Người đăng: phanlinh   Ngày: 12/06/2020   Lượt xem: 958

Có 3 kỹ thuật có thể mang lại cho bạn ít nhất 1-2 khách hàng/tháng khi làm freelancer. Mình đã mất khoảng 6 tháng đầu tiên kể từ khi chuyển hẳn sang làm freelancer để tìm ra một sự thật đơn giản giúp có được khách hàng nhanh chóng. Đó là: chúng ta, những cây viết, thừa hiểu chúng ta cần kỹ năng gì khi chuyển từ viết cho lĩnh vực này sang viết cho lĩnh vực khác, từ loại định dạng nội dung này sang loại khác nhưng khách hàng thì không. Vì vậy, nếu bạn không đưa ra cho họ thấy CHÍNH XÁC bạn có thể làm gì, có thể viết gì và bạn có thể giúp họ như thế nào – thì họ sẽ khó để mà thuê bạn.

Đây là những lời khuyên của mình dành cho các bạn khi viết portfolio.

1. Gửi một chiếc portfolio càng-cụ-thể-càng-tốt của bạn tới 10 khách hàng cụ thể

Mình là freelancer, và cũng đã từng đi thuê những freelancer khác. Nó giúp mình có những đánh giá về cách mà các bạn trình bày portfolio của mình.

Có một lần mình tuyển freelancer cho một dự án viết nội dung cho website và social lĩnh vực mẹ và bé, dược phẩm. Mình đăng tuyển và đã ghi rất rõ là cần người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tương tự ít nhất 2-3 năm. Rất nhiều hồ sơ gửi về nhưng rất rất ít trong số đó khiến mình thực sự ấn tượng hay hài lòng. Những email nhạt nhẽo, rập khuôn. Những bản portfolio na ná như nhau từ kinh nghiệm tới format trình bày. Có người chỉ viết một chiếc email cụt lủn và không có gì khác để mình có thể đánh giá. Chỉ riêng có 1 người, 1 bạn duy nhất mà mình vẫn ấn tượng cho tới tận bây giờ, người đã tạo ra được sự khác biệt trong hàng tá những email ứng tuyển buồn rầu. Bạn ấy đã đặt các câu hỏi thêm về dự án, sau đó tự google các bài viết mẫu, thiết kế mẫu bạn cho là phù hợp để gửi kèm và nói rằng “Em có thể làm được tương tự như thế này”.

Ngay lập tức, mình đã chọn cô ấy và thật sự không có gì phải hối hận.

Điều này cho mình thấy một sự thật đơn giản: là một khách hàng, mình không quan tâm tới việc các ứng viên có bao nhiêu bài viết, kinh nghiệm nhiều như thế nào – mình chỉ quan tâm ai sẽ có một mẫu phù hợp.

Lời khuyên của mình là: Hãy chọn 10 khách hàng trong lĩnh vực bạn muốn viết, tạo ra chính xác 10 mẫu bài viết phù hợp mà bạn cho rằng họ sẽ cần.

Hãy cố gắng chọn 10 thương hiệu cụ thể, nghiên cứu về họ và tạo ra những bài viết được thiết kế phù hợp riêng với họ. Ví dụ như một bài chuyên sâu 2000 chữ đăng trên website của một đơn vị giáo dục chẳng hạn. Sau đó, hãy tìm cách tiếp cận họ và gửi cho họ những sản phẩm bạn đã làm.

Mình học được một bài học lớn rằng các thương hiệu tử tế luôn mong muốn làm việc với những cây viết tốt, nhưng họ nhận được quá nhiều thư ứng tuyển và thực sự không có thời gian để kiểm tra hết kỹ một lượt những lá thư này. Nếu họ thấy có một bài viết họ có thể đăng lên ngay lập tức và cảm thấy hiệu quả, bạn sẽ có nhiều cơ hội để hợp tác với họ hơn.

Ví dụ, mình từng được khá nhiều người thuê để chắp bút cho họ trên facebook và viết bài cho website. Họ không hỏi thuê mình viết chung chung mà họ đề xuất chính xác mình viết blog và social posts cho họ, với chủ đề cụ thể.

Khách hàng sẽ liên lạc với chúng ta vì công việc mà họ biết chúng ta có thể làm.

Với kỹ thuật này, bạn sẽ có thể có ít nhất 1-2 khách hàng mới mỗi lần bạn gửi 1 lượt portfolio và thư chào hàng của mình. Chốt sale được 10-20% cũng đâu phải tỉ lệ quá tồi phải không?

