Mình biết làm việc mà phải chờ cảm hứng thì sẽ không chuyên nghiệp. Nhưng khi bắt đầu làm freelance writer, mỗi ngày mình đều ngồi vào bàn, cặm cụi đánh máy cho đến tối rồi lên giường. Nhịp sống cứ trôi đều đều như thế khiến mình có cảm giác con chữ của mình cũng lặp lại nhàm chán hệt như chủ nhân của nó vậy.
Hơn nữa, viết cũng là một công việc sáng tạo. Nếu ta không để đầu óc luôn được “tắm” trong thoải mái và hứng khởi thì sẽ khó tránh khỏi sự mệt mỏi và mất động lực làm việc. Chưa kể những ý tưởng sẽ luôn chơi trò đuổi bắt với bạn.
Sau một thời gian “ngâm cứu” và hỏi xin lời khuyên nhiều người, mình đã tìm được 3 cách phù hợp với bản thân để luôn duy trì cảm hứng làm việc.
Nội dung chính:
1. Có góc làm việc và góc thủ công riêng
Đây là cách mình học được từ cuốn “Steal Like An Artist” của Austin Kleon. Trong thời đại kỹ thuật số, chúng ta bị cuốn vào những tiện nghi do máy tính, điện thoại mang lại mà quên mất thú vui từ hoạt động chân tay. Máy tính thì tiện đấy nhưng nó sẽ khiến ta trở nên ù lì và im lìm. Việc ngồi dán mắt vào màn hình chữ nhật cả ngày sẽ giết chết con người sáng tạo trong ta. Nếu bạn không tin, hãy thử hỏi bất kỳ anh chị làm creative trong các agency xem có phải họ thường tìm thấy ý tưởng bằng việc ngồi đồng hàng giờ trên máy tính không.
Trong cuốn “Steal Like An Artist” có nhắc đến cụm “going through the motions”. Tác giả giải thích đó là điểm tuyệt vời của công việc sáng tạo: khi ta bắt đầu làm những việc mà không câu nệ đúng sai hay dở, như vẽ bậy, nặn đất sét, bày các mẩu giấy nhớ la liệt khắp bàn thì chính những hoạt động chân tay ấy sẽ kích hoạt não tư duy.
Nên Austin Kleon khuyên nếu làm việc tại nhà, hãy bố trí hai không gian: góc làm việc và góc thủ công. Ở góc làm việc, bạn để máy tính, sổ tay, bút viết… Ở góc thủ công, bạn bày biện những thứ bạn thích làm bằng tay chân. Như mình thì thích vẽ nên sẽ để bút kim, bút chì, hộp màu, sổ vẽ. Một người bạn làm freelance writer của mình có một góc chơi đàn tranh rất “chill”. Bạn ấy từng bảo “làm việc tại nhà sướng ở chỗ chẳng ai đánh giá thú… CHƠI của mình”.
Và khi ngồi vào góc thủ công, bạn hãy tạm tắt các thiết bị điện tử để hoàn toàn thả mình vào không gian tinh thần đầy niềm vui của riêng bạn.
2. Mỗi tuần dành khoảng 2 giờ hẹn hò với đứa trẻ nghệ sĩ bên trong
Là một freelancer, thu nhập của mình sẽ phụ thuộc vào số dự án nhận được. Nên khi có công việc mới, mình cứ nhận và nhận để rồi liên tục đuổi theo những deadline, trong mắt chỉ nhìn thấy công việc mà không có thời gian cho bản thân. Đến một ngày, mình cảm thấy đuối sức và mệt mỏi. Đầu nặng nề đến mức không thể “nặn” được con chữ nào nên hồn. Lúc này, cái giếng sáng tạo bên trong mình đã cạn.
“Giếng sáng tạo” là khái niệm của tác giả cuốn sách “The Artist’s Way”. Mỗi nghệ sĩ đều có một cái giếng bên trong chứa đựng những suy nghĩ, chất liệu, hình ảnh, ý tưởng… Nên nếu bạn bị writer’s block, đầu đơ đơ thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn đã khai thác giếng đến mức cạn kiệt. Để làm đầy cái giếng sáng tạo này, bạn nên dành khoảng 2 giờ hẹn hò với chính mình vào mỗi tuần.
Đây là phương pháp mình học được từ chị Nghiên Phiên khi thực hành theo sách “The Artist’s Way”. Bên trong chúng ta luôn tồn tại một đứa trẻ nghệ sĩ mà vì cơm áo gạo tiền, chúng ta để mặc nó bơ vơ trong cô đơn. Việc tạo ra một cái gì đó mới không phải từ kiến thức của trí não mà do hoạt động của bản năng vui chơi từ đứa trẻ bên trong. Vì vậy, dành thời gian chất lượng cho đứa trẻ nghệ sĩ là một cách để bạn nuôi dưỡng cái giếng sáng tạo của mình.
