Người đăng: writerslife   Ngày: 20/03/2020   Lượt xem: 1070

Nội dung từng là vua và nó vẫn đóng một vai trò nền tảng. Nhưng với sự cải tiến của công nghệ thì những sự kiện trực tuyến tốt hơn sẽ sớm ra đời, bởi sự kết nối cộng đồng đang là ưu tiên lúc này.

Nếu bạn sở hữu một thương hiệu - bất kỳ dạng thương hiệu nào - có lẽ bạn đang sản xuất nội dung. Nếu bạn sản xuất nội dung, những người có thể (hy vọng là) đang tiêu thụ nó đó là: subscriber - người đăng ký dài hạn, follower - người theo dõi, viewer - người xem hoặc reader - người đọc. Một cách lý tưởng, họ chính là khách hàng của bạn.

Content Marketing: Nội dung từng là vua. Tiếp theo sẽ là gì?

Nội dung không còn là vua, kết nối cộng đồng mới là điều quan trọng.

Đây là nhóm người yêu thích công việc của bạn, hỗ trợ thương hiệu của bạn, mua sản phẩm của bạn, thuê đội làm việc của bạn, quyên góp vì bạn, và còn nhiều nữa. Họ là cộng đồng của bạn.

Mọi thương hiệu đều sở hữu một cộng đồng

Sau khi một marketer xác định được cộng đồng của mình, dù nhỏ hay lớn, câu hỏi tiếp theo sẽ là: Làm sao để khiến cộng đồng của chúng ta tương tác?

Đây là chỗ mà nhiều công ty bị mắc kẹt.

Nhiều người tin rằng câu trả lời là: sản xuất nhiều nội dung hơn. Bởi nội dung là vua, đúng không?

Lý thuyết là thế này: bạn càng sản xuất nhiều nội dung, thương hiệu của bạn sẽ càng dễ trở thành top-of-mind (xuất hiện đầu tiên trong tâm trí khách hàng), càng hướng dẫn cho họ cách mua hàng, tái mua hàng.

Điều này có hiệu quả với các công ty trong nhiều năm, nhưng trong năm 2020, “nhiều nội dung hơn”, chính nó, không còn là câu trả lời nữa. Nhiều nội dung hơn sẽ hợp lý nếu bạn là một công ty truyền thông và nội dung chính là công việc kinh doanh của bạn, nhưng đối với một số thương hiệu, nhiều nội dung hơn chỉ là điểm khởi phát.

Tương lai của sự gắn kết cộng đồng nằm ở sự kết nối, không phải nội dung - là con người, không phải bài đăng.

Nội dung không phải là vua, nó là mẫu số chung

Trong những thập kỷ kể từ khi Bill Gates tung ra bài viết “Nội dung là vua” (1996), thế giới blog đã bùng nổ. Năm 1999, có 23 blog. Năm 2006, có 50 triệu blog. Ngày nay, có hơn 500 triệu blog. Cộng với sự lên ngôi của mạng xã hội, chúng ta đã chuyển từ bơi trong nội dung đến chìm trong nội dung.

Điều này có nghĩa là nếu chỉ sản xuất thêm một bài viết, thêm một video thì không thể nào khiến cộng đồng của bạn tham gia năng nổ được - khi mà họ có thể tìm hàng tá bài viết và video như thế ở đâu đó trên mạng.

Đúng là nội dung là thứ ban đầu mang mọi người lại gần nhau để tạo nên một cộng đồng - và có lẽ bạn nên nhắc nhở họ điều này thường xuyên - nhưng con người không đơn giản muốn có nhiều thông tin hơn.

Có một công ty đã biết được điều này từ rất nhiều năm: Facebook.

