Người đăng: writerslife   Ngày: 04/03/2020   Lượt xem: 1051

Nếu bạn là người yêu thích viết lách và không thể ngừng lướt mạng xã hội (Facebook/Instagram…), có lẽ đã đến lúc biến cơn nghiện này thành một “vũ khí” giúp bạn trả các hóa đơn. Hầu hết các doanh nghiệp ngày nay cần một sự hiện diện hiệu quả trên mạng xã hội, nhưng họ thiếu thời gian, ý tưởng và kiến thức cơ bản để tự quản lý nó. Vậy nên người viết đam mê mạng xã hội hoàn toàn dễ dàng biến nhu cầu này thành một công việc cho mình bằng những cách sau đây:

1. Lập danh sách gói dịch vụ chăm sóc mạng xã hội

Hãy tự hỏi mình điều gì các doanh nghiệp cần nhất ở mảng mạng xã hội. Facebook và Twitter là hai mảnh đất màu mỡ cho hầu như mọi loại doanh nghiệp. Nhưng nếu các doanh nghiệp sử dụng thành công tài khoản LinkedIn, Pinterest, Instagram, và/hoặc Youtube, họ chắc hẳn còn nhận được nhiều hơn thế.

Tiếp cận càng nhiều thị trường càng tốt, đừng ngại ngần trước những nền tảng mới. Hãy để cho khách hàng tiềm năng biết được bạn thành thạo và thường xuyên cập nhật xu thế trực tuyến hiện nay.

Một vài doanh nghiệp chỉ muốn “nhúng một chân xuống nước” với thứ gì đó đơn giản, như Facebook. Nhưng còn blog thì sao? Email marketing và newsletter thì sao?

Nếu là một cây viết có năng lực, biết được đường đi nước bước trên mạng xã hội, bạn có thể dễ dàng tạo cho mình một công việc trực tuyến. Vậy nên hãy tiến lên, lập một danh sách dịch vụ mạng xã hội mà bạn có thể cung cấp đến các khách hàng tiềm năng.

Để biến thói quen lướt mạng xã hội thành nghề Freelance

Hầu hết doanh nghiệp đều muốn có rất nhiều nội dung “sống mãi với thời gian” (evergreen content), tức nó thú vị và liên quan trong suốt năm. Nhưng để thực sự nổi bật giữa đám đông, bạn nên cung cấp nội dung hỗn hợp, xào nấu (curated content). Nó vừa bao gồm những bài viết có giá trị lâu dài, vừa những câu chuyện hợp thời, và bài đăng mang tính địa phương, cùng với nội dung độc quyền, hoàn toàn dành riêng cho khách hàng của bạn.

Đừng quên cung cấp hình ảnh, video bởi nó rất dễ dàng được chia sẻ!

Còn nếu bạn không biết cách làm thứ gì đó hay cách sử dụng một nền tảng cụ thể? Hãy tự học trên trực tuyến. Bạn chỉ cần đi một vài bước trước khách hàng, cho họ thời gian, năng lượng và cách làm để quản lý những tài khoản mạng xã hội của họ hiệu quả.

2. Liệt kê danh mục giá

Một khi đã tạo một danh sách dịch vụ, đã đến lúc bạn nên nghĩ về số tiền bạn yêu cầu cho mỗi hạng mục.

Không có lý do gì mà bạn không kiếm được nhiều tiền hơn từ công việc freelance cả, miễn là bạn cung cấp cho khách hàng sản phẩm chất lượng.

Hãy đi tham khảo mức giá thị trường, hoặc tính tiền theo giờ dựa trên mức lương bạn từng nhận được ở agency. Đừng đưa ra mức giá thấp hơn giá thị trường. Bạn nên biết giá trị của mình, cân nhắc thời gian hoàn thành cho mỗi nhiệm vụ để có mức giá phù hợp. Thời gian của bạn là vô giá, và các doanh nghiệp luôn có lý do để cập nhật mạng xã hội thường xuyên, bởi nó tốn thời gian.

Bạn thậm chí còn có thể yêu cầu nhiều tiền hơn mức giá bạn nghĩ. Chìa khóa ở đây là liên tục cung cấp nhiều hơn dịch vụ, sản phẩm bạn đã hứa và tạo điều kiện cho công việc phía khách hàng trơn tru nhất có thể.

3. Lập danh sách các doanh nghiệp bạn muốn giúp cải thiện mạng xã hội

Bạn có thể bắt đầu từ những doanh nghiệp quen biết, thường xuyên qua lại ở địa phương, hoặc có thể tìm hiểu tất cả mọi thứ qua mạng. Nhưng điểm mấu chốt ở đây là bạn phải khởi đầu với những doanh nghiệp mình thực sự hứng thú. Sáng tạo nội dung hợp pháp cho những nội dung bạn yêu thích sẽ dễ dàng hơn nhiều. Chỉ cần đảm bảo rằng bạn chọn doanh nghiệp có vẻ đang chật vật với truyền thông mạng xã hội.

