Người đăng: lanchi   Ngày: 22/05/2020   Lượt xem: 1387

Đừng nghĩ rằng cuộc sống của người viết chỉ xoay quanh câu chữ, ý tưởng, cảm hứng. Là người viết, bản thân bạn đã là một chủ doanh nghiệp nhỏ. Bạn tự quản lý thời gian, hiệu suất, tài chính, đối tác của mình. Nếu biết tận dụng khía cạnh kinh doanh của nghề, bạn sẽ có mục tiêu phấn đấu để đi đường dài với nó cũng như gặt hái được nhiều thành công hơn. Dưới đây là một số hướng dẫn cơ bản để lên kế hoạch kinh doanh cho người viết.

6 bước chuẩn bị lên kế hoạch kinh doanh cho người viết

Kế hoạch kinh doanh của người viết cần vừa thực tế vừa mơ mộng.

Tại sao người viết cần lên kế hoạch kinh doanh?

Xem viết lách là công việc kinh doanh có thể là một con dao hai lưỡi. Một mặt, nó khiến bạn cảm thấy mình chính là một người viết thực thụ. Nó luôn nhắc nhở bạn rằng hãy nghiêm túc làm việc vì đây chính là công việc bạn có thể kiếm tiền từ đam mê, cho dù lúc này có một công việc nào khác ngoài kia có thể giúp bạn "hái" ra nhiều tiền hơn. Mặt khác, việc đặt áp lực tiền bạc lên một công việc mang tính nghệ thuật trước khi đạt đến trình độ chuyên nghiệp đôi khi lại dễ khiến bạn nản chí.

Chính vì vậy, một kế hoạch kinh doanh cho công việc viết lách sẽ nối lại khoảng cách giữa nghệ thuật và kinh doanh, giúp bạn định hướng nhằm cải thiện tác phẩm nghệ thuật của mình một cách có mục đích hơn. Hơn nữa, khi có kế hoạch kinh doanh rõ ràng, bạn sẽ biết mình đang thực sự ở đâu trên con đường sự nghiệp, qua đó đặt mục tiêu phấn đấu mà không phải chông chênh hay nản lòng.

Một kế hoạch kinh doanh viết lách đồng thời vạch ra cho bạn những mục tiêu và giúp bạn hình dung tất cả những bước bạn cần tiến hành từ vị trí bạn đang đứng cho đến nơi bạn muốn đến.

Dưới đây là những phần nằm trong kế hoạch kinh doanh viết lách:

1. Tóm tắt

Trong phần tóm tắt này, bạn nên viết một lời tuyên bố sứ mệnh của mình.

  • Bạn là ai, với tư cách một người viết?
  • Nhân sinh quan của bạn là gì?
  • Bạn viết về thể loại gì?
  • Bạn thường đọc thể loại nào?
  • Độc giả của bạn là ai?
  • Nhóm người đó bao nhiêu tuổi, sống ở đâu, có sở thích gì, có nhu cầu gì?

...

Có thể bạn cũng cần nghĩ về định vị thương hiệu trong phần này. Nó có thể giúp bạn nhớ về một số nhà văn bạn yêu thích và chọn lọc những điểm sáng từ thương hiệu của họ.

  • Họ đang xây dựng hình tượng như thế nào?
  • Bạn muốn xây dựng hình tượng như thế nào?
  • Bạn muốn độc giả nghĩ về mình như thế nào khi nghe tên và đọc tác phẩm của bạn?

2. Mục tiêu

Trong phần mục tiêu, bạn sẽ viết về tầm nhìn trong sự nghiệp viết lách của mình. Đây chính là nơi để bạn được phép mơ lớn. Bạn cũng sẽ cụ thể hóa tầm nhìn đó thành các mục tiêu, sau đó tiếp tục chia nhỏ mục tiêu thành các nhiệm vụ mà bạn có thể làm trong năm nay, quý này hay tháng này.

  • Bạn muốn xây dựng website với lượng truy cập bao nhiêu/tháng?
  • Bạn muốn xây dựng fanpage với bao nhiêu người theo dõi?
  • Bạn cần sản xuất bao nhiêu bài viết blog/fanpage để đáp ứng mục tiêu?

3. Sản xuất

Trong phần sản xuất, bạn cần liệt kê tất cả những dự án đã và đang trong tiến trình hoàn thành. Đây không phải là nơi bạn kể hết ý tưởng mà mình có ra, nó chỉ là những công việc bạn đã làm mà thôi. Chẳng hạn như những ý tưởng đã được phát triển và thực thi trọn vẹn, những quyển sách viết được một nửa hay một số việc mà bạn đã làm để tăng thu nhập.

