Người đăng: phanlinh   Ngày: 21/04/2020   Lượt xem: 1589

Cách đây 10 năm, mình chưa từng nghĩ tới việc sẽ kiếm tiền từ các công việc từ xa và trực tuyến. Mọi thứ thay đổi khi mình bắt đầu rời khỏi Việt Nam và sống ở một đất nước mới. Mình bắt đầu viết trực tuyến và làm việc từ xa. Có thể gọi là hoàn cảnh xô đẩy. Và mình đã thực sự trở thành một người viết online, làm việc tại nhà toàn thời gian trong hơn 2 năm qua.

Tháng 3/2020, cả thế giới đóng cửa vì đại dịch, và cuối tháng đó mình nhận về số tiền khoảng hơn $5000 sau thuế – có lẽ là số thù lao lớn nhất từ viết và các công việc liên quan tới viết kể từ năm 2018. Mình nghĩ chắc sẽ có nhiều người muốn đọc những kinh nghiệm và bài học xương máu của mình.

Công thức đơn giản để một cây viết kiếm tiền thành công

Thật khó để nói rằng công thức sau đây có hiệu quả với bạn hay không, vì chúng ta khác nhau về hoàn cảnh, học vấn, tư duy, IQ, EQ, khả năng tự nhận thức… Nhưng mình nghĩ có thể nó sẽ là một gợi ý không tồi để giúp bạn thực hiện mọi thứ dễ dàng hơn.

Công thức đó là: 1-1-2-4-2

  • 1 năm chuẩn bị
  • 1 chiếc blog
  • 2 cuốn sách/tháng
  • 4 ngày làm việc/tuần
  • và 2 tiếng tập viết/ngày

1 năm chuẩn bị – 12 bước

Thực tế mình đã mất nhiều thời gian và công sức hơn để có thể chuẩn bị cho sự nghiệp ngày hôm nay (có lẽ là vài năm chứ không phải 1 năm). Vì bạn may mắn và biết tới những điều này sớm hơn, bạn sẽ cần ít thời gian hơn (nhưng không phải là ít nỗ lực hơn nhé). Để trở thành một cây viết và làm việc online, bạn có thể sẽ cần trải qua những bước cơ bản và bạn có thể tìm thấy nó tại đây. Mình tin rằng 1 năm với sự tập trung, hiểu biết và kiên định, bạn có thể bắt đầu gặt hái thành công.

Quay lại với sự chuẩn bị. Mình đã dành vài năm kiếm tiền, học đủ thứ có lẽ cũng là để chuẩn bị nhưng thực tình lại không biết rằng những gì mình đang làm lúc đó là một sự chuẩn bị. Mình chỉ viết vì đơn giản là rảnh rỗi, thích viết, và thích có việc để làm.

Bạn có thể cần ít hơn 1 năm, hoặc là nhiều hơn, phụ thuộc vào chính bạn thôi. Mình là người thích ứng và nắm bắt các kiến thức mới khác nhanh. Hãy nhớ là, nếu bạn chẳng làm gì thì bạn sẽ mãi mãi mắc kẹt ở bước này.

Một blog/website

Kể từ 2014 tới 2018 mình đã lập – xóa – lập – bỏ – lập … khoảng 5-6 cái website khác nhau. Từ portfolio cá nhân cho tới blog về đủ các chủ đề khác nhau. Đó đúng là một trải nghiệm tốn thời gian và tốn kém, trong khi rõ ràng bạn không cần như vậy.

Tuy nhiên, nhất thiết cần có một chiếc blog để bắt đầu sự nghiệp của bạn, dù bạn muốn làm blogger, writer, author hay là gì đi chăng nữa. Nếu muốn viết chuyên nghiệp và kiếm tiền chuyên nghiệp nhờ viết lách online, bạn sẽ cần tới nó và cũng cần học cách làm thế nào để xây dựng và phát triển nó (cả về nội dung lẫn kỹ thuật). Không phải tự nhiên mình lại đưa việc phát triển blog, email marketing vào thành một trong những bước quan trọng trong 12 bước để bạn có thể trở thành một cây viết toàn thời gian.

