Người đăng: writerslife   Ngày: 10/05/2020   Lượt xem: 1804

Writer’s block là một cụm từ quen thuộc chỉ tình trạng bí ý tưởng, tắc nghẽn cảm hứng của người viết. Vậy các nhà văn nổi tiếng đã đánh bại nó và đánh thức dòng chảy sáng tạo trong mình như thế nào? Một số người viết tranh luận rằng “writer’s block” là thứ không có thật, nó chỉ là lời biện minh khi chúng ta trì hoãn. Đồng tình với điều này, William Faulkner có một câu nói nổi tiếng rằng: “Tôi chỉ viết khi mình có cảm hứng. May mắn thay tôi được khơi gợi cảm hứng vào đúng 9 giờ mỗi sáng.” Tuy nhiên, cũng có nhiều tác giả cảm thấy việc viết mỗi ngày trong cùng một khung giờ cố định không giúp gì nhiều cho họ. Đúng khung giờ đó, họ ngồi vào bàn, nhưng mấy tiếng đồng hồ vẫn không thể viết được gì. Tất nhiên mỗi người có một lựa chọn khác nhau, tuy nhiên chúng ta không nên để tình trạng này kéo dài nếu muốn trở thành một người viết chuyên nghiệp.

7 chiến thuật đánh thức cảm hứng sáng tạo từ các writer có tiếng

Dưới đây là cách 7 nhà văn nổi tiếng trên thế giới đánh bại sự tắc nghẽn ý tưởng đó.

1. Chiến thuật “Cứ viết đi” (“Just Write”) của Maya Angelou

Viết lách cũng giống như bất kỳ loại hình nghệ thuật hay thể thao nào. Luyện tập tạo nên sự hoàn hảo. Như chúng ta thấy, nhiều tác giả tranh cãi rằng cảm hứng chỉ đến khi bạn thúc ép bản thân đặt bút xuống viết mỗi ngày. Mẹo ở đây là đừng nghĩ quá lên về nó. Cứ viết những thứ vô nghĩa nếu bạn buộc phải làm thế. Dù sao thì hãy cứ viết, cho dù bạn có hài lòng với kết quả cuối cùng hay không.

Maya Angelou giải thích điều này trong quyển sách Writers Dreaming rằng:

“Tôi cho rằng tôi thỉnh thoảng thật sự bị “mắc kẹt” nhưng tôi lại không muốn gọi nó như vậy. Nói như kiểu tôi cho cảm hứng nhiều sức mạnh hơn tôi muốn nó có vậy. Điều tôi cố gắng làm là viết. Bạn biết đây, tôi có thể dành 2 tuần viết một câu “con mèo ngồi trên tấm thảm, vậy đó, không phải con chuột”. Và có lẽ đó là câu văn kinh khủng và nhàm chán nhất đời. Nhưng tôi cố gắng. Khi tôi viết thì tôi chỉ viết thôi. Và rồi sau đó “nàng cảm hứng” thấy bị thuyết phục vì sự nghiêm túc của tôi nên nàng sẽ nói: “Được rồi, được rồi. Ta đến đây.”

2. Chiến thuật “Viết hẹn giờ” (“Timed Writing”) của Anthony Trollope

Là một trong những tiểu thuyết gia thành công nhất của thời đại Victoria, Trollope đã tìm ra một thói quen viết lách hàng ngày khiến ông xuất bản sách với tốc độ kinh ngạc. Trong vòng 35 năm, ông đã viết 47 quyển tiểu thuyết cũng như nhiều truyện ngắn, sách phi tiểu thuyết và vở kịch khác.

Ấn tượng hơn, ông làm hết tất cả những thứ đó khi đang làm một công việc đòi hỏi cao là thanh tra bưu điện. Công việc của ông yêu cầu ông phải đi nhiều nơi và duy trì một lịch trình bận rộn.

Điều này có nghĩa là khi ngồi xuống viết, ông ấy cần bảo đảm mình đạt được mục tiêu số từ mỗi ngày.

Trong cuốn tự truyện của mình, ông đã mô tả chiến thuật mà ông đã sử dụng:

Nó là “phong tục” của tôi, đến nay vẫn vậy, mặc dù gần đây tôi hơi khoan dung với chính mình, khi yêu cầu bản thân viết 250 từ trong vòng 15 phút. Tôi phát hiện ra 250 từ thường được hoàn thành sớm hơn trước khi đồng hồ kêu.