Bạn không cần nhiều, chỉ dành khoảng 2 tiếng mỗi tuần để hẹn hò với chính mình. Bạn có thể đi dạo, xem phim một mình, ngắm tranh ở các phòng trưng bày nghệ thuật hoặc bất cứ điều gì bạn thích. Như mình thì sẽ đến một cửa hàng bánh ngọt, gọi món kem match yêu thích rồi ngồi ngắm người đi đường qua lại. Lưu ý là bạn chỉ nên đi một mình, không có bạn bè, người thân hay người yêu nhé.
3. Chơi trò mạo hiểm với công cụ viết nguy hiểm nhất thế giới
Có một cách khác mình hay áp dụng khi cái giếng sáng tạo bên trong đã cạn nhưng anh bạn deadline cứ hối thúc mãi. Đó là sử dụng công cụ viết “The Most Dangerous Writing App”. Đây là dòng giới thiệu trên website, đã được dịch sang tiếng Việt:
“The Most Dangerous Writing App (viết tắt là MDWA) được thiết kế để ‘đá bay’ nhân cách biên tập bên trong bạn và đưa bạn vào dòng chảy của việc viết. Nếu bạn ngừng gõ phím hơn năm giây, những gì bạn đã viết sẽ biến mất. Bởi thà rằng bạn viết rồi bị xóa sạch còn hơn là chẳng bao giờ gõ được từ nào.”
Chính vì sự “nguy hiểm” này mà công cụ MDWA thích hợp để viết freewriting. Nghĩa là bạn thoải mái viết ra mọi thứ trong đầu – kể cả những suy nghĩ linh tinh nhất. Bạn không cần để ý lỗi chính tả, ngữ pháp, câu dài hay ngắn, có nghĩa hay không. Cái bạn cần quan tâm là “lôi” ra được mọi thứ trong đầu để có thể viết liên tục mà không ngưng nghỉ dù chỉ một giây.
Điểm hay ở MDWA là khiến bạn tập trung vào những suy nghĩ bên trong để gõ ra bàn phím. Như chị Nhược Lạc, một nhà thơ mà mình thích, từng nhận xét khá hài hước rằng “viết ào ào ra năm, mười phút cho mấy suy nghĩ linh tinh trong đầu tuôn hết ra nhẹ nhàng khoan khoái như cho não đi nặng vậy cũng là một cách thiền đó”.
Khi vật lộn với thời gian và bản thân để hoàn thành bài viết, bạn sẽ thấy có cảm hứng viết trở lại. Nếu không tin, bạn hãy thử làm bằng cách truy cập vào website: https://www.squibler.io/dangerous-writing-prompt-app. Có hai chế độ là Generate a Promt và Start Writing w/o Promt.
Generate a Promt phù hợp với những bạn thích sáng tác thơ văn, tiểu thuyết vì chương trình sẽ đưa ra một câu gợi ngữ cảnh. Bạn sẽ dựa vào ngữ cảnh đó mà viết tiếp câu chuyện.
Start Writing w/o Promt thì dành cho mọi đối tượng. Bạn chỉ việc chọn chế độ này rồi viết theo cái mình muốn.
Một lưu ý là MDWA có phần đặt thời gian để viết. Các mốc thời gian bao gồm 3 phút - 5 phút - 10 phút - 15 phút - 20 phút - 30 phút - 60 phút. Với người mới bắt đầu viết, mình khuyên bạn nên chọn tầm 5 phút là vừa đủ độ mạo hiểm. Nếu dài hơn, bạn sẽ dễ bị đuối và nản vì chưa quen. Sau khi viết xong trong thời gian đã chọn, bạn hoàn toàn có thể xem lại và chỉnh sửa. Nhiều ý tưởng, góc nhìn mới mẻ đã đến với mình sau những lần chơi trò mạo hiểm này.
Nếu bạn muốn tăng cảm giác mạnh hơn thì sử dụng thêm chế độ “Hardcore mode” trong phần cài đặt thời gian. Bạn viết xong từ nào thì từ ấy sẽ bị che đi. Nhờ vậy, bạn được trải nghiệm cảm giác viết mà không nhìn thấy những gì mình viết. Để rồi khi đọc lại, bạn sẽ không khỏi bật cười trước những câu từ ngớ ngẩn mà chính mình viết ra. Đây cũng là tác dụng khác của MDWA: một cách giải trí rất riêng của người chơi hệ viết lách.
Trên đây là 3 cách mình đang áp dụng để duy trì cảm hứng làm việc kể từ khi bắt đầu sự nghiệp freelance writer. Dù bận rộn thế nào, mình cũng cố gắng dành thời gian làm đầy giếng sáng tạo bên trong. Nhờ vậy, mình luôn ổn với việc làm một mình tại nhà mà không thấy buồn chán. Nếu bạn đang vật lộn với sự trì trệ của bản thân thì hãy thử một trong 3 cách trên của mình xem?
(Theo Fb Ngân - writerlife)
Tags: Freelance Writer, áp dụng, hứng thú, làm việc