Người đăng: Thu Trang   Ngày: 28/05/2021   Lượt xem: 1355

Năm 2012, Google Trends công bố Content Marketing là xu hướng phát triển mạnh mẽ nhất trong ngành tiếp thị lúc bấy giờ. Tuy nhiên, sự ra đời của các nền tảng số như mạng xã hội, thanh công cụ, landing page... đòi hỏi một sợi dây để liên kết những nội dung thương hiệu muốn truyền tải. Chính hiện tượng này đã làm nên bệ phóng cho thuật ngữ “Storytelling” (Kể chuyện) trở thành chiến lược nhiều Content Marketer lựa chọn.

Trước những thách thức của xã hội 4.0, “Storytelling” đã phát triển thành “Digital Storytelling”, nó giúp các Marketer đến gần hơn với khách hàng trong bối cảnh hiện tại. Storytelling được hiểu là "kể chuyện", khi áp dụng kỹ thuật số với âm thanh, hình ảnh, video, hoạt hình,... thì nó trở thành "số hóa" tức là digital. Hiểu đơn giản, storytelling trong thời đại số là kể chuyện sử dụng kỹ thuật số, tất cả đều xoay quanh ý tưởng kết hợp nghệ thuật kể chuyện.

1. CHUYỆN TÌNH (LOVE STORY)

Chuyện tình là đề tài được đông đảo khán giả yêu thích. Các thiên tình sử luôn đặt nhân vật vào những “thử thách tình yêu” đầy trắc trở để tăng thêm kịch tính cho câu chuyện. Giữa hai nhân vật thường xuất hiện những chướng ngại vật như khoảng cách địa lý, gia tộc, tuổi tác… khiến người xem phải dõi theo để đoán xem khi nào nhân vật sẽ hạnh phúc bên cạnh nửa còn lại.

- Với hình thức này, nhà sáng tạo nội dung phải tuỳ chỉnh cốt truyện về tình yêu sao cho phù hợp với hoàn cảnh của con người trong xã hội hiện đại. Vẫn là những trở ngại đôi lứa, nhưng góc độ khai thác phải thật sự mới mẻ và phù hợp với thương hiệu.

2. VƯỢT CHƯỚNG NGẠI VẬT (OVERCOMING THE MONSTER)

Cốt truyện thường mở ra khi nhân vật chính phải lên đường chiến đấu với quái vật để bảo vệ gia đình hoặc dành được phần thưởng. Cách thức này đề cao lòng dũng cảm và sự mạnh mẽ của người hùng.

- Trong quảng cáo, cốt truyện nhấn mạnh sự trưởng thành của thương hiệu qua thời gian. Nhà sáng tạo có thể tiếp biến câu chuyện bằng cách đơn giản hoá “quái vật” để khiến câu chuyện trở nên gần gũi hơn.

3. ĐI ĐỂ TRỞ VỀ (VOYAGE AND RETURN)

Nhân vật chính sẽ lưu lạc đến miền đất xa lạ, gặp gỡ nhiều nhân vật mới, trải qua vô vàn thử thách trước khi về nhà. Chính những tình bạn nảy sinh trên đường đi và trí thông minh sẵn có sẽ dẫn lối nhân vật trở về. Thông thường, cốt truyện này thường được các nhãn hàng về trẻ em chọn lựa. Nếu không, cốt truyện cũng sẽ xoay quanh các nhân vật là trẻ em.

4. TRUY TÌM/ NHIỆM VỤ (THE QUEST)

Cốt truyện tập trung vào nhân vật chính và những nhiệm vụ đặc biệt đi cùng. Hành trình tìm kiếm của nhân vật thường diễn ra trong không gian địa lý đặc biệt. Nhân vật di chuyển nhanh từ nơi này đến nơi khác, gặp gỡ nhiều người để tìm ra manh mối. Đây là một cốt truyện phức tạp, vì thế các nhà làm quảng cáo phải cân nhắc cẩn thận khi chọn lựa, đặc biệt là về mặt chi phí thực thi.

5. HÀI KỊCH (COMEDY)

Những cốt truyện hài kịch thường nhẹ nhàng, đôi khi khiến người xem hoang mang và không khỏi bật cười trước tình huống phi lý. Theo triết gia Hy Lạp Aristotle, hài kịch thường xoáy sâu vào nhược điểm của nhân loại để gây nên tiếng cười.

- Đối với các thương hiệu, hài kịch là có thể xem là một lựa chọn táo bạo nhưng đầy mạo hiểm. Bởi lẽ người làm nội dung phải sở hữu bộ óc đủ thông minh và duyên dáng để tạo nên tiếng cười thuyết phục người xem.

6. HOÀN LƯƠNG HỐI CẢI (REBIRTH)

Câu chuyện xoay quanh một nhân vật phản diện trên con đường tìm lại bản chất thiện lành. Thông thường, tác giả sẽ phác hoạ thêm trợ thủ để hỗ trợ nhân vật chính trên con đường hoàn lương. Cốt truyện này dễ tạo nên những thông điệp có chiều sâu, nhờ chứa đựng những hy vọng vào tính thiện của con người.

- Đến với kể chuyện kỹ thuật số, vấn đề đặt ra không còn đơn giản là “Câu chuyện kể về điều gì?” mà còn là “Được kể như thế nào?”. Việc phát triển cốt truyện phù hợp với tâm lý con người thời đại luôn là ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh đó, thành công còn được quyết định bởi việc khai thác câu chuyện trên nhiều phương tiện, nền tảng khác nhau.

(Fb Ánh Tuyết)

(1 ratings)

Tags: xu hướng, Storytelling, khán giả, không chán