Người đăng: lanchi   Ngày: 06/06/2020   Lượt xem: 1203

Dù là người viết chuyên nghiệp đến đâu thì cũng khó đảm bảo là không bao giờ mắc lỗi. Đó chính là lý do mọi người viết đều cần một danh mục kiểm tra trước khi xuất bản tác phẩm của mình để hoàn thiện về mặt nội dung lẫn hình thức.

Danh mục cần có của mọi người viết trước khi xuất bản tác phẩm của mình

Đặt đúng câu hỏi khi biên tập sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và tối ưu chất lượng bài viết.

1. Nội dung

  • Liệu nội dung này có bền không?

Bài viết góp phần trả lời những câu hỏi chung về cuộc sống nhưng được viết dưới phong cách độc đáo của tác giả thường sẽ trường tồn với thời gian. Đó sẽ là những nội dung gợi mở hay giải đáp phần nào những câu hỏi như “Ý nghĩa cuộc sống là gì?”, “Làm thế nào để có được hạnh phúc?”, “Làm sao để đạt được mục tiêu?” Còn đối với những nội dung có phạm vi khá hẹp và theo trào lưu như về thời trang, ẩm thực,... thì bạn nên khai thác sâu và tìm những giá trị vững bền trong đó dù trào lưu có qua đi.

  • Điều tôi viết có liên quan đến người đọc không?

Một bài viết độc giả yêu thích là bài viết khiến họ nhìn thấy mình ở trong đó. Khi đọc được những bài viết đó, họ sẽ thốt lên “Đây chính là cảm xúc mà tôi không thể diễn tả bằng lời”, “Đây là lập luận mà tôi đã muốn đưa ra từ lâu nhưng không biết cách”, “Đây là dẫn chứng khoa học cho những gì tôi gặp phải mỗi ngày nhưng không thể giải thích”. Hãy tự đặt mình vào vị trí của độc giả và cảm nhận bài viết của bạn có đang giúp họ giải quyết một điều gì hay không. Viết về trải nghiệm của bản thân là một điều độc đáo, nhưng đừng sa bẫy kể lể quá nhiều về bản thân mà quên mất nhu cầu được đồng cảm, được thấu hiểu của độc giả.

  • Liệu góc nhìn này của tôi trong lĩnh vực có giá trị không?

Bạn có bao giờ để ý có một số chủ đề mình viết lại ít được nhận sự quan tâm của độc giả hơn một vài chủ đề khác chưa? Chẳng hạn như bài viết đưa ra quan điểm về giáo dục lại không được hưởng ứng bằng bài viết về sự sáng tạo hay lối sống. Một trong số những lý do có thể là góc nhìn của bạn trong lĩnh vực đó chưa đủ giá trị, chưa đủ độc đáo. Vậy nên bạn cần biết thế mạnh của mình là gì và tập trung đầu tư chất xám vào những lĩnh vực mà bạn am hiểu nhất.

2. Cấu trúc và độ dài

  • Nếu ai đó chỉ đọc phần mở đầu và kết luận, liệu ý chính của bài viết đã đủ rõ ràng?

Bạn sẽ khiến độc giả cảm thấy khó chịu và bị dắt mũi khi phần mở đầu không giới thiệu đúng về nội dung chính của thân bài. Bởi nó phóng đại, hoặc nó không liên quan, hoặc có nội dung không hề được đề cập ở bên dưới. Cũng giống như vậy, thật đáng tiếc khi kết bài lại giới thiệu một khái niệm hoàn toàn mới, hay không thể nào đáp ứng được kỳ vọng đưa ra ở mở bài. Mở bài là yếu tố quyết định độc giả có ở lại đọc nội dung chính của bạn hay không, và kết bài là “người phán quyết” bài viết có thực sự có giá trị không. Hai thứ này nên hòa hợp, ăn ý và tung hứng cho nhau.

  • Liệu trình tự sắp đặt các ý của bài viết có hợp lý không?