2. Thiết kế portfolio để tạo lòng tin và ấn tượng

Thực sự thì rất nhiều cây viết không có thẩm mỹ tốt cho lắm. Nếu biết rằng mình không thể tự thiết kế một bản portfolio tử tế và bắt mắt, hãy thuê người làm nó. Hãy coi trọng điều này nếu bạn thực sự muốn kiếm được nhiều tiền hơn với công việc của mình.

Nếu bạn có một website riêng hoặc một trang portfolio trực tuyến thì càng tốt. Trang portfolio cho phép khách hàng xem trước các bài viết của bạn. Khi bạn gửi link bài viết trong email thào hàng, họ phải click vào đọc, sau đó thoát ra để click vào bài viết tiếp theo. Theo kinh nghiệm của mình, mọi người sẽ đánh giá khác đi nếu bạn biết tận dụng những giây quý giá đó.

Freelancers bây giờ cũng đa dạng lắm. Có bạn chào thầu, làm việc nhưng không có kỷ luật, vô cùng chậm trễ, thậm chí biến mất hoàn toàn. Khi có một trang portfolio riêng, ít nhất thì người ta cũng thấy được “bạn ở đó”, và bạn có đầu tư vào những gì mình làm.

Có một nguyên tắc là nếu bạn gửi quá nhiều link trong một email ứng tuyển, thư của bạn có thể bị coi là spam. Vì vậy, tốt nhất là hãy tự tạo cho mình một trang portfolio riêng nhé. Nó chỉ cần đạt các yếu tố: gọn gàng, đáng tin cậy, đơn giản nhưng vẫn có sự tinh tế.

Một vài nền tảng để bạn lựa chọn:

  • WordPress: theme dễ nhìn dễ sửa nhưng nếu bạn chưa từng dùng wordpress thì có thể là một khó khăn đấy.
  • Squarespace/Wix: giá phải chăng, giải pháp tất cả trong 1 (lưu trữ, tên miền, xây dựng trang…) tuy nhiên bạn có thể làm rối tung lên mọi thứ nếu cố gắng thay đổi thiết kế theo ý mình.

Tóm lại: để có được lòng tin và chốt được nhiều hợp đồng viết lách hơn, hãy xây dựng trang portfolio của riêng mình.

3. Hãy viết thứ gì đó khách hàng thực sự muốn trả tiền để đăng tải

Thực ra kỹ thuật só 3 này ít mang tính kỹ thuật, nó là một sự thay đổi về tư duy.

Thất bại của đa phần freelancers đó là chỉ bán những thứ mình có, chứ không rao những thứ khách hàng thực sự cần.

Mình đã từng gửi khá nhiều thư chào hàng trước đây, nhưng không thành công và mình nhận ra có thể khách hàng không cần những bài viết website hay copy chung chung.

Vì vậy, mình thay đổi sản phẩm mình có. Mình viết kịch bản video. Mình thiết kế minh họa cho các bài viết của mình để tạo ra những ấn tượng riêng.

Sự thay đổi chỉ xảy ra khi chúng ta bắt đầu nghĩ theo cách khách hàng nghĩ. Để làm điều này, mình chọn 10 thương hiệu mình muốn hợp tác và thiết kế lại những gì họ từng xuất bản – tất nhiên là theo cách mà mình cho là tốt hơn. Mình viết và cải thiện nội dung tốt hơn và đưa vào thư chào thầu.

Bạn muốn họ làm khác đi cụ thể là làm như thế nào? Bạn có chứng minh được họ đang làm chưa hiệu quả hay không?

Thất bại lớn nhất của mình đó là thử và cố gắng tạo ra sản phẩm mới tốt hơn. Nhưng thực tế, cách tiếp cận đúng nên là cung cấp cho khách hàng những gì họ đã từng trả tiền để mua, nhưng có giá trị tốt hơn.

Trên đây là 3 kỹ thuật để bạn nhanh chóng có được những khách hàng mới. Khi bạn đã có vài khách hàng, hãy tận dụng chính khách hàng để tiếp tục giới thiệu và truyền miệng về bạn và dịch vụ của bạn.

Đặc biệt khi bạn muốn thay đổi và dấn thân vào một lĩnh vực mới, thì 3 kỹ thuật này là một cách tiếp cận thực sự hiệu quả. Hãy thử nghiệm và cho mình biết nó có hiệu quả với bạn không nhé.

(LinhPhan.co)

(2 ratings)