Người đăng: lanchi   Ngày: 25/02/2020   Lượt xem: 1075

Viết là một công việc tập trung sâu (deep work). Để trở thành người viết giỏi, bạn cần luyện tập kỹ năng tập trung cao độ, tự đưa mình vào trạng thái “miễn nhiễm” với những phiền nhiễu. Tất nhiên điều này không hề dễ trong một thế giới tất bật và kết nối liên tục như hiện nay.

Cal Newport - nhà khoa học và là một “digital minimalist” (người sử dụng phương tiện trực tuyến theo lối tối giản) và là người chủ trương về khái niệm deep work, hiểu rằng mọi người có những ưu tiên và áp lực khác nhau.

4 loại tâm lý viết lách: Hiểu để viết hiệu quả hơn

Vì thế, ông đã tìm ra 4 cách tiếp cận về khía cạnh tâm lý trong deep work sau đây nhằm giúp bạn giảm áp lực, tối ưu hóa thời gian và cải thiện hiệu quả viết lách. (Sách của Cal Newport về Deep Work cũng đã được dịch ra tiếng Việt, có tên là “Làm ra làm, chơi ra chơi”.

Cách tiếp cận 1: Monastic (Tu sĩ)

Khi đi theo con đường viết “tu sĩ” tức là bạn phải tách mình hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài và mọi mối phiền nhiễu khác. Không email, không Facebook, không nhắn tin, không Internet, tóm lại là không có điều gì có thể làm phiền bạn ngoài công việc trước mắt.

Đối với một vài người, việc trở thành một “tu sĩ viết” là cách duy nhất họ có thể đạt được mục tiêu, nhưng tất nhiên phải đánh đổi.

Cách tiếp cận này có hiệu quả với những người đã có mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, và sự thành công đó phụ thuộc hoàn toàn vào việc họ có đạt được những mục tiêu ấy hay không. Neal Stephenson - nhà văn lĩnh vực khoa học giả tưởng chia sẻ rằng hiệu quả viết lách của ông đến từ một sự so sánh đơn giản: càng mất tập trung thì viết được càng ít.

“Nếu sắp xếp được một khoảng thời gian dài, liên tục, không ngắt quãng, tôi có thể viết tiểu thuyết. Nhưng nếu thời gian bị ngắt quãng, chia nhỏ ra thì tính hiệu quả ấy giảm kinh khủng, với vai trò là một tiểu thuyết gia.”

Ưu điểm: Bạn có tiềm năng tạo nên một sự thay đổi khổng lồ trong việc viết lách.

Nhược điểm: Cách tiếp cận này đòi hỏi một bản lĩnh rất lớn và cần một gia đình hay sếp cực kỳ thấu hiểu (và điều này thực sự hiếm).

Cách tiếp cận 2: Bi-modal (phân chia đồng đều)

Việc này cần nhiều sự luyện tập cân bằng giữa cuộc sống và viết lách hơn phương pháp “tu sĩ”. Bimodal yêu cầu bạn phân chia thời gian của mình, dành một khoảng thời gian được xác định rõ ràng kéo dài để làm việc tập trung cao độ, sau đó bạn phải cân bằng nó với mọi công việc khác của cuộc sống. Nguyên tắc của phương pháp này đó là khi làm việc, bạn phải tập trung 100%. Khi kết thúc thời gian “deep work”, bạn hoàn toàn thoát ra trạng thái đó để làm việc khác, và không làm việc chuyên sâu cho đến khi thời gian “deep work” khác quay lại.

Newport khuyến khích ta nên xác định rõ thời gian cho những khoảng thời gian deep work, chẳng hạn như một vài ngày, một vài tuần cho viết lách, thời gian còn lại bạn có thể lo toan việc khác.

Vào những năm 1920, nhà tâm lý học Carl Jung xây một ngôi nhà bằng đá mộc mạc, độc đáo ở ngoại ô của một thị trấn nhỏ thuộc vùng Bolligen, Thụy Sĩ, nơi ông có thể thực hiện công việc của mình trong sự riêng tư và ẩn dật.

Ông ấy không xuất hiện vì bất kỳ ai - buồn cười hơn, các thành viên trong gia đình còn phải rung chuông từ nhà hàng xóm để thông báo cho ông bữa ăn đã sẵn sàng.

Jung dành nhiều tuần liền trong một sự cô lập gần như hoàn toàn. Nhưng sau những giai đoạn như vậy, ông sẽ quay trở lại với cuộc sống đời thường bận rộn, lắm mối quan tâm vặt vãnh và phiền nhiễu với tư cách là một nhà nghiên cứu và tâm lý học.