Người viết thường mắc lỗi là viết theo dòng suy nghĩ của mình như khi nói chuyện. Khi nói, chúng ta không có nhiều thời gian để suy nghĩ về tính logic hay súc tích như khi viết. Vậy nên nếu viết như nói, bài viết của chúng ta rất dễ bị lủng củng và thiếu thuyết phục. Viết như nói là một nghệ thuật. Hãy đưa độc giả trôi theo dòng suy nghĩ của mình nhưng phải có điểm neo để tâm trí họ được nghỉ ngơi, và phải có điểm nhấn làm món quà cho họ mang về sau khi đọc xong bài viết của bạn.

  • Liệu độ dài của bài viết có tương xứng với độ sâu của chủ đề không?

Khi tâm đắc với một chủ đề, người viết có xu hướng kể lể dài dòng; ngược lại, khi không hiểu sâu về một lĩnh vực, họ có thể viết ngắn và hời hợt. Đừng viết chỉ để đạt được số chữ mục tiêu đã đề ra, cũng đừng viết vì một chủ đề đang nóng mà bạn lại không có hiểu biết sâu sắc về nó. Độ dài cần phải tương xứng với độ sâu của bài viết. Trước khi thêm, bớt câu chữ, hãy tự hỏi: liệu những thứ này có mang lại giá trị cho độc giả không?

3. Tông giọng

  • Liệu độc giả có nhận ra đây là bài viết của tôi?

Khi nhắc đến Vũ Trọng Phụng, ta nhớ đến lối viết trào phúng sâu cay; khi đọc văn của Thạch Lam, ta cảm thấy nhẹ nhàng, sâu lắng và đượm buồn. Những người viết thành công là người sở hữu giọng văn riêng biệt. Vậy giọng văn của bạn là gì? Hãy bắt đầu từ bài tập nhỏ này. Chọn ra 3 từ thể hiện đúng con-người-khi-viết của bạn nhất, chẳng hạn như “thành thật”, “mơ mộng”, và “tinh nghịch”. Phối hợp những tính cách này lại, bạn có thể chọn ra một văn phong độc đáo chỉ riêng mình có.

  • Lối viết của tôi có dễ cho độc giả mục tiêu hiểu không?

Chẳng hạn bạn là một người đam mê lịch sử và muốn viết về nó, nhưng đối tượng mục tiêu của bạn lại là các em học sinh không có hứng thú với môn lịch sử. Vậy thì lối viết của bạn nên gần gũi, dễ hiểu hơn là quá học thuật và cứng nhắc. Hãy tự hỏi: Liệu bạn đã giải thích một chủ đề khó hiểu đủ cặn kẽ chưa? Liệu ngôn ngữ của bạn sử dụng có “dễ nuốt” hay không? Bạn có nỗ lực kết nối với độc giả bằng cách đặt ra những câu hỏi cho họ hay không?

  • Bài viết của tôi có khoảnh khắc “bừng sáng” nào hay không?

Có bao giờ bạn đọc một bài viết và cười phá lên hay thấy tim đập nhanh hơn, hay bỗng rưng rưng chỉ vì một hay vài chi tiết nào đó? Chỉ có cảm xúc từ trái tim mới chạm được trái tim. Vậy nên những câu chữ đó chính là sự kỳ diệu mà người viết đã sáng tạo nên từ chính những gì chân thật, thuần khiết nhất của họ. Hãy cố gắng đưa vào ít nhất một điểm “bừng sáng” như vậy trong bài viết của bạn. Để lộ chút yếu đuối trong con người bạn thường sẽ rất “ăn điểm” độc giả đấy. Nếu bài viết còn thiếu chi tiết này tức là nó vẫn chưa hoàn thiện.

4. Trau chuốt

  • Bài viết có chỗ nào lặp lại không cần thiết không?

