Người đăng: Thu Trang   Ngày: 27/10/2020   Lượt xem: 1114

Mình nhận ra rất nhiều bạn không biết cách phân biệt 2 chức danh trên. Điều này dẫn đến nhiều nhẫm lẫn không đáng có. Vì vậy bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp các điều dưới đây:

Mình đã phân biệt content writer và copywriter như thế nào? Có một điều đặc biệt là mình không định nghĩa theo form bài viết (dài hay ngắn như nhiều người đang làm) mà phân biệt theo vai trò và nhiệm vụ cuối cùng của hai chức danh này. Mình nghĩ mọi người sẽ dễ hiểu hơn qua cách này đó. Nội dung có sự tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau, đa phần là nước ngoài.

Đặc điểm nổi bật (kể cả cái khó nhất) để trở thành một Content Writer và Copywriter giỏi?

Kỹ năng bạn cần để làm copywriter hay content writer?

I. ĐÂY LÀ CÁCH MÌNH PHÂN BIỆT CONTENT WRITER VÀ COPYWRITER

Thông thường, mình thấy mọi người sẽ định nghĩa theo bài viết dài là content còn ngắn củn tagline các thứ là copywriter. Hồi trước, mình cũng khá loay hoay, tham khảo rất nhiều nguồn nhưng mà dần dần mình thấy cách này không phù hợp lắm. Nên mình đã nghiên cứu chút chút và định nghĩa lại theo cách mình hiểu, chính là bằng vai trò của họ. Bạn cũng có thể tự định nghĩa theo cách của bản thân. Vì đôi khi, bằng việc suy nghĩ như thế, bạn sẽ dễ hiểu một định nghĩa hơn là cách người khác đang dùng.

Cả content writer và copywriter đều quan trọng như nhau trong sự vận hành của brand hoặc campaign. Chỉ là mỗi người sẽ đóng vai trò khác nhau trong quy trình (bài bản):

1. CONTENT WRITER - NGƯỜI XÂY NIỀM TIN CHO KHÁCH HÀNG

Có nhiệm vụ chính là xây dựng niềm tin cho khách hàng bằng lượng kiến thức và sự thấu hiểu chủ đề qua các dạng nội dung nhiều thông tin và nhiều phương tiện khác nhau.

Một content writer giỏi là người có khả năng nghiên cứu mạnh mẽ, biến mọi chủ đề dù xa lạ trở thành quen thuộc và có thể cung cấp nó đến người tiếp cận như thể một chuyên gia. Đó là lý do những bài viết của họ thường dài, hoặc siêu dài.

Vì thế, cái khó của một Content writer là làm thế nào để bản thân có cách triển khai nội dung phù hợp với đối tượng mục tiêu. Thậm chí ngay cả khi đối tượng đọc là người có chuyên môn cao trong ngành. Điều này đòi hỏi cực kỳ nhiều năng lượng và thời gian nghiên cứu.

4 đối tượng thường gặp của 1 Content Writer:

  • Người tìm hiểu: Không biết gì cả, hành vi của họ là yêu thích các chủ đề thông dụng dễ tìm kiếm của một vấn đề như là gì? làm thế nào?... Ví dụ như các bài viết của mình trong series này đi, là dành cho các bạn đang tìm hiểu, hoặc vừa bắt đầu. Văn phong của mình mang tính chất định nghĩa/giải đáp nhiều hơn.
  • Người bắt đầu: Họ thường xây dựng cho mình một ít kiến thức căn bản và mong muốn đọc được những thông tin mang tính khai phá.
  • Người đã có kinh nghiệm: Khả năng phản biện được xây dựng. Họ có tính tự hỏi cao hơn. Và cần một người viết giải đáp được những điều này.
  • Chuyên gia: Họ biết nhiều và sâu. Họ thường đọc các case study hoặc những bài viết cực dài mang tính chất phân tích nhiều. Hiếm cây bút nào sẽ mang lại cho họ sự vỡ oà, và thông thường nếu có, người đó cũng là chuyên gia trong ngành này.

