Người đăng: Thu Trang   Ngày: 09/03/2020   Lượt xem: 3323

Không ít bạn sau khi đọc post chia sẻ về bản thân có hỏi mình "kiếm tiền từ công việc viết lách như nào?!"

Thú thực đây là một câu trả lời thiệt dài và khó trả lời đầy đủ, cặn kẽ. Trong vốn hiểu biết và kinh nghiệm hạn hẹp, mình xin chia sẻ với các bạn một vài công việc "nho nhỏ" mà các bạn có thể lưu tâm, để ý.

Đầu tiên, những người thích viết lách thông thường luôn có chút năng khiếu với công việc này. Làm gì cũng thế, có năng khiếu là một khởi đầu thuận lợi không hề nhỏ. Tuy nhiên, chỉ với năng khiếu thôi thì chưa đủ. Có cả chục công việc liên quan đến viết lách, sử dụng viết lách là công cụ. Vì thế để có thể "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", trở thành một người chuyên nghiệp trong nghề, bạn cần phải trải nghiệm, học hỏi và rèn luyện rất nhiều thứ.

1. Content Marketing

Đây là môn căn bản không thể thiếu trong marketing. Đúng như tên gọi của nó, đây là công việc của xây dựng nội dung và tư duy chiến lược. Để có thêm thu nhập từ việc làm Content đòi hỏi bạn phải có kĩ năng và chuyên môn cao. Bên cạnh đó, bạn cần phải tạo dựng thương hiệu của mình để được khách hàng biết đến.

Content is King vẫn đúng trong mọi trường hợp!

2. PR (Public Relations - Quan hệ công chúng)

Nó bao gồm truyền thông nội bộ và đối ngoại, event sự kiện. PR vẫn luôn là một dòng chảy quan trọng của marketing truyền thông. Với nhiều ngành cập nhật liên tục thì PR còn quan trọng hơn nữa. Mà người làm nghề thì rất thiếu nên nếu các bạn muốn làm chắc có khá nhiều nơi welcome. Đây là một ngành nghề sôi động và cạnh tranh khốc liệt. Với những bạn nữ khéo léo, có lợi thế ngoại hình và kỹ năng giao tiếp tốt... không thiếu đất dựng võ cho các bạn!

Thu nhập tốt, quen biết nhiều vip, được đi đây đi đó nhiều, check in những nơi sang chảnh... tại sao lại không thử?!

3. Social Media Marketing

Đây có thể hiểu là các hoạt động Marketing được thực hiện trên các kênh social (mạng xã hội) nhằm thu về các hiệu quả nhất định như lượt tương tác với người dùng, gia tăng nhận thức của người dùng về dịch vụ, sản phẩm, đặc biệt là thúc đẩy hành vi mua hàng và sở hữu sản phẩm của người dùng thông qua mạng xã hội.

Ngành này đặc biệt thiếu. Nếu để làm tốt nó, cần phải thấu hiểu và sống với nó. Là một ngành tuổi đời còn khá trẻ, luôn đổi mới và biến động, bạn phải tự học, tự đọc, tìm hiểu và trau dồi thật nhiều.

4. Dịch thuật

Nếu có Tiếng Anh hay một ngoại ngữ khác tốt thì biên dịch là công việc rất phù hợp vì viết lách giỏi thì bản dịch sẽ tự nhiên hơn và cách diễn đạt thu hút hơn. Và với những người giỏi ngoại ngữ vì có vô số công việc hấp dẫn để họ lựa chọn!

5. Viết Review

Nghề review là một nghề khá phổ biến đối với giới trẻ ngày nay. Chỉ với những sự trải nghiệm của chính bản thân về sách, truyện, phim ảnh hay thâm chí là đồ ăn khiến cho cộng đồng được truyền cảm hứng và giúp cho các nhãn hàng, cửa hàng tăng doanh thu nhờ vào bài viết của bạn. - Công việc này về mặt nào đấy cũng chính là những người viết content marketing.

Như mình chơi và có mối quan hệ với khá nhiều nhà sách, đơn vị xuất bản. Thỉnh thoảng, họ lại gửi sách tặng mình. Trừ những cuốn đặc biệt thích thú, còn hầu như mình không thể đọc hết. Tuy nhiên mình vẫn lướt qua để nắm tổng quan và focus vào 1 vài nội dung quan trọng để trả cho họ một vài comment, post 1 vài review về cuốn sách mà mình tâm đắc trên 1 vài group có các bạn cùng sở thích, quan tâm.

Sự phản hồi giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng dù ở ngành nào cũng rất quan trọng!

6. Nhà văn, nhà thơ

Từ yêu thích viết lách đến trở thành một nhà văn là một chặng đường từ dài đến rất dài. Và cũng có một thực tế là rất ít nhà văn ở Việt Nam có thể sống tốt, sống khỏe chỉ với mỗi nghề mà không làm thêm những công việc khác liên quan như viết báo hay làm truyền thông, biên tập.

Nhưng nếu bạn thực sự có đam mê tại sao lại không mơ ước và khát vọng. Hãy nhìn bác Nguyễn Nhật Ánh làm mục tiêu và nỗ lực không ngừng...

7. Nhà báo

Với người làm báo, yêu thích viết lách thôi chưa đủ. Báo chí rộng lớn như chính đời sống xã hội với cả trăm vấn đề cần follow. Để là nhà báo theo dõi mảng ngân hàng, bạn không thể không có kiến thức về tài chính. Bạn làm mảng thời sự nội chính, không thể không có kiến thức chính trị, kinh tế vĩ mô...

Vì thế kể cả học trường báo ra cũng rất nhiều người nhảy sang những công việc khác chứ không làm báo. Trong khi đó không ít bạn học những ngành khác như thương mại, kinh tế, tài chính... lại bén duyên với nghề. Nhờ có kiến thức nền tốt nên khi được bổ sung kỹ năng, công cụ, họ mau chóng thành công và có chỗ đứng trong nghề!

8. Freelance, blogger

Khi bạn đủ chuyên nghiệp và thấy mình đã là 1 chuyên gia trong bất cứ ngóc ngách nào của nghề viết lách, bạn có trở thành "ông chủ" của chính mình. Khi là 1 "cáo" trong nghề, bạn có thể cộng tác với hàng chục nơi, làm partime tất cả những công việc bên trên, nhận lương theo job tùy thích... miễn là có năng lực!

Bài viết vội vàng sau giờ nghỉ trưa khó có thể đủ đầy. Mình chờ phản hồi, chia sẻ từ các bạn để có thể bổ sung dầy dặn hơn.

(Fb Tuan Viet Cao)

(22 ratings)

Tags: viết lách, writer