Người đăng: writerslife   Ngày: 27/05/2020   Lượt xem: 803

Câu hỏi đặt ra không phải là bạn có ám ảnh hay không, mà bạn có ám ảnh đủ đề trả tiền hóa đơn hay không? Bạn có đủ ám ảnh để bỏ lỡ chuyến bay về đoàn tụ gia đình, và đến trễ đám tang dù mình là người đọc điếu văn chỉ vì không thể ngừng viết? Bạn có sẵn sàng chia tay bạn gái vì cô ấy vô tình làm đổ cốc cà phê lên quyển sổ đang viết dở của bạn? Hay chấp nhận lựa chọn những cây bút đắt tiền chứ không chọn con mình? Nghe thật điên rồ đúng không? Nhưng những câu chuyện đó có thật, từ một người tự nhận mình mắc chứng “ám ảnh viết lách” - nhà văn Thomas Plummer. Xem mình là một người không chỉ viết để sống mà còn sống để viết, ông khẳng định rằng nỗi ám ảnh chính là thứ nguyên liệu mà những cây viết non tay còn thiếu.

Liệu bạn có thiếu

“Khi đã đưa ra một quyết định sống còn là làm người viết trọn đời, hiếm khi bạn nghĩ đến khả năng chi trả tất cả hóa đơn của mình bằng công việc viết lách. Nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào khác bởi tôi đã khước từ mọi hình thức kiếm sống khác rồi.

Viết lách không phải là một giấc mơ, nó là một nỗi ám ảnh khởi nguyên từ lúc tôi 10 tuổi, và qua bao năm tháng nỗi ám ảnh đó lớn dần thành một sự nghiệp đường hoàng.

Nỗi tuyệt vọng lúc túng thiếu là con đường chắc chắn nhất để tìm kiếm những công việc có trả lương. Và trong khoảng thời gian chật vật tài chính, bao tiêu chuẩn cao sang bạn tự đặt ra để gây ấn tượng với bạn bè, với tư cách là một tiểu thuyết gia có sách bán chạy nhất, nhanh chóng sụp đổ.

Tình trạng thiếu thốn đã ban cho tôi cơ hội viết cáo phó vào cuối tuần cho những tờ báo địa phương, làm thị trường cho những công ty khởi nghiệp game Pot Farm, và xem phim “porn” cho một tạp chí online kéo dài 3 tháng ở Denver.

Không nhiều tiền, nhưng tôi đã trả được hóa đơn, và tiếp tục sống để viết tiếp một năm nữa. Tôi trở thành một phóng viên cấp thấp (junior reporter) vào cuối tuần với 15 đô-la cho một câu chuyện. Đôi khi là gom cả 60 đô-la vào những ngày thứ bảy khi tôi làm việc từ tờ mờ sáng cho đến hết cuối tuần cho những lễ hội bia địa phương ở thị trấn nhỏ của mình.

Ám ảnh là nguyên liệu không thể tìm thấy trong tác phẩm của hầu hết mọi cây viết mới vào nghề, hay trong cuộc sống của họ.

Vậy thì ám ảnh trong viết lách là gì?

Chiếc máy bay chở tôi về đoàn tụ gia đình cất cánh, bỏ tôi ngồi lại ở sân bay, bởi những trang viết không thể chờ đợi. Còn 2 tiếng nữa cho đến chuyến bay tiếp theo… nhưng tôi không quan tâm, bởi bây giờ tôi có nhiều thời gian hơn để hoàn thành một bài viết tiếp theo.

Sự ám ảnh cũng ép tôi phải chấp nhận những thử thách viết lách cá nhân mà tôi tự tạo ra cho mình. Ai cần những động lực ngoại tại khi bạn có đủ khả năng làm mình phát điên với tư cách một người viết cơ chứ?

Rất nhiều năm về trước, tôi viết 365 ngày liên tục bởi mạch viết chẳng thể ngưng, và tôi thề với bản thân rằng chỉ cần một chai rượu ngon thì tôi sẽ làm được điều đó. Năm trang vào Giáng sinh, 5 trang hungover vào Năm mới, 10 trang vào sinh nhật, và tôi đã uống chai rượu đó vào một ngày chủ nhật chây lười khi đang lên kế hoạch cho một dự án mới ở sổ tay.

Tôi đã đến trễ trong đám tang một người chú bởi đang ngồi trên xe hơi mải miết viết về ông ấy, trong khi tôi là người trao điếu văn. Điều duy nhất cứu tôi khỏi cơn phẫn nộ của mẹ là tôi đã viết một bài điếu văn tử tế, và bởi cũng là người phát biểu hôm ấy nên tôi có thể bán nó cho gia đình.

Tôi thủ một cây bút và một quyển sổ cạnh giường ngủ trong suốt 20 năm bởi những ý tưởng tuyệt vời nhất, gây ám ảnh nhất chỉ đến vào giữa đêm. Tôi có thể cực kỳ buồn ngủ, nhưng tâm trí viết lách của tôi thì không bao giờ. Rượu có thể khiến tâm trí chao đảo, nhưng thường thì sự điên khùng tột đỉnh của tôi tràn ra vào 2 giờ sáng. Mắt thao láo, ý tưởng phơi mình, tôi bò ra chiếc ghế yêu thích trong một góc phòng để viết cho đến khi tâm trí cạn kiệt và có thể ngủ trở lại. Có lẽ dòng chữ nơi mộ tôi sau này sẽ là “Một tên dở người thật sự đã viết 5 trang vào ngày ông ta chết.” Tôi muốn được chôn với một chiếc máy viết chữ cũ. Và một chai bourbon ngon. Và một quyển sổ tay với cây bút nếu tôi cần phải viết điều gì đó xuống cho chuyến phiêu lưu tiếp theo của mình.