Chính vì vậy, Content writer không phải chỉ đơn thuần là một người triển khai nội dung, mà đó còn là một người có khả năng tạo cho người tiếp cận niềm tin vào sản phẩm/dịch vụ và đơn giản hơn là những câu từ và kiến thức của bạn. Nhiều content writer chiếm vị trí quan trọng trong việc xây dựng Brand-love cực kỳ khó tìm ở các nhãn hàng, bên cạnh chất lượng hay dịch vụ hậu mãi.

Chỉ khi bạn nhận ra được, giá trị của 1 Content writer không nằm ở việc bạn viết bao nhiêu bài, mà là chất lượng bài viết đó mang lại điều gì cho nhãn hàng, có lẽ bạn sẽ tự coi trọng nghề nghiệp bản thân. Mong rằng bạn sẽ vậy nhé.

Nghề content writer không bạc như bạn nghĩ. Mình thấy rất nhiều chị content writer lên cấp senior hoặc manager. Mỗi bài viết tính giá nghìn đô và chỉ viết những bài cực kỳ khó thôi. Chỉ là không biết, bạn có muốn nâng cấp bản thân như vậy không?

2. COPYWRITER - NGƯỜI KHIẾN KHÁCH HÀNG HÀNH ĐỘNG

Là người có nhiệm vụ thúc đẩy hành động của khách hàng bằng sự thấu hiểu tâm lý hành vi của khách hàng. Ví dụ, với từ này họ sẽ hành động như thế nào từ đó tạo nên việc mua hàng hay để lại số điện thoại không. Họ là bậc thầy bán hàng và điều hướng khách hàng bằng ngôn từ.

Vì vậy, các copywriter được mệnh danh là người “chơi” chữ, họ rành rọt về cách đưa khách hàng từ viễn cảnh này đến viễn cảnh khác, rành rọt luôn việc điều hướng hành vi khách hàng. Đơn cử nhất cho điều này là các landing page, người viết các landing page chuyển đổi cao là thường là các copywriter nhà nghề với sự thấu hiểu rõ ràng hành vi của khách hàng bằng các Call to Action (CTA) đúng tim “đen".

Cái khó của copywriter chính là làm sao để chọn được insight và từ ngữ mang tính quyết định khuyến khích hành động khách hàng, nó trực tiếp ảnh hưởng đến đơn hàng và KPI. Mỗi câu chữ của họ có tính đắt giá và chọn lọc rất cao. Đây chính là lý do, tại agency, nhiều copy đi lên từ content writer với khoảng thời gian dài viết nhiều thể loại bài, trau dồi kinh nghiệm và lượng vốn từ phong phú.

  • Copywriter thường được bắt gặp ở đâu: bài viết chốt đơn, email marketing (một mảng khoai khoai và cần kỹ thuật copy mạnh), brainstorm tagline/slogan cho công ty, tên của các event, headline/idea cho clip-không-biết-viral-không,...

Kết luận: Nếu đọc đến đây thì chắc hẳn bạn cũng có thể tổng kết được cả hai chức danh này đều có vị trí không thể thiếu trong bức tranh tổng thể của một phòng marketing hoặc agency. Một người chuyên viết bài mang tính call to action hoặc ngắn gọn và xúc tích đôi khi sẽ khó triển khai các bài dạng dài và ngược lại.

Nếu bạn là người mang đến việc hành động, câu từ của bạn mang tinh điều hướng hành động cao, trực tiếp kêu gọi bán hàng, bạn là copywriter. Còn nếu bạn là người thiên hướng cung cấp thông tin lâu dài và kiến thức cho người viết, bạn là content writer.

Tuy nhiên, đôi khi chúng ta thường bắt gặp các đơn vị yêu cầu kiêm nhiệm, đây là điều thông thường ở môi trường quảng cáo mang tính chất vừa và nhỏ ở Việt Nam. Cho nên có thể bạn sẽ phải biết một chút cái này, một chút cái kia. Biết nhiều một chút cũng có lợi, như một content mà biết CTA tốt thì có thể bay ra đơn hoặc tham gia brainstorm nhiều mảng hoặc một copy mà có khả năng về bài dài thì đến lúc triển khai sẽ dễ dàng nắm thông tin hơn.

