Người đăng: writerslife   Ngày: 01/05/2020   Lượt xem: 1318

Hành trình từ người viết nghiệp dư đến người viết chuyên nghiệp cần nhiều sự khổ luyện. Người viết nghiệp dư không nên bắt chước những tấm gương thành công một cách rập khuôn mà cần phải hiểu người - biết ta. Dưới đây là 10 sai lầm phổ biến đi từ tư duy đến hành động của những cây viết nghiệp dư mà bạn nên tránh hoặc cải thiện để dễ dàng chinh phục con đường chuyên nghiệp.

1. Chỉ xây dựng kỹ năng mà không xây dựng hồ sơ

Là người viết, bạn cần thuần thục nhiều hơn một kỹ năng. Điều này không có nghĩa là bạn phải giỏi tất cả mọi kỹ năng, nhưng bạn cần thành thạo một vài kỹ năng nhất định. Những người viết chuyên nghiệp luôn biết nhiều hơn một thứ, không chỉ có viết. Có người là một nhà xuất bản cừ khôi, có người giỏi lãnh đạo, có người là diễn giả thu hút.

Là người viết không có nghĩa bạn chỉ viết 8 tiếng mỗi ngày. Trong 8 tiếng đó, bạn cần dành thời gian để truyền tải thông điệp, tác phẩm của mình qua nhiều kênh, nhiều đối tượng trung gian; hoặc bạn dành một phần để viết, phần còn lại để rèn luyện các kỹ năng khác. Nói cách khác, bạn phải biết cách hằng ngày phát triển hồ sơ của mình (portfolio).

Từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp là một con đường gian nan, nhưng đừng bỏ cuộc.

Từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp là một con đường gian nan, nhưng đừng bỏ cuộc.

2. “Tôi muốn viết”

Những người mới bắt đầu khi được hỏi tại sao dấn thân vào nghiệp viết thường trả lời đơn giản là “Tôi muốn viết.” Đây là một câu trả lời rất mơ hồ và chung chung. Là một người viết, bạn cần phải biết mình muốn viết về điều gì, viết với mục đích nào và cần phải làm gì để làm được điều đó. Việc này đòi hỏi bạn phải liên tục thử nghiệm, tìm hiểu, thất bại, làm lại để rồi cuối cùng chọn ra thế mạnh của mình.

3. Muốn đi đường tắt

Nếu bạn muốn viết để kiếm tiền trong thời gian ngắn, số tiền đó sẽ đến từ việc làm dịch vụ cho người khác. Rất hiếm người xuất bản một quyển sách, lập một doanh nghiệp riêng mà trước đó không đi bán hàng nghìn câu “copy”, bài đăng Facebook, bài blog cho người khác. Nếu bạn muốn kiếm tiền từ con chữ, thì những bước đầu tiên phải đi là viết content, ghostwriting, viết tin tức, viết blog,...

4. Không quan tâm đến thương hiệu cá nhân

Nếu bạn muốn viết để kiếm tiền trong thời gian dài, hãy dành thời gian học cách xây dựng thương hiệu cá nhân bằng với thời gian bạn dành ra để viết. Có một sự thật mà những người làm trong ngành quảng cáo có thể nhận ra rằng, người ta không bỏ ra hàng đống tiền để mua sản phẩm hay dịch vụ, họ mua THƯƠNG HIỆU. Dan Brown là một thương hiệu. J.K. Rowling/Harry Potter là một thương hiệu. Vậy nên nếu bạn muốn xây dựng nghiệp viết thành công, bạn không thể nào chỉ viết và viết mà không quan tâm đến cách quảng bá bài viết cũng như chính bản thân mình, nhất là trong thời đại kỹ thuật số như hiện nay. Đừng viết chỉ để được người khác chú ý, hãy viết để được họ NHỚ về.

5. Hiếm khi viết lại

Ai cũng có thể viết, nhưng hiếm người có thể VIẾT LẠI. Nếu bạn là một cây viết trẻ tuổi, giàu nhiệt huyết, câu nói sau đây có thể khiến bạn cảm thấy bị tấn công, đó là: “Tất cả những gì bạn viết chỉ là trang nháp.” Nhưng nếu có nhiều trải nghiệm hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn, bạn sẽ nhận ra câu này đang nhắc nhở bạn hãy thử viết lại bài viết của mình một lần, thậm chí là vài ba lần. Bạn sẽ bất ngờ khi nhìn thấy sự khác biệt giữa bản nháp thứ 4 và bản nháp thứ 1. Viết lại không có nghĩa là rũ bỏ hết những ý tưởng cũ, câu chữ cũ. Viết lại là khi bạn đào sâu, phân tích và tiếp tục tìm ra những ý tưởng mới.

Hơn nữa, Thomas Edison, khi nỗ lực sáng chế ra bóng đèn, ông từng nói: “Tôi chưa bao giờ thất bại. Tôi chỉ tìm ra 10,000 cách chưa hiệu quả mà thôi.” Vậy thì cho dù là bạn, hay là người khác thúc ép bạn phải viết lại, thì đã bao nhiêu lần bạn tìm ra những cách “chưa hiệu quả” trong bài viết của mình rồi?