Điều Facebook biết

Bạn có thể thấy xu hướng cộng đồng ngày càng phát triển trên lộ trình của Facebook, một doanh nghiệp kiếm tiền từ cả nội dung lẫn cộng đồng. Trong khi việc đơn giản phân phối nội dung đến người dùng là con đường một chiều, Facebook đã tiến lên với nhiều công cụ, tính năng cùng các sự kiện mang tính xã hội và hợp tác hơn:

  • Vào năm 2015, Facebook Live mang con người xích lại gần nhau với những video thời gian thực (real-time video). Đó là một cách “chân thật” và sống-trong-hiện-tại hơn để con người tương tác với nhau. Khi Mark Zuckerberg nhìn thấy số liệu từ các bản phát hành đầu tiên của Facebook Live, anh và đồng đội của mình đã sớm biết nó sẽ bùng nổ. Trong bài The Untold Story of Facebook Live Fast Company viết: ”[Zuckerberg]... để ý thấy rằng, trung bình người ta xem livestream lâu hơn gấp 3 lần và bình luận nhiều hơn gấp 10 lần một video bình thường.”
  • Vào năm 2018, Facebook cho ra mắt Watch Parties, một cách để cùng xem video với người khác vào cùng một khoảng thời gian.
  • Vào năm 2019, toàn bộ dồn vào Facebook Groups. Zuckerberg đã công bố “Tương lai là riêng tư” tại hội nghị nhà phát triển F8 Facebook. Từ đó, chúng ta thấy được một sự thúc đẩy cho các Nhóm trên ứng dụng Facebook của mình.
  • Năm trước, 1.3 tỷ người sử dụng Facebook Messenger mỗi tháng.

Những nền tảng cộng đồng như Slack và Twitter cũng có động thái tương tự. Và sự thay đổi này giải quyết ba vấn đề của nội dung đơn thuần, vì lợi ích của nội dung.

Để tôi diễn tả với ví dụ.

Giả sử bạn đăng tải một video vào một nhóm Facebook có tôi là thành viên. Có ba vấn đề ngăn tôi không tiếp nhận nội dung này theo cách dễ dàng khiến tôi thành khách hàng tận tâm của bạn:

  • Vấn đề không đồng bộ - Có thể tôi không thấy được video đó cho đến ngày hôm sau. Chúng ta về cơ bản là đã bỏ qua nhau ở mức độ quan hệ.
  • Vấn đề về sự cô lập - Chẳng hạn, tôi xem video trên điện thoại một mình. Đó không phải là một trải nghiệm chung giữa chúng ta.
  • Vấn đề thụ động - Tôi không cần xem cái này. Nó không gấp. Bạn không chờ đợi tôi như bạn làm khi chúng ta ở bên nhau, gặp gỡ nhau ngoài đời.

Điều mà Facebook khám phá ra là một giải pháp dành cho những vấn đề này, là sự kết nối thời gian thực (real-time connection) với mặt đối mặt, sự tương tác hai chiều xung quanh một trải nghiệm chung giữa một nhóm kín.

Nói cách khác, đó là một sự kiện.

Hãy nghĩ về điều này. Sự kiện là thứ:

  • Sống động - bạn tham gia nhiệt tình và hiện diện.
  • Kết nối - bạn gặp gỡ người mới, tham gia vào một “bộ lạc” và tạo mối quan hệ.
  • Mặt-đối-mặt - bạn gặp ai đó theo cách rất thật và riêng tư.
  • Giao tiếp hai chiều - Bạn có được một cuộc hội thoại và sự phối hợp thực.
  • Trải nghiệm chung - Bạn đang tạo ra một sự kết nối với những người cũng đang trải qua điều giống bạn.

Ngành công nghiệp kinh doanh sự kiện là trò chơi nghìn tỷ (đô). Người ta sẵn sàng trả rất nhiều tiền cho một phần của sự kiện. Chẳng hạn, vé early-bird (người mua sớm WSJ Tech Live, sự kiện công nghệ hàng đầu của Wall Street Journal, giá khởi điểm là từ $6,500.

Con người muốn kết nối với người khác

Gần đây tôi có một cuộc trò chuyện với giám đốc tiếp thị của Amazon, người đứng đầu một chương trình trả phí cung cấp sự trợ giúp đến những người bán hàng trên Amazon. Cô ấy nói rằng cô ấy đã làm một khảo sát những thành viên trong cộng đồng và phát hiện ra 98% hứng thú gặp gỡ để họ có thể học hỏi bí quyết lẫn nhau.

Cơ hội ở đây là để các thương hiệu tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng của họ - và sự kiện có thể là một cách tuyệt vời để làm điều đó.