Nhưng mình thấy ít người cái nào cũng giỏi đều, nên nếu bạn thấy mình đuối thì có thể chọn ra một cái nào đó để phát triển còn cái kia là phụ.

  • Cái nào bạn thấy mình cho ra kết quả tốt hơn?
  • Cái nào làm bạn hào hứng và thực hiện?
  • Có lựa chọn thứ 3, thậm chí thứ 7, chủ nhật: chứ không chỉ những điều trên. Đó là bạn có thể làm song song, hoặc làm Content Creator. Nhưng những thứ này mất nhiều thời gian hơn luôn ý.

II. KỸ NĂNG PHẢI CÓ NẾU MUỐN THỬ COPYWRITER HAY CONTENT WRITER

1. NGHIÊN CỨU VÀ CHỌN VẤN ĐỀ HIỆU QUẢ

Cả hai đều phải có khả năng research (nghiên cứu). Đây là một trong những việc quan trọng nhất ở To-do list của mỗi người viết nói chung và viết quảng cáo nói riêng.

Không chỉ dừng lại ở nghiên cứu đơn thuần, bạn nên trau dồi khả năng nhìn nhận và lựa chọn một vấn đề để phát triển ý tưởng hay bài viết của mình. Điều này mang tính quyết định vì nó chính là thứ làm người đọc hấp dẫn và dừng chân lại bài viết hay mẫu quảng cáo của bạn.

Đó chính là lý do mà mình lên danh sách 4 kiểu người tiếp cận thường gặp của một content writer và link bài viết 10 loại khách hàng thường thấy.

Bạn có thể tham khảo case study to đùng của Coca Cola "Share a Coke" để minh hoạ cho Copywriter hoặc kênh Beeketing blog để tham khảo về việc đi content chuyên ngành Ecommece cho Content writer (có từ Newbie đến Master).

Việc chọn điều cần nói là một trong những bước quan trọng nhất để triển khai ý bạn cần. Vì thế, hầu hết bạn sẽ triển khai theo kế hoạch mà cấp trên đề ra để nó theo đúng lộ trình nội dung.

2. NẮM BẮT TÂM LÝ CỦA KHÁCH HÀNG ĐỂ BIẾN ĐỔI PHÙ HỢP

Nếu người làm content phải biết về tâm lý mong muốn biết điều gì/trau dồi điều gì của khách hàng thì người làm copywriter phải biết khách hàng nhìn thấy hình ảnh/câu chữ nào sẽ thôi thúc họ hành động.

Mình không biết các bạn có để ý không nhưng mà kết bài của mình lúc nào cũng sẽ có câu kêu gọi mọi người chia sẻ. Đó là dạng Call to action thông dụng của các content writer. Người đọc thường không hào hứng hành động và chia sẻ.

Trau dồi cái này ở đâu? Bạn có thể tìm thử cuốn sách Tử huyệt cảm xúc. Mỗi con người đều có tử huyệt cảm xúc. Một khi chạm đúng vào đó, người ta sẽ yêu thương nhãn hàng của bạn.

Ví dụ: với người mẹ, con chính là tử huyệt cảm xúc của họ. Tình mẫu tử và 10 tháng mang nặng đẻ đau làm người mẹ có một sự gắn kết tình cảm với con của mình một cách vô điều kiện. Tâm lý chung của mẹ (dù giàu hay nghèo) cũng đều muốn giành điều tốt đẹp nhất cho con. Tuy nhiên, chính vì lẽ này, mẹ sẽ có hành vi cân nhắc kỹ càng cho từng loại sản phẩm con dùng. Muốn được người mẹ tin tưởng, một nhãn hàng phải trải qua quá trình xây dựng niềm tin cực kỳ lâu dài và trên nhiều nền tảng khác nhau: đây là lúc phải có một content writer thấu hiểu và một copywriter kết hợp. Một người tạo niềm tin và một người kích thích hành động. Bạn có thể tham khảo sản phẩm Huggie tã dán mới. Những bài blog chia sẻ kinh nghiệm và các landing page đích với mục tiêu để lại thông tin khách hàng.

