Người đăng: lanchi   Ngày: 12/05/2020   Lượt xem: 1114

Chào mọi người, bài viết dưới đây mình sẽ chia sẻ 3 bài học cơ bản nhất mà mình rút ra với tư cách là một người từng học báo, cộng tác với báo và thường xuyên đọc báo. Tuy hiện nay không làm báo nhưng mình nghĩ rằng những kiến thức tích lũy từ việc học báo đã cho mình một nền tảng khá vững chắc cho con đường viết lách sau này.Viết lách theo phong cách báo chí phải tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản sau đây và mình nghĩ chúng ta có thể áp dụng nó cho bất kỳ kiểu viết nào.

3 bài học viết lách rút ra từ việc học báo

Chào mọi người, bài viết dưới đây mình sẽ chia sẻ 3 bài học cơ bản nhất mà mình rút ra với tư cách là một người từng học báo, cộng tác với báo và thường xuyên đọc báo. Tuy hiện nay không làm báo nhưng mình nghĩ rằng những kiến thức tích lũy từ việc học báo đã cho mình một nền tảng khá vững chắc cho con đường viết lách sau này.Viết lách theo phong cách báo chí phải tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản sau đây và mình nghĩ chúng ta có thể áp dụng nó cho bất kỳ kiểu viết nào.

1. Cách tổng hợp thông tin theo nguyên tắc 5W+1H

5W+1H là một cách tổng hợp thông tin để viết dẫn nhập - lời vào đề rất phổ biến trong tin báo chí nói riêng và viết lách nói chung. Do tính cấp thiết của tin tức, nhà báo buộc phải chọn cách tóm tắt thông tin đầy đủ, nhanh gọn và hấp dẫn nhất có thể. Và đây cũng là một cách vô cùng hữu hiệu mà bạn có thể áp dụng cho bất kỳ phong cách viết lách nào nhằm có được sự quan tâm của người đọc, đặc biệt là độc giả trực tuyến, từ những dòng đầu tiên. Để làm được điều này, bạn chỉ cần trả lời 6 câu hỏi cơ bản:

  • Who - Ai?
  • What - Cái gì?
  • When - Khi nào?
  • Where - Ở đâu?
  • Why - Tại sao?
  • How - Như thế nào?

Để lấy ví dụ, mình trích dẫn phần dẫn nhập của tin “Đức: Số ca nhiễm tăng trở lại sau khi nới lỏng biện pháp phong tỏa” (báo Tuổi Trẻ Online, 12:54, thứ Hai ngày 11/05/2020) như sau:

“Dữ liệu dịch COVID-19 ngày 10-5 của Đức cho thấy các ca nhiễm đang gia tăng trở lại với sự xuất hiện của một số ổ dịch mới, chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Angela Merkel nói rằng đất nước có thể dần trở lại bình thường.”

Để phân tích phần dẫn nhập này, chúng ta có thể chỉ ra cách họ trả lời 5W+1H như sau (trong trường hợp này mình nghĩ là 5W thôi)

  • Where? Ở Đức
  • Who? Ca nhiễm COVID-19 ở Đức
  • What? Ca nhiễm COVID-19 ở Đức tăng trở lại
  • When? 10-5, sau khi Thủ tướng Angela Merkel nói rằng đất nước có thể trở lại bình thường
  • Why? Do xuất hiện ổ dịch mới

Từ đó, bạn cũng có thể áp dụng nó vào bất kỳ bài viết nào của mình. Chẳng hạn mình đã áp dụng nó trong bài “Viết hẹn giờ - chiến thuật viết 47 quyển sách của Anthony Trollope” như sau:

"Bạn có hình dung một thanh tra bưu điện toàn thời gian có thể viết 47 tiểu thuyết trong vòng 35 năm và trở thành một trong những tiểu thuyết gia thành công nhất của thời Victoria? Đó là câu chuyện của Anthony Trollope. Ông thừa nhận rằng chính chiến thuật Viết hẹn giờ đã giúp ông xuất bản sách với tốc độ đáng kinh ngạc như vậy."

  • Bài viết này của mình trả lời những câu hỏi:
  • Who? Anthony Trollope - tiểu thuyết gia thành công - thanh tra bưu điện toàn thời gian
  • What? Viết 47 tiểu thuyết trong 35 năm
  • When? Thời Victoria
  • How? Chiến thuật Viết hẹn giờ

2. Cách vận dụng cấu trúc hình tháp ngược

Cấu trích hình tháp ngược được sử dụng trong báo chí và trở nên thịnh hành từ thế kỷ 20, là một cách sắp xếp thông tin theo thứ tự từ mức độ quan trọng - từ nhiều đến ít. Cụ thể, lời dẫn nhập ở phần đầu của bài báo sẽ là phần đầy đủ thông tin thu hút độc giả nhất, các phần sau là đoạn giải thích và bồi thêm dẫn chứng để hỗ trợ cho phần dẫn nhập.

Để dễ hiểu hơn, mình phân tích tin trên báo Tuổi trẻ mình vừa nhắc đến bên trên nhé:

“Viện Robert Koch (RKI) cho biết tỉ lệ lây nhiễm (RO) của Đức đã tăng lên 1,1 vào ngày 10-5, nghĩa là 10 người nhiễm virus corona sẽ lây trung bình cho 11 người khác. RKI cảnh báo tỉ lệ này phải dưới 1 mới cho thấy sự lây nhiễm nằm trong tầm kiểm soát và đang chậm lại.