Cách phân chia thời gian này cho phép tôi sản xuất hơn 10 trang của một tập tiểu thuyết thông thường mỗi ngày. Và nếu cứ duy trì như thế trong vòng 10 tháng, thì kết quả có được sẽ là 3 quyển tiểu thuyết gồm 3 tập mỗi năm.

Chiến thuật “Viết hẹn giờ” của Trollope cực kỳ hiệu quả bởi ông cam kết tắt hết mọi thứ gây xao nhãng trong khoảng thời gian đó. Ông ép bản thân chỉ tập trung vào tiếng tích tắc của đồng hồ và câu chữ của ông mà thôi.

3. Chiến thuật “Ngủ đông” (“Hibernation”) của Neil Gaiman

Đôi khi chiến thuật 1 và 2 không có hiệu quả. Có lẽ bạn đang viết quyển tiểu thuyết một cách hào hứng, rồi bất thình lình hoàn toàn không biết câu chuyện nên kết thúc như thế nào. Hay bạn đang viết một bài blog, nhưng không thể tìm ra cách viết kết bài. Neil Gaiman đưa ra lời khuyên như thế này:

“Hãy để nó [bài viết của bạn] sang một bên vài ngày, hoặc lâu hơn, hãy làm việc khác, cố gắng không nghĩ về nó. Sau đó ngồi xuống và đọc nó (in ra là cách tốt nhất đối với tôi) như thể bạn chưa bao giờ xem nó trước đây. Hãy bắt đầu lại từ đầu. Viết nguệch ngoạc lên bản thảo nếu bạn thấy có điều gì muốn thay đổi. Và thường là, khi đi đến cuối bạn sẽ thấy vừa nhiệt huyết sôi sục vừa biết rằng những câu chữ tiếp theo nên viết là gì. Và bạn làm điều đó từ từ từng từ một.”

4. Chiến thuật “Viết cho Một người” (“Write to One Person”) của John Steinbeck

Nếu trường hợp xấu là sự cầu toàn đang tạo ra sự tắc nghẽn, có lẽ bạn sẽ thấy chiến thuật này hữu ích. Trong một lá thư năm 1962 gửi người bạn Robert Wallsten của mình, John Steinbeck đã khuyên rằng,

Hãy quên đi nhóm khán giả chung chung của cậu đi. Đầu tiên, khán giả không mắt mũi, không tên tuổi ấy sẽ dọa cậu đến chết. Tiếp đến, không như một nhà hát, họ biến mất. Trong viết lách, khán giả của cậu chỉ là một độc giả thôi. Tôi phát hiện ra rằng đôi khi việc chọn ra ai đó - một người thật mà bạn biết, hay một người bạn tưởng tượng ra rồi viết - rất hữu ích.

Thật vậy, thật mệt mỏi, đáng sợ (và thường là tê liệt) khi phải cố gắng viết một câu chuyện hay một bài blog để làm hài lòng tất cả mọi người. Chắc chắn sẽ có ai đó không ưa thể loại giả tưởng, kinh dị hay bất cứ thể loại truyện nào mà bạn đang viết.

Thay vào đó, khi bạn viết cho người duy nhất, nó sẽ giúp bạn ý thức được mục đích, phương hướng và giúp dòng chảy sáng tạo của bạn lưu thông. Tôi cũng cảm thấy rất có động lực khi giờ đây tôi háo hức để chia sẻ tác phẩm đã hoàn thiện của mình với người đó.

5. Chiế thuật “Tích trữ” (“Hoarding”) của Ernest Hemingway

Nếu bạn đang chịu đựng sự bí bách, mắc kẹt nguồn cảm hứng nhưng đột nhiên tìm thấy mọi mạch nguồn ấy đổ vào trong mình một lần nữa, đừng khiến nguồn tài nguyên của mình cạn kiệt! Hãy luôn bảo đảm rằng bạn dự trữ một chút cảm hứng.

Ernest Hemingway giải thích:

“Điều tốt nhất là luôn dừng lại khi bạn đang làm tốt và bạn sẽ biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nếu bạn làm việc đó mỗi ngày, bạn sẽ không bao giờ bị bí. Luôn luôn dừng lại khi bạn đang làm tốt và đừng nghĩ hay lo lắng về nó cho đến khi bạn bắt đầu viết vào ngày hôm sau. Theo cách đó thì tâm trí tiềm thức của bạn khi nào cũng hoạt động. Mặt khác nếu bạn nghĩ về nó một cách có ý thức hay lo lắng về nó, bạn sẽ giết chết nó và não bộ của bạn cũng mệt mỏi trước khi bạn bắt đầu.”