Chiến lược Bimodal có thể xem là thực tế hơn đối với những người có thể dành ra 1-2 ngày hay 1-2 tuần để hoàn toàn “biến mất”.

- Ưu điểm: Bạn có thể cân bằng giữa công việc viết lách và cuộc sống.

- Nhược điểm: Hai ngày hoàn toàn chỉ dành cho viết lách đối với một số người thật sự là xa xỉ.

Cách tiếp cận 3: Rhythmic (Có nhịp điệu)

“Triết lý này cho rằng cách dễ nhất để bắt đầu làm việc tập trung đó là biến công việc thành một thói quen đơn giản thường xuyên.” - Deep Work

Nói cách khác, nếu thiết lập những khoảng thời gian cụ thể để làm việc, bất kể hoàn cảnh như thế nào, bạn có thể tạo nên một nhịp điệu mỗi ngày. Chiến lược này có thể phù hợp với lối sống hiện đại như bây giờ.

Cal Newport được khơi gợi cảm hứng từ một phương pháp của diễn viên hài - nhà biên kịch người Mỹ Jerry Seinfeld, có tên là phương pháp chuỗi” (chain method). Seinfeld chia sẻ ông ứng dụng phương pháp này trong công việc viết thoại, tức ngày nào làm việc ông sẽ đánh dấu X vào lịch ở ngày đó. Nguyên tắc duy nhất là không bao giờ phá vỡ “chuỗi” dấu X mà ông đã tạo ra.

Vì vậy, hãy cam kết một thời gian cụ thể, bất chấp hoàn cảnh, chỉ viết viết và viết.

Newport thừa nhận rằng thói quen viết lách hằng ngày sẽ giúp chúng ta có nhiều thời gian làm việc tập trung hơn. Tuy nhiên, bởi mỗi quãng tập trung sâu này lại ngắn hơn nên có thể người viết thiếu sự suy nghĩ sâu bằng phương pháp tu sĩ và bimodal.

- Ưu điểm: Khi đã hoàn thành công việc, bạn có thể làm những việc còn lại.

- Khuyết điểm: Đôi khi bạn sẽ phải chật vật, mắc kẹt vào một dự án nào đó quá lâu nếu bạn cứ viết trong những khoảng thời gian ngắn.

Cách tiếp cận 4: Jounalistic (Kiểu báo chí)

Cách tiếp cận cuối cùng Newport đưa ra là kiểu “báo chí”, tức là viết vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, bất kỳ lúc nào có cơ hội.

Nhà báo thường tùy theo yêu cầu mà thay đổi thời gian tập trung của mình, thường trong khoảng thời gian ngắn, từ 20 phút đến 1 tiếng, nhưng vẫn phải có hiệu quả.

Tuy nhiên, kiểu viết nhất thời này yêu cầu một trình độ kỹ năng phát triển qua năm tháng, được thúc giục bởi những deadline (hạn chót) và các biên tập viên khó tính. Đối với những người thiếu kinh nghiệm, kiểu công việc phải chuyển đổi liên tục như thế này dễ làm họ nhụt chí và khó tập trung hơn.

- Ưu điểm: Bạn có thể linh hoạt điều khiển ngày làm việc của mình và vẫn hiệu suất. Kiểu làm việc này có thể phù hợp với những người làm văn phòng, người đang học cao học, hoặc bận rộn đi làm, chăm con nhỏ,...

- Khuyết điểm: Bạn cần có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng thay đổi liên tục.

Cách để khám phá ra tâm lý viết lách của bạn:

Bạn có dễ dàng “tắt nguồn” với công việc, gia đình và mạng xã hội không?

Bạn có khả năng sắp xếp cuộc sống để có những khoảng thời gian xác định rõ ràng cho viết lách?

Đó là khoảng thời gian tính bằng giờ, ngày hay tuần?

Bạn có một thói quen hằng ngày để viết trong một thời gian nhất định hay viết tùy hứng, nhất thời?

Bạn có khả năng chuyển đổi “chế độ viết” nhanh chóng hay không? Hay cần thời gian để khởi động?

Chia sẻ trải nghiệm riêng của mình: Mình không có khả năng làm theo cách 1 vì còn nhiều trách nhiệm khác bên cạnh công việc. Cách 3 là cách hiện tại nhưng mình cảm thấy đúng là việc tập trung trong những khoảng thời gian ngắn làm việc viết lách của mình kém hiệu quả. Cách 4 thì hồi trước làm báo đã thấm thía rồi và thấy không hợp với việc chuyển đổi sự tập trung liên tục chút nào :))). Cách lý tưởng nhất vẫn là cách 2 và đang cố gắng thực hiện, hihi.

(Fb Lan Chi)

(5 ratings)

Tags: viết lách, tâm lý, writer