3. MỘT CHÚT HIỂU BIẾT VỀ CÁC ĐỊNH DẠNG KHÁC NGOÀI CHỮ

Nội dung không chỉ là chữ. Nó là video, hình ảnh, gif,... Cho nên nếu bạn có thể trau dồi thêm về thiết kế, visual, quay dựng thì càng tốt. Nó sẽ giúp đỡ rất nhiều trong suốt quá trình làm ngành. Làm riết, mình nhận ra bản thân rất may mắn vì xuất thân từ thiết kế.

Đặc biệt, hiện nay xu hướng chung là video tầm 8-10s, dài hơn chút nữa thì 15s. Nguyên nhân đơn giản: vì cỡ đó chạy ads được, lại ngắn gọn phù hợp hành vi người dùng, vừa tiết kiệm khi quay.

Để triển khai hiệu quả bằng những phương tiện này, bạn nên hiểu về chúng, hình dung được text (chữ bạn viết ra) hiện ở đâu, hiện chỗ nào, để cân chỉnh phù hợp. Nếu content của bạn là dạng nhiều hình thì từng hình là bao nhiêu chữ và nói điều gì,... Vâng vâng

Điều này bạn có thể cập nhật ở đâu:

  • Các trang về quảng cáo như Cuộc sống Agency, Aim Academy,...
  • Trên youtube: Youtube Advertisers (Link: https://bom.to/bE92mcG) là một kênh của youtube dành riêng cho khách hàng chính của nền tảng này - đơn vị quảng cáo. Chuyên về đề xuất video nha. Đợt mình loay hoay với việc brief TVC thì mình chôn chân ở đây luôn. Nhiều điều rất thú dị, bạn nên tham khảo.
  • Nếu hình ảnh, bạn có thể tham khảo Behance, Pinterest, hoặc để ý đối thủ của mình...
  • Để ý chuyển động của các nền tảng lớn: ví dụ thời gian tháng 4 hầu hết các nền tảng có video đều giảm chất lượng xuống 480 SD thay vì 1080 HD như thông thường. Nguyên nhân là vì lượng truy cập cao hơn… Bạn cũng cân nhắc đề xuất những định dạng video làm sao cho thích hợp với điều này.

4. ĐỌC NHIỀU LÊN, ĐỂ VỐN TỪ NỞ HOA “BUNG BÉT”

Dạo này á, mình đọc nhiều phương ngữ của Sài gòn xưa, cũng khá hay: như Chèn đét ơi, Ngon bá chấy,... Rồi cũng hay đọc về những nội dung kiểu Thiền định nữa.

Mình thấy biết nhiều từ vựng/chủ đề sẽ giúp người viết linh hoạt hơn khi chơi với con chữ. Mình không quá hạn chế về chủ đề.

Bạn cứ nghĩ thế này: nếu bạn là copywriter lúc bạn bí ý tưởng, bỗng dưng, từ miền xa xăm dội về một cụm từ/từ nào đó, đã từng đọc qua, hợp mèn ơi; nếu bạn là content writer, thì đôi khi những điều bạn đã đọc qua là kiến thức hoặc keyword cho một bài viết nào đó cho tương lai

Tóm lại, đọc nhiều không có uổng phí, với người viết. Hứng thú cái gì thì đọc cái đó. cái nào hay ho thì ghi chú lại.

Vậy là bài viết kết thúc rồi. Mình mong sau bài này, bạn sẽ hiểu rõ hơn vai trò của từng chức danh trên. Mỗi người đều có vị trí của riêng mình và cách mang đến kết quả về truyền thông riêng. Dù bạn là ai, đôi khi chức danh không quan trọng bằng việc bạn đang sở hữu khả năng nào. Vì thế, đừng nghe những lời bảo rằng cái này không quan trọng bằng cái kia, vâng vâng nghen, cái này mình hiểu lắm. Làm điều mình thích và làm bằng cả trái tim, tự nhiên kết quả tốt đẹp sẽ tới.

(Theo FB Thanh Thương)

(4 ratings)

Tags: Content Writer, copywriter