Blog là nơi không chỉ giúp người khác biết bạn viết như thế nào, viết về cái gì mà nó còn là nơi giúp bạn xây dựng cộng đồng, tiếp thị và có thu nhập thụ động. Bạn có thể sử dụng dịch vụ tạo blog miễn phí trên các nền tảng như wix, wordpress… và tới lúc sẵn sàng thì chọn và mua một tên miền phù hợp để bắt đầu công việc chuyên nghiệp hơn.

2 cuốn sách/tháng

Bạn sẽ tìm kiếm được nhiều ý tưởng không chỉ trong việc viết, mà còn là tư duy kinh doanh, phát triển thương hiệu khi đọc sách. Không bao giờ là thừa khi dành thời gian để đọc sách, hãy đặt mục tiêu hoàn thành 2 cuốn sách mỗi tháng.

Mình không thích đọc sách văn học, mà thường tìm tới sách kỹ năng, chuyên môn cả tiếng anh và tiếng việt. 60% sách mình đọc nhiều nhất là: sách về parenting/tâm lý học trẻ em, sách về kỹ năng viết và sách về tư duy kinh doanh trực tuyến. Riêng sách về kinh doanh trực tuyến bằng tiếng Việt chưa có nhiều, nên một số sách tiếng Anh thì thấy hay là The 4-hour Workweek (Sách tiếng việt đã có và tựa là Tuần làm việc 4 giờ) và Thank you Economy. Tháng 6 này cuốn sách về nghề viết tự do (freelance writer) sẽ được xuất bản và chính thức phát hành ở thị trường Việt Nam, các bạn nhớ tìm đọc nhé.

Bạn sẽ thấy mình cần trang bị cả kỹ năng mềm, chuyên môn mà bạn nghĩ là không cần, cả những bài học cụ thể của người đi trước để có thể điều hành kinh doanh một thứ gì đó, nhất là trên môi trường trực tuyến.

4 ngày làm việc/tuần

Tại sao lại là 4 ngày?

Xuyên suốt thế kỷ 20, các học giả và các nhà hoạt động xã hội đã dự báo khi năng suất tăng lên, số giờ làm trung bình của người lao động sẽ giảm đi. Năm 1928, nhà kinh tế học John Maynard Keynes từng dự báo trong một thế kỷ tới, tuần làm việc chỉ còn 15 tiếng mà thôi.

Một số lãnh đạo công nghệ cấp cao, như đồng sáng lập Google Larry Page, cũng ủng hộ tuần làm việc 4 ngày, và các nghiên cứu đã cho thấy lịch làm việc như vậy sẽ mang lại nhiều lợi ích, như giúp giảm tình trạng kiệt sức và giảm sự bất bình đẳng giới tính.

Tuy nhiên, tuần làm việc 4 ngày vẫn chưa thể được triển khai trên quy mô rộng. Vậy thì sao bạn không tự thử nghiệm với chính mình?

Khi còn đi làm fulltime song song với các dự án cá nhân, mình thường dành khoảng 3-4 tiếng đầu ngày để làm việc của mình, trước khi ăn sáng và đi làm. Thói quen dậy lúc 3h sáng hình thành sau khi sinh em bé đầu tiên và duy trì cho tới tận bây giờ, sau hơn 5 năm. Mình sẽ thường làm các việc mới vào thứ 4-5-6-7, còn lại, có thể làm những việc ít quan trọng hơn và không cần ngồi lâu bên máy tính. Việc làm thời gian ít hơn nhưng tập trung hơn và có các mục tiêu rõ ràng hơn giúp cho năng suất của mình cao hơn. Có những ngày mình chỉ mất 3-4 tiếng để hoàn thành bài viết cho cả tuần nếu cảm hứng tăng cao.