Ai cũng có thể viết, nhưng hiếm người có thể VIẾT LẠI

Ai cũng có thể viết, nhưng hiếm người có thể VIẾT LẠI

6. Không tìm hiểu về khía cạnh kinh doanh của nghề viết

Người viết sẽ kiếm được rất nhiều tiền nếu chịu tìm hiểu về khía cạnh kinh doanh của nghề này. Nếu là một cây viết giỏi, và còn có thế mạnh ở một lĩnh vực nào đó khác (như sức khỏe, giáo dục, tâm lý, bất động sản...), bạn hoàn toàn có thể kết hợp nó lại để kinh doanh. Bán sản phẩm từ chính năng lực của mình không phải là điều gì quá xa vời. Vậy nên hãy gạt bỏ suy nghĩ cổ hủ rằng “Làm nghề viết nghèo lắm.” Hãy nhớ rằng những người luôn than phiền về tiền bạc là người không đầu tư thời gian để học về khía cạnh kinh doanh trong ngành nghề của họ. Họ không tìm hiểu nhiều cách khác mà người viết có thể kiếm được tiền, cũng như không biết cách xem sản phẩm của mình như một món hàng kinh doanh.

7. Chỉ viết cho mình

Người ta không mua câu chữ. Người ta mua ý tưởng có sự đồng điệu với họ dưới tư cách là một con người. Và từ “mua” ở đây không đơn giản là hành động mua bán, nó còn có nghĩa là họ cảm thấy đồng tình, kết nối mạnh mẽ với ý tưởng đằng sau câu chữ của bạn.

Vậy nên nhiều người thất bại bởi họ nghĩ rằng viết lách là một hành động ích kỷ, chỉ viết cho chính mình, thỏa mãn mình trước. Họ viết bất cứ thứ gì họ muốn và mong muốn người khác phải đọc, phải lắng nghe họ. Thật ra ngoài chính mình ra, bạn đang viết ít nhất cho một ai đó. Bạn đang cho người ta một giá trị nào đó, như tri thức, như một câu chuyện khơi gợi ký ức, hay một nhân vật họ cảm thấy liên quan đến mình...

Tư duy viết cho chính mình có lẽ chỉ hữu ích khi bạn muốn hiểu mình, biết mình là ai thông qua viết lách, hoặc khi bạn không có nhu cầu kiếm tiền từ con chữ.

8. Viết lách tùy hứng

Viết lách yêu cầu thói quen và sự luyện tập. Những cây viết lừng danh như Hemingway, Bukowski,... họ luôn liên tục nhắc nhở về tầm quan trọng của việc viết lách hàng ngày, và thường là cùng một khoảng thời gian trong ngày.

Trong thế giới viết lách ngày nay, có một quan niệm khá lệch lạc đó là “muốn viết phải chờ cảm hứng”. Viết lách không gì hơn là một thói quen ngồi trên ghế, một mình, và tự hỏi chính mình làm sao để sắp xếp thành chữ những gì bạn nghĩ hay cảm nhận. Hơn nữa, đừng viết chỉ vì bạn phải viết, phải hoàn thành một thứ gì đó. Hãy biến viết thành một bản năng, một việc bạn làm không cần lý do.

Viết lách quả thực là một cuộc chạy marathon đường dài, nó không phải là thứ “một phút huy hoàng rồi chợt tắt.”

9. Ôm đồm nhiều thể loại

Bạn giỏi ở một thể loại viết không có nghĩa là bạn giỏi viết tất cả mọi thể loại. Nhiều cây viết nghiệp dư nghĩ rằng mình có thể viết được tất cả mọi thứ. Phải, bạn có thể viết được tất cả mọi thứ. Nhưng liệu bạn có viết HAY được ở mọi thể loại hay không? Câu trả lời là không. Bạn có thể viết tốt ở một lĩnh vực này hơn người khác, như tiểu thuyết, nhưng người khác cũng có thể thay thế bạn ở một lĩnh vực khác, như viết quảng cáo.

Vậy nên, trong vô vàn thể loại viết lách, hãy lựa chọn 3 thể loại chính, và rèn luyện từng thể loại một vào từng thời điểm.

10. Không chia sẻ tác phẩm rộng rãi

Người viết không thể thành công nếu họ không bắt đầu chia sẻ tác phẩm của mình.

Có rất nhiều cây viết ngoài kia chưa bao giờ dám nhấn nút công khai sản phẩm của mình bởi họ có quá nhiều nỗi sợ. Sợ bị phán xét, sợ bị dòm ngó, sợ “bị” nổi tiếng. Họ than vãn vì tên tuổi của mình không có ai biết đến, nhưng đồng thời họ lại chẳng dám công khai tác phẩm của mình ở những nơi nhộn nhịp như Facebook, Medium, Spiderum,...

Họ cũng chẳng viết blog, và cũng không tìm cách để xây dựng nhóm độc giả cho mình. Họ có đang mơ mộng với nghề viết quá không khi luôn nghĩ đến viễn cảnh rằng một ngày nào đó khi họ đang ngồi viết kịch bản ở một quán cà-phê, có một nhà biên tập nào đó bất thình lình xuất hiện muốn mua kịch bản đó và mọi người sống hạnh phúc từ đó về sau?

Đây là câu chuyện của thói quen, tư duy và quá trình. Bạn cần cho mình thời gian để thay đổi, thích nghi và rèn luyện. Hãy cứ mạnh dạn, dũng cảm, kiên trì và không ngừng học hỏi, bạn sẽ xây được cho mình cây cầu đến đích chuyên nghiệp thôi.

(Theo Writerslife)

(5 ratings)

Tags: writer, nghiệp dư, sai lầm