Sự kiện cung cấp cho thương hiệu của bạn rất nhiều lợi ích, bao gồm những phản hồi thị trường trực tiếp, các quan hệ đối tác trọng yếu, sự hài lòng của thành viên, và cơ hội cũng như leads. Mặt khác, nếu bạn từng tổ chức một sự kiện, bạn có thể biết rằng công việc đó việc đó vất vả thế nào. Nó rất áp lực. Và tốn tiền. Đồ ăn và thức uống. Phí du lịch. Địa điểm. Vệ sinh. An ninh. Thời tiết xấu.

Nhưng giả như bạn có thể loại bỏ hết những rào cản này?

Giả như bạn có thể chắt lọc lợi ích của một sự kiện thành giá trị cốt lõi là những kết nối mới và nội dung tuyệt vời - và khiến cả thế giới đều có thể tiếp cận đến nó mà không phá hỏng nó? (Rốt cuộc, các sự kiện có thể gây thiệt hại nặng nề lên môi trường.)

Những sự kiện trực tuyến tiến bộ hơn sắp ra đời

Nếu bạn từng tham gia một sự kiện ảo hoặc hội thảo trên web, bạn sẽ biết nhiều trong số đó có thể là những trải nghiệm tệ hại. Những sự kiện ấy chỉ một chiều, lạnh lẽo và không có tính kết nối.

Vấn đề ở đây là những nền tảng giúp sự kiện này diễn ra tập trung quá nhiều về khía cạnh nội dung và quên mất khía cạnh kết nối. Một sự kiện hay lại sở hữu cả hai. Sự kiện nếu chỉ tập trung xoay quanh Powerpoint là một bước lùi, trong khi một sự kiện trực tuyến kêu gọi con người là một bước tiến để kết nối họ. Đây chính là nơi phép màu xảy ra. Đây là nơi ý tưởng nảy sinh, mối quan hệ hợp tác được thiết lập, doanh nghiệp được khởi động và cảm hứng trở nên bay bổng.

Đến nay, trải nghiệm của các sự kiện ảo đã lan rộng, nhưng khi công nghệ trải nghiệm được cải thiện, hãy chuẩn bị cho một làn sóng mới.

Tôi đã xác định 5 xu hướng kinh doanh có nhu cầu tăng cao và sẽ hiện diện khắp nơi...

  • Toàn cầu hóa: Cộng đồng mạng tiếp tục kinh doanh vượt biên giới.
  • Biến đổi khí hậu: ngày càng được thảo luận, nhấn mạnh, và ngày càng trở thành một vấn nạn cấp bách.
  • Công việc từ xa (Remote job): Việc cải tiến công nghệ (Slack, Notion, Airtable, Monday, etc.) đã làm cho hình thức làm việc từ xa trở thành tương lai của công việc.
  • Live stream: Công nghệ video cũng cải tiến và bùng nổ theo hướng sáng tạo.
  • Tương tác thực tế ảo: vẫn còn non trẻ nhưng đã có các bước tiến ở các trường hợp sử dụng hằng ngày.

Kết luận? Hãy bắt đầu nghĩ về những chiến lược sự kiện trực tuyến cho cộng đồng của mình - không chỉ còn là chiến lược nội dung nữa. Hãy để mắt đến những nền tảng “kết nối trực tuyến” đang lên ngôi. Hãy bắt đầu tổ chức những sự kiện thí điểm và kiểm tra xem cái nào phù hợp với cộng đồng của bạn. Điều này đặc biệt thích hợp với các công ty ở xa và các công ty có đối tượng ở toàn cầu.

Chẳng bao lâu nữa, tôi tin rằng mọi tổ chức sẽ có những cuộc họp, hội nghị riêng, cho dù đó là trực tuyến hay ngoại tuyến hoặc kết hợp cả hai, để kết nối cộng đồng của mình. Hãy đón chờ để thấy những nền tảng sự kiện trực tuyến mới và cải tiến để hỗ trợ xu hướng này. Hãy đón chờ để thấy những công ty có ý thức về môi trường chuyển đổi hình thức sự kiện sang trực tuyến.

Đối với marketer, nội dung từng là vua và nó vẫn đóng một vai trò nền tảng. Nhưng với sự cải tiến của công nghệ thì những sự kiện trực tuyến tốt hơn sẽ sớm ra đời, bởi sự kết nối cộng đồng đang là ưu tiên lúc này.

(Theo entrepreneurshandbook - Writerslife dịch)

(2 ratings)

Tags: content, nội dung, content marketing