Sau này, khi làm việc hoàn toàn tại nhà, mình cũng thường chỉ tập trung làm việc vào thứ 3-4-5-6 vì cuối tuần cần phải dành thời gian cho gia đình và bọn trẻ.

Tóm lại thì không cần thiết mỗi ngày các bạn cần làm một ít, mà quan trọng là có mục tiêu rõ ràng, có thời gian biểu cụ thể và tránh phân tâm khi làm việc. Khi đó dù là 4 ngày hay ít hơn, bạn cũng hoàn toàn có thể hoàn thành năng suất tốt hơn cả khi bạn làm nhiều ngày nhiều giờ hơn.

2 giờ tập viết/ngày

Nếu bạn mới bắt đầu, 2 giờ có thể chưa phải là con số tối đa. Mình vốn từng dùng nhiều hơn thế để ngồi nghiên cứu và viết, và đây là những gì mình có thể sản xuất trong một tuần ở thời điểm hiện tại:

  • Ít nhất 02 bài viết 1000-1500 từ trên facebook cá nhân
  • Ít nhất 02 bài viết 700 – 1000 từ cho một khách hàng cá nhân
  • Ít nhất 04 bài viết 300 từ cho một khách hàng cá nhân khác
  • Ít nhất 01 bài 1000 từ cho 1 dự án giáo dục mình làm cố vấn chuyên môn
  • Ít nhất 02 bài viết 2000 từ cho 2 bài báo (theo đặt hàng)
  • Ít nhất 03 bài viết mới 1500 – 2500 từ trên blog cá nhân (hoặc group)

Tổng cộng một tuần mình viết khoảng từ 14000 – 19,000 từ/tuần, tương đương khoảng 2,000 – 2,700 từ/ngày. Chưa kể là có những thời gian mình còn viết sách, viết newsletter, viết thư trả lời và tư vấn học viên.

Mình đã duy trì số lượng này trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, trước đó thì ít hơn vì không phải làm fulltime freelancer. Hãy thử đo lường hiệu suất hiện tại của bạn, xem trong 1 giờ bạn có thể viết được bao nhiêu chữ hoặc liệu có thể hoàn thành một bài viết hoàn chỉnh trong một khoảng thời gian nhất định hay không. Sau đó đặt ra mục tiêu cao hơn và cố gắng đạt được nó.

Bạn cũng có thể sử dụng kỹ thuật Pomodoro (được phát triển từ những năm 80 bởi Francesco Cirillo):

  • Bạn đặt đồng hồ cho 25 phút và tập trung tối đa cho việc cần làm mà không bị gián đoạn
  • Bạn nghỉ 5 phút sau đó lại tiếp tục lặp lại quá trình này 4 lần
  • Sau lần thứ 4, bạn nghỉ 15-20 phút hoặc lâu hơn

Vừa hay để hoàn thành xong một chu kỳ áp dụng Pomodoro này bạn cũng cần 2 tiếng. Hãy áp dụng nó khi tập viết nhé vì nó sẽ giúp bạn có động lực viết, giới hạn xao nhãng, theo dõi được thời gian bạn tiêu tốn cho ý tưởng hay biên tập, giảm đau cổ – lưng hay mỏi mắt.

Mình sẽ chia sẻ một bài viết để tăng tốc độ viết của bạn sau.