4. Thị trường

Trong phần này, bạn sẽ liệt kê những thị trường bạn đã xâm nhập vào. Đó có thể là danh sách một tờ báo bạn đã cộng tác, một số nhà xuất bản đã mời bạn dịch sách, một số đối tác bạn đã có bài viết khách (guest post).

Bạn cũng cần viết về những thị trường mà bạn muốn dấn thân. Kế hoạch lúc này của bạn sẽ bao gồm những đối tác phù hợp với tầm nhìn của bạn, chẳng hạn như các nhà xuất bản (NXB) bạn muốn cùng làm việc, dựa trên việc tác phẩm của bạn phù hợp với những gì họ đã phát hành như thế nào.

Đồng thời, bạn có thể lưu giữ một danh sách tác phẩm của người khác, như sách, phim, chương trình truyền hình, con người,... - những yếu tố khơi gợi cảm hứng cho tác phẩm hiện tại của bạn.

Nói tóm lại, hãy trả lời câu hỏi: Thị trường hiện tại cho thể loại bạn đang viết là gì?

5. Tài chính

Đây là phần khá quan trọng bởi bạn sẽ phải khám phá ra thu nhập từ trước đến nay với tư cách là một người viết (có thể hiện tại bạn chẳng có đồng nào cả).

Hãy liệt kê ra mọi nguồn thu nhập, kể cả công việc chính (nếu bạn chưa phải là một freelance writer toàn thời gian). Có thể bạn sẽ bất ngờ khi nhận ra công việc toàn thời gian hiện tại hỗ trợ công việc viết lách của bạn như thế nào. Sau đó hãy vạch ra thu nhập mong muốn của bạn và cách tận dụng các nguồn hiện có để đạt được điều đó.

Bên cạnh đó, hãy nghĩ đến những thứ không phải là tiền mà bạn đạt được khi viết lách. Đó có thể là lượng người theo dõi, độc giả, những tác phẩm đã hoàn thanh hay là đơn giản là kiến thức.

  • Sau cùng, công việc viết lách đã cho bạn điều gì?
  • Bạn hy vọng sẽ thu được gì từ nó trong tương lai, bên cạnh tiền bạc? Đây chính là lúc bạn cần nghĩ về những khoản đầu tư bạn đã bỏ ra cho việc viết lách không chỉ trên phương diện tiền bạc, mà còn cả thời gian và năng lượng.
  • Bạn nghĩ mình đã viết được bao nhiêu từ rồi?
  • Bạn đã hoàn thành bao nhiêu quyển sách và bài viết blog rồi?
  • Bạn đã dành bao nhiêu giờ dành toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp viết lách rồi?

6. Phát triển

Có hai lĩnh vực liên quan đến sự tăng trưởng, phát triển trên khía cạnh kinh doanh mà bạn cần đầu tư: đó là giáo dục và nghề nghiệp.

Về mặt phát triển giáo dục, gia tăng kiến thức, hãy tự đặt ra cho mình những câu hỏi:

  • Thư viện sách của riêng bạn sẽ trông như thế nào?
  • Bạn muốn thêm những quyển sách gì vào nó?
  • Bạn có bao giờ đến những cuộc gặp gỡ, giao lưu hay hội thảo giữa các cây viết chưa?
  • Bạn đã tham gia bất kỳ lớp học và nhận được bằng cấp từ viết lách chưa?
  • Kế hoạch học tập trong tương lai của bạn là gì?

Phát triển nghề nghiệp chính là phát triển cộng đồng viết lách của bạn. Hãy viết về cộng đồng hiện tại của mình, vừa là những người gặp mặt ngoài đời và trên trực tuyến. Sau đó hãy suy nghĩ cách thúc đẩy cộng đồng của mình.

  • Liệu bạn có một đối tác trung thành chưa?
  • Bạn có cần ít nhất một người không?
  • Bạn đã có bao nhiêu độc giả trung thành rồi?
  • Bạn đã làm gì cho họ?

Bên cạnh đó, hãy nghĩ về những tổ chức mà bạn thuộc về, chẳng hạn như một NXB, một cơ quan báo chí nào đó chẳng hạn.

Bất kỳ kế hoạch kinh doanh của ai, kể cả người viết, đòi hỏi bạn phải vừa thực tế nhưng cũng biết mơ lớn. Hãy càng cụ thể càng tốt, sau đó nỗ lực hết mình vì nó, lúc đó bạn sẽ hiểu rằng kiếm tiền từ nghề viết không hề là chuyện xa vời.

(Lan Chi - Writerslife)

(1 ratings)

Tags: người viết, writer