Người viết thì phải viết. Và ngoài kia có những người nói về viết, đọc về viết, nghĩ về viết, thậm chí có một tấm bưu thiếp nói rằng mình là nhà văn, nhưng chẳng bao giờ viết.

Những người ám ảnh viết lách thường được thúc giục để tạo ra gì đó, nhưng thậm chí những kẻ ám ảnh giỏi giang nhất sẽ làm tốt hơn khi chỉ còn 3 ngày là hết tháng, khi họ đối mặt với trang viết duy nhất đầy ngán ngẩm - là hóa đơn.

Người viết viết bởi họ yêu thích quá trình bốc một ý tưởng độc đáo từ bộ não được kích thích quá đà ra, sau đó biến cái ý nghĩ lờ mờ ấy thành một thứ mà người ta nghiền ngẫm, thậm chí là chửi thề, và rồi nhận được thù lao từ ngần ấy công sức. Nhưng bạn chỉ có thể trở thành một cây viết tử tế khi bị ép buộc phải viết với một sức ép bị mất nhà nếu không viết thứ gì đó tử tế vào tuần sau.

Tôi mua những cây bút đắt đỏ hơn cả chiếc xe hơi đầu tiên của mình, bởi cảm giác ngồi trong một quán cà phê cầm cây bút ấy khiến tôi sung sướng. Tôi có 3 cây như thế. Tôi viết tay quyển sách đầu tay của mình bằng một cây bút bằng bạc. Chúng tôi là bạn bè và “anh ta” sống trong một kệ sách đặc biệt trên bàn, trong một chiếc hộp nhỏ tôi mua cho “anh ta” ở phố người Hoa. Tôi hy vọng sẽ không bao giờ phải chọn lựa giữa một trong những đứa con của mình và cây bút ấy bởi tôi sẽ nhớ con tôi mất.

Nếu bạn đang chịu đựng nỗi ám ảnh viết lách, tức là cuộc đời bạn chỉ xoay quanh viết lách, tức là luôn viết, đọc về viết, hay đọc những cây viết khác xem họ đang làm gì với tác phẩm của mình. Bạn tôi bảo tôi là một gã “kinh tởm”, bởi đêm khuya tôi chẳng xem phim “porn” mà chỉ thức để đọc. Làm sao tôi có thể bỏ lỡ những gì các đồng nghiệp đang viết, làm sao tôi không thể học từ thành công, thất bại của họ, làm sao tôi có thể lãng phí một ngày mà chẳng tiến bộ chút nào, dù là chỉ một chút kỹ năng viết lách?

Phải, nỗi ám ảnh buộc tôi phải thuê một gia sư gõ chữ để tôi có thể viết nhanh hơn, cứ việc gọi tôi là “Cái tên 55 từ một phút” đi. Tôi đã đặt hàng một bộ bàn phím đi với laptop để có thể viết được nhiều hơn khi thỉnh thoảng đánh mất dòng suy nghĩ hạn hẹp của mình.

Có thể một trong những tín hiệu chắc chắn nhất của một người viết cuồng điên đó là chiếc giá đựng sổ tay của họ. Ở văn phòng viết lách nho nhỏ của tôi, những chiếc sổ tay đứng kiêu hãnh, được sắp xếp theo ngày tháng năm, hay chủ đề.

Bạn gái tôi, một ngày nọ làm đổ cốc cà phê lên quyển sổ khi tôi đang ghi chép trong giờ ăn sáng. Đó là một tai nạn, cô ấy không cố ý, nhưng giờ đây tôi thực sự còn không nhớ cô ấy lắm. Và bởi cô ấy ghét thơ ca vậy nên dù sao cũng chẳng có tương lai.

Nếu xem viết lách là một căn bệnh, thì một trong những triệu chứng cuối cùng của người viết - kẻ mắc bệnh - đó là khả năng thuật lại thơ văn “nhăng cuội” chỉ từ một ngụm rượu đầu tiên. Khi tôi uống quá nhiều, tôi thường trích thơ, và khiến lũ bạn phát chán với bao câu trích dẫn.

Tôi đang viết bài này vào 2 giờ sáng, vợ tôi còn chẳng buồn hỏi, chỉ thở dài… nhưng đơn giản là những trang viết không thể chờ đợi, cây bút và quyển sổ trung thành đang ở gần kề, và thật sự, một người viết thì chỉ việc viết thôi mà.

Người viết phải viết bởi họ sinh ra để làm điều đó, và bởi trang viết không thể chờ. Nỗi ám ảnh viết lách có nghĩa là bạn sinh ra để viết, không kế hoạch dự phòng, không có sự lựa chọn nào khác trong đời.

Câu hỏi đặt ra không phải là bạn có ám ảnh hay không, mà bạn có ám ảnh đủ đề trả tiền hóa đơn hay không?

(Theo Thomas Plummer - Dịch bởi Writerslife)

(2 ratings)

Tags: writer, viết lách