Nguồn thu nhập sẽ đến từ đâu

Chắc sẽ nhiều bạn tò mò về điều này. Nếu bạn viết lách và kiếm tiền nhờ viết lách trực tuyến hay từ xa giống như mình, thì bạn sẽ có thể kiếm được nhờ:

  • Viết báo, tạp chí hoặc các trang thông tin trả tiền cho người viết
  • Hướng dẫn viết cho cá nhân (writing coach)
  • Diễn giả trong các sự kiện hoặc viết bài giới thiệu, hợp tác truyền thông với các agency
  • Tư vấn và triển khai nội dung cho các công ty, doanh nghiệp, thương hiệu trên truyền thông xã hội và trực tuyến
  • Viết hộ cho người khác (sách, social posts)
  • Dạy các khóa học trực tuyến
  • Tiếp thị liên kết và quảng cáo (từ blog của bạn)
  • Viết sách hoặc các tài liệu dạng digital products

Trong số 8 nguồn thu nhập trên, thì số 1,2,5,6 hiện tại đang mang lại nguồn thu nhập lớn nhất cho mình mỗi tháng.

Có thể bạn đang tự hỏi “Vậy thì tôi có thể bắt đầu ở bước nào hay cách nào trước?”. Thực ra là không quan trọng bạn bắt đầu từ đâu. Chúng ta có thể làm tất cả hoặc chỉ một trong số đó. Điều quan trọng mà bạn cần quan tâm đó là:

  • Bạn đã quyết định làm gì chưa? Tại sao?
  • Bạn đã nỗ lực để tập luyện viết mỗi ngày và bám sát mục tiêu của mình chưa?
  • Bạn đã xây dựng được những thói quen để có thể kiếm được tiền từ viết lách trên internet chưa?
  • Bạn có thể biết cách để tìm kiếm và kết nối với những khách hàng của mình chưa?
  • Bạn có biết mình cần gì và phải trở nên như thế nào để tăng thu nhập nhờ viết lách không?

Điều cuối cùng là rất quan trọng. Mình đã phải nỗ lực rất nhiều để thay đổi tư duy, nhận thức, thái độ trong làm việc, để nỗ lực, quyết tâm nhiều hơn nhưng luôn luôn khiêm tốn và sẵn sàng hỗ trợ người khác.

Nhiều người bị lạc lối khi bắt đầu được biết tới nhiều hơn hoặc kiếm được nhiều tiền một chút. Họ cho rằng chỉ cần có website để đặt link tiếp thị, để chạy quảng cáo rồi ngồi “rung đùi” là có tiền. Họ cho rằng chỉ cần có các mối quan hệ, cần có máy tính xịn, cần ý tưởng phải thật độc đáo… Rất nhiều bước vô nghĩa mà nhiều người cố gắng thực hiện.

Không có cách nào để bạn làm việc tốt hơn bằng cách không ngừng làm việc. Bạn có thể thuê người khác làm, đốt cháy giai đoạn hoặc gian lận, xây dựng một hình ảnh ảo không thực tế. Bạn sẽ sớm thất bại hoặc người ta sẽ sớm rời bỏ bạn mà thôi.

Bất cứ điều gì bạn làm, muốn có kết quả tích cực, đều cần nỗ lực lớn.

Bài viết này của mình, để hoàn thiện cũng cần một nỗ lực, khi cứ ngồi được 5 phút thì lại phải “nhấc mông” lên để chơi với tụi trẻ con (do cả nhà đang nghỉ ở nhà vì dịch). Nhưng mọi thứ ở thời điểm xuất phát, nếu biết sau này chắc chắn thành công hay thất bại thì có lẽ chẳng còn gì để nói. Mình cũng không có tài năng gì đặc biệt, ngoài sự nỗ lực. Mình cũng không phải thuộc kiểu người đầy rẫy ý tưởng sáng tạo và khác biệt. Cũng chẳng có ai là người cố vấn hay dẫn dắt mình trước đây.

Điều khiến mình có được $5000 tháng vừa rồi có lẽ chính xác là công thức và quá trình ở trên. Có một thói quen, có một mục tiêu, có những cuốn sách, có ưu tiên thời gian tập luyện và cảm giác hạnh phúc, tích cực khi được viết mỗi ngày.

Ai cũng có thể làm được, nếu đủ nỗ lực.

(Fb Phan Linh)

(2 ratings)

Tags: viết lách, công thức, writer