoàn toàn có thể viết và giúp người ta hiểu về thứ gì đó mới mẻ một cách dễ dàng hơn.

Đọc giúp người đọc trở nên tốt hơn thì họ sẽ trở thành độc giả của bạn.

3. Bài truyền cảm hứng

Mọi người thích cảm giác được truyền cảm hứng. Những năng lượng tích cực có thể mang họ ra ngoài ánh sáng với hi vọng và thậm chí dẫn tới sự thay đổi thực sự trong cuộc sống.

Bạn có thể không cần phải hô hào khẩu hiệu, nhưng bạn có thể nâng họ lên bằng những ngôn từ của mình.

3 cây chụm lại nên hòn núi cao

Bạn có thể viết một bài viết với cả 3 tiêu chí trên không? Một bài viết vừa hài hước một chút để truyền tải đi những thông điệp giáo dục và câu chuyện minh họa truyền cảm hứng. Đó có lẽ là công thức cho một bài viết đáng chú ý.

Viết lách chắc giống với nấu nướng. Tất cả mọi người đều có sẵn công thức và chuẩn bị nguyên liệu như nhau, nhưng không phải ai cũng có thể nấu được một món ăn hoàn hảo: đẹp mắt, mùi thơm, vị ngon.

Vậy nên, thực hành tại sao lại quan trọng đến vậy.

Chỉ có thực hành, chọn lọc, lặp đi lặp lại bạn với có thể tự tin viết và trở nên thuyết phục hơn trong những gì mình viết.

Tài năng chỉ chiếm 1% thành công mà thôi. Bạn có thể không trở thành Hemingway, Rowling… nhưng nếu bạn cam kết và kiên trì, đồng thời chú ý tới độc giả, bạn vẫn có thể làm chủ ngòi bút của mình và thành công với những khả năng được phát huy tốt nhất.

Lần tới khi viết một bài viết mới, hãy tìm xem nó có chứa yếu tố nào trong 3 yếu tố trên không. Có thể là không.

Nhưng đừng lo, hãy tiếp tục viết và sử dụng những thành phần này vào công thức viết của bạn.

---Linh Phan---

(1 ratings)

Tags: bài viết