Về cơ bản, chiết thuật này giúp bạn vượt qua sự tắc nghẽn cảm hứng. Hãy kết thúc những phiên viết lách của mình ở giữa đoạn khi bạn vẫn biết rõ ràng thứ mình muốn viết tiếp là gì. Theo cách này, bạn sẽ duy trì khoảnh khắc cao hứng của mình và tránh việc đối mặt với một trang giấy trắng mà không có ý tưởng gì để tiếp tục cả.

6. Chiến thuật “Nghi thức Viết” (“Writing Ritual”) của Toni Morrison

Toni Morrison và nhiều nhà văn khác nhấn mạnh tầm quan trọng của nghi thức viết, một chuỗi hành động mà bạn thực hiện trước khi bạn ngồi xuống để viết. Nó có thể đơn giản như là làm một cốc trà, hay chơi một vài bài nhạc. Một nghi thức sẽ giúp bạn chuẩn bị tinh thần để bắt đầu viết.

Toni Morrison quan sát thấy rằng:

Gần đây tôi trò chuyện với một nhà văn - cô ấy diễn tả một điều mà cô ấy làm bất cứ khi nào di chuyển đến bàn để viết. Tôi không nhớ chính xác hành động đó như thế nào - có thứ gì đó trên bàn mà cô ấy sẽ chạm vào trước khi đặt tay vào bàn phím máy tính. Rồi chúng tôi bắt đầu nói về những nghi thức nho nhỏ mà mỗi người thực hiện trước khi bắt tay vào viết.

Đầu tiên, tôi nghĩ rằng mình không có nghi thức gì cả, nhưng sau đó tôi nhớ ra mình luôn thức dậy và làm một ly cà phê khi ngoài trời vẫn còn tối - nó buộc phải tối - sau đó tôi uống cốc cà phê đó và xem ánh sáng đầu tiên ló dạng. Và cô ấy nói “Vâng, đó là một nghi thức.

Tôi bảo với học trò của mình rằng một trong những điều quan trọng nhất mà các em cần biết đó là thời điểm các em làm việc (sáng tạo) tốt nhất. Các em phải tự hỏi mình “Một căn phòng lý tưởng trông như thế nào? Có nhạc không? Hay hoàn toàn im lặng? Có sự náo loạn hay yên lặng bên ngoài hay không? Tôi cần làm gì để giải phóng trí tưởng tượng của mình?”

7. Chiến thuật “Tránh xa chiếc bàn” (“Get Away From Your Desk”) của Hilary Mantel

Nếu không có chiến thuật nào ở trên hiệu quả với bạn, vậy thì cách tốt nhất để đánh bại sự bí ý tưởng đó là tránh xa bàn làm việc và giải phóng tâm trí. Sự tắc nghẽn ý tưởng thường xảy ra khi tâm trí của bạn quá tải bởi tất cả những suy nghĩ về cuộc sống thường nhật chiếm đóng hết não bộ của bạn.

Bạn cần tạo ra một không gian để đổ đầy cảm hứng của mình.

Hilary Mantel khuyên rằng:

“Nếu bạn bí ý tưởng, hãy ra khỏi bàn. Đi dạo, tắm rửa, đi ngủ, ăn một cái bánh, nghe nhạc, thiền, tập thể dục; bất kể làm gì, đừng cứ ngồi ỳ một chỗ than vãn về vấn đề. Nhưng đừng gọi điện thoại hay đi đến một bữa tiệc; nếu bạn làm vậy, từ ngữ của người khác sẽ thế chỗ cho những từ ngữ đang đi lạc của bạn. Hãy dành một khoảng trống cho những con chữ ấy, tạo ra một không gian. Nhẫn nại.”

Tóm lại

Sự tắc nghẽn cảm hứng đôi khi khiến chúng ta nản lòng, nhưng điều quan trọng là không được bỏ cuộc. Hãy tìm kiếm nhiều cách sáng tạo để tự tạo cảm hứng cho chính mình. Khi sau cùng có thể ngồi xuống để viết, bạn cũng đừng phán xét bản thân quá gay gắt. Cứ để cho mạch nguồn sáng tạo được tuôn chảy.

Một khi đã tìm lại được cảm hứng đã đánh mất, hãy nhớ đào sâu vào quy trình sáng tạo để hiểu được tại sao bạn gặp phải sự bế tắc ban đầu. Hãy thay đổi quy trình viết nếu bạn buộc phải làm vậy. Điều này sẽ giúp bạn tránh khỏi tình trạng bí ý tưởng trong tương lai.

(Theo writerslife)

(3 ratings)

Tags: chiến thuật, writer