Người đăng: phanlinh   Ngày: 24/03/2020   Lượt xem: 840

Ok, hãy tạm coi bạn là một freelancer. Ở những phần trước mình đã làm rõ với các bạn khái niệm về freelance writer, khi nào bạn nên bắt đầu chuyển hướng sang làm freelance writer và tầm quan trọng của việc đặt ra những mục tiêu cụ thể.

Giờ các bạn cần biết thêm điều này: Khi bạn nghỉ việc, không ai còn là ông chủ của bạn nữa. Bạn là ông chủ của chính mình. Bạn phải có trách nhiệm tạo ra thu nhập, cũng như tiếp thị về dự án của mình, tìm việc và tự làm việc chuyên môn luôn.

Những công việc đầu tiên cần làm trong vai trò Freelance Writer?

Hãy coi công việc của bạn như cách người ta vận hành một doanh nghiệp. Chỉ có khác doanh nghiệp của bạn là all-in-one, tất cả đều một tay bạn tự làm hết. Bạn sẽ phải đội nhiều chiếc mũ khác nhau, tư duy đa dạng trong nhiều vai trò khác nhau. Có thể nó không dễ dàng với nhiều người ở thời điểm bắt đầu. Nhưng thật sự, với mình thì, được làm những việc này là một CẢM GIÁC TUYỆT VỜI NHẤT MÌNH TỪNG TRẢI QUA.

Nó chính là cảm giác tự chủ và tự do thực sự.

Thôi khoan nói tiếp về sự sung sướng khi được tự do làm việc. Mình sẽ chia sẻ ngay sau đây những gì mình đã bắt tay vào làm khi chính thức trở thành fulltime writer, để đảm bảo rằng việc mình lựa chọn chuyển đổi sang thành freelancer, là một bước ngoặt đúng đắn.

1. Nghiên cứu thị trường

Chúng ta luôn cần có một cái nhìn về thị trường trước thay vì lao đầu vào kiếm việc ngay lập tức. Điều này đảm bảo bạn giảm thiểu được những rủi ro và tiết kiệm được thời gian.

Bạn sẽ cần biết chủ đề hay lĩnh vực mà bạn muốn viết về có nhu cầu thế nào, thù lao được trả ra sao, có thể tìm thấy ở đâu..

Nhưng bạn sẽ tìm ở đâu?

Đây là 2 chỗ mình đã từng tìm để xem liệu có cần writers không: các mục tuyển dụng (của các thương hiệu/doanh nghiệp) và Facebook group.

- Với các mục tuyển dụng trực tuyến:

Đầu tiên hãy xem những loại công việc họ đăng tuyển là gì. Bạn sẽ nhanh chóng nhìn thấy những doanh nghiệp họ đang tìm kiếm việc làm nội dung trực tuyến thế nào. Có mấy cách bạn có thể tiếp cận họ:

Viết 01 bài miễn phí cho họ (bài blog, hoặc bài PR, hoặc viết lại giới thiệu doanh nghiệp chẳng hạn...)

Theo dõi họ trên social media, bình luận/nhận xét về những nội dung của họ và cách bạn có thể cải thiện.

Networking - thông qua giới thiệu của bạn bè, gia đình, những khách hàng khác - bạn có thể tiếp cận và thảo luận với họ về những đề xuất của bạn.

Những cách thức này có thể mang về cho bạn những hợp đồng đầu tiên, dao động từ vài trăm tới vài triệu đồng. Và biết đâu may mắn, bạn có thể hợp tác lâu dài với họ.

- Với các Facebook group:

Chỗ này là nơi có rất nhiều khách hàng tiềm năng. Các group tuyền dụng như chợ viết, chợ content, tuyển dụng freelancer vô cùng đa dạng. Nhưng tất nhiên không phải tin tuyển dụng nào đăng lên đây cũng chất lượng và đáng tin cậy.

Bạn cũng có thể tham gia các nhóm nhỏ là cộng đồng của các doanh nhân hoặc các doanh nghiệp nhỏ. Nơi đây chắc chắn sẽ có cơ hội khi bạn giới thiệu dịch vụ của mình.

2. Đưa ra bảng báo giá của riêng mình

Hãy nghĩ nghiêm túc về mức thù lao phù hợp với bạn, đừng có chờ tới lúc có khách hàng hỏi bạn mới đi tìm kiếm và nâng lên đặt xuống.

Mức thù lao này cũng có thể linh hoạt, nghĩa là bạn không cần cứ phải đưa ra một mức cố định. Bạn có thể nâng lên, hạ xuống hoặc giữ nguyên tùy vào một số trường hợp nhất định. Ví dụ như viết số lượng lớn hơn thì chi phí sẽ giảm đi một chút.

Bạn cũng có thể set mức thù lao tính theo giờ. Ví dụ mỗi ngày bạn làm 5 tiếng, thì mỗi tiếng tương đương với bao nhiêu tiền và quy đổi để tính được thời gian bạn dành cho từng dự án.

Với mình thì thấy phù hợp nhất là tính phí theo dự án, dựa trên mức độ khó/dễ, thời gian phải hoàn thành và dung lượng nội dung. 1,000,000đ/giờ có thể tương đương với một bài viết 1000 từ.

Hiện tại, mình cũng thường viết các bài viết cho báo Tuổi trẻ, nhuận bút dao động khoảng 1,000,000đ - 2,000,000đ/bài khoảng 1000 từ. Hoặc là viết các bài viết chuyên sâu về chủ đề parenting/giáo dục, với chi phí khoảng 2,000,000đ - 3,000,000đ/bài khoảng 1500-2000 chữ cho các nhãn hàng.

3. Nếu không có nhiều cơ hội, cần nhanh chóng chuyển hướng

Điều gì sẽ xảy ra khi bạn làm việc đã 3 tháng mà không tìm được khách hàng hay thị trường cho dịch vụ viết mà bạn cung cấp?

Hoặc là, bạn đã tìm ra thị trường ngách phù hợp nhưng nó chẳng đủ để bạn trang trải những nhu cầu cơ bản nhất trong cuộc sống?

Nếu bạn cảm thấy không có nhiều cơ hội, hãy nhanh chóng chuyển hướng. Đừng có ở lại quá lâu với thất bại hay cứng đầu theo đuổi những thị trường bạn không có hoặc không còn có thể tìm ra cơ hội.

Hãy chấp nhận rằng bạn cần thay đổi những gì mình đang làm và có hành động mới. Nếu kế hoạch A không hoạt động thì hãy lên kế hoạch B, thậm chí là kế hoạch C.

Hãy tìm tới những thị trường có nhiều cơ hội hơn hoặc được trả thù lao tốt hơn.

Bạn có thể cũng nên đăng ký một khóa học, để được tư vấn bởi những người có chuyên môn và kinh nghiệm, như là một người cố vấn để có được những bước đi đúng đắn hơn. Bạn sẽ học được những kỹ năng, cách thức để có thể thêm vào dịch vụ của mình, đa dạng hóa danh mục dịch vụ và tìm được những công việc phù hợp hơn.

Ở phần tiếp theo, mình sẽ chia sẻ về tính chất khắt khe và đôi khi cũng rất áp lực, khẩn trương của công việc freelance writing. Đừng nghĩ làm freelancer là nhàn nhã và tự do. Nó thực sự là công việc đòi hỏi sự tự nhận thức, tính tự giác, trách nhiệm và chủ động rất rất cao.

--- Linh Phan---

(2 ratings)

Tags: Freelance Writer, writer