Hãy tiến lên, tạo một danh sách thật dài, còn nhiều doanh nghiệp ngoài kia mà bạn chưa bao giờ nghĩ mình có thể liên lạc được. Và đừng lo lắng nếu bị từ chối. Hãy nghe theo lời khuyên của Steve Martin: “Be so good they can’t ignore you.” (Tạm dịch: Hãy tốt đến mức họ không thể nào phớt lờ bạn").

4. Tiếp cận từng doanh nghiệp với một proposal và một chiến lược cụ thể

Nếu bạn chăm sóc cho chính trang cá nhân của mình, khách hàng ắt cũng sẽ có niềm tin về những gì bạn làm cho mạng xã hội của họ. Bạn cần để cho khách hàng mục tiêu và khách hàng hiện tại thấy rằng bạn biết bạn đang làm gì, và bạn muốn giáo dục họ về lợi ích của việc thuê một cá nhân/đơn vị bên ngoài quản lý mạng xã hội.

Mỗi khách hàng nên có một chiến lược riêng biệt dựa trên mục tiêu và thị trường của họ. Đừng lo nếu thấy mình đang “tiết lộ” quá nhiều bí mật. Khách hàng hẳn sẽ yêu mến bạn nếu bạn làm mọi việc trơn tru, dễ dàng vì họ quá bận rộn vận hành doanh nghiệp, không có thời gian để tự mình xăm soi mạng xã hội.

Hãy nhớ rằng, bạn đang cung cấp cho họ sự tiện lợi. Nên hãy làm công việc tiện lợi với chất lượng tốt nhất có thể.

5. Sử dụng công cụ kỹ thuật số phù hợp để tối ưu hóa công việc

Có rất nhiều app và trang web tuyệt vời ngoài kia để bạn quản lý mạng xã hội. Khi doanh nghiệp của bạn phát triển, bạn sẽ muốn nghiên cứu bất kỳ dịch vụ nào khiến cho công việc của mình nhanh gọn hơn. Hootsuite, SproutSocial, MomentFeed,... sẽ giúp công việc của bạn thuận lợi hơn. Hãy sử dụng nó, nghiên cứu nó để tìm ra cái nào phù hợp nhất với mình.

Canva, PhotoGrid, and PicMonkey cũng là công cụ sáng tạo hình ảnh hỗ trợ đắc lực cho writer trên mạng xã hội.

6. Không ngừng học hỏi để cung cấp khách hàng giải pháp cải tiến

Hãy thử tưởng tượng một agency làm việc nhưng không bao giờ cải tiến để giúp khách hàng đạt được giá trị tốt hơn, không giúp khách hàng nâng cấp trang web hay hồ sơ. Thú thật điều này chỉ làm tình trạng của cả hai tồi tệ hơn.

Chẳng hạn như nếu khách hàng chỉ đang sử dụng Facebook, hãy khuyên họ dùng thêm và cung cấp cả gói dịch vụ Instagram hay Youtube. Hay nếu họ vẫn còn đang dùng Google+, một nền tảng ít người sử dụng, hãy thuyết phục họ chuyển sang một nền tảng khác.

Bất kỳ ai làm việc trực tuyến, cho dù ở trên mạng xã hội, thiết kế trang web,... buộc phải luôn thức thời, cập nhật xu hướng và công nghệ. Hãy nhớ rằng, tiếp thị mạng xã hội không đơn giản chỉ là tăng sales, nó còn là xây dựng mối quan hệ với khách hàng, là xây dựng niềm tin. Vậy nên hãy cung cấp những thứ tuyệt vời nhất mà bạn có.

Công việc viết lách ngày nay có nhiều lợi thế và vô cùng cạnh tranh. Các doanh nghiệp sẵn sàng trả cho agency những khoản tiền khổng lồ để quản lý mạng xã hội của họ. Vậy tại sao cá nhân không đứng ra thay thế cho những agency đó? Bạn hoàn toàn có thể tạo ra “đế chế” riêng của mình trên nền tảng mạng xã hội. Michael Thompson từng chia sẻ về việc ông liên lạc với nhiều doanh nghiệp khác nhau để cho họ thấy cách ông biên tập và nâng cấp câu chữ của họ. Bạn cũng có thể làm điều đó với các sản phẩm trên mạng xã hội.

Hãy tốt đến mức họ không thể nào phớt lờ bạn”.

Nếu thật sự giỏi với thứ bạn đang làm, và có một mạng lưới đủ rộng, bạn sẽ bất ngờ với những công việc mình nhận được. Tất cả chỉ cần một chút khôn ngoan thôi.

*Lược dịch và biên tập từ bài “How To Turn Your Social Media Habit Into Freelancing” của Shannon Ashley (Writerslife).

(1 ratings)

Tags: mạng xã hội, freelancer, thói quen