Người viết sử dụng phép lặp phải có ý đồ, bởi đó là biện pháp tu từ, không phải là thứ có thể dùng bừa bãi. Từ đồng nghĩa cũng sinh ra là vì lẽ đó. Hãy không ngừng trau dồi vốn từ và cách diễn đạt qua sách, báo, từ điển,... để bài viết của mình không nghèo nàn từ ngữ, cách diễn đạt. Hơn nữa, bạn cần lưu ý nếu có câu hay đoạn nào đó giải thích lần nữa ý kiến đã nêu, đây có thể là nguy cơ độc giả bỏ ngang bài viết của bạn đấy.

  • Tôi đã kiểm tra kỹ lỗi chính tả, lỗi mô-rát, đường link và trích dẫn đúng nguồn hay chưa?

Một người viết chuyên nghiệp không thể mắc phải những lỗi chính tả cơ bản, đặt sai dấu câu, ngắt đoạn không đúng lúc,... Điều này thể hiện sự thiếu tôn trọng thời gian của người đọc. Bên cạnh đó, hãy thể hiện trách nhiệm trong việc sử dụng ngôn ngữ bằng cách tra từ điển xem bạn có sử dụng đúng ngữ nghĩa, có đặt từ vào đúng hoàn cảnh hay chưa,... Trước khi viết hay, hãy cố gắng viết đúng.

  • Bài viết của tôi có đa dạng hay không?

Bạn có sử dụng nhiều kiểu câu ngắn, dài khác nhau để nhịp đọc được thoải mái hơn hay không? Bạn có đa dạng hóa cách diễn đạt để lối viết không nhàm chán? Bên cạnh đưa ra những số liệu, bạn có cân bằng lại sự khô khan với một trích dẫn truyền cảm hứng hay chưa? Sự đa dạng và cân bằng luôn là yếu tố bạn cần cân nhắc để bài viết đạt được hiệu quả cao hơn.

5. Trình bày

  • Liệu hình thức trình bày chung của tôi có nhất quán không?

Hãy thử nhìn bài viết từ xa. Liệu các tiểu đề có chung kích thước không? Cách xuống dòng có tuân theo một nguyên tắc không? Các dấu đồng dòng có chung kiểu hay không? Độ dài các đoạn có quá chênh lệch hay không? Và còn nhiều hơn nữa...

  • Hình ảnh của tôi có bắt mắt, truyền tải đúng nội dung và được ghi nguồn đầy đủ chưa?

Đừng tiếc thời gian tìm kiếm hình ảnh thể hiện đúng ý đồ của bạn, bởi hình ảnh có tính quyết định sự hứng thú của độc giả đối với bài viết rất cao. Một số kho hình ảnh miễn phí bạn có thể cân nhắc đó là Unsplash, Pexels,... Bên cạnh đó, đừng quên ghi nguồn tại chú thích như một cách tôn trọng công sức của nghệ sĩ, cũng như cách bạn tôn trọng tác phẩm viết của mình.

  • Liệu giá trị của bài viết có được thể hiện rõ ràng hay không?

Đôi khi bài viết của bạn có nội dung vô cùng chất lượng nhưng người viết lại bỏ ngang chỉ sau đoạn mở đầu. Đó có thể là vì tiêu đề không diễn tả đúng những gì người viết sắp đọc. Đó có thể là các tiểu đề quá dài dòng và không thu hút. Đó có thể là những đoạn văn quá dài và không được ngắt dòng khiến họ không thể theo dõi đến cuối. Dù nội dung có đáng đọc đến mức nào, bạn cũng nên chăm chút những yếu tố hiển lộ mang tính quyết định kể trên.

Sẽ không ngoa khi nói rằng bước biến tập quyết định 70% thành công của một bài viết. Hãy thật kỹ lưỡng, cởi mở, tôi trọng thời gian của độc giả và tôn trọng công sức của chính mình.

(Lan Chi - Writerslife)

(2 ratings)

Tags: writer, người viết