Để thành công và sống được tốt khi bạn thành freelancer, tất nhiên là phải có một số điều bạn cần phải tuân thủ. Một số mình đúc rút được đó là:
1/ Tự thiết lập một môi trường làm việc chuyên nghiệp. Kể cả khi không có phòng làm việc riêng, thì cũng cần có một không gian làm việc tối đa hóa sự thoải mái và năng suất, với các thiết bị, tài liệu được sắp xếp phù hợp và tiện dụng.
2/ Nghiên cứu và lên một list các dạng bài viết/dự án bạn sẽ nhận với một mức thù lao hợp lý. (Đây cũng là phần mình chia sẻ với một bạn mình coach hôm qua) Nếu bạn mới bắt đầu, có thể deal một mức thấp, nhưng phải hợp lý so với giá thị trường. Khi đã có kinh nghiệm và có những thành công nhất định, hãy mặc định mình cần có lương thưởng xứng đáng hơn. Bớt thời gian cho những dự án trả quá thấp hoặc khách hàng cò kè mất thời gian và mất năng lượng. Bạn càng chấp nhận làm với GIÁ RẺ, bạn càng làm SUY YẾU đi giá trị bản thân cũng như giá trị ngành freelance.
3/ Tự học thêm về tiếp thị, đàm phán, kỹ năng giao tiếp để tự tin hơn trong tư vấn và làm việc, thảo luận với các khách hàng.
4/ Giữ kỷ luật bản thân để dù là nhiệm vụ khó hay dễ bạn đều thực hiện cho tới cuối.
5/ Nếu bạn dành ra khoảng 2-3 tiếng một ngày để nhận việc freelance, nhưng hiện chưa có nhiều việc thì hãy dành thời igan đó để nghiên cứu thêm về chuyên môn, lĩnh vực bạn quan tâm, khách hàng hoặc dự án tiếp theo và tìm thêm cơ hội.
6/ Hãy coi mọi lá thư đều như một bài tập viết, viết không hoàn hảo, không nội dung hoặc lỗi chính tả là không thể chấp nhận được. Kiểm tra kỹ tên, chức danh, tổ chức/công ty trước khi gõ chúng.
7/ Hãy tự quảng cáo giới thiệu bản thân bằng cách viết các bài viết chia sẻ, tiếp thị đến website/blog hay facebook cá nhân riêng của bạn. Đây sẽ là cách để các cơ hội tự tìm tới bạn.
8/ Kết nối và tham gia cộng đồng dành cho các freelancers khác. Trao đổi thêm về cách họ thỏa thuận với khách hoặc học hỏi thêm kinh nghiệm.
9/ Nếu được nên tham gia các khóa học chuyên sâu, tham gia hội thảo, nghiên cứu các tài liệu chuyên môn để nắm được các cơ hội, xu hướng mới trong ngành, lĩnh vực của bạn.
10/ Đừng bao giờ trễ deadline.
11/ Nếu lỡ trễ deadline, hãy báo cho khách hàng trước đó càng sớm càng tốt. Đừng đưa ra lý do, đừng kiếm cớ, đừng xin tha thứ. Đơn giản là bạn cần extend thời gian và hứa sẽ trả bài đúng một deadline khác nhưng đừng quá lâu sau đó. Bạn có thể offer để discount hoặc làm thêm một thứ gì đó cho khách hàng ở dự án tiếp theo nếu còn làm với họ.
12/ Hãy yêu cầu được trả đúng hạn, hoặc đặt cọc trước, hoặc trả trước thù lao. Khách hàng có thể nghĩ bạn làm freelance là công việc phụ, không phải là cách duy nhất bạn kiếm tiền và có thể không đánh gía cao việc phải trả tiền đúng hạn cho bạn. Hãy nhấn mạnh điều này với họ. Nếu việc này lại làm căng thẳng mối quan hệ của bạn với khách, nên hiểu rằng đó là một dấu hiệu cho thấy khách hàng này chưa hẳn là một người đáng để bạn có sự đầu tư tốt về thời gian và chất xám.
13/ Đến một thời điểm nào đó khi công việc freelance trở nên đều đặn và thành công, bạn hoàn toàn nên tin tưởng bản thân mình đã trở thành một người có kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực này. Hãy tìm kiếm cơ hội để được chia sẻ các kinh nghiệm này, dạy các lớp học, hoặc là tự viết các bài viết/tác phẩm để bán nó và kinh doanh nó.
14/ Hãy ưu tiên cho các khách hàng biết điều: nếu một khách hàng cứ yêu cầu bạn viết đi viết lại nhiều lần, luôn phản hồi bạn chậm và không chú tâm hoặc thậm chí không biết họ muốn gì, hãy bỏ qua họ để nhường chỗ cho những người xứng đáng hơn. Sự căng thẳng khi phải làm việc với những người như vậy chả mang lại lợi lộc gì.
15/ Làm mọi thứ trong khả năng để thấy khách hàng thấy sự nhiệt tình và chuyên nghiệp của bạn. Giúp họ giới thiệu các bên thứ 3 khác, góp ý cho cho họ trong hiểu biết và khả năng chuyên môn. Xây dựng một mối quan hệ tốt với khách thông qua việc giúp đỡ họ, họ sẽ luôn nghĩ về bạn và trân trọng bạn.
Còn gì nữa không nhỉ? Mọi người bổ sung thêm cùng thảo luận nha!
(Bài của Linh Phan)
Tags: freelancer, freelancer writer, writer