=> Phần 1: Trả lời hầu hết câu hỏi quan trọng và giải đáp thắc mắc lớn của độc giả: Tăng lên bao nhiêu? Con số đó có ý nghĩa gì?

“Cho đến hôm 6-5, tỉ lệ lây nhiễm của Đức vẫn đứng ở mức 0,65. Tuy nhiên, sau đó nước này đã báo cáo các ổ dịch mới tại các lò mổ và các viện dưỡng lão. RKI nói rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận nhưng cho rằng "cần phải theo dõi chặt chẽ số lượng ca nhiễm mới trong những ngày tới".

=> Phần 2: Đưa ra trích dẫn để hỗ trợ cho ý của phần 1.

RKI đưa ra cảnh báo trên chỉ vài ngày sau khi bà Merkel nói rằng Đức đã kết thúc giai đoạn đầu tiên trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 và các bang của nước này tuyên bố nới lỏng một số hạn chế.

Hầu hết các cửa hàng và tụ điểm vui chơi đã mở cửa trở lại. Học sinh cũng dần trở lại trường lớp. Nhà hàng, phòng tập gym và cơ sở tôn giáo cũng mở cửa lại phần nào tùy tình hình từng bang.

Dù vậy, các chính quyền địa phương tại Đức đồng ý sẽ dừng việc mở cửa lại và tái điều chỉnh các hạn chế xã hội nếu tỉ lệ lây nhiễm lên trên 50 ca/100.000 dân trong một tuần. RKI cho biết chuyện này đã xảy ra tại ít nhất 3 quận của nước này trong thời gian gần đây.

=> Phần 3: Các thông tin kém quan trọng hơn được sắp xếp theo thứ tự.

Để tiết kiệm thời gian và giữ chân các độc giả trực tuyến ngày nay, bạn cũng có thể áp dụng cấu trúc hình tháp ngược này bằng cách sắp xếp độ hấp dẫn của các nội dung trong một bài viết: mở đầu bằng nội dung mà bạn muốn độc giả nắm bắt nhất, tiếp đến là đưa ra dẫn chứng đáng tin cậy, và cuối cùng là thông tin bổ sung (kém quan trọng nhất).

3. Các lựa chọn góc độ khai thác

Để xuất bản một tin/bài lên một tờ báo chính thống, các biên tập viên và phóng viên phải có một sự chọn lọc vô cùng kỹ lưỡng, khắt khe, dựa trên những tiêu chí chung cơ bản, đó là: sự liên quan, tính hữu ích, và mức độ quan tâm của độc giả. Một tin/bài muốn được xuất bản phải trả lời được câu hỏi như sau:

  • Liệu nó có tạo ra tác động gì không? Ai sẽ bị/được ảnh hưởng bởi nội dung này? Nó ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực, với mức độ như thế nào?
  • Liệu góc độ khai thác này có mới lạ hay không? Đây là một nội dung hoàn toàn mới hay là “bình mới rượu cũ”?
  • Liệu nội dung có thể tận dụng danh tiếng của anh đó hay không? Đừng nghĩ điều này theo hướng tiêu cực. Điều này đơn giản làm tăng độ tin cậy của một bài viết nếu danh tiếng của người bạn đưa vào bài viết là tốt, hoặc sẽ thuyết phục người đọc nếu bạn khai thác danh tiếng của một người theo cách có đạo đức.
  • Liệu nội dung có gần gũi hay không? Nội dung có cho độc giả cảm giác đồng cảm, được thuộc về, hay liên quan đến những gì họ thích thú, xảy ra gần họ hay không?
  • Liệu nội dung có cấp thời hay không? Tất nhiên tin tức báo chí thì cần phải mới và có tính thời sự. Nhưng nếu bạn không sản xuất tin thì bài viết của bạn vẫn sẽ thu hút nếu nó đưa ra thông tin kịp thời nhưng lại có giá trị nội dung bền vững.
  • Liệu nội dung có tạo ra mâu thuẫn, xung đột nào hay không? Nếu bài viết của bạn tạo ra được những cuộc tranh luận có ích nhằm mở rộng vấn đề thì điều này hoàn toàn nên được khuyến khích.

Đó là một số tiêu chí mà mình học được khi chọn góc độ khai thác một bài báo, và mình vẫn áp dụng nó khi lựa chọn góc độ khai thác cũng như chủ đề của bài viết trong công việc hiện nay.

Ngoài 3 bài học rất thực tế kể trên, việc học báo cũng rèn luyện cho mình một tư duy viết lách có trách nhiệm, đặt sự chính xác, công bằng và khách quan lên hàng đầu. Mình nghĩ không chỉ có nhà báo, bất kỳ người viết nào cũng nên hiểu sức mạnh của ngòi bút và cẩn trọng trong từng câu chữ, từng con số, từng trích dẫn mà mình đưa ra. Còn bạn thì sao, bạn học được gì từ những bài báo?

(Lan Chi)

(7 ratings)

Tags: viết lách, writer